Không có gì mà ầm ĩ cả

Lời xin lỗi

Thứ Năm, 22/01/2015, 07:00
Có câu "Ai luôn nhìn thấy lỗi người khác thì không bao giờ nhìn thấy lỗi của chính mình". Còn bạn, bạn có buồn khi thấy lỗi của ai đó không?

Cuộc sống vẫn trôi đi bình yên nếu không có chuyện, nhà đài phải liên tiếp xin lỗi. Đầu tiên là chuyện nhà đài khăng khăng cho rằng một cầu thủ U19 khai man tuổi. Chuyện chưa đủ nguội thì nhà đài lại phải xin lỗi về chương trình "Điều ước thứ 7" đã đưa thông tin không chính xác về một đôi vợ chồng hát rong. Câu chuyện đã lấy đi của khán giả một đại dương nước mắt, làm thổn thức bao trái tim nhân hậu rồi không chỉ có vậy, người ta phát hiện ra chương trình đã sử dụng những chi tiết sai thực tế khiến người trong cuộc bức xúc muốn làm cho ra nhẽ.

Nhiều người đã tiếc giọt nước mắt của mình rơi không đúng chỗ. Thậm chí ngay đạo diễn của chương trình cũng phải cay đắng rằng: "Tuy nhiên, sự việc khiến chúng tôi cũng buồn rất nhiều là từ giờ mình không được phép tin nhân vật mà mình yêu quý nữa. Cá nhân tôi không cảm thấy vui vẻ gì, khi những điều người ta tâm sự, người ta nói mình lại không tin. Nhưng mà đó cũng là bài học để mình rút kinh nghiệm".

Minh họa: Tả Từ.

Đạo diễn chương trình đã chọn cách hành xử đúng là nhận lỗi về mình. Dám làm dám chịu. Rất nhiều người chỉ trích nhóm làm chương trình dữ dội, nhưng có không ít người sẵn sàng tha thứ. Mọi ý kiến đều công nhận chương trình xúc động, đánh thức những tình cảm nhân văn, không đòi hỏi vấn đề chính xác. Có người nhân hậu nói: "Sau bài phỏng vấn và lời xin lỗi này của chương trình Điều ước thứ 7, nếu ai cho mình là người hoàn hảo không bao giờ phạm lỗi lầm thì cứ việc ném đá tiếp còn nếu không thì xin hãy đặt cục đá xuống và để mọi việc trôi vào quá khứ".

Xu hướng duy tình áp đảo. Thiên chức chính xác của báo chí không mấy ai đưa lên đầu. Khán giả không quá cần xác tín mà chỉ cần có cái để đọc và để gạt lệ. Họ quan tâm hơn đến một câu chuyện cho dù xa thực tế. Nói rộng ra, xu hướng sáng tác có vẻ được cổ vũ ngầm.

Khác với những cuộc xin lỗi đầy khó khăn trước đó, lần này, đạo diễn đã nhận lỗi chân thành ngay và sẵn sàng nhận kỷ luật. Tín hiệu tốt cho nhà đài. Nhớ lại ngày xưa, mỗi lần sai sót lỗi nho nhỏ, các ấn phẩm thường in các đính chính. Nội dung đính chính bao giờ cũng có câu "thành thật xin lỗi bạn đọc!". Dường như việc xin lỗi này có vẻ mất mặt quá nên đã có giai đoạn "cải tiến" biến đính chính thành mục "Nói lại cho rõ". Văn mẫu là câu trước nêu phần nội dung đã in không chính xác là ABC rồi câu tiếp theo là "xin nói lại cho rõ" nội dung chính xác là CDE. Mục này không hề xin lỗi mà chỉ nói lại cho rõ thôi. Sợ lần trước tai mắt của độc giả có vấn đề không "cảm thụ" được lỗi.

Thế giới người ta cũng hay xin lỗi nhưng cũng chẳng nhẹ như lông hồng. Người Nhật là nói lời xin lỗi ở mọi nơi, mọi lúc vì với họ thì luôn luôn nhìn thấy lỗi của mình trước khi thấy lỗi người khác. Khi sai lầm xảy đến, người đứng đầu luôn nhận trách nhiệm cao nhất. Đó là cách tự trọng của mỗi cá nhân. Nhưng ngay cả xứ này thì việc xin lỗi cũng không dễ dàng vì họ thấy trách nhiệm nặng nề của lỗi lầm thực sự chứ không phải kiểu xin lỗi chiếu lệ.

Do vậy, ở Nhật có cách giúp đỡ những người muốn xin lỗi bằng dịch vụ xin lỗi. Nhiều người cảm thấy sợ hãi, xấu hổ hoặc không đủ kiên nhẫn đối diện với người mình cần xin lỗi. Ngày càng có nhiều người Nhật tìm người "cúi đầu" thay cho mình. Bảng giá của việc cúi đầu xin lỗi "giùm" này tất đầy đủ các dịch vụ: Gặp mặt xin lỗi; gọi điện thoại xin lỗi; gửi email xin lỗi… không hề rẻ chút nào. Khách hàng đã phải trả giá đắt cho lỗi lầm theo nghĩa đen.

Bỗng dưng muốn hỏi: Dịch vụ này mà khai trương ở xứ ta liệu có được ủng hộ không?

Có câu "Ai luôn nhìn thấy lỗi người khác thì không bao giờ nhìn thấy lỗi của chính mình". Còn bạn, bạn có buồn khi thấy lỗi của ai đó không?

Lê Tâm
.
.
.