Lợn thì đã sao (?!)

Thứ Ba, 17/03/2015, 14:30
Cô nhà văn Trang Hạ vừa khiến đám đông đì đùng vì phát ngôn "Đàn ông về nhà chỉ ăn - tắm - ngủ khác gì con lợn".
Chị Trang Hạ đang nói đàn ông nào? Chắc chắn là đàn ông Việt rồi.

Chị Trang Hạ có thật sự nghĩ đàn ông Việt là lợn không? Chắc chắn là không rồi.

Chị Trang Hạ có thù ghét đàn ông Việt hay không? Chắc chắn cũng là không rồi.

Lợn thì có gì là không hay, lợn thì có gì là không tốt.

Thiên hạ mắng "Ngu như lợn". Ơ, thế không phải tiền nhân đã từng đúc kết "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ" hay sao.

Thiên hạ lại mắng, "Lười như lợn". Ơ, thế lợn mà không lười thì lợn đã biến thành con lừa, con la, con ngựa, con trâu, con bò rồi.

Thiên hạ vẫn mắng, "Bẩn như lợn". Ơ, lợn rừng thì bẩn là do đặc tính, còn lợn nhà bẩn là do chủ chứ.

Ngô nghe thấy "Nhìn cái áo sơ-mi của đàn ông, biết vợ người ấy như thế nào". Tất nhiên, đây chỉ là kiểu ví von thôi, chứ đàn ông bây giờ cũng phải khác.

Đàn ông ngày trước, ăn trước trên mâm, quyết việc nhà trước khi hỏi vợ. Muốn đi là đi, muốn ở là ở, vợ cấm dám mở miệng truy vấn nửa câu. Việc dạy dỗ con cái đùn đẩy hết cho vợ, thế mới có câu "Con hư tại mẹ".

Đàn ông hiện tại theo quan sát của Ngô đã biến đổi nhiều.

Ngô có mấy anh bạn, vợ ở cữ, một tay chăm sóc con. Từ vệ sinh cho đến giặt tã, rồi cho con bú mớm bằng bình, ẵm đi phơi nắng sáng. Có anh còn nấu được cả đồ ăn dành cho phụ nữ sau sinh tẩm bổ.

Ngô có mấy anh bạn, đi làm về là lập tức lao vào nhà dọn dẹp phòng, cho đồ vào máy giặt, rửa chén bát… Có anh còn nhặt rau, kho cá.

Ngô có mấy anh bạn, chuyện lớn chuyện nhỏ gì liên quan đến cuộc sống gia đình đều tìm đến sự tham vấn của vợ. Không phải lối, "Ý vợ là ý trời", chỉ là sự biểu thị niềm tôn trọng nhau.

Ngô có mấy anh bạn mà đến Ngô nhìn Ngô còn ngưỡng mộ huống hồ là phụ nữ.

Tất nhiên, bàn tay ngón ngắn ngón dài, bàn chân ngón trường ngón đoản, có cá nhân này cũng có cá nhân khác.

Minh họa: Tả Từ.

Có đàn ông chiều vợ thì cũng có đàn ông đánh vợ.

Có đàn ông chung thủy thì cũng có đàn ông ngoại tình.

Có đàn ông tháo vát thì cũng có đàn ông lười nhác.

Có đàn ông thăng tiến thì cũng có đàn ông thất nghiệp.

Có đàn ông phóng khoáng thì cũng có đàn ông nhỏ nhen.

Thế nên, luận bàn về đàn ông (hay phụ nữ) cũng như thầy bói mù sờ voi vậy. Sờ vòi, bảo đàn ông giống vòi. Sờ tai, bảo đàn ông giống tai. Sờ đuôi, bảo đàn ông giống đuôi… Luận bàn kiểu ấy rất phiến diện và sai lầm.

Ngô không cáu với chị Trang Hạ, vì theo quan điểm Ngô, ví von vậy lợn cũng cảm thấy xúc phạm chứ đừng nói đàn ông. Hơn nữa, không phải lợn đã biến thành vật cưng của các thiếu nữ hay nhà giàu Châu Âu từ rất lâu rồi hay sao(?).

Ngô chỉ thương cho chị Trang Hạ, trót không may gặp phải đàn ông mà như lợn. Khiến chị trở nên cáu gắt với đàn ông mà thôi.

Phụ nữ vất vả nhiều lắm rồi, phụ nữ không may có chồng mà như lợn theo cách nói của chị Trang Hạ còn vất vả gấp trăm nghìn lần nữa.

Ngô cảm thương cho chị Trang Hạ biết mấy, chỉ hận là cách trở xa xôi, Ngô lại vô danh tiểu tốt, chị như vầng thái dương trên mạng Internet, muốn gặp nhau ủi an dăm câu đôi chuyện nhưng lại không có cơ may.

Vậy đó, lợn thì đã sao(?).  

Ngô
.
.
.