Long lanh giọng hát ca trù Chanh Thôn

Thứ Hai, 14/09/2015, 14:00
Sau một năm nghệ thuật hát ca trù ở nước ta được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới thì bất ngờ người ta phát hiện ra ở Chanh Thôn thuộc xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên cũng đã có phường hát ca trù từ trước Cách mạng Tháng 8. Có thuở số ca nương ở đây khá đông, tới 32 người, cùng với đó là 17 kép đàn rất điêu luyện. Vậy mà số nghệ sĩ này rơi rụng dần, sau 60 năm chìm lấp trong chiến tranh và sự hối hả của cuộc mưu sinh...

Cảo thơm lần giở trước đèn

Thật tình cờ, một người làng đi thăm con gái là diễn viên chèo ở Hà Nội đã có dịp đi xem chương trình hát ca trù. Thấy hay quá, bỗng ông ta thốt lên, ca trù như thế này thì ở làng tôi cũng có. Mọi người ngoái lại nhìn và tỏ ra khó tin. Ông ta nói luôn một mạch ở làng hiện có những đào hát không kém gì những người đang biểu diễn trên sân khấu kia, và rằng còn có kép đàn hiện vẫn đi phục vụ khắp nơi. 

Thế là mọi người báo tin, hai ông trùm văn nghệ dân gian là Giáo sư Tô Ngọc Thanh cùng với nhạc sĩ Đặng Hoành Loan về tận làng gặp các ca nương hồi nào, nay đã lớn tuổi những vẫn còn tròn vành rõ chữ lắm. Họ hát và đàn làm các quan khách ngạc nhiên. 

Bằng chứng nhận Nghệ nhân Dân gian của bà Khướu.

Thậm chí nhạc sĩ Đặng Hoành Loan còn khen giọng hát của các bà ở đây như bà Khướu, bà Vượn hay không kém gì nghệ nhân Nguyễn Thị Trúc, một người hát ca trù nổi tiếng ở nước ta. Ông còn nói hiếm có nơi nào còn lại một nhóm nghệ sĩ hát ca trù “nguyên đai nguyên kiện” như thế. Nghĩa là ca trù gốc, vốn cổ, lời xưa của các giai nhân tài tử thời đầu thế kỷ 19.

Đó là câu chuyện diễn ra từ năm 2007. Và, Câu lạc bộ ca trù (CLB) của làng Chanh Thôn ra đời từ đó, với 3 nghệ nhân dân gian được cấp giấy chứng nhận và làng trở thành một địa chỉ hát ca trù để mọi người tìm đến. Càng bất ngờ hơn, vào năm 2009, làng cử 4 nghệ nhân đi dự hội diễn thì cả bốn đều đoạt HCV, và một bằng khen cho tập thể CLB. Giáo sư Tô Ngọc Thanh vui mừng nhận định, ca trù Chanh Thôn là vật báu quốc gia. Ở đây các nghệ sĩ còn giữ được nguyên bản vốn ca trù cổ. Họ là một pho sử sống, bảo tàng sống về văn hóa dân gian.

Xem ra các nhà chuyên môn không nói quá lời, khi về khảo sát tận nơi mọi người mới hay từ đầu thế kỷ XIX, làng đã có một phường hát ca trù. Người lập ra phường hát là nghệ nhân Nguyễn Văn Đỉnh, một người con xa xứ về làng sinh sống. 

Đó là một gia đình, hoạt động nghệ thuật và mưu sinh chính bằng nghề hát ca trù. Họ mang tới làng Chanh Thôn một không khí hăng say mới lạ qua đàn ca nhịp phách. Không bao lâu, ca trù có sức thu hút người làng; không ít người theo học và hành nghề. Những làn điệu như hát nói, hát mưỡu, hát ru, hát huê tình... đã trở nên thân quen. Từ đó một dòng ca trù riêng của Chanh Thôn hình thành và nhiều địa chỉ hát được phát triển rộng khắp thu hút khách thập phương kéo về. 

Vào những thập niên 30 của thế kỷ trước, ca trù Chanh Thôn đã kết hợp với các phường giáo ca trù xung quanh thành phố Hà Nội tổ chức hội thi đàn và hát ca trù để chọn kép đàn và ca nương giỏi đi phục vụ cung đình Huế. Phường hát của Chanh Thôn ngày đó thường hay được chọn đi hát nhiều lần và đã trở thành một thương hiệu vang danh một thuở. Người ta vẫn nhớ hồi đó có ca nương Nguyễn Thị Ước còn được mời vào Huế biểu diễn hàng tháng trời.

Chả thế mà vào những năm 1937-1944, các nghệ nhân trong làng đã mở một số ca quán, ở vùng Đông Bắc Bắc bộ. Những ca quán này có một màu sắc riêng khác với các phường hát ca trù ở trong nội thành Hà Nội như Khâm Thiên, Thái Hà... đã thu hút nhiều văn nhân từ khắp nơi về cầm chầu. 

Nhưng sau năm 1944, người dân Chanh Thôn cùng nhiều vùng quê nô nức tham gia vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nên các ca quán của làng đều giải tán. Tiếc thay từ đó dòng ca trù của Chanh Thôn bị lui vào dĩ vãng. Dường như thời gian kéo dài tới hơn nửa thế kỷ trong nỗi buồn man mác và niềm day dứt của những ca nương và những kép đàn nổi tiếng một thời...

Gặp những nghệ nhân còn lại   

Người chúng tôi gặp đầu tiên là nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu, hiện là người dạy hát chính cho những lớp đàn con cháu tham gia CLB. Chính bà là ca nương xinh đẹp đã rời ca quán, tham gia chiến đấu và trở thành cô du kích hết sức gan dạ. 

Bà hồ hởi tâm sự, bà cũng không hiểu sao từ ngày đó phường ca trù của làng bị tan rã. Mới đó ngày nào còn là các ca nương ở tuổi đôi mươi, giờ đây đã lên ông lên bà nhưng vẫn nhớ các làn điệu ca trù. Thỉnh thoảng mấy người rủ nhau hát cho đỡ quên và tự an ủi vì một thời đã nổi đình nổi đám hát ca. Thật là may sau khi CLB thành lập, bà Khướu cùng với bà Vượn và kép đàn duy nhất còn lại là ông Khoái được mời đến truyền dạy cho các con cháu để giữ lấy cái vốn ca trù và cũng là vốn quý của ông cha để lại.

Nghệ nhân Nguyễn Thi Vượn - Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu.

Vào năm 2007, CLB được thành lập, các nghệ nhân cũng đều đã ở tuổi cập kề 80. Ai cũng say sưa hát và truyền dạy cho con cháu. Thậm chí nghệ nhân Khướu đã vận động cả cháu nội tham gia CLB để mong có người nối nghiệp. Bà nhớ gia đình mình đã năm đời theo nghiệp ca trù, từ bà nội đến cha đều là những nghệ nhân nổi tiếng cả một vùng. Bà đã được học ca trù từ năm lên 10 và nhanh chóng nối nghiệp cha, một ông trùm ca quán ở tổng Vạn Điểm xưa. Gia đình bà đã từng mở nhà hát riêng rải từ Đáp Cầu (Bắc Ninh), rồi Thường Tín, Đỗ Xá, Cầu Giẽ hay Cầu Guột... 

Những hồi ức xưa dội về. Bà kể hồi trước, bà cùng anh chị em đi hát khắp vùng. Có hôm cả nhà phải chia nhau đi hát ở mấy cửa đình liền. Có khi còn phải vượt qua sông Hồng sang bên Ân Thi, Hưng Yên biểu diễn theo lời mời cả hội hè lẫn đám khao, đám cưới. Ca nương Nguyễn Thị Khướu ngày ấy rất tự hào vì có bà nội đã đạt nhiều giải thưởng và được mời vào Huế hát cho vua quan nghe.

Kể đến đó đôi mắt nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu thoáng buồn. Bà thở dài nói, vậy mà phải nhịn hát mãi nửa thế kỷ, giờ đây mới được cất tiếng thì đã già rồi. Bà chỉ lên bằng chứng nhận “Nghệ nhân dân gian” nói, cùng với bà giờ chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn nhưng tuổi đã cao, yếu lắm rồi. Không biết còn truyền dậy con cháu được bao năm. Cũng may kép đàn, nghệ nhân Vũ Văn Khoái trước khi mất cũng đã truyền được ngón đàn tuyệt diệu của mình cho một học trò tài giỏi Nguyễn Hồng Ngưu. Nhưng như thế quả là quá ít...

Cụ Vượn và tác giả.

Theo chỉ dẫn của bà Khướu, chúng tôi tìm đến nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn, người đã ở tuổi 91. Thật không ngờ, cụ Vượn vẫn còn nhanh nhẹn và tươi cười đón chào. Chúng tôi mới hỏi vài câu cụ đã cất tiếng hát và nói mọi chuyện về phường ca trù Chanh Thôn xưa. Người con gái cả của cụ vừa đi chợ về và rót cho cụ một chén rượu và nói đó còn là thú vui cuối cùng của mẹ. 

Cụ kể mình đã từng đi hát ở Khâm Thiên và là một ca nương tự học và có năng khiếu âm nhạc có thể hát cả chèo và cải lương. Khi chúng tôi muốn nghe lại một bài bản quen thuộc, cụ hát luôn bài ca “Hồng hồng tuyết tuyết”. Giọng cụ đã yếu theo thời gian nhưng vẫn ngọt và long lanh âm sắc. Những lời ca ấy đã ghi dấu một thời gian lừng lẫy của cụ.

Chúng tôi lắng nghe như ngấm từng ngón nhấn nhá qua mỗi lời ca: “Non xanh xanh, nước xanh xanh. Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa. Ấy ai tháng đợi năm chờ. Mà người ngày ấy bây giờ là đây!”. Đó là khúc Miễu trong vắt, thánh thót nghe tựa cõi lòng người ca nương trẻ ngày nào được người đưa kẻ đón. 

Gương mặt cụ Vượn hồng lên đắm đuối vào điệu hát Nói, tiếp sau đó: “Hồng hồng tuyết tuyết... Mới ngày nào còn chưa biết chi chi. Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì. Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu...”. Chúng nghe và mơ màng cùng với những âm thanh đẹp và sang trọng còn sót lại của một thời Chanh Thôn.

Hát xong, cụ Vượn thở dài và lúc lắc cái đầu rồi uống thêm một ngụm rượu nhỏ, với những cọng rau xanh. Đôi mắt cụ trầm buồn như muốn nói điều gì đó mà không thể.

Hãy lưu giữ và làm đầy kho báu Chanh Thôn

Thời gian thật khắc nghiệt, khi hai nghệ nhân đều đã ở tuổi thượng thượng thọ. Những làn điệu còn nằm lòng ở hai người và cũng là kho báu có nguy cơ mất đi nếu CLB và những nhà văn hóa địa phương không có kế hoạch khai thác. 

Ngoài những giờ lên lớp truyền dạy trực tiếp nên có phương án ghi âm lại những làn điệu và lời ca mà các cụ còn đang lưu giữ trong trí nhớ. Bởi đào tạo một ca nương với cách truyền dạy hiện nay là quá chậm và không biết đến bao giờ lớp đàn em và con cháu mới thuộc hết và hát được. Thời gian với các nghệ nhân chỉ còn tính đếm ngắn ngủi. Sự tồn tại của CLB ca trù lâu nay trông cậy vào những nghệ nhân, nay đã già yếu quả là khó trụ vững. 

Biết làm sao đây, nghe cụ Vượn hát cùng với những giọt nước mắt của thời gian, chúng tôi thật chạnh lòng. Không thể để một thời, dòng ca trù bị lãng quên trở lại, giống như bà Nguyễn Thị Ngoan, chủ nhiệm CLB ca trù Chanh Thôn đã từng viết: “Bao năm dãi nắng dầm mưa. Trên quên, dưới bỏ như thừa vô duyên”.

Chung Tử
.
.
.