Không có gì mà ầm ĩ cả

Lòng tự trọng bị tổn thương

Thứ Ba, 08/12/2020, 11:34
Vụ nữ sinh An Giang tự tử hôm 30-11 vì cách hành xử của nhà trường cho thấy tầm quan trọng của ứng xử giữa nhà trường và học sinh, sai một ly đi một dặm. May mắn là nữ sinh được cứu kịp thời.


Việc phê bình trước tập thể là thô bạo không thể chấp nhận được. Mọi kỷ luật đều hướng tới giáo dục thành người chứ không phải chỉ là khuôn phép.

Chúng ta say sưa nhiệt thành nói nhiều và làm không ít hướng tới một môi trường giáo dục, học tập hạnh phúc và hẳn mỗi người đều nhớ nguyên tắc, khen ngợi chỗ đông người, phê bình khi thân mật. Nhân sự việc đau lòng trên, cần bàn về cách ứng xử với trẻ em nói chung. Các cụ xưa nói ngắn rằng đừng để ai mất mặt. Khi bị giội gáo nước lạnh trước tập thể, người bị phê bình sẽ không biết rúc đầu vào đâu để giấu sự xấu hổ. Phản ứng tiếp theo là chống trả bất cần hoặc tiêu cực hơn là tự tử.

Trong các dạng bạo hành thì bạo hành bằng đòn roi chưa đáng sợ bằng bạo hành ngôn ngữ. Bạo hành bằng đánh đập có thể khiến trẻ em chai sạn, dạn đòn và dẫn tới vô cảm. Bạo hành ngôn ngữ là bạo hành tinh thần, nặng hơn là khi lòng tự trọng bị tổn thương dẫn nạn nhân tới những hành động tiêu cực, có nạn nhân tìm tới sự giải thoát.

Minh họa Lê Tâm.

Một trong những câu trẻ em dễ bị tổn thương nhất là "không xứng đáng là con của bố mẹ". Có đứa trẻ 8 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội chỉ vì nhận một câu như trên mà bỏ nhà ra đi. Trong khi gia đình tưởng bị đuối nước đâu đó tìm khắp ao hồ thì nhận được tin người nhà gặp và đưa cháu ở Lạng Sơn và đưa về.

Chúng ta có thể đâu đó đã từng nghe từ "ăn hại", "đồ vô dụng", "toi cơm bố mẹ", "Học dốt thế này thì nhịn đi, cho ăn cho phí cơm", "tao cho mày ăn cơm chứ có cho mày ăn… đâu mà sao mày ngu như lợn"… Những câu tưởng như bình thường chẳng khác nào xát muối vào lòng tự trọng của con cái. Phụ huynh thường cho rằng trẻ con biết gì và tin rằng nhân cách chỉ thực sự rõ nét ở tuổi trưởng thành. Thực ra ngay từ môi trường nhi đồng thì nhân cách đã phát triển cơ bản. 

Tuổi này, lòng tự trọng đã rất đầy đủ. Do cơ thể chưa đủ lớn nên trẻ không có khả năng độc lập kiếm sống. Sự phụ thuộc là đương nhiên và vì vậy, mọi sự xúc phạm dù nhỏ cũng gây ám ảnh cho trẻ rất lâu. Có những đứa trẻ ngay từ tuổi nhi đồng đã có một mơ ước nung nấu. 

Không phải là một mơ ước mai sau làm một người tài giỏi như trong sách vở vẫn viết, mà chỉ mong lớn nhanh, đủ khả năng lao động và sẽ bỏ ngôi nhà của mình, không bao giờ trở lại nữa. Đây là một tâm lý có thật với những đứa trẻ bị bạo hành về ngôn ngữ. Ở tuổi dậy thì, nguy cơ càng trở nên khó lường. Chưa cần các nhà xã hội học thống kê, bạn cứ thử hỏi các bạn mình xem hồi nhi đồng, thiếu niên đã từng bỏ nhà ra đi hoặc muốn bỏ nhà ra đi chưa? Câu trả lời sẽ làm bạn ngạc nhiên.

Những đứa trẻ tự tử thường là những nạn nhân của đám đông, có ít bạn bè, ít người lớn sẵn sàng ngồi tâm tình hỏi han. Những trẻ rơi vào hoàn cảnh như vậy thường bế tắc trầm cảm. Các bậc phụ huynh cũng như giáo viên cần dành nhiều tâm lực hơn cho các học sinh đặc biệt để "nghe" được mọi biểu hiện.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh cảnh báo: "Hiện nay, trên thực tế ở Việt Nam, vấn đề sức khoẻ tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Theo số liệu của 1 số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%,  trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%."

Ông khuyên rằng "cần phải nghi ngờ trẻ có ý định tự tử nếu trẻ có các biểu hiện sau: Trẻ luôn than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng. Có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây. Đột ngột có những hành vi bất thường: dặn dò bạn bè, mặc quần áo đẹp, tự nhiên trò chuyện vui vẻ với mọi người sau thời gian dài không giao tiếp với xung quanh".

Nói vậy để thấy chúng ta cần gần gũi trẻ em như thế nào. Lý tưởng nhất là làm bạn với con. Nếu không được mức ấy thì cũng là mức thân thiện gần gũi.

Nói không với việc áp đặt thành tích học tập cho trẻ. Tăng cường các hoạt động vui chơi, đảm bảo đời sống tinh thần lành mạnh cho trẻ. Dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống. Gần gũi trẻ là chìa khóa mở được mọi cách giải quyết bế tắc. Hãy nhớ rằng, đừng để lòng tự trọng bị tổn thương

Lê Tâm
.
.
.