Lòng vị tha của mẹ chồng

Thứ Sáu, 02/10/2015, 07:00
Nhận thư xin lỗi của con dâu, người mẹ chồng đã thức trắng khóc nhiều đêm. Sau một năm suy nghĩ, mới đây, bà đã viết thư hồi âm rằng mẹ không thể không tha thứ, dù con có dại dột đến bao nhiêu...

Bi kịch gia đình

Chồng mất sớm, bà H. (64 tuổi, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) chỉ có một đứa con trai duy nhất nhưng vì được cưng chiều nên con trai bà đã đua đòi theo đám bạn ăn chơi, sa đọa. Sau vài tháng đua theo đám bạn, chàng thanh niên đó đã trở thành một con nghiện ma túy. 

Khi biết con trai nghiện ngập, bà H. đã rất đau khổ nhưng bà cũng chẳng có cách nào để khuyên bảo con trai. Cái gì đến cũng sẽ phải đến với một con nghiện như con trai bà. Nghiện ngập thì sẽ buôn ma túy để có tiền ăn chơi, hút chích và con trai bà đã bị bắt vì tội buôn ma túy để lại vợ con và người mẹ già. Đau đớn là thế, cơ cực là thế nhưng bà H. vẫn phải gắng gượng để sống vì con vì cháu. 

Chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau vì con trai đi tù thì bảy tháng sau khi con trai bà bị bắt, người con dâu tên HTTA (SN 1984) cũng theo người tình đi buôn ma túy, để lại cho bà đứa cháu nội mới được bốn tháng tuổi. Cuộc đời như một đám mây u ám bao trùm lên thân hình gầy yếu và khuôn mặt khắc khổ của bà H. Bà chẳng còn sự lựa chọn nào khác là phải sống để nuôi đứa cháu thơ dại không được bú sữa mẹ.

Lá thư xin lỗi

Khi cháu bà được 9 tháng tuổi thì HTTA đã quay về xin lỗi mẹ chồng, xin được đoàn tụ gia đình và được chăm sóc con gái. Giận con dâu nhiều lắm nhưng bà H. lại nghĩ A. làm vậy cũng là bước đường cùng khi mà chồng đi tù, con còn nhỏ. "Nhìn nó chăm sóc, cưng nựng con gái tôi vui lắm. Tha thứ là cách tôi phải làm để cháu có mẹ, gia đình được đoàn tụ và tạo cho nó cơ hội sửa sai, làm lại từ đầu". Bao nhiêu tình thương, lòng vị tha và tình cảm của người mẹ bà dành hết cho con dâu. 

Nhưng về với con chưa đầy tháng, A. đã bị Công an đến nhà đọc lệnh bắt vì tội mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy. Không những thế, A. còn bí mật bán con mình cho người khác. Phải tìm mọi cách bà H. mới ngăn được việc làm của con dâu, đưa cháu nội về nuôi. "Nhìn nó ngồi trên xe bịt bùng rồi nhìn cháu nội khóc ngất mà tôi suy sụp và căm hận. Con cái sinh ra, yêu thương không hết sao nó lại nỡ mang bán cho người ta?!" - bà H. nói.

Sau khi bị bắt, HTTA ngồi trong trại đã suy nghĩ và ân hận với tất cả những gì mà mình đã làm. Từ trong trại giam Thủ Đức (xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận), A. đã viết thư gửi về cho mẹ chồng: "Con xin lỗi mẹ! Ngàn lần xin lỗi mẹ. Con chẳng dám xin mẹ tha thứ, vì con chẳng đáng được như thế. Suốt hơn hai năm ngồi tù, nghĩ về những việc mình đã gây ra để mẹ buồn và thất vọng con thấy mình thật ích kỷ, nhẫn tâm. Con là mẹ, sinh ra con gái mình, không nuôi được còn mang đi bán cho người ta, rất may, mẹ đã kịp ngăn lại. Là mẹ mà con lại đi làm việc tội lỗi để mình phải đi tù, tạo cho con bé một tương lai mù mịt, để mẹ đã già mà phải thay con nuôi cháu nhỏ…

Rất nhiều lần đứng trước mẹ, con muốn nói xin lỗi, muốn xin mẹ tha thứ cho việc làm của con nhưng lại chẳng làm được. Hôm nay, trại giam phát động phong trào viết thư xin lỗi người thân và những người bị hại con mới dám nói hết suy nghĩ của mình. Mẹ như người mẹ thứ hai của con. Mẹ có một tấm lòng rất cao quý, bao dung, độ lượng. Mẹ yêu thương, chăm sóc, chỉ bảo mà con chẳng nghe lời, chỉ biết làm theo ý mình và chạy theo sự tha hóa của đồng tiền để phải trả giá, phải xa con nhỏ, xa mẹ và xa gia đình thân yêu…

Con sai rồi mẹ ạ! Nhưng khi nhận ra mình sai thì đã quá muộn. Giờ đây, mỗi ngày con chỉ biết sống chậm lại để nghĩ về những việc mình đã làm, nghĩ về mẹ, về con gái mình. Con chỉ mong sao, mẹ và bé Mun (con gái A.) luôn khỏe mạnh, bình yên. Nhất định, con sẽ cải tạo tốt để sớm trở về bên mẹ và con gái con!".

Lá thư của A. gửi về từ đầu năm 2014. Mỗi lần cầm thư trên tay là bao ký ức đau buồn cứ ùa về làm bà uất hận. Lòng bà nặng trĩu, thương cho đứa cháu nội lúc nào cũng nhắc đến mẹ. Mỗi khi chiều về, thấy mấy đứa nhỏ trong xóm chạy ra đường đón mẹ đi làm về và được mẹ bế, ôm ấp là em hỏi nội: "Mẹ con đâu? Sao mẹ con đi làm mãi chẳng về?". Ai mua cho đôi dép mới, bộ quần áo mới em cũng bảo là của mẹ mua. Mấy bộ quần áo của A. treo trong nhà, biết đó là áo của mẹ, em không cho ai động vào. 

"Nghĩ cho con bé, tôi chỉ muốn lấy lá thư ra đọc đến hết, để tìm trong đó một tia sáng và lòng vị tha. Nhưng vừa đến cái tên của mẹ nó thì tôi không thể chấp nhận lời xin lỗi đó. Tôi không thể tin nó nữa. Nó đã định bán con một lần thì sẽ bán lần hai. Chưa chắc nội dung trong thư là của nó viết. Nếu nó có viết thì cũng chỉ là người khác tác động, hay chỉ là những lời nói chẳng phải xuất phát từ tâm" - bà H. trải lòng.

Khi được hỏi: "Nếu không tha thứ có làm bà sống vui hơn?". Bà nghẹn ngào: "Không. Lúc nào tôi cũng nghĩ về những chuyện vợ chồng nó gây ra. Mỗi đêm chẳng ngủ được, mang lá thư ra thềm ngồi mà nước mắt cứ chảy dài trên má"… Ai cũng khuyên bà rằng nếu nghĩ cho đứa cháu nội tội nghiệp thì bà nên tha thứ để tất cả được thanh thản, bà H. cũng được nhẹ lòng hơn, bé Mun cũng sẽ sớm được gặp mẹ.

Lòng vị tha

Sau khi suy nghĩ và bằng tình cảm của một người mẹ, bà H. đã đồng ý tha thứ cho người con dâu tội lỗi, bà đã viết thư hồi âm cho con dâu. Làm được như vậy không chỉ cô con dâu của bà vui mà chính bà là người vui hơn ai hết. Bà thấy thanh thản và vui vẻ nói: Tôi không giận con dâu tôi nữa. Giận nó hay hận nó chỉ thấy đau lòng hơn chứ đâu có vui vẻ gì. Bé Mun chưa biết chuyện mẹ nó đi tù vì tôi cũng không muốn nó nghĩ xấu về mẹ nó. Sau khi viết xong lá thư cho con dâu tôi thấy lòng mình thật thanh thản. 

Bà H. cho biết từ ngày con dâu vào tù đến nay bà chưa một lần vào thăm nhưng giờ đây bà nghĩ đã đến lúc cho cháu nội của bà gặp mẹ nó bởi cho dù người mẹ có xấu xa đến đâu thì tình cảm mẹ con vẫn là trên hết. Bà H. đã luôn nghĩ đến tình cảm để có được lòng vị tha. Bà nghĩ rằng con dâu bà có những phút lầm lỡ nhưng quan trọng là biết quay đầu nhìn lại để nhận ra lỗi lầm và có mục đích hướng về tương lai để thay đổi và hoàn thiện mình. Bà vui vẻ và hạnh phúc khi nghĩ đến ngày con cháu bà được đoàn tụ.

Hải Nam
.
.
.