Lớp học của những người ở tuổi “xưa nay hiếm”

Chủ Nhật, 25/06/2017, 18:04
Với tinh thần “học không có tuổi”, “học để cho con cháu noi theo”, “học để không lãng phí văn hóa cha ông”, lớp học đặc biệt ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã ra đời.


Đặc biệt ở chỗ, các học viên ở đây đều ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, gần 4 năm nay, lớp học Hán Nôm luôn vang lên những tiếng giảng bài, trao đổi của các thành viên dù trời nắng hay mưa.

Học để không lãng phí tài sản cha ông

Chúng tôi đến Vĩnh Sơn vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, đường làng vắng hoe không một bóng người. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là những âm thanh phát ra từ lớp học đặc biệt, lớp học của những lão làng.

Những học sinh đáng tuổi cụ say sưa ê a đánh vần, rồi họ bàn tán cười nói với nhau khiến không ít người phải tò mò. Lớp học Hán Nôm này được chính thức mở từ tháng 9-2013, do yêu cầu học tập, nghiên cứu của các học viên. Lớp học lúc nào cũng duy trì trên đưới 30 học viên, lứa tuổi từ 60 trở lên, người lớn tuổi nhất lên tới 85. 

Dù nắng hay mưa, lớp học này vẫn diễn ra đều đặn.

Để có được lớp học đặc biệt này, phải nói đến công của ông Phạm Văn Thức – Giám đốc Trung tâm Học tập Cộng đồng xã Vĩnh Sơn, người sáng lập và phụ trách. Vốn là một giảng viên của một trường cao đẳng, ông Thức hiểu hơn ai hết giá trị của tri thức và tác dụng to lớn của việc học.

Ông bảo, việc học làm cho người ta minh mẫn hơn, sống tích cực hơn, đặc biệt là người già. Từ đó ông Thức trăn trở, phải lập ra một lớp học nào phù hợp với những người cao tuổi trong xã, trước tiên để họ sống tích cực những tháng ngày tuổi già. Bên cạnh đó, lớp học này phải là nơi thế hệ trẻ nhìn vào để học tập, noi theo.Vậy là lớp học chữ Hán Nôm ra đời sau những tháng ngày trăn trở.

“Trải qua thời gian, chữ Hán Nôm gần như không được sử dụng nên không mấy người, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể đọc và hiểu. Học chữ Hán Nôm không chỉ khiến người ta tư duy, luyện tính kiên trì, ở đó có những bài học làm người, nó là cả một thế giới quan của các bậc tiền bối” – ông Thức chia sẻ.

Đứng trước những bức hoành phi, bộ câu đối trong đình chùa, gia phả, kinh thư… bằng chữ Hán Nôm dẫu được sơn son thếp vàng, treo hoành tráng nhưng chẳng mấy ai hiểu ý nghĩa của nó là gì; ông Thức cho rằng đó là sự lãng phí tài sản của địa phương, biết bao ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà chính chủ nhân của nó lại không hiểu được, thấy được cái hay, cái đẹp của những tinh hoa mà cha ông để lại.

Ông Hạ Văn Gia (78 tuổi) chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi chẳng ai biết chữ nào, nhìn những bức hoành phi câu đối mà không hiểu ý nghĩa. Nhiều cụ xót xa, buồn phát khóc. Chính từ đó chúng tôi mới quyết tâm học và học để giải mã, để giữ lại hồn cốt, nét đẹp văn hóa lịch sử của cha ông”.

Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm lại là chuyện không hề đơn giản, ban đầu nhiều người cho rằng sáng lập ra lớp học là không tưởng. Đơn giản vì đối tượng nhắm vào chủ yếu là người già, về nhu cầu học tập không lớn. Ông Thức cùng một số người tâm huyết đã phải đến từng nhà để động viên các cụ tham gia.

“Nói thật, ban đầu không có nhiều người ủng hộ chúng tôi đâu. Họ cho rằng người già chỉ nên ở nhà nghỉ ngơi, nhúc nhắc làm được gì thì làm. Già rồi học hành làm gì, không có tác dụng gì cả. Những người tâm huyết đã chia nhau đi vào từng nhà động viên các cụ, nói cho các cụ lợi ích của việc học. Dần dần lớp học cũng có hơn 30 cụ tham gia. Không chỉ duy trì tốt mà chúng tôi còn đang mở một lớp ở xã bên. Chính quyền địa phương rất ủng hộ ý tưởng của chúng tôi”- ông Thức nhớ lại.

Với kinh phí eo hẹp được hỗ trợ từ Trung tâm Học tập Cộng đồng xã Vĩnh Sơn, các cụ đứng trước khó khăn không hề nhỏ. Để tồn tại lâu dài, những thành viên tổ chức phải tính toán kỹ lưỡng, hợp lý. Họ không thể thuê thầy về giảng dạy, vì thế tinh thần tự học, tự dạy nhau được đặt lên hàng đầu. Trên tinh thần tự nguyện, ông Phạm Văn Thức – người có kiến thức, hiểu biết Hán Nôm đã đảm nhiệm giảng dạy cho lớp.

“Thực ra tôi cũng chỉ có chút ít về kiến thức Hán Nôm, những gì tôi biết cũng là do tự học, tự mày mò qua sách vở. Chính vì thế ở lớp học này, không có ai là thầy giáo cả, người biết nhiều chỉ cho người biết ít, người biết ít chỉ cho người chưa biết” – ông Thức chia sẻ.

Không chỉ đến lớp trao đổi kiến thức mà các học viên còn qua nhà nhau ôn lại những gì đã học.

Để bồi đắp kiến thức cho mình, ông Thức cùng các thành viên thường xuyên sưu tầm các loại sách liên quan đến Hán Nôm như: Từ điển Hán Nôm, sách về những câu đối, tam kinh, ngũ thiên tự, sách tự học Hán nôm… về nghiên cứu.

Nhằm bổ sung, mở rộng kiến thức và nâng cao chất lượng học tập, ban tổ chức lớp học đã dùng khoản kinh phí ít ỏi để tổ chức cho các thành viên tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Ông Hạ Văn Gia chia sẻ: “Khi tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chúng tôi ai nấy cũng vui sướng. Ở đây chúng tôi được tiếp cận nhiều hơn với kho tàng tư liệu Hán Nôm, cùng nghiên cứu, thảo luận và nâng cao hiểu biết… Các cụ đến mà không muốn về, ai cũng say sưa ghi chép rồi đọc các câu đối, văn bia”.

Vốn là một thầy giáo, ông Thức biết mình phải làm gì để khuyến khích tinh thần học tập. Vì thế lớp học hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ về giáo trình, tài liệu cho người học. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, hầu hết các thành viên trong lớp đã có thể đọc, viết và hiểu được một lượng không nhỏ kiến thức Hán Nôm.

Lớp học đặc biệt này còn như một câu lạc bộ nhỏ để những người cao tuổi cùng nhau trao đổi, giao lưu các lĩnh vực khác trong cuộc sống; giúp những người cao tuổi được vận động, sống khỏe, sống vui, có ích và áp dụng những kiến thức được học, trao đổi và đúc rút vào xây dựng kinh tế gia đình, địa phương.

Học để làm gương cho con cháu

Từ khi có lớp học Hán Nôm cho các vị cao tuổi trong làng, phong trào học tập của lớp trẻ mạnh lên trông thấy. Nhiều người cho rằng đó là hiệu ứng tích cực của lớp học đặc biệt này.

Ông Kim Văn Học (79 tuổi), người từng làm Bí thư Đảng ủy xã gần 20 năm đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề tại Vĩnh Sơn vui mừng cho biết lý do theo lớp học đặc biệt: “Gia đình tôi là gia đình hiếu học, mình là ông là cụ thì phải học để làm gương cho con cháu. Ông anh trai tôi có trình độ Đại học Trung văn, tôi đã mê mẩn và khâm phục từ rất lâu rồi. Bản thân tôi đã về hưu, có nhiều thời gian nên muốn học để thêm hiểu biết. Khi tham gia lớp học, tôi thấy vui vì có thêm kiến thức. Vui nhất là khi đến đình chùa, miếu mạo, tới các gia đình họ mạc có hoành phi câu đối, tôi có thể đọc và hiểu được ý nghĩa. Mặt khác, tôi quyết định tham gia lớp học để bắt mình phải vận động. Nếu không vận động trí óc thì dễ bị ì lắm. Học ở đây vừa vui vừa có thêm kiến thức, tinh thần sảng khoái. Tôi sẽ còn theo học đến khi nào lớp này còn tồn tại mới thôi”.

Ông Gia nổi tiếng với sự ham học hỏi và nghị lực trong cuộc sống.

Câu chuyện của ông Hạ Văn Gia khiến không ít người xúc động, nhiều người cho rằng, nếu không có lớp học Hán Nôm, chắc ông không thể sống vui, khỏe đến thế. Ông Gia được biết đến là một trong những thành viên tích cực nhất của lớp, đồng thời ông còn được bầu là lớp trưởng.

Do tinh thần ham học hỏi, kiến thức của ông ngày càng rộng nên thường xuyên được đứng lớp chỉ bảo cho các thành viên khác. Không những vậy ông còn được cử sang xã Thượng Trưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) để dạy lớp Hán Nôm hơn một năm nay. Sự đam mê, kiên trì tự học của ông Gia được thể hiện khi ông dành hẳn một gian nhà làm phòng học.

Ông sưu tầm rất nhiều đầu sách như “Đại từ điển Hán Nôm”, “Từ điển Hán Việt toàn thư” “Tự học chữ Hán, 1 tập 5.000 hoành phi câu đối lục bát với thơ Đường, văn thơ chữ Hán của Bác Hồ… Hằng ngày, trên mỗi tờ lịch bóc ra, ông viết một chữ hay bài Hán Nôm. Cứ như vậy trong vòng 6 năm đã có không dưới 2.000 từ được ông viết và học thuộc…

Đằng sau hình ảnh người lớp trưởng vui vẻ, ham học ấy là cả một quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi. Năm 1999 ông về hưu thì năm 2000 ông mắc bệnh ung thư đại tràng, phải cắt đi một phần ruột già. Với ý chí của một tàu trưởng Viễn dương, chinh chiến khắp các chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, ông Gia chưa khi nào khuất phục số phận.

Ông Gia tâm sự: “Tôi đã làm gì là phải làm cho đến cùng, như việc học Hán Nôm ở đây, tôi luôn nghiêm túc học tập. Tôi tham gia lớp học chính là tham gia khuyến học để làm gương cho con cháu noi theo, mặt khác là để rèn luyện trí óc. Chính lớp học này đã giúp tôi sống khỏe, chống chọi với bệnh tật mình đang chịu. Nói thật, nếu không có lớp học Hán Nôm, tôi không sống được đến ngày hôm nay”.

Nói về ông Gia, ông Vũ Đức Vĩnh – 69 tuổi (xã Vĩnh Tường) chia sẻ: “Tôi là bộ đội về phục viên. Đúng là học thì không có tuổi. Như ông Gia và một số ông già hơn tôi cả chục tuổi còn học thì cớ gì mình không theo.

Tôi đã từng thấy xấu hổ khi gia phả, hoành phi câu đối trong chùa, nhà thờ mà không thể đọc và hiểu được ý nghĩa. Tôi vẫn thường xuyên nhắc con cháu mình học tập những tấm gương như ông”.

Phong Anh
.
.
.