“Lớp học hạnh phúc” ở Ấn Độ

Thứ Hai, 20/08/2018, 09:15
Để giúp học sinh đối phó với tình trạng căng thẳng, quá tải trong học tập, các trường công lập trên khắp Delhi, Ấn Độ đã quyết định đưa thêm một chủ đề mới vào chương trình học tập – chủ đề hạnh phúc. Trong những buổi học này, không có bài kiểm tra, không có điểm số và không có bài tập về nhà, học sinh được thư giãn để cảm nhận hạnh phúc.


"Hãy tưởng tượng bạn đang làm điều gì đó khiến bạn thực sự hạnh phúc"

Vào một buổi sáng sớm thứ bảy, không khí náo nhiệt thường thấy trong các lớp học tại trường Kautilya Sarvodaya Bal Vidyalaya ở Nam Delhi đã biến mất. Thay vào đó là sự tĩnh lặng. Hàng chục học sinh ngồi thẳng lưng dựa vào thành ghế, mắt nhắm và hai tay buông xuống. Âm thanh duy nhất là tiếng quay của quạt trần.

“Lớp học hạnh phúc” đang được triển khai ở hơn 1.000 trường công lập trên khắp thủ đô Delhi của Ấn Độ.

Không có sách giáo khoa, tấm bảng đen ghi dòng chữ "Lớp học hạnh phúc" với khuôn mặt cười ngộ nghĩnh bên cạnh. "Hãy giải phóng tất cả những căng thẳng, tập trung vào hơi thở của bạn. Hãy tưởng tượng bạn đang làm điều gì đó khiến bạn thực sự hạnh phúc", giáo viên Akhilesh Chouhan thì thầm khi đi qua các hàng ghế.

Trong lớp học bên cạnh, một giáo viên khác có tên là Muhammad Khan hướng dẫn học sinh nói về “sự tri ân”. Muhammad Khan yêu cầu học sinh, từng người một, suy nghĩ sâu sắc về những gì họ cảm thấy biết ơn.

"Mẹ nấu bữa trưa với món ăn mà em yêu thích nhất. Em rất biết ơn mẹ”, Ankita 11 tuổi nói. “Bố đưa em đến công viên chơi. Em biết ơn vì bố đã giành thời gian cho em dù rất bận rộn với công việc hàng ngày", Varun, một học sinh khác nói.

Có một cuộc thảo luận giữa các học sinh về việc biết ơn những người lao động đã giữ gìn môi trường nhà trường sạch sẽ. Mỗi “tiết học hạnh phúc" kéo dài 45 phút, giúp học sinh cảm thấy thoải mái, giúp các em đối phó tốt hơn với những thách thức trong cuộc sống. Không có sách giáo khoa, không có bài kiểm tra và không có bài tập về nhà, lớp học đánh dấu một sự thay đổi rất lớn trong giáo dục ở Ấn Độ.

Chưa đầy một tháng kể từ khi các “lớp học hạnh phúc” được triển khai, nhiều người nói rằng, đã có sự thay đổi dễ nhận thấy. "Ngày càng có nhiều học sinh quan tâm, tham gia lớp học. Các em đến trường thường xuyên và tham gia lớp học một cách hào hứng”, giáo viên Akhilesh Yadav nói.

"Em đã học được nhiều điều bổ ích từ “lớp học hạnh phúc”, qua đó có thêm niềm tin vào bản thân và yêu thích việc học tập. Em không phải lo lắng về bài tập về nhà”, Pritha, học sinh lớp 7 nói.

C.S Verma, Hiệu trưởng trường Kautilya Sarvoydaya Bal Vidyalaya cho biết, tất cả mới chỉ là khởi đầu và cần có thời gian để đánh giá hiệu quả của các “lớp học hạnh phúc”. “Tôi thực sự mong muốn có những lớp học tương tự vào thời mà tôi còn cắp sách đến trường. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt học trò”, C.S Verma chia sẻ.

Cuộc cách mạng trong giáo dục ở Delhi

“Lớp học hạnh phúc” hiện đã được triển khai ở hơn 1.000 trường công lập trên khắp thủ đô của Ấn Độ, bao gồm các bài tập thiền, những câu chuyện và hoạt động đầy cảm hứng. Khoảng 50.000 giáo viên đã được đào tạo và gần một triệu trẻ em đang theo học.

Đây được coi là thử nghiệm mang tính cách mạng ở một đất nước được biết đến với hệ thống giáo dục cứng nhắc, áp lực điểm số lên các em học sinh. Nhiều người đổ lỗi rằng, sự căng thẳng, lo lắng về kết quả học tập, sự cạnh tranh khốc liệt để bước chân vào các trường đại học, cao đẳng uy tín là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tử tử ở học sinh, sinh viên.

Các bài tập thiền là một phần của “lớp học hạnh phúc”.

“Chúng tôi khơi dậy ước mơ để các em trở thành bác sĩ, kỹ sư và kế toán giỏi nhưng cũng giáo dục để các em trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội”, C.S Verma nói. C.S Verma cho biết thêm, trong những năm gần đây, chính quyền Delhi đã có những thay đổi mạnh mẽ trong giáo dục.

Chi tiêu cho giáo dục  hiện chiếm 26% ngân sách năm 2018 của Delhi. Các chuyên gia đã triển khai hàng loạt ý tưởng mới trong giáo dục như mở các lớp học đặc biệt cho trẻ em yếu kém, cải thiện cơ sở vật chất, khuyến khích phụ huynh tham gia nhiều hơn trong việc điều hành trường học.

“Chúng tôi đang hướng tới một nền giáo dục toàn diện cho học sinh. Mục đích đơn giản là có được những sinh viên và cả giáo viên cảm thấy hạnh phúc”, Atishi Marlena, cựu cố vấn của chính quyền Delhi nói.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.