Lớp học không điện thoại di động

Thứ Sáu, 28/02/2014, 08:32

Đi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm lớp 7 ở một trường điểm của Hà Nội bộc bạch: Nhà trường không muốn cho học sinh mang điện thoại theo người, nhưng  tuyệt đối cấm cũng chẳng dễ gì nên cô đề ra quy định riêng.

Ấy là vào giờ học, đám nhỏ tắt hết điện thoại, cất vào cái giỏ trên bàn riêng, tan buổi lại của ai người ấy cầm về. Ngoài chuyện giúp các con chăm chú bài giảng, cô còn cười, rất thật lòng: Giáo viên thì cũng là người, tránh sao khỏi lúc nọ lúc kia. Biết đâu có giây phút bất an tâm trạng sinh lỡ lời, lỡ có cử chỉ hành vi thiếu chuẩn mực, học trò quay được tung lên mạng, đời cô coi như cũng… phăng teo. Mà điện thoại của tụi nhóc toàn dòng thông minh, không Iphone thì Samsung, chứ loại rẻ tiền cối đá nồi đồng chỉ dùng nghe và tạch xè tin nhắn ít lắm.

Khi clip "thầy trò đánh nhau trên bục giảng" xuất hiện trên Internet, trở thành tâm điểm của những sục sôi phẫn nộ giáng vào đạo đức người thầy, càng thấy cô giáo kia quả là tinh thông, tỉnh táo. Những bình yên của cái trường ở vùng đất võ bị xới tung lên, các diễn viên đoạn phim hành động những ngày này (có lẽ) đang ăn không ngon ngủ không yên trong khi, sự việc xảy ra từ trước Tết và đã được xử lý xong xuôi, trường đã lại ra trường lớp ra lớp, thầy trò đã quên đi ký ức buồn để mà động viên nhau tiếp tục dạy và học.

Minh hoạ: Lê Tiến Vượng.

Nhưng giờ thì quá muộn. Thầy giáo kiêm "võ sĩ quyền anh" đã thành bức tường để các bậc phụ huynh và các nhà đạo đức học trút phẫn nộ vốn chất chứa âm ỉ bấy nay. Những so sánh lại được đem ra để mà ai oán, cứ như "hồi mình đi học" thì không có chuyện thầy đánh trò. Lúc đó, thước kẻ cô chả vụt cho xưng múp gan bàn tay, hay phấn trắng cô "phi tiêu" thẳng vào trán, chả đau điếng giật nẩy người lúc nói chuyện riêng.

Lạ một điều, bị "bạo hành" đến đâu thì trò cũng vẫn kính yêu cô, kính yêu thật lòng chứ không chỉ đối phó để rồi mấy chục năm sau, cô trò gặp nhau vẫn rưng rưng, vẫn tự nhủ, ừ không bị cô vụt thế thì cái tật viết sai chính tả đến hết đời mình cũng không rèn sửa được, vẫn khanh khách cười may ngày đó không có điện thoại gắn camera, không có clip, không có mạng, không có cả các "anh hùng bàn phím, nhà đạo đức học" chuyên nghề chỉ trích, chứ ngược lại thì sự thể chưa biết sẽ bị đẩy đưa dẫn dắt đến độ nào.

Tất nhiên thầy giáo đánh học trò là sai, trò đánh lại thầy càng sai không kém. Nhưng thầy cũng chỉ là một "con sâu", một cá thể, và nếu mắc bệnh thiếu kiềm chế, không hợp với nghề làm thầy thì chuyển sang nghề khác, chứ cả ngành Giáo dục lẫn đạo đức xã hội đâu có vì những sự cố thế này mà méo mó thêm lên. "Ném đá" thầy, "ném đá" trò, "ném đá" môi trường sư phạm thì cũng nên "ném đá" luôn kẻ đã tỉnh bơ giơ điện thoại quay phim và nhất là kẻ nào đã tung cái đoạn phim "tội đồ" này lên mạng

Cô nương hoa sen
.
.
.