Lớp học kì lạ bên sóng nước Trường Sa

Thứ Tư, 11/05/2016, 15:35
Nằm cách xa đất liền hàng trăm hải lí, đảo Trường Sa Lớn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là nơi đầu sóng ngọn gió, luôn phải đối mặt với những khó khăn nguy hiểm bất chợt của thời tiết giữa biển khơi. Thế nhưng, ở nơi đó, sự sống vẫn được sinh sôi nảy nở và có những mầm non của đất nước đang được ươm mầm. Hàng ngày, những đứa trẻ mang bộ đồng phục "áo vằn cánh sóng" lại háo hức đến trường không chỉ để học chữ, mà còn để biết thêm nhiều điều mới về đất nước, về tình yêu với biển và đảo...


Có một điều đặc biệt ở những lớp học trên đảo Trường Sa Lớn, đó là các em nhỏ ở nhiều độ tuổi khác nhau được học chung trong một lớp. Như vậy, trong một phòng học có cả học sinh mẫu giáo cho tới lớp ba.

Cũng vì lí do đó mà các thầy giáo đứng lớp tại đây phải luôn chân, luôn tay và sắp xếp giáo trình một cách hợp lý nhất để có thể chỉ dạy cho từng em kiến thức đúng theo độ tuổi của mình.

Chia sẻ về lớp học, thầy Phạm Trung Việt (SN 1984, Khánh Hòa) cho biết: "Do con em của người dân sống trên đảo không cùng độ tuổi nên việc dạy các em không thể tập trung theo lớp như trong đất liền.

Trường học trên đảo Trường Sa Lớn.

Các em được ngồi cùng một phòng nhưng quay mặt về các hướng khác nhau để phân chia lớp và thuận tiện hơn cho chúng tôi khi dạy các em không bị nhầm lẫn. Và cũng vì số lượng giáo viên có hạn nên chúng tôi phải xoay sở rất vất vả để có thể thích nghi được, giúp việc truyền đạt kiến thức cho các em được tốt nhất".

Theo như lời kể của thầy Việt, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, anh về nhận công tác tại một xã đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cũng vì thế mà người thầy giáo trẻ này sớm hiểu được nỗi khó khăn của một lớp học tại đảo thế nào.

Cho đến khi đọc được thông báo về việc tìm giáo viên nhận công tác tại quần đảo Trường Sa, thầy Việt ngay lập tức làm đơn để xung phong nhận công tác. Anh lên đường ra đảo chỉ sau khi kết hôn được 2 tháng.

Đã quen với việc dạy học trên đảo, nhưng cho đến khi nhận lớp tại Trường Sa Lớn, thầy Việt cũng gặp một chút khó khăn trong việc thích nghi. Anh cho biết: "Ban đầu ra đây tôi rất bỡ ngỡ, nhưng chỉ thời gian ngắn sau đã quen vì điều kiện ở đây không khác đất liền là bao".

Theo thầy Việt thì điều tốt nhất của học sinh ở đây là được sống trong môi trường rất hòa đồng, tình cảm, mọi người rất gắn bó, đoàn kết với nhau và không có những thói quen, hiện tượng xấu nào.

Phụ trách một lớp học gồm 4 lứa tuổi, đó là các em mẫu giáo, học sinh lớp 1 cho đến lớp 3, thầy Việt phải mất nhiều thời gian để sắp xếp các học sinh sao cho khoa học nhất. Hơn nữa, mỗi ngày sau giờ lên lớp, anh lại phải nghiên cứu giáo trình để phù hợp hơn với các em. Đặc biệt là thầy Việt còn phải nghiên cứu thêm dạy hát, vẽ để dạy cho các cháu mầm non, điều mà anh chưa từng làm khi còn ở trong đất liền.

Thầy Phạm Trung Việt.

Nói về những khó khăn của lớp học, thầy Việt cho biết: "Hiện tại cùng dạy với tôi có thầy Đồng Minh Hiệp (SN 1991). Tuổi đời, tuổi nghề của hai anh em cũng đều rất ít lại dạy hai lớp tách biệt nhau nên nhiều khi trao đổi chuyên môn rất khó khăn.

Hơn nữa, trường cũng chỉ có hai giáo viên, không có giáo viên năng khiếu cũng như Ban giám hiệu như một trường học bình thường nên mọi thứ hai thầy giáo phải tự xoay sở". Thầy Việt kể, có những lúc gặp vấn đề khó khăn trong giảng dạy, anh phải gọi điện vào đất liền để nhờ trợ giúp vì việc tiếp cận với tài liệu mới cũng rất hạn chế.

Cùng với đó, có một số đồ dùng học tập, tranh ảnh, sách, tài liệu minh họa phục vụ giảng dạy cho các em không có nên giờ học hơi khô khan và thiếu hấp dẫn với các em, nhất là học sinh mẫu giáo. Các thầy giáo thường xuyên phải vận dụng sáng tạo từ những đồ vật có sẵn để miêu tả cho các em.

"Có những lúc trong bài mình kể chuyện cho các em có những con thú như voi, hổ, khỉ... nhưng các em đâu biết nó thế nào vì đã bao giờ được xem, được nhìn. Khi đó mình phải miêu tả bằng lời và vẽ cho các em xem. Mặc dù không được chính xác nhưng cũng phần nào giúp các em nhận thức được hình ảnh đó", thầy Việt chia sẻ.

Đối với các thầy, trong việc giảng dạy, quan trọng nhất là phải biết dung hòa các em nhỏ nhất là học sinh mầm non đang trong độ tuổi chỉ biết vui chơi, ăn ngủ với những học sinh tiểu học cần sự trật tự để học tập.

Những khó khăn kể trên lại làm tăng thêm gánh nặng trên vai những người thầy trẻ. Khó khăn là thế, nhưng khi nói về các em học sinh, thầy Việt lại nở nụ cười chất chứa đầy hy vọng.

Anh quan niệm rằng, ở nơi đây, những người như anh xung phong ra đảo không chỉ để làm một người thầy giáo mà còn là người cha, người mẹ. Lớp học chính là ngôi nhà và học sinh là những đứa con, anh luôn hỏi han để sẻ chia với những khó khăn của các em nhỏ.

Cứ mỗi ngày, 4 tiếng buổi sáng và 2 tiếng buổi chiều, các thầy giáo lại lên lớp để truyền đạt kiến thức cho các em về tất cả các môn học. Ngoài ra, có những em học yếu, các thầy lại phải mắc đèn để dạy kèm thêm cho các em vào buổi tối.

Thầy Việt cười nói: "Nhiều người cứ gọi chúng tôi là những thầy giáo đa năng bởi có thể dạy nhiều môn, nhiều cấp độ trong một lớp học đặc biệt như vậy. Quả thật một ngày dạy học, hai anh em phải xoay như chong chóng để vừa dạy, vừa giao bài lại vừa chữa bài cho các em ở độ tuổi khác nhau. Nếu chưa quen có thể còn nhầm bài của em này với em khác rồi rối tung hết giáo trình giảng dạy".

Tại một số điểm trường khác trên huyện đảo Trường Sa, các thầy giáo cũng gặp những khó khăn tương tự. Như điểm trường trên đảo Song Tử Tây, hoàn cảnh cũng không khác gì với lớp học tại Trường Sa Lớn là mấy, học sinh ít nên các thầy cũng áp dụng chia các em ngồi thành nhiều hướng để dễ phân biệt và không làm ảnh hưởng đến nhau. Các em học sinh ngồi quay lưng vào với nhau, hướng lên bảng. Trong khi giáo viên giảng bài cho học sinh lớp 5 thì học sinh lớp 3 ôn bài, học sinh lớp 2 làm bài tập.

Các em nhỏ cùng gia đình trên đảo.

Nhưng không chỉ có những khó khăn, các thầy giáo cũng lưu giữ nhiều kỉ niệm đẹp với các em học sinh. Theo lời thầy Việt kể đó đơn giản là những buổi trò chuyện, tập văn nghệ cho lễ khai giảng hàng năm hay thầy trò cùng sửa sang lại khuôn viên trường học. Nhìn các em dần trưởng thành, những người thầy lại thấy công lao của mình được đền đáp xứng đáng.

Mỗi tối, thầy Việt lại đứng bên hiên nhà, hướng mắt về đất liền rồi gọi điện thoại về hỏi thăm sức khỏe gia đình, của vợ và đứa con mới sinh. Rồi anh lại kể rất nhiều về những buổi học, về sự tiến bộ của một cô bé, cậu bé học sinh mà vợ anh chưa từng biết mặt.

Đó chính là niềm vui anh muốn chia sẻ để vơi đi nỗi nhớ nhà và là sự tự hào của một người thầy trên bục giảng. Thói quen đó đã theo người thầy giáo trẻ từ những ngày mới ra đảo cho tới tận bây giờ.

Anh cho biết: "Ngay từ ngày viết đơn xung phong nhận công tác tại đảo, tôi cũng xác định được sẽ có những thử thách phải vượt qua. Việc nhớ nhà, nhớ đất liền thì không tránh khỏi nhưng nhiệm vụ của mình quan trọng hơn rất nhiều. Khi lên lớp mình là một người thầy, người cha, ngoài giờ dạy thì tôi là một công dân của đất nước, khi cần bảo vệ biển đảo của quê hương thì tôi sẽ là chiến sĩ. Trách nhiệm lớn như vậy nên không cho phép mình nao núng, bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ".

Với sự đầu tư cho giáo dục để các em học sinh tại đảo Trường Sa ngày càng có đầy đủ cơ sở vật chất hơn. Trong một ngày không xa, bài giảng của các thầy sẽ trực quan sinh động hơn.

Và với sự quyết tâm, tận tụy của những người thầy giáo ấy, những mầm non của đất nước nơi huyện đảo xa xôi này sẽ ngày càng đâm chồi nảy lộc, sự sống ngày càng sinh sôi. Rồi một ngày không xa, trong tiếng trống khai giảng, các em học sinh trong bộ đồng phục vằn cánh sóng sẽ nô nức đến trường với niềm vui trước một năm học mới.

Lê Phong
.
.
.