Lớp học tình thương của thầy giáo ngồi xe lăn

Thứ Sáu, 13/12/2019, 17:23
Có một lớp học mà ở đó học sinh chưa một lần được nhìn thấy nét chữ hay dáng đi của người thầy, mọi hoạt động giảng dạy đều qua những mô tả bằng lời. Có một lớp học mà ở đó người thầy toàn thân bất toại nhưng luôn cháy bỏng ước mơ một ngày sẽ mua được một đôi chân robot…Đó là lớp học tình thương đặc biệt của thầy giáo tật nguyền Nguyễn Minh Nhật (sinh năm 1989 ở thôn Khánh Vân, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang).


Từ thầy giáo tật nguyền với khát khao "gieo chữ"...

Lớp học tình thương của thầy giáo Minh Nhật thật đặc biệt. Chỉ là mấy bộ bàn ghế đơn sơ được kê ngay hiên nhà, chỗ mà thầy từng nẹp cổ rồi buộc vào dây ròng rọc để kéo giãn xương sống, tập cho cơ bắp khỏi bị thoái hóa. Không phấn trắng, chẳng bảng đen, trò cứ đọc đề cho thầy giảng. Mỗi đứa một lứa tuổi, một môn, một điểm mạnh yếu khác nhau nên bài giảng cũng vì thế mà biến hóa.

Lớp học tình thương miễn phí của thầy giáo tật nguyền Nguyễn Minh Nhật.

Là con út trong gia đình 4 anh em, Minh Nhật cũng là đứa sáng dạ nhất. Học xong Đại học Mỏ địa chất, anh đi làm cho một Công ty thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường rồi học tiếp lên thạc sĩ thì bất ngờ một tai nạn giao thông ập đến vào năm 2005. Khi tỉnh dậy, toàn thân bất động vì chấn thương cột sống, ngay cả việc thở cũng không thể tự thân mà phải chích một lỗ ở cổ để luồn ống trợ giúp. Lúc ấy người vợ trẻ mới cưới được 1,5 tháng đang mang trong mình một giọt máu của anh.

8 tháng nằm đủ các loại bệnh viện, 2 lần cận kề cái chết, cuối cùng anh cũng được về quê với cái túi nước tiểu lúc nào kè kè ở bên bụng, cái ống của máy trợ thở, máy hút đờm cắm thẳng vào cổ, trung bình mỗi ngày phải vận hành 10 lần.

Không nói được, không cử động được chân tay, không ngồi, không trở mình được. Những cơn đau khắp thân thể do tủy sống đã bị gián đoạn gây mất hết cảm giác nên dồn tất lên đầu. Đau buốt như thể não và hộp sọ không dính liền với nhau mà cứ như bị ai đó bỏ vào rổ mà xóc. Chứng kiến cảnh vật vã của con, bà Nguyễn Thị Khánh, mẹ của Nhật, một giáo viên về hưu ứa nước mắt mà cầu trời, khấn phật: "Xin ông trời cho tôi được gánh hết thay con những cơn đau, những thương tật".

Suốt một năm trời, cứ trưa đến là bà lại đi lang thang vô định trong làng, bụng bồn chồn còn đầu óc thì trống rỗng. Những lúc Nhật đau quá, bố anh, một thương binh cứ vào ra như một cái bóng, nhìn con không nói lên lời, nhìn vào cuộc chiến mà chưa cần đọ súng ông đã biết mười mươi là thua.

Giấc ngủ chập chờn chỉ chịu đến cùng với những viên thuốc ngủ liều cao. Lúc này vợ anh vừa sinh một đứa con trai nhưng khi đem đến thì anh chỉ hơi lúc lắc cổ một tí, một cái ôm cũng chỉ là ước mơ xa vời. Chán chường, tuyệt vọng, Nhật chỉ muốn chết nhưng hai tay không thể cầm nắm bất kỳ vật gì để mà cứa vào mạch máu.

Không chết được, nghĩ đến bố mẹ, vợ con đã vì mình mà khổ nên anh tự nhủ phải cắn răng mà sống. Nhờ bố làm cho một bộ dụng cụ tập thể dục Nhật nẹp cổ rồi buộc vào sợi dây ròng rọc, dùng một bao tải đá tạo sức kéo giãn phần đốt sống cổ lại còn buộc tay vào để kéo cho khỏi bị chết cơ bắp. Ngày ngày cứ miệt mài tập luyện 8 tiếng như thế với một hi vọng thật mãnh liệt.

Khi nút thông cổ được bịt, tiếng nói lại trở về. Tay anh dần dần có thể giơ lên được nhưng đến tận bây giờ sau 13 năm ước mơ được ôm con vào lòng vẫn chưa thể thành sự thật, còn đôi chân vẫn chỉ là một mớ thịt da bèo nhèo vô dụng.

Thầy giáo Minh Nhật tận tình giảng bài cho học sinh tại lớp học tình thương của mình.

Năm 2006, khi bàn tay hơi có thể lật được, để cho đỡ buồn và cũng là để bù đắp lại những tháng ngày vì bố mẹ đi chăm sóc Nhật ở bệnh viện mà còn bị hổng kiến thức mất 1 năm, anh nhận dạy kèm cho người cháu ruột.

Dần dà mấy đứa cháu khác trong nhà cũng được anh nhận kèm các môn toán, lý, hóa và tiếng Anh. Kém nhất là đứa bị hổng kiến thức thì sau đó đã đạt học sinh giỏi cấp trường còn những đứa khác ít nhất là học sinh giỏi cấp huyện, đặc biệt hơn như Nguyễn Thị Yến đạt giải nhất tỉnh và giải nhì quốc gia môn tiếng Anh.

"Lúc bị bệnh phải nghỉ học mình buồn lắm. Nhưng vì sức khỏe không cho phép nên mình bắt buộc phải về nhà. Về nhà được 3 tháng, nhìn những đứa trẻ trong làng nghịch ngợm nô đùa ở sân, chân tay đen nhẻm. Có đứa thì ê a tập đánh vần nhưng không đúng âm tiết. Có đứa cặm cụi viết từng nét chữ nguệch ngoạc trên bậc thềm nhà. Tự dưng mình thấy thương tụi nhỏ quá. Niềm đam mê dạy học của mình bỗng trỗi dậy, mình bàn bạc với bố mẹ xây lên lớp học này", thầy giáo Nguyễn Minh Nhật nhớ lại.

Tiếng lành đồn xa, những gia đình trong làng, ngoài xã đem con đến gửi Nhật dạy mỗi lúc một đông. Vì sức khỏe yếu nên mỗi lớp anh chỉ nhận 5-7 học sinh. Cách dạy cũng thật đặc biệt. Có những lúc anh cứ hì hụi với cái ròng rọc để tập thể dục, còn trò thì bò quanh sân lấy phấn làm phép tính theo hướng dẫn của thầy.

Bằng cách đó, hơn 10 năm nay có khoảng 60-70 học sinh với độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5 được thầy giáo Minh Nhật dạy hoàn toàn miễn phí. Gần một nửa trong số đó đạt từ học sinh giỏi cấp huyện trở lên. Để các em có thể tiếp thu bài một cách tốt nhất, thầy giáo Minh Nhật đã chia lớp học thành 2 nhóm, theo từng độ tuổi và từng khả năng.

Những học sinh học ở trường buổi sáng, Minh Nhật sẽ kèm ở nhà vào buổi chiều và ngược lại. Theo thầy giáo Minh Nhật, hiện anh đặc biệt chú trọng việc dạy cho các em đọc thông viết thạo Tiếng Việt và biết làm toán. Lớp học của anh bắt đầu từ 7h - 10h và 13h - 15h mỗi ngày.

"Tận dụng chiếc máy tính hồi còn đi học đại học, mình lên mạng tải các bài hát về dạy cho các em hát vào những buổi sinh hoạt đầu tuần. Còn những buổi cuối tuần mình kể cho các em nghe về những câu chuyện mang tính nhân văn, qua đó truyền đến các em lối sống đẹp...

Mong rằng các em học sinh có được cái chữ và ngày càng học cao hơn nữa để trở thành người có ích cho xã hội. Mong sẽ có nhiều em sau này khi học xong sẽ đồng hành cùng tôi tiếp tục đem cái chữ đến với các em học sinh nghèo trong làng mình" - Minh Nhật tâm sự.

...đến thương gia không cầm nổi đồng tiền

Cảnh tật nguyền của Minh Nhật cuối cùng cũng không thể giữ được trái tim của người vợ vẫn còn đang hừng hực sức xuân. Sau mấy năm anh bị liệt, chị lặng lẽ ra đi. Nhật đành phải chấp nhận bởi người phụ nữ đó mới chỉ thực sự được làm vợ anh đúng nghĩa hơn 1 tháng.

Năm 2008, khi nhà người chú lắp Internet, thầy giáo Minh Nhật nhờ mẹ gõ phím lên mạng tìm cách kiếm tiền. Việc thích hợp đầu tiên là bán vé máy bay. Nhưng hồi ấy khoản nợ của cả gia đình vẫn còn hơn 200 triệu thì lấy đâu ra vốn? Vậy mà Nhật quyết định lập nghiệp bằng cách "lấy mỡ nó rán nó".

Ngoài thời gian giảng dạy tại lớp học tình thương, thầy giáo Minh Nhật còn bán vé máy bay online để kiếm thêm thu nhập.

Minh Nhật in một loạt áp phích quảng cáo cho dịch vụ của mình rồi nhờ bố đem treo ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Sau 1 tháng thì khách hàng đầu tiên tìm đến. Bán 1 vé, Nhật dùng tiền đó trả gốc và lãi ra được 50.000đ. Cứ thế anh tìm thêm khách theo phương châm giá rẻ, trung thực và nhiệt tình.

Minh Nhật trực trên mạng cả đêm để săn vé. Anh còn nhờ người em họ treo áp phích quảng cáo cho dịch vụ của mình ở tỉnh Bình Dương để đón luồng khách gốc Bắc về quê ăn Tết. Nhờ đó, tháng bình thường tài khoản của Nhật cũng đón được 300-400 triệu đồng chảy vào còn mấy tháng hè hay Tết lên tới 500-600 triệu, cho mức lãi từ 4-10 triệu.

Nhật lập ra blog Spinalcordnguyenminhnhat.wordpress.com (spinalcord nghĩa là chấn thương cột sống) với slogan: "Tôi chia sẻ là tôi tồn tại". Ở trên đó anh trình bày song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh: "Tôi là Nguyễn Minh Nhật, sinh năm 1980 tại Bắc Giang.

Tôi từng là một kỹ sư cho đến năm 2005, tôi bị một tai nạn giao thông nghiêm trọng làm gãy đốt sống cổ, tổn thương nghiêm trọng đến tủy sống. Mặc dù đã trải qua điều trị không được phẫu thuật nhưng tôi không thể bình phục, không thể điều khiển thân thể mình.

Tôi đã phải nếm trải thời gian dài của cuộc sống vô cùng khó khăn trên xe lăn của mình. Tôi đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp cho tình trạng của mình, với hi vọng tìm ra một nơi nào đó có thể giúp tôi điều trị. Gia đình, vợ con và người thân rất cần tôi, cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn, hi vọng web này có thể giúp tôi tìm ra một giải pháp. Khung xương hỗ trợ đi lại, giúp người tật nguyền có thể đi lại được (như một robot). Tôi đã tích lũy được 10.000 USD còn thiếu 6.000 USD mua nó để đi trở lại. Hãy ủng hộ tôi trong hoạt động kinh doanh để tôi có thêm khả năng phục hồi".

Đang bán vé máy bay, một người bạn nhờ quảng cáo bán tóc trên mạng, Nhật cũng đồng ý và kể từ đó trở thành một đại lý. Nghề buôn tóc của làng Cầu xã Đoan Bái được anh nâng lên tầm cao mới với những đơn hàng từ Nga, Nam Phi, Hàn Quốc… Người làng giờ đây đã quen với cảnh những "ông tây, bà đầm" tìm đến nhà Nhật đặt hàng, xuýt xoa với lọn tóc dài 1,2m, có giá tới 17 triệu đồng/kg.

Cũng blog Minh Nhật còn bán thuốc Nam cho những người cùng hoàn cảnh hay bị thối da, thối thịt đến mức khi lòi cả xương ra ngoài. Nhờ một bài thuốc của người Khơ Mú ở Điện Biên mà anh đã khỏi hẳn. Với các nghề khác như bán thức ăn chăn nuôi, bán rượu nhà tự nấu anh cũng không nề hà dù tay không thể cầm nổi một đồng tiền.

Toàn bộ nội tạng của Minh Nhật giờ đây đã bị suy yếu, nhất là hay bị viêm bàng quang, thường xuyên đau ốm. Những lúc con đau bỏ ăn, mẹ anh cũng không nuốt nổi, những lúc con không ngủ mẹ anh cũng thức thâu đêm. Thấy người mỗi lúc một già đi, bà Khánh bảo nỗi sợ hãi nhất của đời mình là không còn sức khỏe để chờ đến ngày con mình có thể đi lại được bằng đôi chân của robot.

Nhật thường xuyên động viên ngược mẹ rằng: "Dù dài hay ngắn cũng là một cuộc đời, phải làm sao cho có ích ", nhắn nhủ đứa con nhỏ rằng: "Sống ở trên đời quan trọng nhất phải là người tốt chứ không phải là làm ông nọ, bà kia".

Trần Toản
.
.
.