Thư gửi chiều thứ Năm:

"Lót tay" Ngọc hoàng

Thứ Hai, 27/02/2012, 12:20

Không phải tháng Chạp, nhưng vì những diễn biến nóng hôi hổi liên quan đến việc đổi giờ học dưới hạ giới mà Ngọc hoàng phải triệu tập gấp Táo Giáo dục và Táo Giao thông lên thiên đình. Hai ông này chưa rõ Ngọc hoàng định hỏi han, phán xét gì, nhưng kinh nghiệm mách bảo tốt nhất là Táo nọ hãy cứ đổ lỗi cho Táo kia cái đã.

+ Táo Giáo dục: Vì chuyện đổi giờ học không giống ai của ông mà tôi bị liên lụy đấy nhé. Trước mặt Ngọc hoàng ông khéo mà nhận tội đi.

- Táo Giao thông: Tội nào?

+ Hai tuần trước ông vừa lấy lý do "giải tỏa ách tắc giao thông" nên đổi giờ lung tung beng, bắt học sinh phổ thông phải ở trường đến tận 7 giờ tối. Bây giờ với việc nhà nhà kiến nghị đổi như thế ảnh hưởng trầm trọng đến tâm sinh lý học sinh, nên ông lại đổi giờ tan học lên 6 giờ. Giả dụ 2 tuần sau, người ta lại kiến nghị, có thể ông lại đổi giờ tan học lên 5 giờ - nghĩa là quay trở về giờ cũ cho mà xem. Cứ đổi xoành xoạnh như thế ai mà chịu nổi.

- Chẳng phải Giáo dục các ông còn đổi xoành xoạch hơn thế nữa sao? Hôm nay đổi chương trình dạy học, ngày mai đổi qui trình thi cử, lại có lúc suýt nữa đổi cả thứ tự bảng chữ cái…. Chính mình cũng đổi như thế, vậy mà còn ra dáng dạy đời, đúng là đồ không biết ngượng.

+ Ờ thì bọn tôi đổi đấy, nhưng  mọi sự thay đổi chỉ diễn ra trong nội bộ ngành, chứ chả ảnh hưởng đếch gì tới ngành khác. Chứ như ông kìa, ông đổi giờ học, đổi cả giờ tan học, khiến chất lượng dạy và học của ngành tôi cũng bị ảnh hưởng tiêu cực theo…

- Sao ông lại mặc định những sự thay đổi của tôi đã tác động tiêu cực lên ngành ông nhỉ. Nó là tác động tích cực thì sao?

+ Chỉ vì việc đổi giờ của ông mà cả xã hội phải họp lên họp xuống, nghĩ lên nghĩ xuống - qua đó tổn hại không biết bao nhiêu vật chất, tinh thần. Tất cả những cái đó chẳng nhẽ là tích cực?

- Cứ nghĩ mà xem: Gần một nửa thế kỷ đã qua, người ta liên tục kêu ca về một sức ì trong giáo dục. Ì vì thầy dạy theo kiểu "đọc - chép" đơn thuần. Ì vì học sinh tiếp nhận kiến thức một cách thụ động. Nói thẳng tưng: Cách dạy và học của tụi ông chả  khiến người ta động não tí tẹo nào. Bây giờ, trước sự thay đổi giờ giấc của ngành tôi mà tụi ông đã phải họp lên họp xuống, nghĩ đi nghĩ lại - nghĩa là đã phải động não. Vậy thì rõ ràng chúng tôi đã góp phần quan trọng vào tiến độ động não, qua đó giải phóng sức ì của ngành Giáo dục đấy chứ.

+ Điên rồ! Hãy tỉnh cơn điên để thấy một sự thực: Có 2 kiểu động não, một là động não trong nhàu nhĩ, mệt mỏi; hai là động não trong thảnh thơi, sáng suốt. Sự thay đổi của ngành ông khiến ngành tôi phải động não theo hướng thứ nhất. Ông  cố gán vào nó cái khái niệm "động não tích cực" mà không thấy là mình đang ngụy biện một cách nhục nhã hay sao?

Nghe Táo Giáo dục chửi rủa Táo Giao thông đến chỗ này, Ngọc hoàng bất thình lình hiện ra. Và Ngọc hoàng lên tiếng: Ta gọi hai ngươi lên thiên đình đâu phải để nghe đổ lỗi nhau, mà để ban khen đấy nhé. Biết cả hai Táo đều giật mình, Ngọc hoàng giải thích ngay: Sự sống thật nhàm chán nếu một thói quen cứ lặp đi lặp lại. Việc cả ngành Giao thông lẫn Giáo dục liên tục tìm tòi, thay đổi cái nọ cái kia khiến cho sự nhàm chán  bị tiêu diệt. Ta đề nghị Giáo dục còn phải đổi nhiều hơn, từ đổi bảng chữ cái đến bảng cửu chương, thậm chí đến cả bảng tuần hoàn hóa học; còn ngành Giao thông cứ tiếp tục  đổi giờ học, giờ làm sao cho con người phải trở tay không kịp…

Rời thiên đình về hạ giới cả hai Táo không hiểu tại sao Ngọc hoàng lại nói những điều chả giống ai như thế. Đột nhiên Táo Tài chính hiện hình: "Anh Giao thông này, tuần trước, thằng cháu em lạng lách trên phố, bị Công an tóm, chính anh đã ra tay cứu nó. Anh Giáo dục này, tháng trước anh đã chạy điểm thi Đại học cho con em. Vậy nên em biết ơn 2 anh. Vì biết ơn, nên khi nghe tin Ngọc hoàng nổi cơn lôi đình, triệu tập khẩn 2 anh, em đã âm thầm lên thiên đình nói giúp 2 anh, thậm chí còn có tí xíu "lót tay" Ngọc hoàng. Thế nên từ chỗ nổi cơn lôi đình  Ngọc hoàng mới quay ra ban khen 2 anh như vậy đấy".

Bạn đọc của tôi, theo bạn, cái gọi là "tí xíu" mà Táo Tài chính "lót tay" Ngọc hoàng ước chừng bao nhiêu?

Phan Đăng
.
.
.