Lừa tìm sơn nữ, cạm bẫy rình rập bản làng

Thứ Hai, 28/03/2016, 10:10
Những năm gần đây, trình độ dân trí của người dân các dân tộc vùng cao đang dần được nâng cao, tuy nhiên các thủ đoạn, cạm bẫy của những kẻ xấu cũng ngày càng tinh vi. Tại một số huyện vùng cao của tỉnh Cao Bằng, tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục đang là vấn đề nhức nhối.


Thời gian qua chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh của người dân ở xã Hồng Nam, huyện Hòa An (Cao Bằng) về một em học sinh ở bản Lũng Cải bị kẻ xấu vào bản lợi dụng, xâm hại tình dục.

Cạm bẫy rình rập sơn nữ

Sơn nữ trong các bản làng vùng cao dân tộc thường e ấp, đan xen nét duyên của người miền núi. Vẻ ngây thơ của những cô gái xứ núi vô tình lại là miếng mồi béo bở cho kẻ xấu lợi dụng để chiếm đoạt thể xác, thậm chí lừa bán làm gái mại dâm.

Nhà sàn ở bản Lũng Cải nằm tách biệt trong một thung lũng.

Chính vì sự nghèo đói, lạc hậu nên các bản làng vùng cao luôn là tâm điểm để cho tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em hoạt động. Đa phần những gia đình có con em bị lừa đều là người ít học, sự hiểu biết còn hạn chế. Các bản làng lại nằm rải rác, nhà cách nhà xa đến cả cây số nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng. 

Bản Lũng Cải của xã Hồng Nam chỉ có 13 hộ dân, 61 nhân khẩu sống theo từng chòm trong một thung lũng. Bà con nơi đây chiếm phần đông là người Dao Đỏ. Cuộc sống của đồng bào chỉ dựa vào cây ngô, cây đỗ tương là chính.

Trong chuyến đi công tác vào các bản làng của người dân tộc, chúng tôi đã được cô Hoàng Thị Mai Sương dạy ở phân trường tiểu học Lũng Cải kể về em Triệu Thị H  đang theo học lớp 8 nhưng lại bị bà N. lừa cho kẻ xấu xâm hại tình dục.

Cô giáo Sương cho biết: "H là một cô gái có thân hình phổng phao, xinh đẹp nhất bản. Do trời phú cho em vẻ đẹp tự nhiên nên nhiều kẻ xấu muốn lợi dụng. Em lại hay giao du với đám thanh niên tóc xanh tóc đỏ ở ngoài bản nên rất khó kiểm soát".

Chiều tối hôm ấy, chúng tôi phải vượt qua một ngọn núi đá mới vào đến nhà H. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Triệu Văn Chán (39 tuổi) bố của H kể lại: "Hôm đó là do bà N đèo cháu Hương nhưng không biết đi đâu. Đứa thứ hai về đến nhà mới bảo bố mẹ không thấy chị đi học, sau đó tôi mới đi tìm. Bố mẹ đi tìm, gọi điện cũng không liên lạc được.

Cô giáo Hoàng Thị Mai Sương kể chuyện tuyên truyền pháp luật.

Sau khi biết sự việc, gia đình mới gọi Công an tỉnh Cao Bằng tìm về. Cháu H đi đúng 3 ngày thì về đến nhà. Sau khi cháu đi về mới kể lại đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nó biết. Hiện tại, Phòng PC45, Công an tỉnh Cao Bằng cũng đã lấy lời khai của cháu và đang hoàn tất hồ sơ vụ án".

Chuyện trò cùng bố H được một lúc thì hai chị em H đi học về. Khi được hỏi chuyện, khuôn mặt H vẫn hồn nhiên, ngây thơ như một đứa trẻ. H có khuôn mặt trắng trẻo, nước da ánh hồng trong bếp lửa, gợi lên nét chân chất của một cô gái xứ núi.

Khi được hỏi chuyện, H tâm sự: "Bà N cho cháu tiền, cho cháu quần áo rồi lừa cháu cho anh Chiến. Sau đó cháu được các chú Công an đưa về. Giờ cháu sợ lắm, không tin người lạ nữa, cháu chỉ muốn đi học thôi". 

Cô Sương góp chuyện: "Chiều hôm xảy ra sự việc, mẹ H là chị Triệu Thị Ta (SN 1977) có chạy ra lớp học khóc lóc bảo cô giáo phải tìm con về... Chúng tôi là cô giáo cắm bản, chuyện lại xảy ra với chính học trò của mình nên cũng rất bức xúc".

Theo tìm hiểu được biết, chiều 30/10/2015 (dương lịch). Bà Nìm người ở ngoài xã đã vào bản dụ dỗ em H. Bà N mua một bộ quần áo rồi đưa cho H 100 nghìn đồng. H được bà N đèo ra thị trấn, rồi lại đưa em đi ôtô về Chợ Mới. Đến chợ Mới (Bắc Kạn), H xuống xe rồi lại được một anh thanh niên đón đi. Tại xã Mai Lạp, H đã bị một người tên là Chiến xâm hại tình dục.

Ông Chiêu bác ruột của H góp chuyện: "Nhà tôi bố mẹ sinh được mười một người con, do đời sống khó khăn nên cũng không ai đi học đến nơi đến chốn. Nghe chuyện xảy ra với cháu gái, gia đình tôi rất phẫn nộ. Hiện tại, Công an tỉnh đã lấy lời khai và đang củng cố hồ sơ vụ án. Tôi cũng mong rằng pháp luật sẽ trừng trị thích đáng những kẻ phạm pháp để răn đe, đem lại sự bình yên cho bà con bản làng".

Theo lời cô Sương, từ bao đời nay, bà con bản Lũng Cải chỉ biết làm nương rẫy, nên trình độ dân trí của các ông bố bà mẹ chưa cao. Vừa là cô giáo cắm bản, cô Sương lại vừa tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con. Đặc biệt là việc tuyên truyền cho người dân nắm bắt được kiến thức pháp luật, không để kẻ xấu lợi dụng. Do bản mới có điện, nên người dân vẫn chưa tiếp cận được kiến thức pháp luật.

Cảnh giác với người lạ

Hiện không những ở bản Lũng Cải, mà rất nhiều các bản làng khác ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng, tình trạng tội phạm lừa thiếu nữ xảy ra ngày một nhiều với nhiều hình thức rất tinh vi. Các đối tượng tội phạm thường lợi dụng sự chủ quan, thiếu hiểu biết pháp luật để lừa các em mới lớn xuống núi rồi đưa đến một địa điểm khác cho nhiều người xâm hại tình dục gây nên những vấn nạn phức tạp cho xã hội.

Người cha có con bị lạm dụng tình dục kể lại sự việc với phóng viên.

Đa số các em rơi vào cạm bẫy này thường là những em gái mới bước sang tuổi dậy thì, nhà nghèo, sự hiểu biết và nhận thức pháp luật chưa cao nên rất dễ bị lừa. Các bản làng của đồng bào lại nằm heo hút, nên các đối tượng lừa tình thường cấu kết với những người ở địa phương, thông thạo tiếng bản địa, rồi tiếp cận với các em gái mới lớn chưa đủ 18 tuổi để thực hiện những hành vi xâm hại tình dục hoặc lừa bán sang Trung Quốc. Hầu hết các gia đình này đều mù chữ hoặc chưa thông thạo tiếng phổ thông, họ lại buông lỏng việc quản lý con cái nên rất dễ rơi vào cạm bẫy.

Việc tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi như hiện nay, đòi hỏi cấp ủy và chính quyền địa phương cần phối hợp với bản thôn phổ biến pháp luật hơn nữa cho bà con dân tộc. Việc người lạ vào làng cần phải theo dõi, thực tế đã có rất nhiều các em gái bị bán sang Trung Quốc để làm gái mại dâm do sự chủ quan của bản làng.

Theo như bác Trịnh Văn Chiêu (nguyên Trưởng bản Lũng Cải) cho biết, vừa mới đây, một bản làng ở xã bên cạnh cũng có 5 cháu học sinh 13,14 tuổi mất tích. Việc nhiều cháu học sinh bị lừa khiến cho bản làng luôn sống trong rình rập. Bởi vậy nên việc tuyên truyền pháp luật là điều rất cần thiết để người dân cảnh giác.

Theo lời cô Sương: "Việc những gia đình có học sinh trong lứa tuổi vị thành niên còn là nỗi lo cho phụ huynh. Thông thường những gia đình có con gái lớn ở trong bản chúng tôi đều phải tuyên truyền cho cha mẹ họ hiểu. Không nên để cho người lạ vào làng lôi kéo con em mình. Nếu có người lạ vào bản vì mục đích xấu, cha mẹ phải báo cho Công an viên hoặc cơ quan pháp luật nắm rõ. Việc em H bị người lạ vào bản lôi kéo, dụ dỗ cho người khác xâm hại tình dục là sự việc xảy ra nghiêm trọng".

Anh Trịnh Văn Pua, Công an viên, kiêm Trưởng bản Lũng Cải. 

Có thể nói rằng, việc trẻ em bị xâm hại tình dục ở những bản làng vùng sâu vùng xa đang là một vấn đề nghiêm trọng. Do sự hiểu biết chưa cao, các bản làng lại nằm cách nhau hàng chục cây số. Trong một bản làng, các hộ dân lại nằm tách biệt, không tập trung, chính vì điều này nên rất dễ dẫn đến việc các em gái mới lớn bị xâm hại tình dục.

Thực tế đã có rất nhiều các cô gái bản trở thành nô lệ tình dục cho các đối tượng tội phạm. Hiện tại, ở vùng sâu, vùng xa, các nhóm tội phạm lừa phụ nữa buôn bán trẻ em sang Trung Quốc đang ngày một gia tăng.

Các đối tượng phạm tội thường tiếp cận con em nhà nghèo, khi đạt được mục đích chúng sẽ đưa các em đi biệt tích để xâm hại tình dục. Một khi chúng đã đưa các em sang Trung Quốc thì rất khó để tìm ra manh mối. Việc em Hương bị kẻ xấu lợi dụng chính là một hồi chuông cảnh báo cho nhiều bản làng ở vùng sâu, vùng xa, nhất là ở những vùng biên giới như tỉnh Cao Bằng.

Trao đổi với Trưởng bản kiêm Công an viên, anh Trịnh Văn Pua cho biết: "Chuyện cháu H bị lừa xâm hại khiến bản làng rất lo, cũng may là Công an họ tìm được. Việc người lạ vào bản như hiện này, chúng tôi luôn phải nhắc nhở bà con phải đề phòng cảnh giác.

Nếu thấy dấu hiệu có người lạ vào bản để lừa con gái mình thì phải trình báo ngay cho cơ quan Công an biết. Về vấn đề này, trước mắt chúng tôi vẫn phải tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con. Chuyện cháu H bị bà N lừa rồi đem cho người khác xâm hại tình dục, chúng tôi rất mong cơ quan pháp luật trừng trị nghiêm những kẻ lợi dụng lòng tin để lừa gạt nhân dân".

Minh Phượng
.
.
.