Lung linh 'Non Nước' ngã ba sông

Thứ Ba, 07/07/2015, 10:00
“Nước non, Non Nước như thơ. Ai về Dục Thúy chẳng ngơ ngẩn lòng. Trên thì núi dưới thì sông. Cúc vàng còn đó, hương nồng còn đây”. Những câu thơ vẽ lên nét huyền diệu của bồng lai tiên cảnh Non Nước nằm trên ngã ba, giữa sông Đáy và sông Vân, ngay cửa ngõ Thành phố Ninh Bình. Non Nước như một lời chào dịu dàng của xứ sở Hoa Lư tới những ai mỗi khi qua đây trong hành trình vạn dặm ngược xuôi...

Núi Thúy-Núi Thơ

Ngọn núi Non Nước là điểm nổi bật trong cụm di tích văn hóa lịch sử bên cửa sông Vân. Đây là ngọn núi chỉ cao chừng hơn 100m nhưng lại có nét tạo hình như một con chim Trả tắm trên dòng sông. Nhà thơ Trương Hán Siêu, kiêm một tướng tài thời nhà Trần, người Ninh Bình đã đặt tên cho ngọn núi này là “Dục Thúy sơn”. Nay thường gọi là núi Thúy.

Danh nhân Trương Hán Siêu đã khởi đầu cho việc biến ngọn núi xinh đẹp này thêm một cái tên, đó là núi Thơ, khi đã cho khắc thơ của mình lên vách đá cao. Đó là bút tích “Dục Thúy sơn khắc thạch”. Liên tiếp sau đó, các văn nhân cùng thời và ở các triều đại khác đều đến làm thơ, lưu bút trên vách núi, để ca ngợi cảnh đẹp nơi đây. Đó là những thi nhân lừng danh như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Thiệu Trị, Tự Đức, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm... Còn nữa, núi Thúy cũng khắc dấu những vần thơ của Phạm Sư Mạnh, Ninh Tốn, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Phạm Văn Nghị...

Những lưu bút còn thể hiện nghệ thuật và tài năng khắc đá với kỹ nghệ tinh xảo và tài hoa bậc nhất của các nghệ nhân thuở đó. Trải qua thời gian khắc nghiệt, với mưa gió phong ba, bão táp, những bài thơ chữ Hán-Nôm được khắc từ chân núi lên đỉnh núi còn đều rõ nét, vẫn sáng tỏa hồn thơ của bao thế hệ. Chúng là những bản tạo hình, như báu vật tô điểm cho núi Thúy thêm kỳ ảo với thời gian. Đến nay có thể coi đây là một bảo tàng văn chương Hán-Nôm, hơn 40 tác phẩm thơ cổ, độc đáo nhất thế giới.

Để chụp được hình những bài thơ cổ trên vách núi cao tôi phải vượt qua 72 bậc đá lên trên đỉnh núi. Không ngờ nơi đây lại là một khu đất bằng phẳng khá rộng, một cảnh quan rất cởi mở, vì ở đây có thể nhìn bao quát bốn phương. 

Phía trước là dòng sông Đáy, sông Vân và những nẻo dòng trôi dần ra biển. Phía sau là công viên Thúy Sơn xanh mướt. Phía phải là chùa Non Nước. Còn bên trái là đền thờ Trương Hán Siêu. Tôi ngơ ngẩn đứng trong đài nghênh phong với con gió mát rượi từ trên đỉnh núi. Quả nhiên nét bồng lai tiên cảnh qua những vần thơ trên vách núi bỗng hiện lên trong áng mây bàng bạc trôi qua. 

Nhà thơ Khương Hữu Dụng sinh thời đã dịch một bài thơ của Nguyễn Trãi trên vách núi. Hồn thơ đưa ta vào cõi mộng: “Cửa biển có non tiên. Từng qua lại mấy phen. Cảnh tiên rơi cõi tục. Mặt nước nổi hoa sen. Bóng tháp hình trâm ngọc. Gương sông ánh tóc huyền...”. Còn phía trên cao là vần thơ đầu tiên của Trương Hán Siêu thăm thẳm nỗi tiêu dao: “Non xanh xanh vẫn như xưa. Du nhân đi mãi mà chưa thấy về. Sóng in bóng tháp Bồ đề. Mở toang cửa động liền kề chân mây...” (theo bản dịch của Trần Văn Giáp).

Núi và Chùa Non Nước.

Nhưng nói đến danh sĩ Trương Hán Siêu phải nói đến một áng hùng ca bất hủ “Bạch Đằng giang phú”, đề cao chiến công lừng lẫy của dân tộc đánh tan quân Nguyên, bảo vệ giang sơn đất nước. 

Nhiều tư liệu sử học ghi rõ ông được các vua Trần rất tin cậy và tôn trọng, đều gọi ông là thày. Bia đá trong đền còn ghi, sau khi ông mất năm 1353, vậy mà 10 năm sau ông vẫn còn được vua Trần Dụ Tông truy tặng chức Thái phó để đền đáp công lao xứng đáng mà ông đã cống hiến cho nước nhà. Nhất là trong cuộc chiến tranh hai lần chống quân Nguyên. Ông là người rất giỏi võ nghệ, tinh thông văn chương, âm nhạc và là cố vấn chính của Trần Hưng Đạo. 

Tiếp theo cũng lại 10 năm sau, vua Trần Nghệ Tông cho ông được thờ ở Văn Miếu (từ năm 1372). Hiện nay Ninh Bình đã lấy danh ông “Giải thưởng Trương Hán Siêu” để trao cho những thành tựu xuất sắc về Văn học-Nghệ thuật của tỉnh, hàng năm. Đồng thời tại đền thờ Trương Hán Siêu dưới chân núi, thường niên vẫn diễn ra lễ trao học bổng cho các học sinh xuất sắc trong tỉnh Ninh Bình. Đó là những hình ảnh làm sống động lại những vần thơ trên vách núi, nơi hội tụ của những thiên tài...

Vẫn còn đó những dấu tích anh hùng

Nói đến núi Thúy là nói đến núi Thơ, nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy nơi đây còn di tích một chiếc lô cốt của thực dân Pháp. Bên cạnh có bức tượng của người anh hùng Lương Văn Tụy, một người con của xứ sở Tràng An, Ninh Bình mới xây dựng sau này. Đó là những dấu tích của thiên hùng ca trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngay từ thời kỳ đầu vào thập kỷ 30. 

Trước mắt tôi là ngọn cờ trên di tích lô cốt án ngữ trên núi. Đó là hình ảnh búa liềm được chiến sĩ cách mạng Lương Văn Tụy dũng cảm treo lên cột cờ của thực dân Pháp, theo quyết định của Đảng bộ Ninh Bình để phát huy thanh thế cách mạng đang ngày một lớn mạnh. Lá cờ búa liềm có dòng chữ: “7/11/1917-7/11/1929-Ủng hộ Xô Nga-Xô Nga vạn tuế”, đã tung bay trên núi Thúy. Mười ngày sau giặc Pháp lùng bắt được Lương Văn Tụy rồi đưa anh đi đầy ở Côn Đảo vào cuối tháng 4-1930. Nhưng tiếc thay người anh hùng này đã hy sinh trong một cuộc vượt ngục trên biển năm 1932. Khi ấy anh vừa tròn 18 tuổi.

Tôi nghiêng mình thắp nén hương bên tượng đài. Trong tâm tưởng, tôi nghe như tiếng anh hát vang trong gió lộng, bản quốc tế ca cất lên với lá cờ búa liềm trong tay. Bầu trời xanh ngút ngát. Và đôi mắt anh đang ngước lên theo ánh cờ bay. Bỗng có tiếng còi tàu hỏa rú lên như một lời chào vọng lên trên đỉnh núi. Con cầu Non Nước mới vươn dài qua sông Đáy với nhịp sống hiện đại của mảnh đất Tràng An. 

Mỗi bước tôi dạo trên đỉnh núi Thúy nghe như có muôn điệu vang lên. Và, tôi biết trên đỉnh núi này vẫn còn đọng lại không khí nóng bỏng cuộc chiến một mất một còn, của anh hùng Giáp Văn Khương, với giặc Pháp. Đó là chiến dịch Quang Trung của Quân đội nhân dân Việt Nam mở vào năm 1951.

Khi ấy, chiến sĩ Giáp Văn Khương dẫn đầu một đội quân làm nhiệm vụ đột kích đồn Hồi Hạc, rồi leo lên đỉnh núi Thúy mở đột phá khẩu. Chỉ trong một đêm mà đã phá được sáu bốt địch, giết 200 tên, bắn cháy một tàu chiến. Nhưng sau đó giặc Pháp tổ chức phản công. Giáp Văn Khương đã tình nguyện ở lại chặn đường cho đồng đội rút lui. 

Cuộc chiến đấu chênh lệch lực lượng và đầy cam go, nhưng Giáp Văn Khương dũng cảm cầm cự trên đỉnh núi. Trận đánh giáp lá cà đã xảy ra, địch vây kín chung quanh, định bắt sống anh. Nhưng cuối cùng đạn hết, các tổ chiến đấu khác ở dưới không lên kịp. Giáp Văn Khương đã nhảy từ đỉnh núi xuống sông Đáy trốn thoát khỏi tay giặc. 

Đó lại thêm một hình ảnh thần kỳ, sau gương dũng cảm của Lương Văn Tụy trên đỉnh núi Thúy. Giặc Pháp nhớn nhác sau bao thiệt hại và không thể tưởng tượng ra một chiến sĩ của quân đội ta có thể cất cánh bay từ trên độ cao hơn 100m xuống dòng sông cuồn cuộn nước xoáy bên chân núi.

Cờ bay trên đỉnh cao. Sóng dạt dào nổi sóng dưới chân núi. Tôi như đang sống trong những giây phút lịch sử hào hùng một thuở. Những chiến công được ghi tại nơi đây. Những lời thơ của các chiến sĩ Tiểu đoàn 54, Trung đoàn Thủ đô  lên thăm chiến địa mới đây, vang lên qua sáng tác của Trần Thịnh, người đã cùng chiến đấu với Giáp Văn Khương ngày ấy: “Đồn Non Nước chọc trời ngạo nghễ. Giặc huênh hoang, không sức nào có thể. Chúng ngờ đâu gặp đối thủ kiên cường. Cây súng tung hoành của Giáp Văn Khương. Làm kẻ địch kinh hoàng bạt vía...”. Tôi chênh vênh trên vách núi nhìn xuống dòng sông với những điều khó tưởng mà người anh hùng đã tạo nên một sức mạnh thần kỳ.

Tiếng vọng

Núi Thúy từ xưa đã được coi là vị trí quan trọng, đồn tiền tiêu bảo vệ thành Hoa Lư (Nhà Đinh). Sau này nó vẫn là một chốt chặn không thể thay thế, án ngữ toàn bộ ngã ba sông Đáy, sông Vân và quốc lộ số 10 cùng với nhiều đường giao thông quan trọng. Tiếng vọng của thành quách Hoa Lư vang lên trong tâm hồn tôi những nét rực rỡ ngàn năm để lại. 

Chùa Non Nước được dựng lên từ thời Lý nay vẫn còn đó bóng dáng bồn chồn của Dương Vân Nga, vị Hoàng hậu nhà Đinh, đứng trên bến sông trao áo Long bào cho Lê Hoàn. Một quyết định thay đổi vương Triều để trị quốc an dân. Năm đó, Lê Hoàn đã cầm quân đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống lần thứ nhất, mở ra chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc. 

Ông đã lên ngôi vua năm 980, lấy niên hiệu là Lê Đại Hành vẫn đóng đô ở Hoa Lư. Non Nước lung linh trên ngã ba sông. Hội tụ những tinh hoa của mảnh đất lịch sử và văn hóa ngàn năm. Non Nước là con mắt của thời gian, của thành phố Ninh Bình soi rọi bốn phương. Nơi này như một cánh cửa mở cho mảnh đất Tràng An luôn luôn tiềm tàng những điều bí ẩn còn đang được khám phá, trong quá trình hội nhập quốc tế và ngày càng trở nên huyền ảo.

Chung Tử
.
.
.