Ly kỳ tượng ngựa xích thố 80 năm trấn ải chùa Ông

Thứ Hai, 13/06/2016, 14:38
Chùa Ông ngựa (đường Hùng Vương, P. Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) lúc nào cũng nhộn nhịp khách hành hương từ mọi miền. Người bán "lộc Ông" hướng dẫn liến thoắng cách chui qua bụng Ông như thế nào thì đúng, cách khấn vái cầu xin như thế nào thì linh… Không gian trầm mặc khói hương, uy dũng xích thố, sáng lòa long đao trấn ải. Những chuyện kể ở đây,  hơn 80 năm qua vẫn chưa bao giờ là cũ.


Người thường đúc tượng ngựa thiêng

Chẳng biết từ bao giờ, quan niệm chui qua bụng Ông ngựa cầu may mắn, rước an lành đã trở thành tục lệ ăn thấm vào suy nghĩ hàng triệu dân chúng ở khắp các vùng miền biết đến chú xích thố (ngựa đỏ tía) tại chùa Ông ngựa. 

Họ tìm đến, tin tưởng mãnh liệt vào niềm kiêu hãnh tự do thanh khiết của Ông (ngựa), đem đến tài lộc, thành công và sung mãn. Sự ra đời và tồn tại của ngựa xích thố và thanh long đao trấn yểm ngôi Cổ tự đất Bình Dương hơn 80 năm nay đang chứa đựng nhiều ly kỳ.

Khách hành hương tấp nập chui qua bụng Ông ngựa cầu may.

Chùa Ông ngựa ngày nay được kiến tạo lại từ ngôi miếu nhỏ có tên Thanh An Tự, do một dòng họ bảy đời nối nghiệp hương khói. Đến  khi Pháp xâm lược, đời sống bị đảo lộn, tình hình bất ổn nên dòng họ này gửi gắm Thanh An Tự cho ông Trần Hiển Vinh, một điền chủ cao su giàu có lại được tiếng ăn ở đức độ. Không đành lòng nhìn ngôi miếu lạnh lẽo, ông Vinh nhận lời chăm sóc. 

Qua một trận mưa, ngôi miếu gãy cột, đổ liêu xiêu. Tại chân cột gỗ bị đổ, ông Vinh lật lên thấy hai bức tượng Phật gói cẩn thận trong tấm vải. Năm 1930, ông Vinh quyết định sẽ tu bổ và xây lại toàn bộ Thanh An Tự. Ông Vinh ra tận miền Trung mời các nghệ nhân tài giỏi nhất về làm. 

Vì thế ngày nay chùa Ông ngựa mang dáng vẻ cổ điển theo kiến trúc cung đình Huế. Xây chùa xong, ông Vinh nảy ra ý tưởng đúc ngựa xích thố và cây long đao, biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành, sẽ trấn ải mọi tà ác, gian tham của thế lực xấu.

Tượng ngựa xích thố là công trình xây đúc vô cùng công phu, tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Các nghệ nhân từ Thừa Thiên - Huế đã lặn lội vào, ăn ở gần một năm trời mới hoàn chỉnh pho tượng ngựa. Ngựa đúc bằng sắt khối, bê tông bọc viền, bên ngoài sơn một loại màu có chất kết dẻo đặc biệt được chiết ra từ vỏ một loại cây cổ thụ. 

Ông Nguyễn Gia Khánh, hậu duệ đời thứ 3 trông giữ chùa Ông ngựa.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và ngần ấy thời gian dãi dầm mưa nắng, nhưng màu xích thố (đỏ tía) chưa bao giờ phai nhạt. Ngựa có chiều dài 3m, chiều cao 2m, đang trong tư thế gìm dây cương. Hình dáng là một chú chiến mã, có đôi chân dài, bộ móng to bàn găm xuống đất. 

Đặc biệt là đôi mắt sáng long lanh và đôi tai vểnh cao trong tư thế tinh thông chiến thuật. Nhiều người ngỡ ngàng không chỉ vẻ đẹp như thật của ngựa xích thố mà còn thảng thốt bởi cách tạc ngựa như tướng mã phong trần, dũng mãnh của các nghệ nhân xứ cung đình.

Tượng ngựa đang hoàn thành thì ông Vinh hết kinh phí. Toàn bộ tài sản, ông đã bỏ ra cạn kiệt cho ngôi chùa và một phần công trình phụ. Không để ngựa xích thố dở dang, ông chạy vạy mượn tiền, vàng khắp nơi. Mượn được ngày nào, ông lại hối thúc thợ làm việc ngày đó. Cuối cũng cũng hoàn thành sau ngót một năm trời. 

Trên nền đất ngôi miếu cũ, khi công trình chùa, ngựa hoàn thành, ông Vinh vẫn lấy tên là Thanh An Tự và giữ nguyên am thờ Quan Vũ từ đời trước. Nhưng từ ngày có tượng xích thố, thì người dân bắt đầu chuyển sang gọi chùa Ông ngựa. Ngoài thờ Phật, ông Vinh lập 30 am thờ các Anh hùng dân tộc của Việt Nam như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh… Các thành phần tín ngưỡng đều có thể tới chùa thắp hương thành kính.

Sau đó, để hướng thiện, ông Vinh chuyển sang làm nghề dạy học, số tiền ít ỏi ông kiếm được dành hết vào việc trả nợ đúc tượng ngựa. Món nợ ấy, ông Vinh trả đúng 20 năm mới hết. 3 tháng sau, ông đột ngột qua đời ở tuổi 79. Người đời ngắm xích thố, lại cảm kích nhớ tới người có công đúc tượng.

Ông Vinh có một người con gái duy nhất, bà đành nối nghiệp cha làm trủ trì trông nom chùa. Bà sinh được một người con trai duy nhất là ông Nguyễn Gia Khánh. Năm 2000, ông Khánh tiếp quản chùa cho đến ngày nay.

"Xích thố hí rền kiêu hãnh Ông"

Dù không phải dịp lễ lộc, nhưng mỗi ngày lượt người tìm đến chùa Ông tấp nập như đi hội. Người dân tới đây, ngoài việc chiêm ngắm Ông ngựa, còn làm một việc họ cho là hệ trọng, linh thiêng vô cùng. Đó là chui dưới bụng Ông, sau đó đi ba vòng xung quanh, rồi quay lên đầu Ông khấn vái cầu xin. 

Ai không muốn chui thì vuốt lên mình ông, rồi lại vuốt lên người mình để Ông tiếp sức… Các kiểu "xin lộc" đều được "đệ tử Ông" hướng dẫn bài bản, tận tình. Các ngày "vía" của Ông được cho là vô cùng linh ứng, lượng người đổ về chui qua bụng Ông đêm ngày không hết.

Cạnh ngựa xích thố là thanh long đao uy dũng trấn ải cửa chính ngôi chùa.

Bà Chín, bán chè ở cạnh chùa kể rằng, không chỉ bà mà một số người sống xung quanh thi thoảng vẫn nghe tiếng ngựa hí rất vang vọng ra từ chùa. Đó là khi đêm khuya tĩnh mịch, tầm qua 12 giờ đêm, nghe rất rõ, tiếng ngựa hí rất thanh, đằm xuống lòng đất và phải thật lắng tâm mới nghe được. Còn bà Tư (80 tuổi), là đệ tử duy nhất của người xây tượng ngựa xích thố vẫn nhớ rành rõi Ông ngựa đã trừng phạt một người đàn ông tự xưng là Ba Trắc ở vùng Chợ Lớn (quận 5, Tp HCM). 

Buổi sáng ngày cách đây 3 năm, Ba Trắc dẫn theo một số đàn em huênh hoang tiến vào chùa. Trước tượng Ông ngựa, thay vì phải bò dưới bụng thì Ba Trắc nhảy tót lên lưng Ông. Cánh đàn em thi nhau vỗ tay, cười thỏa chí. Bỗng nhiên, thanh long đao ngả về phía Ba Trắc, sượt ngang vùng thái dương của y, quét một vệt máu dài xuống mặt. Ba Trắc tá hỏa nhảy xuống, ôm mặt chạy ra ngoài kêu la người chở đi bệnh viện. 

Mọi người đổ xô đến xem chuyện  Ông trừng phạt người. "Nghe lời đồn Ông ngựa linh thiêng, nhiều người ở tận ngoài Bắc cũng nườm nượp vào. Họ vào giữa đêm, xếp hàng chờ đến sáng để được vào xin lộc Ông ngựa", bà Tư kể.

Ông Nguyễn Gia Khánh (63 tuổi) - Trưởng ban quản lý chùa Ông ngựa, cũng là cháu ngoại duy nhất của ông Vinh lên tiếng trấn an người dân. Ông Khánh cho người kiểm tra thì phát hiện mấu hàn phía dưới chân thanh long đao bị vỡ, có thể do một số người dựa vào đó. Mặc dù giải thích chỉ là sự trùng lặp nhưng từ ngày Ông ngựa "nổi giận", chưa có ai dám trèo lên lưng Ông để thử thách "thần thánh" nữa. Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng, không nên cưỡi lên yên ngựa mà chỉ nên bò phía dưới, sờ nắn, vuốt ve mà thôi.

Nói về ngựa xích thố, ông Khánh quả quyết: "Chưa bao giờ xảy ra chuyện kẻ xấu xâm hại đến Ông cả. Tôi lấy làm tự hào vì điều đó. Chính niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh huyền bí mà Ông ngựa tồn tại đến ngày nay, chưa bị hư hỏng một vệt nào, dù là nhỏ".

Người dân gần xa mang lễ vật đến cúng Ông ngựa chỉ là hoa trái và cỏ. Vào các ngày vía Ông, bảo vệ chùa đã rất vất vả khi phải dọn dẹp một đống cỏ khô, cỏ tươi đủ loại chất đầy miệng Ông ngựa. Có điều, người mang lễ đến đây không hẳn đã theo đạo Phật, chỉ vì họ ngưỡng mộ Ông xích thố. 

Năm ngoái, có hai vợ chồng ở Đồng Nai còn khệ nệ ôm bao cỏ lên làm thảm cho Ông ngựa "phi". Ông Khánh cho biết: "Chúng tôi tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân, nên chùa luôn mở cửa bất cứ thời gian nào. Và các ngày cúng lớn, hầu như cửa chùa mở cả đêm". 

Chùa Thanh An nơi có tượng ngựa xích thố và thanh long đao.

Quan niệm trọng ngựa, quý ngựa là việc tốt, càng phấn khởi hơn khi ý thức của người dân về việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa, nhưng nhiều người đã lợi dụng sự linh thiêng truyền khẩu từ bao đời nay của ngựa xích thố và thanh long dao để kiếm ăn hằng ngày. Túc trực xung quanh xích thố, lúc nào cũng có "đệ tử" của ông hướng dẫn và "cho lộc" khách. "Lộc" chỉ là tấm thẻ bằng giấy nhỏ như thẻ giữ xe đạp có in hình con ngựa đang phi nước đại hoặc một cành cây sống đời, hoặc nhánh cỏ dại… 

Nhưng người "cho lộc" lại luôn mồm "xin lại" tiền của khách với điệp từ quen thuộc: "Cho bao nhiêu thì cho". Xong màn "xin lộc" Ông ngựa thì đến màn chào mời, níu kéo vé số. Tại đây, một tập đoàn con nít bán vé số đông như đi diễu hành. Cảnh buôn bán tấp nập, nhộn nhịp chẳng khác nào ngoài chợ. Để chốn linh thiêng đẹp hơn trong mắt khách hành hương, chiêm vái, để Ông ngựa mãi tôn nghiêm uy dũng như trong thần thoại, cần lắm một quy định nghiêm ngặt.

Ngọc Thiện
.
.
.