Mạc Cao - Bảo tàng Phật giáo vĩ đại nhất thế giới

Thứ Hai, 04/09/2017, 17:10
Nằm ẩn mình giữa sa mạc Gobi, hang Mạc Cao nằm trên vách núi Minh Sa được Hòa thượng Lạc Tôn phát hiện một cách ngẫu nhiên vào năm 366 sau Công nguyên trong lúc tìm nơi nghỉ ngơi ở chân núi Tam Nguy - Ðôn Hoàng.


Khi tình cờ ngài tận mắt chứng kiến thấy cảnh tượng kỳ lạ: ánh hoàng hôn tỏa ra vầng hào quang sáng lấp lánh. Và vị hòa thượng này tin rằng đây là miền đất lạ. Ông tìm cách thuyết phục các thương gia giàu có qua lại trên con đường tơ lụa để thuê người tiến hành đục chạm nơi này thành nhiều hang động để làm nơi tu hành.

Phải trải qua 10 triều đại, từ Đông Tấn cho đến nhà Đường, quần thể hang động Mạc Cao trở thành quần thể có quy mô  hơn 1.000 hang động, với nội dung phong phú nhất và có giá trị nghệ thuật cao nhất ở Trung Quốc. Hiện nay, quần thể hang đá Mạc Cao nằm ở ngoại ô, cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng 25km về phía đông nam, tỉnh Cam Túc.

Hang Mạc Cao được xem như một bảo tàng chứa kho báu nghệ thuật trên những vách đá. Với tổng chiều dài 1.610m, có hơn 3.000 pho tượng và 45.000 m2 bích họa (tranh trên vách đá), 5 ngôi nhà gỗ cổ từ thời Đường, Tống.

Mặc dù trải qua sự thay đổi của lịch sử và sự tàn phá của thiên nhiên và con người, nhưng đến nay hang đá Mạc Cao vẫn bảo tồn được những pho tượng Phật muôn hình muôn kiểu, phục sức và giữ gìn nét đẹp riêng của mỗi tượng mỗi khác, phản ánh màu sắc đa dạng của các thời đại khác nhau. Những bích họa đẹp ở Mạc Cao, nếu nối lại với nhau có thể tạo thành một dãy tranh dài tới gần 30km.

 Năm 1900, khi quét dọn, vị sư Vương Đạo Sĩ quản lý hang Mạc Cao đã phát hiện ra một mật thất lưu giữ hơn 50.000 bảo vật cổ hiếm thấy, gồm có: sách kinh, văn thư, tranh, tác phẩm điêu khắc… Niên đại của nhiều bảo vật từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 11 Công nguyên, cả ngàn năm tuổi. Với nội dung đề cập tới toàn bộ các lĩnh vực xã hội như: địa lý, lịch sử, chính trị, quân sự, tôn giáo, ngôn ngữ văn tự, y dược… của Trung Quốc, khu vực Trung Á, Nam Á, châu Âu…

Phát hiện này từng gây chấn động giới khảo cổ học thế kỷ 20, nhiều học giả từ khắp nơi trên thế giới đã tìm đến để chiêm ngưỡng. Ngay cả Vương Đạo Sĩ cũng đã mang một số văn vật ra ngoài để hòng kiếm chác lợi ích cá nhân. Kéo theo đó, những văn vật quý lần lượt “không cánh mà bay” và bị truyền ra ngoài dân gian. 

Và cũng do sự bất lực của chính quyền đời Thanh lúc bấy giờ, mà chỉ chưa đầy 20 năm sau đó, các nhà thám hiểm của các nước Nga, Anh, Pháp, Nhật, Mỹ… đã lần lượt lấy đi gần 40.000  tập kinh thư, cùng với số lượng lớn các bảo vật đã bị đánh cắp, gây nên thảm họa nghiêm trọng cho hang Mạc Cao.

Hiện nay, hang động Mạc Cao chỉ mở cửa một phần trong tổng số các hang động, nhưng du khách cũng đã được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật mà không khỏi trầm trồ, thán phục trước những tác phẩm điêu khắc của hàng ngàn nghệ nhân tài hoa nối tiếp nhau trong suốt 1.000 năm, họ đã treo mình trên những vách đá, vòm hang để tạo tác. 

Như bức họa về các nàng phi thiên (tiên nữ bay lượn), sự tích về Đức Phật và các vị Bồ Tát... Hay nổi tiếng như pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn với chiều dài hơn 15m, phía sau là 72 hóa thân Bồ Tát và các phật tử đang tiếc nuối khóc than…

Năm 1987, hang Mạc Cao đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, và được coi như là một trong những Bảo tàng Phật giáo vĩ đại nhất thế giới.

Duy Thành
.
.
.