Mái ấm Điện Biên Đông - Giấc mơ mong tìm thấy

Thứ Tư, 16/01/2013, 14:50

Chỉ hơn một năm trước thôi, khoảnh đất nhỏ ấy còn trống trơn, lạnh lẽo, như cái lạnh lẽo của nghèo khó, của  ma túy, bệnh tật phủ lên huyện lị Điện Biên Đông này. Cái lạnh, sự nghèo khó càng nhức nhối khi chúng tôi chứng kiến cảnh những đứa trẻ mồ côi không có gia đình, không có tương lai. Có quá nhiều những số phận khắc nghiệt như thế ở Điện Biên Đông.

101 em nhỏ, trong đó có 30 em không biết đi đâu về đâu. Và lúc này, trong những ngày đông giá buốt, tôi đang đứng ở Điện Biên Đông trong ngôi nhà ấm áp đã được dựng lên trên mảnh đất nghèo khó này. Mái ấm Điện Biên Đông.

Những giấc mơ mồ côi

Tôi còn nhớ, cách đây hơn một năm, khi nhận được tin có những đứa trẻ mồ côi lang thang, ngủ vùi dưới chiếc cống ở Điện Biên Đông, nhà báo Thu Trang đã lặn lội cả đêm lên tìm gặp. Và sau đó, là những chuyến đi liên tục của Trang và những người bạn về nơi heo hút ấy. Một huyện nhỏ, Điện Biên Đông, có đến gần 400 đối tượng nghiện và hàng trăm trẻ em mồ côi, hàng trăm người vợ trẻ góa chồng. Đi một vòng quanh Pá Vạt, Na Son, Mường Luân, bóng dáng những người đàn ông thưa thớt. Trong những nếp nhà xiêu vẹo, những người đàn bà lầm lụi, nhiều cảnh già ngơ ngác oằn mình nuôi lũ cháu mồ côi, đám trẻ con nhem nhuốc, nheo nhóc, lấm lem trong cát bụi, không gia đình, không học hành, không nơi nương tựa…

Những cuộc khảo sát, những bức ảnh, những tấm hình, những bài viết về nơi con bão ma túy đi qua, để lại những giấc mơ mồ côi, đã gây rung động dư luận thời đó về số phận mong manh của những đứa trẻ. Thế nhưng vẫn còn chưa đủ. Phải làm gì đó,  thực tế cho những đứa trẻ ở nơi heo hút này. Cuộc đời của chúng sẽ đi về đâu khi không còn nơi nương tựa. Một dự án về một mái ấm cho những đứa trẻ mồ côi của nhóm Yêu vùng cao (YVC) ra đời.

Nằm tựa vào một ngọn đồi, ngôi nhà hai tầng, khang trang, rộng rãi, có 6 phòng ngủ và khu vệ sinh khép kín nằm bên cạnh khu nội trú dân nuôi của huyện. Nhiều người ngạc nhiên, khi trên mảnh đất khô cằn này, có thể mọc lên một ngôi nhà ấm cúng như vậy.

Lò Văn Kiếm chưa bao giờ vui như thế. Lần đầu tiên, gương mặt lầm lì của nó nở nụ cười. Kiếm giờ là học sinh lớp 2 dân tộc Xinh Mun, Bản Huổi Hụ xã Chiềng Sơ. Bố Kiếm bị nhiễm HIV truyền sang mẹ. Kiếm lớn lên hoang dại. Nó đứng cạnh tấm ảnh do nhiếp ảnh Na Sơn chụp lại khi tìm thấy Kiếm đang ngồi buồn xo trong ngôi nhà  tuềnh toàng của bà ngoại. Đôi mắt hoang dại, thẩn thờ. Bố chết khi Kiếm mới 4 tuổi. Mẹ sống thoi thóp được một thời gian rồi cũng đi. Mấy chị em Kiếm tan tác, dựa vào nhau mà sống. Riêng Kiếm, hồi đó còn bé quá, nên bà ngoại đưa về nuôi. Bà cũng đã 80, lưng còng sát đất.

Tôi hỏi Kiếm, con có nhớ nhà không. Kiếm lắc đầu. Dường như trong nó không còn ký ức. Hay ký ức chỉ là nỗi sợ hãi. Khi tiếng nhạc cất lên, nó vội vàng chạy một mạch ra ngoài. Những ám ảnh sợ hãi của tuổi thơ đã hằn vệt trong tâm hồn nó. Nhưng nó đã cười, nụ cười hiếm hoi của Lò Văn Kiếm khi nó nhìn thấy rất nhiều sách trong giá sách của khu nhà. Nó mân mê những cuốn truyện tranh lần đầu tiên trong đời, say sưa đánh vần. Nếu ngày đó không có nỗ lực của những tấm lòng, có lẽ giờ này, Kiếm đã sống hoang dại giữa núi rừng.

Lần đầu tiên Kiếm cười vui như thế.

Lò Thị Lưn mặt hiền khô, ngơ ngác nhìn mọi người đang sắp đặt cho ngôi nhà mới. Nó không tưởng tưởng được có ngày mình được sống trong ngôi nhà khang trang như thế này. Năm nay nó học lớp 7, người bé như cái kẹo. Thế cũng là may. Nó không có ký ức về mẹ. Mẹ chết từ khi nó lọt lòng. Lớn lên với bố, nó là đứa con ngoan, hiếu thảo. Nhưng rồi, nỗi bất hạnh của gia đình nó không chỉ là sự nghèo khó mà liên tiếp những mất mát, đau thương. Năm nó học lớp 4, bố bị mất vì tai nạn giao thông.  Mấy chị em nó bơ vơ. Không có cái ăn chứ nói gì đến học. Lưn được ở tạm trong khu nội trú dân nuôi. Giờ nó đã học đến lớp 7. Ngoan và học giỏi.

Và rất nhiều những số phận thương tâm như thế đã được tìm thấy và cưu mang. 30 trong số 101 đứa trẻ  mồ côi đã được Phòng Giáo dục huyện Điện Biên Đông đưa về đây. Lần đầu tiên trong đời, chúng có một mái ấm gia đình. Mái ấm của tình thương.

Hành trình của những tấm lòng

Mái ấm Điện Biên Đông là nỗ lực của một nhóm bạn YVC trên con đường chông gai và gian khó. Họ, đến từ nhiều công việc khác nhau, nhà báo Thu Trang, ca sĩ Khánh Linh, kiến trúc sư Lê Quang, nhiếp ảnh Na Sơn... Nhưng họ đều có chung một tình yêu dành cho những số phận bất hạnh nơi vùng núi xa xôi, heo hút ấy. Bắt đầu lặng thầm từ những chuyến đi. Và họ đã cùng đi về một hướng khi quyết định bắt tay vào xây dựng mái ấm cho những đứa trẻ mồ côi. Những khó khăn, nhọc nhằn, từ việc khảo sát, thiết kế, đến việc kêu gọi những tấm lòng hảo tâm. Nhưng, hơn thế, họ đã truyền bầu nhiệt huyết và niềm tin cho cộng đồng, nối rộng những vòng tay nhân ái.

Tôi đã chứng kiến sự sẻ chia ấm áp đó trong chuyến đi khánh thành mái ấm Điện Biên Đông. Rất nhiều, rất nhiều bạn bè, những người quen, không quen. Họ đã vượt qua những hành trình, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn km đến vùng núi heo hút này. Họ đã đến để chia sẻ, để nhìn thấy niềm vui ấm áp trong đôi mắt của những đứa trẻ vùng cao. Lặng lẽ, miệt mài, họ đã đồng hành cùng nhóm YVC để xây nên mái ấm này. Những vòng tay đang được nới rộng. Những ấm áp đang được sẻ chia.

Tôi gọi đó là sự kỳ diệu bởi trong thời buổi khủng hoảng kinh tế như hiện nay, với con số 3 tỷ đồng mà dự án cần có, thì con đường đi đến Điện Biên Đông  không chỉ khó khăn mà còn kéo rất dài. "Thật đau lòng nếu ngôi nhà mơ ước mới chỉ xây xong phần thô vì thiếu kinh phí. Chúng tôi đã hoang mang. Lo lắng. Thậm chí nhiều lúc nản lòng". Nhưng họ đã vượt qua.

Nhóm YVC đã không phải đi một mình. Họ có nhiều nhà tài trợ, những người bạn, người anh em kề bên. Anh Nguyễn Hoài Nam, một doanh nhân đã bay từ trong Sài Gòn ra Hà Nội lên Điện Biên Đông để tận mắt chứng kiến ngôi nhà, tổ ấm của những em bé mồ côi. Anh chính là người đã từng mua chiếc xe cổ do Biên tập viên Mỹ Linh tặng cho trẻ em Điện Biên Đông. Điều gì khiến một người bận rộn như anh, lặn lội đến đây, nếu không phải là sự sẻ chia.

Hay những nhà báo, các kênh truyền hình, rất nhiều người có mặt ở Điện Biên Đông hôm đó. Tôi biết, họ đi không vì áp lực tin bài, mà vì sức ảnh hưởng của mái ấm này. Họ đã đến vì sự sẻ chia nhiều hơn là công việc.

Tôi nhớ, những câu chuyện về sự sẻ chia mà Trang đã kể cho chúng tôi. Anh Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình An Viên, anh đã đứng sau, ủng hộ từng đôi giầy, bán từng chiếc vé của đêm nhạc từ thiện "Giấc mơ mong tìm thấy" để góp tiền cho mái ấm Điện Biên Đông. Chị Vũ Tuyết Nhung, một nhà báo của Đài Truyền hình Hà Nội, đã không quản ngại khó khăn kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người.

Tôi còn nhớ, có một bác khoảng 60 tuổi, đạp chiếc xe cà tàng đến tòa soạn, chỉ được mong góp ít quần áo và một phần lương hưu ít ỏi của bác.

Từng viên gạch, từng bao xi măng, từng viên sỏi nhỏ đã được góp dần như thế. Và chắc hẳn, còn rất nhiều người lặng lẽ ở phía sau, cả những người ẩn danh không màng đến sự hồi đáp.

Người lặng lẽ

Tôi muốn dành một phần trong bài viết này để viết về chị, nhà báo Thu Trang mặc dù tôi biết, chị không bao giờ muốn thế. Nhưng những gì chị đã làm, đã cống hiến, khiến tôi, và những người đồng hành cùng chị thấy mình thật bé nhỏ. Nếu không có chị, chắc chắn sẽ không có một mái ấm Điện Biên Đông. Tôi biết, chị đã làm nó bằng tất cả tấm lòng thiện nguyện của mình, tấm lòng của một người phụ nữ yêu thương và muốn bao bọc cho những số phận bất hạnh. Tôi đã chứng kiến những nỗ lực của chị, trong hơn một năm qua. Có những lúc chị tưởng như ngã gục, khi không có tiền, những lời hứa bị bỏ quên... Nhưng ám ảnh về những đôi mắt hoang dại, những thân phận côi cút, khiến chị, phải đứng lên, phải mạnh mẽ. Và chị, đã kết nối được những vòng tay nhân ái. Có gì đó, lớn hơn cả tình yêu thương, trong hành trình của chị.

Và tôi biết trong hành trình đó, chị không hề đơn độc. Bởi những gì từ trái tim sẽ chạm tới trái tim.

Anh Cù Huy Hoàn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Điện Biên Đông

Tình cờ năm 2005, cậu con trai của tôi dẫn một đứa trẻ về nhà. Nó bảo, bố mẹ  bạn chết hết rồi, con đưa bạn về cho bạn ăn. Tôi giật mình. Có bao nhiêu đứa trẻ ở Điện Biên Đông có hoàn cảnh thương tâm như thế. Phải làm thế nào cho các cháu đỡ khổ. Sau đó, tôi đã cùng mọi người thống kê số lượng những em bé mồ côi và đưa một số em về ở trong khu nội trú dân nuôi của huyện để đi học. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Mái ấm Điện Biên Đông là một cơ hội tốt nhất cho những em bé mồ côi, được chăm sóc, được đến trường, được sống với những quyền tối thiểu của con người. Đây cũng là huyện duy nhất ở Điên Biên có một mái ấm như thế. Đó là hành trình của những tấm lòng thiện nguyện của nhóm YVC và tất cả mọi người.

Linh Sơn
.
.
.