Thư gửi chiều thứ Năm:

Mạn đàm chữ "dân"

Thứ Sáu, 29/03/2013, 15:55

Dự luật tiếp công dân qui định, trừ trường hợp đột xuất, bộ trưởng và chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp dân ít nhất 1 ngày mỗi tháng. Bạn nghĩ gì khi đọc thông tin này?

Với mình, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh nóng hổi của bà tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khi bà đi chợ mua hoa quả ở phía Nam thủ đô Seoul (ngày 13/03) và để lộ ra một chiếc ví cũ kỹ, có giá chỉ vào khoảng trên 70. 000, tiền Việt Nam. Rõ ràng, hình ảnh một tổng thống tự đi chợ, tự chọn đồ, tự rút ví trả tiền tạo cảm giác về một vị… Tổng thống hết sức gần gũi với nhân dân. Hình ảnh một tổng thống với một chiếc ví rẻ tiền, cũ kỹ cũng tạo cảm giác về một vị tổng thống biết sống và biết nghĩ vì nhân dân, đặc biệt là những người dân nghèo khổ.

Hẳn nhiên, sẽ có người bảo đấy có thể là một hình ảnh mị dân. Và sẽ có người bảo, trong xã hội tư bản, những hình ảnh mị dân thường diễn ra tinh vi. Rồi người ta còn bảo, chuyện mị dân là một phần tất yếu của chính trị. Nhưng nhìn vào các đời tổng thống Hàn Quốc, đặc biệt là nhìn vào lời cam kết của cựu Tổng thống Lee Myung-bak về việc sẽ dành tặng toàn bộ tiền lương 5 năm nhiệm kỳ tổng thống của mình cho người nghèo có lẽ chúng ta sẽ phải nghĩ khác.

Nếu cái khác ấy không nằm ở chỗ "quả thật, những vị lãnh đạo này đã hành động vì nhân dân của họ", mà vẫn tiếp tục bị ám ảnh bởi chuyện "mị dân" thì chắc chắn cái gọi là "mị dân" ấy cũng đã giúp cho nhân dân có lợi - một cái lợi cụ thể, rõ ràng, nhìn thấy được. Tôi chưa tìm hiểu xem ở Hàn Quốc có đạo luật nào qui định các nhà lãnh đạo phải gặp dân ít nhất 1 lần trong 1 tháng, 1 tuần, 1 ngày hay 1 giờ hay không, nhưng với những gì đã diễn ra, tôi tin là có hay không có đạo luật ấy thì ở đây cũng có thể dễ dàng nhìn ra những vị lãnh đạo của nhân dân.

Và như thế, cái mấu chốt của "văn hoá lãnh đạo" nằm ở sự nhận thức và hành động thực sự những người giới lãnh đạo về nhân dân của mình, chứ không nằm ở những qui định mang nặng tính hình thức về việc phải tiếp dân bao nhiêu lần trong tuần, trong tháng, trong năm. Ấy thế mà chúng ta khả năng phải đưa ra những qui định như thế lãnh đạo các bộ, ban, ngành của mình. Vì, một bộ phận các vị lãnh đạo ở ta lâu nay xa dân quá? Hay vì các vị chỉ âm thầm vi hành, không ai thấy, nên giờ phải có qui định này để mọi người cùng nghe, cùng nhìn, cùng thấy?

Mà có lẽ, sau qui định này, sẽ có những vị lãnh đạo bộ, ban, ngành  ở ta đột nhiên "đi đứng kiểu nhân dân", "ăn nói kiểu nhân dân", "dùng ví kiểu nhân dân" nhưng nhất định không phải mị dân cũng chưa biết chừng….!

Phan Đăng
.
.
.