Măng le và cá chuồn

Thứ Tư, 20/08/2014, 12:30
Người xưa thường nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” để chỉ những nghề trở nên giàu có từ biển và rừng. Nhưng trên thực tế, đa số những người trực tiếp đi phá và đâm này vẫn nghèo rớt mồng tơi. Thậm chí phó mặc đời mình trôi theo cơm áo. Chỉ có những “đầu nậu” mới thực sự giàu có.

Trong khi khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông nước mình “nóng lên” thì ven bờ Nam Trung Bộ cuộc sống của làng chài vẫn nhộn nhịp. Một số thuyền thúng đánh bắt gần bờ chỉ 1 hải lý cũng cắm cờ Tổ quốc với kích cỡ 20x30cm bay phần phật như muốn nói rằng: Chúng tôi những người đi lộng cùng đồng hành với đi khơi trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và để biết thêm cuộc sống ngư dân đi biển gần bờ, chúng tôi ghé thăm cơ sở làm thuyền thúng, đi lang thang trên bờ cát, lên thuyền ra lộng. Đêm về ngủ tại làng chài cùng ở trần mặc quần đùi ngồi nhâm nhi rượu đế với cá đuối khô, nghe những câu chuyện vui buồn đời người trên biển.

Có được xuống biển, lên thúng chèo đi lộng (gần bờ), tận mắt thấy các ngư dân nghèo lăn lộn mưu sinh mới hiểu thế nào là gian khổ. Nhất là những ngày giông bão bất thường, người và thúng chông chênh giữa đại dương tựa như chỉ mành trước gió. Dọc tuyến biển dài 200 cây số này, số lượng làng chài và ngư dân sống với nghề đánh bắt không phải là ít. Ngoài các ghe neo đậu ở bến sông cửa biển, còn ven bờ cát hàng trăm chiếc thuyền thúng nằm chỏng chơ phơi mình chờ con nước. Người xưa thường nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” để chỉ những nghề trở nên giàu có từ biển và rừng. Nhưng trên thực tế, đa số những người trực tiếp đi phá và đâm này vẫn nghèo rớt mồng tơi. Thậm chí phó mặc đời mình trôi theo cơm áo. Chỉ có những “đầu nậu” mới thực sự giàu có. Thật khó tìm thấy những người làm thuê từ rừng, đi bạn ngoài biển có một ngôi nhà tươm tất con cái được học hành đến nơi đến chốn nếu không có một nguồn thu nhập khác.

Đời người đời thúng

Nhìn những chiếc thúng tre nâu xẩm nằm im lìm gối cát dọc theo bờ biển hay đang nhấp nhô người đứng trên thúng gỡ cá, kéo lưới, tạo nên một cảnh quan yên bình giữa người và biển. Không ít người cho rằng: Thuyền thúng là sự kết hợp kỳ diệu giữa nhu của rừng và cương của biển. Là vì thúng được đan bằng những nan tre, buộc bằng sợi mây mềm mại, còn cương là những con sóng biển gầm gừ chồm lên xông thẳng vào người một cách man dại. Tuy nhiên, để có được một chiếc thúng chèo 1,8m đi lộng hoặc thúng máy đuôi tôm 3,5m bỏ lên tàu lớn ra khơi câu mực thực sự không phải dễ dàng. Người làm ra thúng không chỉ có kỹ xảo của đôi tay mà còn có tâm với nghề bảo đảm tính mạng cho người, khi một mình ban đêm âm thầm làm bạn với ngọn đèn leo lét giữa biển trời tối đen như mực.

Long Hải một thị trấn sầm uất ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi được xếp thứ nhì về du lịch biển ở Đông Nam Bộ. Nhưng không phải ai cũng nhận ra xen lẫn trong tiếng ồn ào của phố thị còn vọng lên âm thanh lách cách, cọc cạch, rót réc của tiếng cưa, tiếng chẻ tre từ cơ sở làm thuyền thúng. Chúng tôi ghé thăm ông Sáu Đoàn một gia đình chuyên làm thúng đã trải qua hai ba thế hệ. Người đàn ông trên 80 mùa lá rụng này đồng hành một cuộc đời thấm đẫm mồ hôi với đôi mắt mang hồn của biển có thể nhìn xuyên qua lớp vỏ thúng dày. Ông Sáu cho biết quê mình ở tận Quảng Bình, ông nối nghiệp nghề đan thuyền thúng từ bố đẻ. Vào đầu năm 80 của thế kỷ trước, việc đánh bắt gần bờ phát triển khá mạnh, nhất là những năm 84-88 thúng dành cho câu mực ngoài khơi được nhiều người đặt hàng. Lúc ấy gia đình ông đan mỗi năm từ 120 đến 150 chiếc, bây giờ rất ít người đặt, nếu có chỉ lấy công làm lời, nhưng ông vẫn động viên con cháu cố giữ nghề truyền thống của gia tộc. Ông Sáu không nhìn ai, dùng hai tay lắc lắc một chiếc thúng vừa đan xong chưa trét dầu rái thì thầm như tâm sự với mình: “Nhìn cái thúng đơn giản thế này nhưng làm ra để cho bà con leo lên ra biển không phải dễ dàng đâu. Những ngày đầu học nghề tôi chỉ ngồi gọt vỏ thân tre cho quen tay, sau đó mới học cách chọn tre, cắt tre, ra tre, chẻ nan, vót nan rồi mới đến lận thúng… Phải có tay nghề giỏi mới làm được công đoạn này vì nếu không thúng sẽ không tròn. Tre đan mê phải dùng tre đặc từ nửa cây trở xuống, không non cũng không già, nhưng đối với tre làm vành phải được lựa chọn kỹ lưỡng vì đó là “xương sống” của thúng. Mỗi làng nghề có một cách tạo hình thúng khác nhau. Ở Long Hải, người thợ đóng cọc xuống đất và đặt mê lên mới bắt tay tạo hình. Tạo hình xong, phải đặt vành và cột dây cước hoặc dây mây cố định vành với mê. Điều tối quan trọng là sau khi làm xong phải trét phân bò lên thúng trước khi quét dầu rái 2-3 lần bên ngoài. Phân bò phải pha với nước theo tỷ lệ không quá khô, không quá nhão, vì khi xuống nước phân bò sẽ nở ra, trám hết các lỗ hở giữa các nan tre. Và nếu không có phân bò thì nước sẽ ngấm vào, dù có dùng keo gì thay thế cũng không được. Ông bảo: “Ngày xưa đi xin thứ này dễ lắm, còn bây giờ phải đi mua, ở nông thôn bây giờ bò càng ngày càng hiếm, nhiều khi phải đặt trước mới có”. Nhưng hiện nay nghề làm thúng không đủ ăn chú ơi! Ông còn nói vọng theo một cách buồn buồn.

Chia tay ông Sáu, xuôi về La Gi-Phan Thiết, nhưng trong tâm thức tôi vẫn còn phảng phất âm hưởng từ giọng nói đều đều của ông “Nghề làm thúng chai công phu, vất vả đòi hỏi sự tỉ mỉ. Bởi đan thúng không chỉ đơn thuần là cái nghề mưu sinh mà còn quyết định mạng người một mình trên biển. Vì thế lúc nào cũng đặt sự cẩn trọng lên hàng đầu, không thể làm ẩu, làm dối được. Nếu mình không có tâm đức chỉ chạy theo lợi nhuận để thúng lũng hoặc thấm nước làm người ta chết là có tội lớn lắm”. Từ triết lý nhân bản của ông Sáu, tôi liên tưởng nghĩ đến các loại mặt hàng từ rau quả, đồ chơi đến quần áo… xuất xứ từ Trung Quốc tràn sang. Người ta đã không từ một thủ đoạn nào để gieo mầm bệnh tật, hủy hoại giống nòi. Chẳng lẽ cái tâm của người sản xuất từ một đất nước luôn tự hào là Khổng-Mạnh, trỗi dậy hòa bình, đàn anh, nước lớn, bá chủ… lại đánh mất nhân tính đến mức trở thành dã thú hay sao!

Nữ thần Chăm, người mẹ đỡ của dân chài

Anh Trần Đình Tưởng, dân La Gi, vùng biển cuối cùng ở Nam Trung Bộ. Tưởng thuộc tuýp người hiểu biển, hiểu người, chịu khó nghiên cứu quy luật của đại dương nên anh có nhiều bạn sống bằng nghề đánh bắt và cũng nhờ anh tôi được tiếp cận với làng chài được nghe hơi thở, vui buồn của những cuộc đời đi lộng.

10 giờ sáng, trên chiếc thuyền thúng 1,8m của Bảy Mạnh. Anh Bảy dẫn chúng tôi ra Hòn Bà một đảo nhỏ cách đất liền hơn 1 hải lý (2km) để xem bến thúng dã chiến vào những ngày giông bão. Chuyến đi có người anh em cột chèo của anh vào thăm hôm qua tên là Tư Huỳnh. Anh Tư dân gốc Lý Sơn, một huyện đảo tiền tiêu của Quảng Ngãi. Cả anh Tư lẫn anh Bảy đều thực thụ là những người con của biển với thân hình mạnh khỏe và màu da nhuộm đầy nắng gió. Hai anh tuy đã có tuổi nhưng cơ bắp vẫn còn cuồn cuộn như thời trai trẻ. Điều ấy chứng tỏ rằng biển không những ban tặng cho con người sức lực mà còn tạo nên chất xúc tác hình thành sự đoàn kết, tương trợ bên nhau để tồn tại. Trong chuyến đi này, tôi xin phép được cầm dầm để chèo nhưng chiếc thúng cứ quay tròn không thể đi thẳng. Anh Bảy nhìn tôi, ngửa mặt lên trời cười sằng sặc rồi vừa chèo mẫu vừa hướng dẫn lý thuyết về cách chuyển dầm để làm chủ chiếc thúng. Bài học đầu tiên được anh dạy trong chuyến đi là không phải con người có sức khỏe tốt đều có thể sử dụng tay chèo một cách dễ dàng.

Trước mặt chúng tôi là một đảo nhỏ cô đơn nằm giữa đại dương mênh mông. Hòn Bà mang hình con rùa khổng lồ vươn mình bơi về hướng Nam. Trên đảo là rừng cây xanh thẫm chập chờn những dãy đá lô nhô. Hòn Bà, đã bao năm từ người Chăm đến người kinh ở La Gi đều xem như cổng làng của mình, khi từ biển xa trở về bờ bến. Anh Tưởng cho biết “Diện tích đảo khoảng 2,8 ha với chu vi 700m. Theo tư liệu cũ, vào đầu thế kỷ XVII người Chăm đã dựng lên một ngôi đền tại đây để thờ Thần Nữ Y Ana, vị Thần thiêng liêng của vương quốc Chămpa cổ, được các nghệ nhân Chăm tạc từ một khối đá nguyên bản tại chỗ. Tuy nhiên vào thời chiến việc đi lại khó khăn nên ngôi đền dần dần trở thành hoang phế. Năm 1969, ngư dân La Gi đã đóng góp xây dựng lại ngôi đền mới trên nền cũ tiếp tục thờ Nữ thần này và xem như là người mẹ chung của cộng đồng các dân tộc anh em. Hằng năm vào ngày 23 tháng 3 âm lịch cả hai anh em Kinh - Chăm đều cùng nhau tổ chức lễ hội cúng Bà một cách trân trọng”. Anh Tưởng còn cho biết thêm người mẹ chung này đã từng là bà đỡ cứu giúp rất nhiều ngư dân khi những cơn bão từ biển xa đổ bộ về đất liền.

Buổi tối ở làng chài Tân Long, gió biển thổi phần phật trên những cành dừa. Làng chài ở đây hầu hết là nhà xây, điện đóm sáng choang. Những người hàng xóm của anh Bảy, có nhà xem cải lương, có nhà mở nhạc tiền chiến với giai điệu Bôlêrô như tái hiện ký ức một thời. Đó là nét văn hóa ban đêm đặc trưng của làng chài Nam Bộ. Vợ chồng anh Bảy chiêu đãi chúng tôi món cháo cá nức dầy, trứng cá nổi vàng ươm trên mặt bát. Chị Bảy cho biết cá nức dầy mùa này mới có, đây là loại cá ở gần bờ chỉ có lưới dã cào mới bắt được. Cháo cá nức, ngọt và thơm quyến rũ, cộng với hương vị hành tiêu xông lên làm cơn đói chúng tôi bừng dậy sau cả buổi lênh đênh ngoài đảo.

Câu chuyện từ sân gạch nóng lên khi Tư Huỳnh chuyển sang đề tài đi thúng xa bờ ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước mình. Anh Tư nâng ly rượu đế cạch vào ly tôi bảo “Chia nửa vầng trăng” (tức là 50/50). Ông chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ, uống đi, thằng Tư này mới kể tiếp về đời người đời thúng!”. Đặc tính của dân biển là thế, có tí rượu nồng, cuộc đời mới tăng thêm thi vị. Tư Huỳnh biết tôi là dân trên núi mới xuống nên anh vỗ vai tôi cái bốp, cất giọng bài chòi xứ Quảng: “Ai về nhắn với nậu nguồn / Măng le gởi xuống cá chuồn gởi lên…”. Nào! Bây giờ hết luôn 100% không kê tán nha! Anh Tư chu miệng hít vào nghe cái réc, tiếp tục: “Đời đi thúng ở biển xa, buồn như chí cắn. Ông cứ tưởng tượng nghề câu mực ống, mực xà từ Lý Sơn ra gần đến Tri Tôn phải bỏ thúng lên ghe chạy mấy ngày, đến nơi thả thúng xuống biển mỗi người mỗi chiếc. Câu mực là nghề làm đêm lặng lẽ, chòng chành trên biển tối hù, chỉ làm bạn với thúng và cái đài để có tiếng người cho đỡ buồn. Nghe đài hoài cũng chán thấy mẹ! Mình đói mới ra biển ngồi câu một mình, nghe đài ra rả nào là tăng sản lượng, nào là xuất khẩu bao nhiêu tấn, đời sống dân biển cao hơn... có lúc tức quá mình tắt cái rụp, vừa kéo mực vừa chửi nhau với đài. Nhưng chỉ 1 tiếng sau lại mở tiếp vì buồn quá ông ơi! Cái tức và nhục hơn đố mấy ông biết cái gì không! Là bọn Tàu khựa đánh cá. Mẹ cha nó! Biển của mình, ngư trường đánh bắt truyền thống của mình từ thời ông cụ, kỵ đến giờ. Từ năm 2008 đến nay mấy thằng Tàu khựa nhảy vô, nó nói là biển của nó, vung tay đuổi mình ra, rồi kéo đứt lưới, có lúc ném cả bồ lon, con tán qua ghe mình rạt rạt. Mấy thằng khựa này đách phải dân đánh cá. ĐM, tóc nó ba phân dựng đứng, thằng nào cũng còn trẻ mặt hầm hầm lại có cả súng cả dao nữa ông ạ! Ghe mình tăng tốc bỏ chạy tại sân nhà, ông thấy có nhục không! Đó là hành động cướp biển chứ đánh cá đánh kiếc gì mấy cái thằng côn đồ đó!”.

Tư Huỳnh yên lặng nhìn ra biển trong đêm, chép miệng thở dài, trong khi nhà bên tuồng cải lương đang hát bài nàng Tô Thị ẵm con chờ chồng hóa đá.

Lang thang bờ biển

Sáng hôm sau, chúng tôi lang thang ra biển. Đứng trên nền cát mới nhận ra bờ đất quê mình như cái bao lơn khổng lồ nhìn ra biển cả, chiếc bao lơn bao đời nay đón nhận nhiều đặc ân và tai họa từ biển. Nếu nói đặc sản của đại dương là hải sản, còn bờ là nắng và gió, người không có tiền cũng có thể sở hữu được ân huệ này. Gió ở biển gần như chỉ thổi một chiều từ biển khơi vào chứ không thấy từ đất liền ra. Gió thổi thốc chỉ đứng một tí đã thấy vị mặn cộng với nhớm nháp của cát thấm vào người, không biết gió biển có mang độc tố gì mà một số loại cây trên bờ hóa gai đầy mình, khi đụng vào rỉ ra nhựa trắng, chúng đứng cả hàng xòe tai ra thủ thế. Nhưng chắc là không vì những hàng dừa hoặc rừng dương  mỗi ngày mỗi xanh thẫm hơn.

Biển hào hiệp và tàn nhẫn, nhưng trên đoạn đường dài 200km từ Long Hải đến Phan Thiết chúng tôi gặp được nhiều người dân trong các làng chài, không ai trong họ chửi biển dù vô tình hay cố ý. Trái lại con người trân trọng thờ cúng biển như một đại ân nhân vô hình, mặc dù vài tháng hay vài năm trước, người thân họ bị đuối nước hay cường triều hoặc giông bão cướp mất ngôi nhà thân yêu của mình. Biển chỉ ôn hòa độ lượng với người, biển tàn nhẫn với người khi con người không biết điều với biển. Và không biết năm nay hoặc những năm sau hồn biển của Đại Việt có còn kiên nhẫn, hòa bình với quân cướp biển những người luôn tự hào là nước lớn nữa không! Lịch sử Lạc Hồng vẫn còn Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ và lịch sử Biển Đông từ Hàn Quốc đến Singapore nước nhỏ vẫn hiên ngang trên trường quốc tế, bất chấp nước láng giềng đông mạnh gấp ngàn lần.

Làng chài và làng quê Nam Bộ có nhiều điểm giống nhau. Làng chài chỉ vài bước ra biển trên vai một tấm lưới có thể mang về vài ký cá. Làng quê Nam Bộ cũng vài bước ra đồng có ngay vài ký lúa vài con rô sặc, nhưng cả hai làng đều có những ngôi nhà tuyềnh toàng không hàng rào không cổng, thậm chí có nhà không đủ vách. Đời sống của họ có hình ảnh tương đồng là có thể ngày mai trong nhà không còn gì để ăn nhưng họ vẫn nằm võng đong đưa ca 6 câu vọng cổ, nhe răng cười hè hè, nụ cười hiền lành không mất lòng ai. Những làng chài ở biển không phải nhà nào cũng tường xây dưới nền tráng xi măng, có nhà trống trước hở sau, chồng đi biển biền biệt vài tuần nhưng không nghe xóm làng bàn tán “con này ngoại tình, bà kia ăn chả ăn nem” khác với những chung cư có tiếng “thèm phở” ở thành phố lắm tiền nhiều chữ. Chẳng lẽ những người có chữ có tiền lại thua kém với dân chài về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình mà ngày xưa gọi là đạo đức.

Ở Làng chài lâu nay vẫn theo quy luật ít ra cũng đã vài thế hệ. Đó là chiều về cả nhà sum họp ăn cơm sớm để tối đàn ông ra biển đánh bắt, đàn bà ở nhà trông con, sáng mai dậy sớm chờ chồng mang tôm cá về gánh đi bán, được nhiều ăn nhiều, ít ăn ít. Cứ thế làng chài như một chiếc đồng hồ sinh học, gần như họ không thiết tha một thiên đường nào xa lạ khác. Họ không quan tâm thế sự, họ chẳng biết ai làm thủ tướng, ai làm chủ tịch nước hay ai làm tổng bí thư... Nhưng hơn một tháng nay, sáng sớm ra biển chờ chồng, năm bảy chị em kê dép ngồi bệt trên cát bàn chuyện “thằng anh tham lam”. Khi được hỏi: “Các chị có biết Tàu khựa chiếm biển ta, xua đuổi, cắt lưới ngư dân mình không?!”. Chắc ít khi được gặp trực tiếp cánh nhà văn, nhà báo nên các chị nhìn chúng tôi thi nhau trút sự căm phẫn dồn nén khi nhìn màn hình VTV hằng đêm cảnh xịt vòi rồng đâm va tàu mình. Có chị còn quay mặt chỉ tay ra biển đảo Hoàng Sa hậm hực: “Quân ăn cướp, đồ dã man, kẻ tiểu nhân” thậm chí có người còn dậm chân xuống cát, tay phất nón lá một cách căm giận. Người Việt là thế giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, nhưng đến một lúc nào đó các chị các em này sẽ nhận ra chiến tranh của thế kỷ 21 việc bảo vệ hồn thiêng sông núi cha ông để lại phải kết hợp nhiều yếu tố khác nữa, vì lòng yêu nước của các chị dù có cao ngút ngàn đến đâu cũng không thể dùng sào tre để thọc ngã giàn khoan Hải Dương 981, hay Nam Hải số 9… của Trung Quốc hiện nay.

Ven bờ biển hiện nay, các khu Resort thay nhau mọc lên, các đại gia được phép của chính quyền “chặt bờ ra từng khúc” dưới chủ trương phát triển du lịch. Những làng chài nào nằm trong quy hoạch này sẽ phải ra đi và chắc chắn các con em da nâu, ăn sóng nói gió của làng không có cửa để vào khu Resort xa lạ kia. Thỉnh thoảng họ cũng chửi đổng khi nhìn mấy ông mấy bà Resort xa lạ vào làng mình nằm chình ình ra đó từ năm này đến năm khác rau muống biển bò ra. Lúc chúng tôi đến đã có người nói trống: Ngoài biển Tàu khựa chiếm, ven làng chài phân lô làm Resort còn mình ở đâu và làm gì ăn, hở trời! Dân làng chài cũng lạ quanh năm sống với biển, vắng tiếng sóng biển thấy lòng bồn chồn muốn về với biển, nhưng khi chết thì tìm nơi cao nhất, xa biển để tồn tại vĩnh hằng.

 * * *

Ngày chúng tôi trở về núi. Trên đường đi cứ mơ hồ nhìn thấy từng đoàn người Kho, Mạ, Chơ Ro lặng lẽ mang những gùi muối rập rình bước theo triền dốc về tận núi xa từ những tư liệu nói về con đường của muối một thời vang bóng. Hình ảnh mơ hồ ấy làm chúng tôi nhớ đến chuyện tình của miền xuôi miền ngược năm xưa “Ai về nhắn với thượng nguồn, măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Chúng tôi mang theo trong tâm thức hình ảnh những chiếc thuyền thúng đi lộng cắm cờ Tổ quốc tiếp tục ra khơi để long trọng thông báo cho thế giới biết rằng dân tộc Việt Nam rừng với biển là một. Nếu mất măng le và cá chuồn chúng tôi sẽ chít khăn tang lên đầu ra trận...

Trần Đại - Đình Tưởng
.
.
.