Mạnh tay với người cố ý vi phạm Luật Giao thông

Thứ Tư, 06/12/2017, 17:41
Những vụ việc người tham gia giao thông cố tình vi phạm Luật Giao thông, cướp đi tính mạng của CSGT có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây cho thấy sự chống đối cán bộ chiến sĩ CSTG đã ở mức báo động.


Sáng 30-11, Hoàng Văn Trường điều khiển xe mô-tô BKS 20E1 – 266.09, chở Trương Văn Đạo (23 tuổi, trú cùng xã) đi vào đường cao tốc quốc lộ 3 mới (hướng đường tròn Tân Long đi Hà Nội). Cả 2 đối tượng đều không đội mũ bảo hiểm.

Tổ công tác của Đội Tuần tra số 2, Phòng 10, Cục CSGT phát hiện vi phạm đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, đối tượng điều khiển xe mô-tô đã tăng ga mà lao thẳng khiến hai CSGT bị  thương. Thiếu tá Trần Văn Vang bị thương nặng, sau đó đã qua đời tại bệnh viện chiều cùng ngày.

Trước đó, khoảng 15h45 ngày 2-5, Trung sĩ Võ Duy Khánh cùng tổ CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến đường tránh Huế, đoạn qua phường Thủy Bằng (TX Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) phát hiện xe máy hiệu Exciter BKS 74L1-19.539 do Nguyễn Ngọc Chiến (26 tuổi, trú xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vi phạm tốc độ, tổ TTKS ra tín hiệu và hiệu lệnh để người điều khiển phương tiện giảm tốc độ, dừng xe. Tuy nhiên, Chiến tăng tốc, tông vào Trung sĩ Khánh. Do chấn thương quá nặng, Trung sĩ Khánh qua đời sáng 3-5 tại bệnh viện.

Còn khá nhiều vụ việc dùng ô-tô tông gây tử vong CSTG thiết nghĩ không cần kể nữa. Những vụ việc người tham gia giao thông cố tình vi phạm Luật Giao thông, cướp đi tính mạng của CSGT có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây cho thấy sự chống đối cán bộ chiến sĩ CSTG đã ở mức báo động. Những hành vi chống đối nguy hiểm đang gia tăng khiến sự an toàn sức khỏe, tính mạng của lực lượng CSGT bị đe dọa nghiêm trọng.

Minh họa của Tả Từ.

Những vụ việc tương tự chưa có dấu hiệu dừng lại một phần do việc xử lý các hành vi nói trên chưa được đúng mức. Hằng ngày, chúng ta chứng kiến không ít những hành vi phạm giao thông trắng trợn, những cử chỉ côn đồ, thách thức, lăng mạ người thi hành công vụ nhiều nơi. Nhưng những hành vi này thường được gọi đơn giản chỉ là “ý thức người tham gia giao thông chưa đúng mức”.

Sự chưa đúng mức này từ cấp độ nhỏ là gây mất trật tự an toàn giao thông, cấp độ lớn là cướp đi tính mạng người dân và người thi hành công vụ. Sự mềm mỏng nào cũng có giới hạn. Đã đến lúc cần phải nhìn sự việc với sự phân loại mạch lạc hơn. Nên chăng định danh một dạng mới gọi là “giao thông tặc”? 

Có sự nhòe mờ giữa người vi phạm giao thông và giao thông tặc. Sự vô tình vi phạm thuộc về ý thức kém nhưng sự cố tình tấn công thì cần phải gọi là một loại giặc giao thông. Nếu không rạch ròi thì giặc giao thông sẽ lợi dụng ẩn mình trong cái vỏ của người tham gia giao thông để thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Với các nước tiên tiến, việc CSGT xử lý giao thông tặc luôn kiên quyết với sự hợp sức của nhiều phương tiện ô-tô, mô-tô, trực thăng…

Mỗi năm, chúng ta có trên dưới 10.000 người chết trong giao thông. Một phần không nhỏ do những giao thông tặc gây nên.

Trong tình huống khẩn cấp, cần xử lý mạnh mẽ tại chỗ để bảo đảm an toàn xã hội. Trong các trường hợp khác, có thể dùng các biện pháp phạt gián tiếp.

Để giảm thiểu sự thiệt hại về sức khỏe và tính mạng, lực lượng chức năng nên tăng cường phạt nguội và luôn duy trì sự răn đe qua camera.

Còn bạn. Bạn có muốn mạnh tay với “giao thông tặc” không?

Lê Tâm
.
.
.