Mất 3,3 tỷ USD mỗi năm vì lệnh cấm laptop trên máy bay

Thứ Sáu, 30/06/2017, 11:00
Việc mở rộng lệnh cấm mang laptop lên máy bay sẽ khiến các hãng hàng không và hành khách mất 3,3 tỷ USD mỗi năm và gây ra những mối đe dọa an ninh mới, ngành công nghiệp hàng không khuyến cáo.


Du lịch cùng laptop là một phần của cuộc sống thường nhật. Không những vậy, laptop còn là bạn đồng hành, là trợ thủ đắc lực của hầu hết mọi người trong công việc. Việc mở rộng lệnh cấm mang laptop lên máy bay sẽ khiến các hãng hàng không và hành khách mất 3,3 tỷ USD mỗi năm và gây ra những mối đe dọa an ninh mới, ngành công nghiệp hàng không khuyến cáo.

Những biện pháp thay thế được đề xuất tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), tổ chức ở Cancun, Mexico. Tại cuộc họp, các giám đốc điều hành hãng hàng không thảo luận làm thế nào để đối phó với lệnh cấm các hành khách mang theo một thiết bị điện tử lớn hơn một smartphone lên cabin máy bay trên chuyến bay sang Mỹ.

“Chúng tôi tin rằng có những cách khác để giải quyết tình trạng này”, Nick Careen, Phó chủ tịch cấp cao của IATA phụ trách sân bay, hành khách, hàng hóa và an ninh cho biết.

Ảnh minh họa.

Số liệu mới được đưa ra gần đây cho thấy nếu lệnh cấm này được mở rộng ra toàn cầu, ngành công nghiệp mất khoảng 3,3 tỷ USD do mất năng suất, thời gian đi lại kéo dài hơn, các chuyến bay bị hoãn để chọn phương tiện đi lại khác thay thế cũng như phải thêm chi phí thuê máy tính xách tay. Các hạn chế tác động đến 300.000 hành khách hủy chuyến bay mỗi ngày, và khoảng 786.000 chuyến bay mỗi năm.

Các tính toán trên dựa vào số người sử dụng thiết bị điện tử trên máy bay, cũng như chi phí trung bình của người lao động và số lượng khách du lịch. Khảo sát về ảnh hưởng của khách hàng, những ảnh hưởng của lệnh cấm đến túi tiền của họ, cũng như một số khó khăn từ tác động hiện nay ở Trung Đông.

Tháng 3 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm các thiết bị điện tử lớn, chẳng hạn như laptop, trên các chuyến bay từ 10 sân bay tại Trung Đông và Bắc Phi. Anh cũng đã tuyên bố một lệnh cấm tương tự đối với các chuyến bay từ 6 quốc gia trên thế giới. 

Tháng trước, Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết sẽ mở rộng lệnh cấm này lên các chuyến bay từ châu Âu. Tuy nhiên, cho đến nay kế hoạch này dường như vẫn chỉ nằm trên giấy.

“Thực tế là họ đang cần thời gian cho quyết định này, có nghĩa là họ đang thực sự xem xét các tác động và đang nghe chúng tôi”, ông Careen nói.

Các quan chức Mỹ cho rằng lệnh cấm là một biện pháp chống các cuộc tấn công khủng bố, vì thông tin tình báo cho thấy ISIS đang phát triển loại bom nhỏ hơn có thể giấu trong các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hàng không đã phản ứng rằng việc mở rộng lệnh cấm đến châu Âu sẽ khiến chi phí hàng không cao lên và gây ra những mối đe dọa an ninh mới. Một số người cũng sẽ chọn cách hủy chuyến thay vì phải bàn giao máy tính xách tay có chứa thông tin mật.

Các hãng hàng không sẽ phải gánh thêm chi phí trì hoãn chuyến bay, khâu xử lý bổ sung hành lý xách tay và chịu trách nhiệm nếu thiết bị điện tử bị hư hỏng hoặc mất cắp. Số lượng hành khách, số vé và tần suất bay cuối cùng sẽ giảm. Cùng lúc, các chuyến bay có thể kém an toàn hơn nếu nhiều pin lithium bị giữ trong khoang hàng.

Trước đó, Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac đã kêu gọi cách tìm kiếm “giải pháp thay thế” tốt hơn là để một lệnh cấm trên các thiết bị điện tử, như là công nghệ dò tìm bom mìn tốt hơn và soi màn hình kỹ hơn. Ông nói: “Thông điệp của tôi là: làm việc với chúng tôi để thực hiện thay thế cho lệnh cấm hiện nay, làm việc với chúng tôi để thúc đẩy đổi mới công nghệ, làm việc với chúng tôi để giảm thiểu các mối đe dọa trong tương lai và làm việc tốt hơn với nhau”.

Kim Bang
.
.
.