Không có gì mà ầm ĩ cả

May có cá chép mà bay

Thứ Tư, 03/02/2016, 10:01
Thật may là ông Táo có cá chép cưỡi về trời còn người dân thì không kiếm đâu ra con cá chép có khả năng bay qua nút giao thông đường tắc. Cá chép của dân chúng chỉ biết phục vụ bằng cách nằm trong nồi lẩu.

Gần đây có sự thay đổi mạnh mẽ về sự hoàn thành các công trình giao thông như cầu vượt, đường dân sinh và đặc biệt là các cao tốc mới. Nỗ lực đó chưa đủ để cứu lấy những đô thị dồn nén mức cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Vấn đề là phải tìm ra nguyên nhân. Hầu hết hoạch định gia đều cho rằng tắc đường do xe cá nhân. Chẳng ai nói tới xe công. Dĩ nhiên là xe làm nhiệm vụ thì tốn mấy cũng phải mua mới chứ có phải mua để chơi đâu. Còn xe tư nhân hình như chả có nhiệm vụ gì lớn lao cả. Xe tư nhân sinh ra để nhởn nhơ làm vướng xe công đi làm nhiệm vụ. Dẹp thôi. Nhưng xe tư nhân đông nhất là xe máy. Dẹp xe máy cái đã. Có hoạch định gia bảo dẹp sớm. Hoạch định gia khác bảo cần có lộ trình…

Minh họa: Tả Từ

Các hoạch định gia cho rằng xe máy chỉ để di chuyển mà quên rằng xe máy chính là một thành phần kinh tế. Mọi huyết mạch nhỏ nhất của nền kinh tế manh mún của chúng ta đều do xe máy đảm trách. Kiến trúc sư Lý Trực Dũng cho rằng: "Xe máy đã thay đổi toàn bộ cơ cấu xã hội của Việt Nam và có thể nói rằng, không có xe máy, chỉ trong một tuần toàn bộ nền kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ".

Ở Thủ đô mỗi tháng có đăng ký mới khoảng 15.000 xe máy. Và hơn 6.000 ô tô. Kích thước 1 ô-tô bằng 10 xe máy. Quy ra xe máy thì tương tự  như cộng thêm 60.000 xe máy nữa là 75.000 xe máy. Còn các xe tỉnh khác lưu thông nữa chứ. Nhất dịp tết đến xuân về thì lượng ô-tô chở quà tết liên tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Bản chất vấn đề nằm ở quy hoạch đô thị không có tầm nhìn và chỉ làm ở mức cập nhật chắp vá.

Cá nhân tôi đã ngồi ngắm ô tô dừng đèn đỏ để xem lượng người ngồi trong ô-tô là bao nhiêu. Thực tế thì hầu hết các xe 4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ đều không có ai ngoài tài xế. Xe có khách thường rơi vào taxi và xe bus. Mỗi một ô-tô chiếm chỗ trung bình bằng 10 cái xe máy mà chỉ chở được 1 người. Hỏi sao không tắc? Những chiếc xe máy giống như những giọt nước, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài có khả năng xoay sở, quay đầu, hoặc chui ngõ thoát ra đường khác. Còn ô-tô thì chỉ còn cách chờ cảnh sát giao thông phân luồng. Trong khi chờ đợi thì tốt nhất nên mua tờ Cảnh sát toàn cầu đọc.

Nếu việc cấm xe máy thực hiện, đương nhiên dẹp bỏ được một phần xe máy nhởn nhơ đi chơi, nhưng nó cũng dẹp luôn các xe máy chạy chợ, bỏ mối các cửa hàng bán lẻ trên phố. Có ít nhất 1 phần 10 số người đi xe máy buộc phải mua ô-tô để tiếp tục công việc bởi không có xe bus hay tàu điện nào cho phép họ chạy chợ cả. Đây là quyết định sinh tử. Một chiếm chỗ bằng 10 cái xe máy và khó xoay sở hơn. Vậy là các hãng ô -tô hưởng lợi, các hãng xe máy đi ăn mày, còn tắc đường thì vẫn y nguyên. Đây chỉ là ít nhất thôi nhé. Nếu các hoạch định gia chỉ trong phòng máy lạnh, dùng những biện pháp của nước khác áp dụng vào trong nước một cách máy móc sẽ là thảm họa. Nếu mỗi cán bộ “vi hành” mà trống dong cờ mở, đài báo nào cũng biết thì chẳng bao giờ gần dân để hiểu được những nguyên nhân từ thực tế.

Mấy cậu mưu sĩ vỉa hè uống bia cỏ ngắm xe cộ kìn kìn thì ngửa mặt lên trời bảo: Thôi đừng quy hoạch chắp vá nữa. Phải dời đô thôi! Chỗ này hết chỗ cho rồng cuộn hổ ngồi rồi? Tả hữu đâu ra hết cả đây?

Còn bạn! Bạn đã có mưu kế gì chưa?

Lê Tâm
.
.
.