Máy “phát hiện” ngoại tình

Thứ Năm, 24/11/2016, 15:11
Máy này thường chỉ sử dụng trong việc điều tra hình sự hoặc có kẻ bị nghi ngờ là điệp viên, chưa chắc đảm bảo kết quả nếu người bị trải nghiệm polygraph có thần kinh vững vàng. Máy chỉ đo được nhịp tim, huyết áp cùng sự kích động của da, khi người ta trả lời các câu hỏi của người đặt câu hỏi.


Ông chồng “vô tội”

Người dân Hàn Quốc dùng máy phát hiện nói dối để “đo” sự chung thủy của vợ (hoặc chồng). 

Theo báo JoongAng Ilbo, Giám đốc của một công ty cỡ vừa 56 tuổi (xin giấu tên) đang lục đục với vợ. Bà nghi chồng “ăn phở” nên liên tục “chất vấn” ông, dù ông rất chung thủy. Chẳng có cách nào chứng minh, ông lên mạng tìm cách giúp và biết được Trung tâm Khoa học pháp y quốc tế ở quận Seocho (nam Seoul, gọi tắt là Trung tâm). 

Cuộc kiểm tra tốn từ 600.000 won (525, 23 USD) đến 1,5 triệu won, kéo dài 3 giờ và có kết luận: ông giám đốc toàn nói sự thật: không hề có chuyện ông “ăn phở” với bồ già, đào nhí nào. Ông tâm sự: “Sự ghen tuông hoang tưởng của vợ tôi nặng đến độ cô ấy được chẩn đoán bị suy nhược thần kinh, nhưng cô ấy ngưng tra tấn tôi từ khi máy kết luận tôi vô tội”.

Dịch vụ tư nhân trên rao có khả năng phân tích dấu vân tay của khách hàng cùng máy phát hiện nói dối. Giám đốc trung tâm là là Choi Hyo-taek, đã có 30 năm làm việc cho Phòng Pháp y quốc gia (NFS) chuyên thực hiện máy phát hiện nói dối cho cảnh sát.

Trên lý thuyết, người bị kiểm tra bằng máy này sẽ căng thẳng, do muốn che giấu hoặc nói láo để làm “nhiễu thông tin”, và sự căng thẳng này được thể hiện rất rõ qua nét mặt, cử động… Các câu hỏi luôn ở dạng trung tính (ví dụ hỏi tên, địa chỉ, tuổi) nhằm lấy được câu trả lời không bị căng thẳng tâm lý.

Phản ứng của trước các câu hỏi lập đi lập lại như “ông có dối vợ hay không?” được sử dụng nhằm tìm xem người bị hỏi có biểu hiện stress nào.  Người hỏi kết luận đương sự có nói dối hay không khi câu trả lời trước các câu hỏi lập đi lập lại càng lúc càng mạnh hơn. Chuyên  gia Choi nói: “Độ tin cậy tùy thuộc người kiểm tra hỏi các câu hỏi liên quan và so sánh chúng một cách chính xác”.

Kết luận chỉ là  “chắp vá”

Trung tâm hoạt động từ năm 2011, có 5 nhân viên gồm 3 người toàn “dân có nghề” xuất thân từ NFS. Trong số khách hàng của họ có 43% là các cặp vợ chồng muốn biết bạn đời có “lẹo tẹo” với ai khác hay không. Khoảng 80% các cặp được polygraph “minh oan”. Nhóm 29% còn lại là những người liên quan các vụ án dân sự muốn chứng minh họ đúng. 

Kết quả của một cuộc trải nghiệm polygraph hiếm khi được tòa án xem đó là chứng cứ, nhưng chúng có thể là chứng cứ phụ khi cả hai bên đều đồng ý. Đôi lúc, chúng tác động đến sự phán quyết của tòa án. Còn nhóm thứ ba (19%) là những nhân viên các công ty muốn “rửa thanh danh” trước các cáo buộc sai như “do thám để tranh đua”, theo Trung tâm.

Không như ở Mỹ, rất hiếm các công ty Hàn Quốc sử dụng polygraph để kỷ luật hoặc tuyển dụng một nhân viên. Trung tâm này trung bình có 2 khách hàng/tuần. Nhưng các xét nghiệm polygraph đáng tin cậy đến đâu? NFS nói nó đạt 97% độ chính xác, và cũng có những phản biện, nghi ngờ, đặc biệt từ phương Tây.

Tại Mỹ, nhiều bang cho phép chứng cứ từ máy phát hiện nói dối có thể áp dụng tại tòa, nhưng các bang khác lại không. Năm 1998, trong vụ “Tòa án tối cao liên bang chống lại Scheffer”, ý kiến chung là “Đơn giản không thể nhất trí chứng cứ polygraph là đáng tin cậy”. Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ năm 2003 cũng gợi ý: đa số các nghiên cứu polygraph “không đáng tin cậy, phi khoa học và có tính thiên vị”.

Bên cạnh đó, trừ phi người điều tra có đủ thông tin về vụ phạm pháp hoặc soạn câu hỏi cẩn thận, có nguy cơ họ có những kết luận vội vàng, dựa trên một, hai câu trả lời “cài bẫy”.

Dù đã có những chỉ trích rằng chứng cứ từ máy phát hiện nói dối là “chắp vá”, công nghệ này vẫn tiến hóa để cung cấp các máy hiện đại hơn-gồm thiết bị phát hiện cú chớp mắt, thậm chí có máy quét não-nên người ta vẫn cho rằng chúng có ích, và duy trì các cuộc  tranh cãi để “nuôi dưỡng” chúng vẫn được sử dụng…

Bích Ngọc
.
.
.