Không có gì mà ầm ĩ cả

Mẹ của em ở trường

Thứ Tư, 14/08/2019, 08:18
Vụ việc bé Lê Hoàng Long mới đi học lớp 1 ngày thứ hai thì bị tử vong vì bị để quên trên xe bus đưa đón của trường Gate Way thực sự quá đau lòng. Qua những thông tin ban đầu, có thể thấy ngôi trường ở thủ đô trương biển có chữ quốc tế này có một hệ thống vận hành quan liêu.


Những vụ tương tự như trên đã từng xảy ra không chỉ trên ngôi trường vừa nêu, nhưng chưa có vụ nào trả giá bằng tính mạng nên chưa khiến toàn xã hội rung chuyển. Tất cả chúng ta đều nghĩ, giá mà cô nhân viên đưa đón điểm danh; giá mà tài xế kiểm tra một lượt rồi mới rời xe; giá mà khi cô chủ nhiệm nhập dữ liệu vào hệ thống lại được phản hồi và có người đi kiểm tra, xác minh; giá mà quy trình của nhà trường cho phép giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh được liên lạc trực tiếp với nhau… Ngần ấy thứ để thấy thời đại này, xu hướng robot hóa đang đe dọa đời sống chúng ta thế nào.

Vài hôm nay, lại có vụ 3 cháu tuổi mầm non bị bỏng khá nặng trong một buổi dạy kỹ năng phòng chống cháy nổ tại một trường mầm non ở Duy Tiên, Hà Nam. Ai cũng biết động cơ của các cô là tốt, nhưng kỹ năng của các cô chắc chắn có vấn đề. Các nhà trường cần xây dựng lại quy trình và giáo án nghiêm túc và an toàn.

Minh họa Lê Tâm.

Chữ "an toàn" nhắc tới một tấm ảnh được mạng xã hội lan truyền rộng trong tháng này về chiến sĩ cảnh sát cơ động (CSCĐ) cứu một em nhỏ 4 tuổi lên cơn co giật tại sân vận động Thiên Trường. Anh CSCĐ trong khi giải thoát cháu bé khỏi khu vực nguy hiểm, đã  nén đau cho cháu cắn vào ngón tay mình để tránh việc cháu tự cắn lưỡi. Có một số người bình luận anh CSCĐ làm không đúng cách và họ tỏ rõ trí thông minh của mình trên mạng xã hội.

Anh CSCĐ không thể thạo tất cả các chuyên môn khác. Anh ấy đã làm tốt nhất những gì có thể trong tình huống đó. Trong giây phút sinh tử, không có thời gian đắn đo. Anh đã tận tâm vì sự an toàn của cháu nhỏ. Cháu bé đã hồi phục, vậy anh ấy không sai.

Một Facebooker viết: "…Hãy nhìn nhận sự việc bằng một giá trị khác: Đây không phải là một bài học kỹ năng. Đây là một câu chuyện để chúng ta nói về LÒNG TỐT".

Trước cải cách hệ 12 năm, người ta gọi tên khóa học chữ cho trẻ 6 tuổi (như lớp 1 hiện nay) là lớp "vỡ lòng". Tuổi này mới bắt đầu cho việc học nên bỡ ngỡ vì thế, phải giáo viên kiên nhẫn mới dạy được. Ngày xưa, nhà trẻ gọi là "ấu trĩ viên", tức là nơi dạy các cháu nhỏ tuổi chưa biết gì, cần xem chừng cẩn thận.

Sau này trường "mẫu giáo" nghĩa là giáo dục như cách người mẹ dạy. Ở tuổi này thì dạy dỗ cao hơn truyền kiến thức. Cụm "giáo dục mầm non" nhấn mạnh đối tượng trung tâm là trẻ nhỏ, còn chữ "mẫu giáo" hiện rõ ý nghĩa lớn lao của người mẹ trong cấp giáo dục này. Theo cá nhân người viết bài thì chữ "mẫu giáo" đầy đặn nghĩa hơn cụm "giáo dục mầm non".

Giáo dục nhân cách quan trọng nhất là nhờ các mẹ hiền của trường mẫu giáo. "Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền" (ca từ bài hát) là như vậy. Chức năng thay mẹ của các con quan trọng hơn chức năng "nhồi" kiến thức. Bên cạnh dạy hát, tô màu thì cô nào cũng luôn tay phục vụ các con dỗ dành, rửa ráy, giặt giũ, tắm táp các thể loại ị đùn, tè dầm, quấy khóc dai dẳng… 

"Cô nuôi dạy hổ" rất giống gà mẹ quản một đàn gà con với tiêu chí an toàn cao. Với một người mẹ thì an lành cho con vẫn là điều quan trọng nhất. Với những năm đầu của tiểu học thì tinh thần "mẫu giáo" của giáo viên vẫn rất nhiều ý nghĩa. An toàn đứng thứ nhất, kiến thức đứng thứ hai.

Còn bạn. Bạn muốn con nhỏ của mình học ở trường giàu kiến thức hay trường giàu tình yêu thương?

Lê Tâm
.
.
.