Mê đắm cái like (!)

Thứ Hai, 27/10/2014, 16:05
Có quá nhiều thứ trong cuộc đời này khiến người ta mê đắm, Ngô nghĩ vậy. Bé con, mê đắm kẹo bánh. Thiếu niên, mơ đắm chuyện gió trăng. Thanh niên, mê đắm ái tình. Trung niên, mê đắm danh vọng… Tất nhiên, những thứ đã là mê đắm thì rất không thực. Bởi, có sự thực nào lại gọi là mê đắm đâu.

Trong hàng vạn thứ khiến mọi người mê đắm, Internet lại xuất hiện. Thời còn Blog, người ta mê đắm những entry mùi mẫn. Chuyển qua Facebook, người ta mê đắm like.

Like, là một biểu tượng của Facebook. Chủ tài khoản facebook càng có nhiều like càng được nhiều người ngưỡng mộ. Ấy là chủ tài khoản nghĩ vậy, chứ Ngô không chắc lắm về điều này.

Muốn có nhiều like, không cách nào khác hơn là phải chịu khó câu like. Người thông minh, câu like bằng con chữ. Người khôn ngoan, câu like bằng chuyện cười. Người ít thông minh một chút, câu like bằng ảnh khiêu gợi. Người kém khôn ngoan, câu like bằng chuyện bịa đặt.

Tất nhiên, người Việt chúng ta theo như Ngô quan sát là những người rất thích chuyện bịa đặt. Giả như, chuyện có một thì nói thành hai, có hai nói thành sáu, có sáu nói thành mười tám, có mười tám thì nói thành hàng trăm, hàng nghìn. Có thì nói quá, còn không có thì bịa ra mà nói. Và Facebook, chính là mảnh đất màu mỡ để gieo mầm bịa đặt.

Minh họa Lê Tiến Vượng.

Vừa rồi, có anh chàng nghệ sĩ hát bài chòi ở Bình Định bị xử phạt vì bịa ra chuyện lá thư gửi bố nơi đảo xa. Trước đó, có hai vợ chồng trẻ bị phạt vì bịa chuyện có dịch Ebola ở bệnh viện, trứ danh với câu đề từ: "Các mẹ ơi biết tin gì chưa?”. Trước nữa, có anh thanh niên bị phạt vì bịa chuyện tài xế xe Camry bắn nhau như phim hành động của Mỹ hay phim xã hội đen của Hồng Kông.

Sự chuyển tải thông tin trên Facebook theo mô hình của những đường chéo, tin phát đi rồi thì không gì có thể kiểm soát được. Tiền nhân bảo: "Lời rời khỏi miệng như tên được bắn đi từ cung, không cách gì thu về được". Ngày nay thì, "Status đã viết trên Facebook, có xóa vẫn bị lưu giữ".

Những chuyện bịa đặt tào lao được một vài anh chị làm báo mạng túm lấy, thích thú và loan tin. Ngô rất đồng ý thế giới Facebook chính là nơi để các nhà báo tham khảo, phát hiện đề tài. Nhưng Ngô tin rằng, có những thứ mà đã là một nhà báo phải biết phân biệt đúng sai trước khi quyết định biến nó thành một bài báo.

Thông tin trên Facebook là của cá nhân, nhưng thông tin trên báo thì thành ra chính thống. Như đợt trước, có anh M.C rất nổi danh của Việt Nam đã nhiều lần lên báo khẳng định: "Tôi không có Facebook". Nhưng nhiều anh chị phóng viên vẫn cố chuyển tải thông tin từ trang Facebook giả mạo anh ấy.

Vậy đó, ngay cả cậu bé chăn cừu còn phải trả giá cho sự bịa đặt tưởng chừng vô hại của mình. Huống hồ gì là những người chơi Facebook hay trót mang thân phận theo nghề viết.

Ngô nghĩ, cứ đặt một sự vật lên quá cao so với vị trí mà nó đáng thuộc về thì phải nhận hậu quả thôi.

Xưa, "Uốn lưỡi trước khi nói". Nay, "Nghĩ về hậu quả trước khi viết Facebook".

Ngô
.
.
.