Mê trận trên từng cây số

Thứ Ba, 16/08/2016, 16:51
Chỉ dẫn sai số, tư duy chỉ dẫn cũ kỹ, tắc trách thực sự là một mê trận với người tham gia giao thông trên từng cây số.

Kính gửi anh chị bảng chỉ dẫn và cột cây số trên quốc lộ 1A!

Phải trịnh trọng thế bởi những bảng chỉ dẫn và cột cây số này đang tạo nên một mê trận chưa từng cho những người dân cùng những phương tiện giao thông có mặt đi lại trên quốc lộ. Cũng cần nói ngay để anh chị hiểu và thông cảm cho tôi, một kẻ dùng phương tiện xe đạp xuyên Việt và mới chỉ đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng nhưng đã phải thốt lên rằng nó thật sự là một mê trận rối mù đánh đố người tham gia giao thông. Chưa kể nó tạo ra những cảm xúc đôi khi là tuyệt vọng mà chính tôi là nạn nhân. 

Anh chị hãy tưởng tượng một người đạp xe sau chặng đường dài thấy chỉ dẫn đích đến chỉ còn chừng 20 cây số thì mừng như bắt được của. Hấp hởi đạp dấn đi được chừng dăm cây bỗng đánh đùng muốn té ngửa khi cái đích đang đến lại được anh chị cho vọt lên thành 30 cây. Khốn khổ, thà đừng nhìn anh chị để cặm cụi đạp còn chán vạn lần hơn. Số cây số thực chửa biết thế nào nhưng về tâm lý coi như từ thời khắc đấy ý chí bị đánh gục và thực sự chặng đường mù mờ đó là địa ngục hay nói cách khác ý nhị hơn là sự đày đọa.

Anh chị kính mến.

Vẫn biết quốc lộ 1A giai đoạn vừa qua được mở rộng, sửa chữa gần như suốt tuyến. Thêm những đoạn đường tránh đô thị được làm hiện đại. Một số đèo được thay thế bằng đường hầm xuyên núi. Từ Hà Nội vào đến Đà Nẵng, 4 đèo khốc liệt với người tham gia giao thông xưa nay là Đèo Ngang, Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân, bây giờ đã được xuyên núi thành hầm giúp cho các phương tiện vừa không phải leo đèo vừa rút ngắn được khá nhiều cây số đường và thời gian. 

Đường tốt, điều đó không thể phủ nhận. Mọi thứ có vẻ hoàn hảo nhưng hỡi ôi cái việc tưởng rất nhỏ như biển báo chỉ dẫn và cột cây số lại không được quan tâm. Cụ thể mắt thấy và tai có nghe thì tôi dám khẳng định rằng toàn bộ tuyến từ Hà Nội vào Đà Nẵng các anh chị đã làm u mê người tham gia giao thông bằng hai cách. Chỉ dẫn sai và tư duy chỉ dẫn cũ kỹ. 

Xin anh chị bình tĩnh để tôi trình bày. Sai chỗ nào? Xin thưa hiện trên quốc lộ 1A sử dụng hai hình thức chỉ dẫn. 

Thứ nhất là những cột mốc cây số. Đây là những cột bê tông sơn nền trắng đỏ và chữ cũng như con số sơn đen. Có loại cột cũ và cũng có loại cột mới bằng chất liệu có lẽ vẫn là bê tông nhưng hình thức hơi đổi khác chút. 

Thứ hai là những biển bằng sắt sơn xanh và biển rất to hay đặt ở những ngã ba, ngã tư nơi đường giao nhau. Cái sự sai ở ngay cột cây số với cột cây số, biển sắt xanh với chính biển sắt xanh nhưng nghiêm trọng hơn là sai từ biển chỉ dẫn bằng sắt với cột bê tông. Sai số có khi đến hàng chục km đường. Có thể đường xuyên hầm, đường mới có dài ngắn khác với đường cũ nhưng biển báo, cột cây số phải chuẩn. 

Tôi có dẫn chứng để anh chị không bảo tôi đặt điều nói quá hoặc nặng nề hơn buộc tôi vào tội vu khống. Lộn xộn nhất của anh chị là đoạn đường từ Đông Hà đến Huế rồi từ Huế đi Đà Nẵng. Cột biển, bảng chỉ dẫn thực sự là mê trận. 

Biển hướng dẫn, một “mê trận” rối mù đánh đố người tham gia giao thông.

Tôi cũng gửi kèm đây hình chụp làm bằng. Tấm biển thứ nhất tôi chụp ở thị trấn Phú Lộc đoạn có ngả rẽ phải đi vườn quốc gia Bạch Mã. Tấm biển này ghi Đà Nẵng 50km. Chắc mẩm là thế nhưng không, đi hàng chục cây số nữa thì lại gặp tấm biển có ngả rẽ trái đi cảng Chân Mây 9 km và Đà Nẵng 52km. Chưa kể là hai biển gần nhau khu vực này khi Đà Nẵng cách nhau 3km từ 52km đến 55km thì cảng Chân Mây cách nhau chỉ 2km từ 9km đến 11km. Thật tùy tiện nếu không muốn nói là vô trách nhiệm, đánh lừa người tham gia giao thông.

Trên đây tôi đang nói đến chỉ dẫn sai, điều rất quan trọng đối với người dân đi đường nhất là những người như tôi lạ địa bàn. Thú thực vì đạp xe mệt, trời miền Trung lại quá nắng nóng, tôi hay sốt ruột hỏi đường thì với hệ thống biển báo, cột mốc như thế dĩ nhiên người dân địa phương có quá nhiều đáp số đá nhau vì họ chỉ dựa vào cảm tính là chính. Đấy chính là ngoài trực tiếp mắt thấy, tai tôi còn nghe được là thế.

Nói đến tư duy chỉ dẫn cũng là một câu chuyện buồn. Nó quá cũ kỹ. Trên đường, mỗi địa phận rất cần có những chỉ dẫn địa danh trên cột cây số, trên biển chỉ dẫn nhưng hầu như suốt tuyến anh chị toàn chỉ tận đâu đâu. Chẳng hạn như TPHCM 1174km hay là những thành phố lớn khác. 

Thậm chí có những địa danh như Lăng Cô còn được viết tắt tùy tiện là L.Cô. Ai hiểu được nếu họ không biết đấy là Lăng Cô gần đèo Hải Vân. Có thể anh chị nghĩ rằng đã là đường quốc lộ 1A duy nhất xuyên Việt và hiện khi đường cao tốc Bắc- Nam tức đường xuyên Á chưa xong thì quốc lộ 1A đang kiêm nhiệm chức năng này với ký hiệu đường AH1 thì việc đưa những địa danh lớn mới xứng tầm. 

Tư duy xa và to cũ kỹ ăn cả vào việc đặt địa danh trên biển và cột số thì thật không còn gì để nói. Trên đường, những địa danh gần ở cấp thị trấn là cực kỳ quan trọng với người tham gia giao thông vãng lai. Điều này ở các đoạn đường phía Bắc làm tốt hơn. 

Hôm tôi đạp xe đến Ba Đồn, Quảng Bình thầm mong có một cột cây số có tên thị xã này mà bói không ra. Mãi mới có một tấm biển chỉ dẫn đề tên thị xã này. Thành thử cứ đạp mò cho đến khi đến nơi. Còn rất nhiều cái tên thậm chí là những địa danh nổi tiếng cũng bị bỏ qua. Ngoài cần thiết cho người đi đường thì những cái tên thị trấn, thị xã còn là những gì thuộc về lịch sử của địa phương ấy. Ngoài niềm tự hào nó còn tác dụng về du lịch. 

Tôi cho rằng nói tư duy cũ kỹ là còn mức độ, đây thực sự là một điều cực kỳ tắc trách của anh chị và nó là gì nếu không phải là quá coi thường mọi người và địa phương nơi các anh chị nương nhờ đất đai, vật chất của họ để trụ bám hàng ngày.

Nhưng liệu có là công bằng khi mọi sự đều trút lên đầu anh chị. Đến đây tôi xin nói thẳng, người ta đã quên lãng thậm chí khinh rẻ anh chị. Người ta là ai? Còn ai nữa, họ là những người quản lý đường bộ. Ở đây là Tổng cục Đường bộ, dưới tổng cục là các cục quản lý đường bộ và dưới cục là các chi cục. 

Để nói được ra như thế, xin lỗi anh chị tôi cũng đã rất vất vả mới tra cứu được bởi sự hỗn loạn trong giải đáp google. Đó là bởi sự xuất hiện cả khu quản lý đường bộ và cục quản lý đường bộ. Trong khi trang web chủ quản lại mơ hồ trong tách bạch chức năng hai đơn vị này. 

Bí quá tôi phải điện hỏi một nhà báo nổi tiếng thông hiểu Bộ Giao thông vận tải. Anh này sau khi tham vấn một người trong ngành thì khẳng định có song song hai cấp quản lý đó. 

Thấy vô lý tôi phải lục tìm cả tiếng đồng hồ mới ra được văn bản để biết từ năm 2013 cục quản lý đường bộ chính thức thay thế các khu quản lý đường bộ làm chức năng quản lý nhà nước với hệ thống đường bộ trong cả nước. Với hệ thống quản lý từ trên xuống dưới này, bao nhiêu việc lớn lao trọng đại họ đều làm tốt. Vậy tại sao một việc nhỏ nhoi này người ta lại không quan tâm đến. 

Anh chị có thấy mình bị khinh rẻ bị quên lãng không? Chắc chắn với mối quan hệ mật thiết của anh chị với cấp quản lý mình, anh chị sẽ bảo là tôi nghiêm trọng hóa vấn đề. Không đâu, đừng thế thưa anh chị, họ không quan tâm là vì căn bệnh lười biếng đã bám sâu vào tư duy vào trí não. Đó còn là sự dù rất nhiều cấp quản lý nhưng chẳng một cá nhân có trách nhiệm nào lại phát hiện ra vấn đề của anh chị bởi họ di chuyển bằng những phương tiện hiện đại đâu có bám đường. 

Trong khi anh chị lại mũ ni che tai, giả điếc câm để ngậm miệng ăn tiền. Những cấp cơ sở có biết không? Chắc chắn là biết với những người công nhân trực tiếp quản lý đường nhưng họ cũng im lặng. Sự im lặng cũng chẳng có gì khó hiểu ở thời buổi này.

Kính thưa anh chị.

Chỉ dẫn sai số, tư duy chỉ dẫn cũ kỹ, tắc trách thực sự là một mê trận với người tham gia giao thông trên từng cây số. Việc thay đổi để anh chị có một diện mạo khác, một tâm thế khác đúng với chức năng của mình thật ra không khó.

Tôi chỉ là một người đi đường thấy sao nói vậy và mong lắm sự thay đổi nhưng bây giờ thì thật sự tôi tiếc. Tiếc gì? Giá còn một bộ trưởng như Đinh La Thăng với một mệnh lệnh khuôn trong khoảng thời gian nhất định nào đó nếu ai có trách nhiệm còn để biển, cột chỉ dẫn sai thì kẻ đó mất việc. Tôi tin mọi vấn đề trong lá thư tôi gửi cho anh chị sẽ kết thúc. Không thể khác.

Hà Nội ngày 27-7-2016

Phạm Ngọc Tiến
.
.
.