Mênh mang Quan Sơn

Thứ Bảy, 05/09/2015, 07:12
Chúng tôi rủ nhau đi chơi hồ Quan Sơn cho kịp mùa sen nở. Đó là dịp tháng sáu chang chang nắng, vội vội, vàng vàng gọi nhau, vượt qua hàng chục cây số mới tới nơi. Tất cả òa lên trước một thảm hoa sen hồng bát ngát trải kín mặt hồ. Gọi là hồ sen e chừng không được. Phải gọi là biển sen hồng mới đúng. Thế là mỗi đứa một con thuyền lá lẩn vào trong tít thung sâu...

Núi... ơ... núi, hồ...ơ...hồ

Khi chui ra khỏi hồ sen, mỗi đứa chúng tôi đều có một lá sen che đầu. Tóc tai thấm đẫm hương thơm. Tôi chợt ngỡ ngàng với những ngọn núi hiện ra trước mắt. Chị lái đò tên là Huyền chỉ cho tôi ngọn núi trước mặt là Hòn Mê, bên phải là Bàn Cờ, còn bên trái là núi Hoa Quả Sơn. Còn kia, chị ngoái lại phía sau chỉ hướng về núi Mõm Nghé, núi Quai Chèo... 

Chị kể hồ Quan Sơn kéo dài tới 16 cây số, còn chiều rộng cỡ 2 cây, thậm chí có đoạn hồ còn rộng hơn. Hồ ôm liền dãy núi dài liền mạch điệp trùng, với gần trăm ngọn nhập nhô kỳ thú. Mỗi một đoạn hồ là kèm tên một ngọn núi cao và một hang động bí ẩn. Có những hang gần đây mới được phát hiện và còn chưa đặt tên...

Tôi chợt nhớ đã có lần “xớt” trên bản đồ mặt đất, qua tín hiệu vệ tinh, đúng là hồ Quan Sơn trải dài như một dải lụa mềm uốn lượn dưới chân dãy núi đá vôi. Nhưng giờ đây, tôi đang ở giữa lòng hồ mới thấy Quan Sơn mênh mang làm sao. Chị Huyền nói, diện tích hồ chừng 850ha, với khối lượng nước đầy tràn quanh năm thường tưới tiêu cho chục ngàn mẫu ruộng lúa của năm xã quanh vùng huyện Mỹ Đức này.

Lát sau đoàn thuyền đưa chúng tôi vượt qua những cánh đồng sen để tới một thung lũng có cái tên rất thơ mộng. Đó là Thung Mơ, rộng chừng 24ha, chuyên trồng cây ăn quả, thuộc xã Hợp Tiến. Thật thú vị, một rừng hoa quả đủ các loại được trồng nơi đây. Cùng với đó là một vườn thú sống với môi trường sinh thái tự nhiên. 

Người trông coi khu rừng cây ăn quả này chỉ thị rằng, ăn thoải mái no thì thôi còn muốn mang về thì mua, họ cũng bán. Thế là chúng tôi rủ nhau trèo lên cây ổi, bứt vặt những quả chín quả ương cắn rau ráu. Bỗng có đứa kêu lên Ối! Mọi người tưởng gì quay lại, hắn nhắm mắt nói, ổi thơm lừng! Mấy đứa con gái cũng kêu ré lên, Gì đó, có con sâu róm to đùng. Thế là cả lũ ha hả cười, rồi lang thang đi trong những vườn cây được trồng theo quy hoạch, mỗi vườn một chủng loại. 

Bỗng dưng cái Thảo nổi cơn hứng hát mấy câu trong bài ca “Một đời người một rừng cây”. Giọng hát nó ồm ồm không khác gì con trai, nhưng lại ồ ồ đến chân thật nên nghe lại hợp. Đầu tiên chúng tôi cười, nhưng nó mặc kệ vẫn hát: “Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây. Sống gần nhau thân mới thẳng. Có một cây là có rừng. Và rừng sẽ lên xanh rừng giữ đất quê hương..!.”. Chúng tôi bỗng im lặng lắng nghe, vì cảm động lắm. Khi chúng tôi định đi tiếp tới khu sinh vật khỉ, dê, sóc sinh sống cùng với những con trăn đất, thì chị lái đò gọi ời ời, để đưa chúng tôi lên núi.

Hồ sen Quan Sơn.

Đoàn chúng tôi cả thảy bốn con đò sắt lại đi tắt qua đầm sen để lướt nhanh tới chân núi đá Trượt. Chị lái đò nói với chúng tôi hãy vượt qua núi đá Trượt rồi lên tới đập tràn mà chụp ảnh toàn cảnh Khu du lịch Quan Sơn. Lại còn cả những cánh đồng từ phía xa nữa... Ai cũng háo hức, và hổn hển thở khi trèo lên núi cao. Có đứa thở dốc vì leo tắt dốc cao vã cả mồ hôi. Nhìn toàn cảnh đây mới thấy sơn thủy hữu tình và non xanh nước biếc, đúng như ảnh đẹp Hạ Long với những vách núi dựng đứng trên mặt hồ. 

Đột nhiên một đàn cò lửa vụt bay từ trên đỉnh núi phía trước mặt lượn qua mặt chúng tôi. Những đốm đỏ vàng như tia lửa bừng lên trong vạt nắng. Tôi vội lia ống kính đuổi theo một chú cò lửa gần nhất. Chúng lượn như muốn biểu diễn thì đúng hơn, rồi sau đó mất hút về phía sau ngọn núi Trâu Trắng. Tôi tiếc ngẩn, tiếc ngơ vì sự biến ảo kỳ thú đã vượt qua trong chớp mắt.

Nhưng có lẽ khi tới núi Linh Sơn, ai cũng thấy có lẽ đây là ngọn núi đẹp nhất trong lòng hồ Quan Sơn. Không những thế, ngôi chùa ở chân núi cũng trở nên kỳ thú, khi đứng bên cạnh động Linh Sơn, với những nhũ đá tạo hình Long, Ly, Quy, Phượng, hổ báo, chim muông lạ mắt. Chùa nghiêng bóng xuống hồ Giang Nội, tạo nên cảnh quanh huyền bí, và là điểm nhấn trong thế giới tâm linh nơi đây. 

Ngôi chùa thiêng Linh Sơn được xây từ thời nhà Mạc, cách đây hơn 300 năm, với kiến trúc cổ. Chị lái đò còn chỉ về hướng con lộ nhỏ 431 phía xa nói, cách đây chừng 1 cây số vẫn còn di tích thành nhà Mạc, có dấu vết cổng và tường thành đổ vỡ. Chùa cổ Linh Sơn cũng được xây từ thời kỳ hưng thịnh đó. Những sắc màu và họa tiết trên các vì kèo và mái chùa đều mang nét văn hóa của thế kỷ XVII.

Rơi vào Thung Phật

Điều bất ngờ khi đoàn thuyền chúng tôi len qua lau lách và men theo một đầm sen đi tới dãy núi phía cuối hồ. Mới hay nơi đây có một thung lũng trên núi có tên là Thung Phật. Chị lái đó nói, gọi là Thung Phật nhưng trước đây lại không có dấu vết gì về Phật giáo, mà gần đây có một dị nhân ở một cõi nào đó đến đây dựng một vườn tượng phật, mới cách đây mươi năm. 

Chúng tôi tò mò hỏi thì chị kể đó là một lão ông, tóc râu dài, bạc như cước đậm ráng tiên rồng ra công trong mười năm vác đá, vác sắt đồng lên đây đúc tượng. Ai cũng cho là kỳ quái. Chẳng lẽ cái Thung Phật này đã có phật về. Lão ông đó tên là Thìn, từ Hương Tích về tìm lên hang núi của Thung Phật sống như một người rừng hoang dã. Sau đó ông mở một công trường đá xây tượng phật. 

Chuyện ngỡ như cổ tích, vì một lão ông vác đá vượt hồ, vượt núi là chuyện không tưởng. Vậy là như có phép tiên, ông vận động được những chàng trai trẻ cùng nhau gánh vác sự nghiệp tạc vào núi đá Quan Sơn, nào những Phật Bà Quan Âm, nào Bồ Tát, nào tượng Đức Thế Tôn, rồi Đức tổ Đạt Ma...

Một góc Quan Sơn.

Nghe vậy chúng tôi tò mò leo lên núi và còn bất ngờ hơn khi thấy một bức tượng Phật Di Lặc cao tới hơn 3m trên vị trí đỉnh núi. Tôi ngỡ ngàng vì khâm phục ý chí mạnh mẽ của một lão ông sinh năm 1940. Riêng ngôi chùa mà ông xây trên núi có một chiếc chuông nặng hơn 300kg. 

Người sống ở đây kể, ông Thìn đã khênh đồng lên đây, cả thảy là 360 cân. Ông tự xây lò, đúc chuông tại chỗ làm mọi người cứ lắc đầu lè lưỡi, cho là chuyện hoang đường. Nhưng lão ông đã làm được thế mới hãi. Người trông coi dẫn chúng tôi đến bên bức tường đá được dựng bên gác chuông có khắc một bài thơ cổ. Ông ta đọc lên nghe rất lạ: “Ngẩn ngơ tiên cảnh hay phàm. Nước trong mây đục ai làm nên đây. Cả đồi núi lẫn cỏ cây. Như dìm xuống nước trên mây dưới trời...”. Lúc đó tiếng chuông thỉnh lên chậm rãi như thanh âm họa cho những câu thơ trở nên ảo mộng giữa mây trời non nước.

Riêng bức tượng Phật cao 3m trên đỉnh núi, thì ông kể chính lão ông phật sống này cũng đã tự tay mình vác từng bao xi măng lên đây. Ông làm gương cho các cháu cùng làm suốt ngày đêm. Ròng rã 8 năm trời, vác từng can nước lên trên đỉnh núi, cùng với đó là hàng vạn viên gạch gần 300 bao xi măng, còn nữa sắt, thép, vôi, cát, lão ông đã cho đúc xong bức tượng lớn này. Giờ đây bức tượng vẫn sừng sững trên đỉnh núi minh chứng cho một sức lao động phi thường của cụ già bí ẩn này. 

Tôi tò mò hỏi thăm tìm gặp cụ thì người ta nói, lão ông ấy giờ đã lui sâu vào vào phía trong rừng, sống cùng với cành cây ngọn cỏ và biến mất như một tiên ông trên núi cao. Những dự định của ông còn dang dở sau mươi năm khổ sai vất vả, nhưng đã để lại cả trăm bức tượng phật lớn nhỏ trên núi, tạo nên một Thung Phật kỳ vĩ và hết sức lạ lùng. Đó là một bí ẩn trong dãy núi của hồ Quan Sơn.

Sắc cầu vồng trên hồ sen

Bất ngờ một cơn mưa ập đến, khi chúng tôi rẽ vào núi Hoa Quả Sơn, để thưởng thức món gỏi cá khúc tần. Một bí ẩn khác của Quan Sơn hiện lên trước mắt, đó là những thác nước đổ xuống lòng hồ từ trên các đỉnh núi xuống. Thác nhỏ, thác lớn đúng với nghĩa rừng là nơi ngăn chặn lũ ngang khi mùa mưa đến, và hồ Quan Sơn trở thành nguồn tưới tiêu cho cả một vùng nông nghiệp rộng lớn. Đồng thời hồ còn trữ lượng tiềm năng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện Mỹ Đức. Món gỏi cá nướng mà chúng tôi sắp ăn là một trong những đặc sản của vùng hồ này. Nào là tôm cua, ốc nhồi, thịt dê và đặc biệt là mắm tôm đỏ mang thương hiệu Quan Sơn.

Gỏi cá nướng Quan Sơn.

Tôi đang thòm thèm nghe đầu bếp kể chuyện thì bất ngờ có tiếng các bạn reo lên. Tôi vội chạy ra bìa rừng thì quả đúng là thần tiên. Đó là một cầu vồng quầng lên, ôm lấy hồ sen. Tôi ngẩn ngơ như bị mê đi, mặc cho chú đầu bếp gọi vào, nếu không cá nướng nguội hết. Mấy bạn đi cùng cũng vậy, quên cả ăn, vội lôi máy ảnh ra chớp lấy chớp để, vì sợ cầu vồng sẽ bay đi mất khi cơn mưa chợt tắt. Bụi mưa và nắng thắp rực lên một dải cầu vồng 7 sắc mộng mơ.

Huy Khánh
.
.
.