Mênh mang con nước

Thứ Bảy, 21/11/2020, 07:43
Thằng bạn điện qua messenger rủ về quê chơi, nói hào hứng "ê về nha, về nha, thú vị lắm!". Sực nhớ mùa này con nước lớn. Bỗng nghe trong lòng rạo rực. Thảo nào thằng bạn rủ nhiệt tình…


Một thuở, cái thời nước sông còn trong, nước mương còn sạch. Người ta lội xuống kênh mương cắm nò, đó là chuyện bình thường. Trước sân, nhà nào cũng có cầu bến. Đó là nơi để giặt giũ, rửa ráy. Nơi để xách nước. Nơi để cột xuồng. Và nơi để tắm. Tắm cầu bến mát vô cùng vì thoáng và mênh mông nước, múc tha hồ, không sợ hết…

Vào mùa mưa, nước sông ngọt, bọn trẻ thường thích tắm sông, nghịch nước. Ngày chủ nhật được nghỉ học thì tha hồ mà ùm ùm, ngụp lặn. Đứa lớn dạy cho đứa bé, đứa biết bơi dạy cho đứa chưa biết, cứ xùm xùm vài lần là biết lội. Biết lội rồi mê tắm. Trai gái như nhau. Ban đầu là thi nhau nhảy từ trên bờ xuống sông, chọn chỗ nào cao cao, hoặc có gốc cây nào đó de ra mặt nước là lần lượt bước lên, rồi một hai ba quăng mình ra giữa dòng. Đứa co chân, đứa giang tay, đứa bịt mũi, đứa lao người xuống, đứa tung người lên… thôi thì đủ kiểu. Hết trò này lại đến trò khác. Chia phe chọi đất. Đất được móc… từ dưới đáy sông lên, cứ bắn xèo xèo trên mặt nước.

Niềm vui giản dị, hồn nhiên của trẻ em vùng sông nước.

Chơi chán rồi thì quay sang thi lặn. Ai lặn lâu hơn thì thắng. Có trọng tài hẳn hoi. Thắng được nhau là sướng rồi, chả cần phải mất cho nhau cái gì, mà có cái gì để mất chứ? Có khi phần thưởng chỉ là được cõng trên lưng đứa thua một đoạn. Lặn thường không chia phe mà chia theo cặp. Cứ thấy vừa vừa xứng xứng với nhau là tấp vào xúi, xúi lấy xúi để. Và rồi chơi. Chơi thì chơi, sợ đếch gì!

Vào cuộc, có khi hụt chân, hoặc cố ép mình vì đứa nào cũng hiếu thắng mà có khi hụt hơi, uống nước sông ừng ực, ngoi lên cà hức cà hức, cà sực cà sực nhưng không sao, được cái nước sông lành. Tắm cho kì thích mới nghỉ. Có khi lên bờ, chim cò sun hết lại, mặt mũi đứa nào cũng hệt như có… râu vì cáu bẩn trong nước bám vào chân lông rìa mép và quai hàm. Nhìn nhau chỉ chỏ rồi thì toe toét cười.

Tháng mười con nước lớn. Nước mặn về đuổi cá đồng chạy ngược. Những đoạn gần đập ngăn mặn, bọn trẻ lại tha hồ đi chụp cá ngơ nước mặn. Vui đáo để. Cá lờ phờ nổi lên, tôm càng xanh đưa bộ râu lên mặt nước loe ngoe, lờ đờ. Đứa có vợt thì vợt, đứa không vợt thì dùng rổ xúc, cứ xoàn xoạt, chỉ trỏ, năm bảy lần như thế mới may ra dính được một con. Có hề gì? Càng xúc không được càng mê. "Nó kìa, nó kìa!". "Đâu?". "Nó lại lên kìa! Đưa tao xúc cho, mày đếch biết xúc…". Cứ thế, nhoi sòi cả một khúc sông. Rồi có khi vì mê xúc quá mà lỡ đà, hụt chân phóng cả người xuống nước. Cá tôm đâu không thấy, chỉ thấy người ướt như chuột, lạnh lạnh là.

Cánh đồng lúa chín gắn liền với tuổi thơ nhiều trẻ em vùng quê miền Tây Nam Bộ.

Vui bắt cá ngơ nước mặn độ hơn mươi ngày thì nước sông lắng dần vào độ trong. Các loại cá tôm nước ngọt còn sót lại con nào, giờ chỉ còn là bộ xương dính một ít da nửa nổi nửa chìm lờ lờ trên mặt nước. Độ non tuần sau thì nước mặn trong hẳn, nhìn thấy tận đáy. Cá chốt từng đàn xuất hiện, ăn ngầm đeo theo từng cầu bến. Hễ có tiếng động nào đó, là y kì, theo phản xạ, đàn cá dạt ra như cái vòng tròn li tâm, nhưng chỉ một loáng sau, đàn cá quay về, tụ lại đen ngòm đáy nước. Nước sông lúc này lờ lờ trong.

Đêm xuống, mặt sông trở thành một vũ trường vui mắt. Cá tôm chạy đến đâu lân tinh nước sáng trưng đến đó. Bọn trẻ con lúc này thích nhất là được chĩa thẳng "cần" xuống mé sông, hơi ưỡn người rồi tha hồ mà phóng nước xuống. Tia nước lướt tới đâu, mặt nước sáng lân tinh lên đến đó. Cứ loằng ngoằng tè tè thế mà vui. Bởi vậy, lúc ấy con gái Cà Mau bị mang danh là những đứa con gái đái ra lửa. Chết danh luôn đến giờ.

Mùa con nước lớn cũng là mùa cây trái miền Tây vào vụ chính vụ. Từng ghe hàng nườm nượp đổ về các ngả sông. Những chiếc ghe gắn máy đuôi tôm di chuyển với tốc độ rùa bò, len lỏi trong từng ngõ ngách kênh rạch, lủng lẳng phía trước mui ghe nào là khóm, xoài, mận, ổi… Dưới ghe chứa món gì là treo lên thứ ấy, người dân hai bên bờ sông chỉ cần nhìn vào cây treo hàng trước mui ghe là biết có bán món gì, không cần hỏi, rất tiện. Dấu hiệu để nhận ra ghe hàng tới là tiếng rao. Có gì rao nấy, tiếng lớn tiếng nhỏ, chủ yếu là giọng đàn bà và con gái để tận dụng cao độ của âm sắc. Có khi tiếng được tiếng mất vì gió, người dân hai bên bờ sông nghe riết rồi cũng quen, là biết tiếng rao này bán đồ ấy, tiếng rao kia bán món gì…

Nhà báo Khang Quốc Ngọc (nntantvt@gmail.com).

Sau này, tiệm tạp hóa được người ta linh hoạt đưa xuống sông, ghe hàng có cách báo hiệu từ đàng xa rất hiệu quả, họ sử dụng âm thanh của tiếng kèn kiểu kèn tò tét. Cứ toét, toét, toét là biết "hắn" sắp tới, không cần phải chờ trực. Có khi bán riết mà thành ra quen biết, rồi trò chuyện tâm tình cứ như láng giềng lâu năm.

Ghe hàng đến, bọn con nít thích nhất là được ăn các loại bánh kẹo và trái cây. Mùi khóm ngọt thơm mê đắm, sáng ăn chiều còn nghe mùi thơm. Khoai lang thì để dành hầm dừa, nó ngon thiếu điều ăn tới nứt bụng. Nên người lớn cần mua thứ trái cây rau củ gì, chỉ cần dặn nhẹ một tiếng, mấy đứa con nít trực hờ phía cầu bến mé sông cả buổi, khó lòng mà vuột được sự canh me của bọn con nít.

Mùa con nước lớn cũng là mùa của từng đợt mát ngọt con chướng về. Cứ hiu hiu gió cả ngày. Đường làng xao xác lá cây. Bông sậy phát tán theo gió đậu trắng nhờ mặt nước. Vườn ruộng khô dần, cá đồng rút về ao mương. Các vị sát cá bắt đầu phát huy sở trường câu, lưới. Cá tháng này con nào con nấy ú nu, bự chảng. Lúa đứng cái dần và chuẩn bị nghẽn đòng. Cánh đồng thơm hương lúa và thanh tĩnh vô cùng. Dân làm ruộng là mê nhất giai đoạn này, ra đồng là mơn man theo từng đợt sóng lúa, rồi thảnh thơi với từng tay lưới, cần câu. Sự thư thái an nhiên hiện hữu khắp cánh đồng.

Mùa này, ở những nơi cửa sông lớn như xứ Năm Căn, Ông Đốc, là mùa của các loại cá tôm đặc sản vùng biển theo ghe lưới, ghe cào mà bước lên tươi ngon sạp chợ. Cứ là tươi xanh vẫy gọi mời chào. Lồng lộng biển, lồng lộng gió và lồng lộng người. Mua bán í ới nhanh gọn, tai nghe mắt thấy hẳn hòi, có đâu qua trung gian mà sợ! Tấp nập mua, tấp nập bán. Anh hai mua gì? Chị ba đợi chút nha! Loại ấy bao nhiêu? Cá này nhiêu một kí? Tươi con mắt cá, sáng con mắt người.

Lòng lại chộn rộn. Thế là không thể không thu xếp cho nhanh để về miền Tây với bạn một chuyến.

Khang Quốc Ngọc
.
.
.