Miệt mài gieo chữ nơi… "ốc đảo" sau lũ dữ

Thứ Hai, 12/12/2016, 16:13
Gieo con chữ nơi vùng cao đã gặp khó khăn, việc lên lớp, giảng dạy cho các em học sinh nơi xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương (Nghệ An) lại càng gặp nhiều trở ngại, nhất là sau trận lũ lịch sử vừa qua.


Nơi đây, từ nhiều năm qua, đã được người dân ví như là một "ốc đảo". Bởi, từ đường liên huyện, để đến được xã Hữu Khuông phải mất gần 2 giờ đồng hồ vượt lòng hồ thủy điện. Địa hình hiểm trở là thế, vất vả là vậy, song dường như, điều đó không ngăn được bước các em học sinh đến trường.

1.Hữu Khuông là xã có "tiếng" khó khăn nhất của huyện Tương Dương (Nghệ An). Khó khăn đến mức mà tối hôm trước khi biết tin, chúng tôi sẽ vào xã để "mục sở thị" cuộc sống của bà con, ông Vy Mỹ Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đã nói với chúng tôi rằng: "Trời mà mưa to, thì không vào được xã đâu!".

Giờ lên lớp của thầy Nguyễn Hữu Xuyên - Trường PTDT Bán trú - THCS Hữu Khuông (Nghệ An).

Nghe lời chia sẻ của vị Phó Chủ tịch UBND huyện, chúng tôi đã mường tượng ra phần nào những khó khăn, vất vả của cuộc sống bà con nơi đây. Dừng xe tại tuyến đường liên huyện, phóng mắt về phía xa là bến đò Thượng Lưu, thuộc Bản Vẽ, xã Yên Na (huyện Tương Dương). Nơi đây là một trong những "cầu nối" đưa học sinh các bản làng Hữu Khuông đến trường.

Chúng tôi ngồi trên chiếc đò chông chênh như chiếc lá giữa lòng hồ thủy điện. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, khiến tấm bạt dứa che tạm chiếc đò không ngăn được nước mưa táp vào mặt chúng tôi.

Lênh đênh trên lòng hồ thủy điện gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi cảm nhận thêm về sự khó khăn, vất vả và đặc biệt là việc nuôi con chữ của các em học sinh nơi đây. Đặt chân lên con đường đất nhầy nhụa dẫn vào trung tâm xã, chúng tôi thấy những đứa trẻ vận bộ quần áo không còn tinh tươm, tất tả do mưa lũ gây ra đến trường.

Trong ngôi Trường PTDT Bán trú - THCS Hữu Khuông, vết tích của trận lũ mới quét qua địa bàn vẫn còn đó. Trường lớp ngả nghiêng sau lũ. Những chiếc bàn ghế bạc thếch vì ngâm nước lâu ngày.

Giờ lên lớp môn mỹ thuật hôm nay của thầy Nguyễn Hữu Xuyên thật náo nhiệt khi đề bài mà thầy Xuyên đưa ra cho các em học sinh lớp 9A có tiêu đề: "Các em hãy phác họa hình ảnh người dân sau mưa lũ".

Những hình ảnh về bà con cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, lợp lại mái nhà… được các em khắc họa khá sinh động trên nền giấy trắng. Chúng tôi thoáng thấy những đôi mắt đượm buồn của các em học sinh. Ẩn sau những bức tranh chính là ước mơ sẽ không còn mưa lũ gây hại cho các bản làng nữa.

Em Lò Thị Quyên, ở bản Con Phen (xã Hữu Khuông) ngước đôi mắt tròn, to lạ lẫm nhìn chúng tôi. Đôi mắt ấy tỏ sự nhút nhát cùng với mái tóc xơ đi vì cháy nắng khiến chúng tôi chùng xuống.

- Cháu đang nghĩ gì thế? - Tôi hỏi Quyên.

- Cháu sợ mưa lũ lắm. Mưa lũ làm cháu phải nghỉ học. Cháu không muốn đâu! - Quyên thẹn thùng.

Đường sá đi lại đã hiểm trở, nay thiên tai ập đến, sự học của các em học sinh nơi đây gặp phải khó khăn hơn bao giờ hết. Thầy Nguyễn Hữu Xuyên nán lại việc giảng bài trong ít phút và trò chuyện với chúng tôi.

Thầy Xuyên chỉ cho tôi xem những hàng cây đổ rạt, bờ tường còn thấm màu nước lũ, thầy lặng người đi như thể bất lực với thiên nhiên. Thầy Xuyên chia sẻ, khi mới nhận nhiệm vụ vào Hữu Khuông công tác, đi trên chiếc đò nan lênh đênh trên sông nước, thầy cũng như nhiều người mới lên đây lần đầu cũng đều toát mồ hôi, nhất là khi thời tiết chuyển gió, có mưa bão.

Các em học sinh xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương - Nghệ An) vươn khó, trở lại trường học sau mưa lũ.

Dù gian nan, vất vả những vì sự học của các em học sinh, các thầy cô giáo "cắm bản" nơi xã "ốc đảo" Hữu Khuông đã vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao - gieo con chữ nơi "ốc đảo".

2.Tôi đặt chân lên Hữu Khuông cũng là lúc mưa lũ đã đi qua mấy ngày. Cuộc sống của bà con cũng như sự học của các em học sinh nơi đây đang trở lại thường nhật. Thầy Nguyễn Tất Thi, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú - THCS Hữu Khuông không giấu được sự bàng hoàng trước cơn lũ dữ mới "quét" qua địa bàn.

Thầy Thi kể lại, không biết bắt nguồn từ đâu, chỉ biết sau một đêm mưa kéo dài, nước ở thượng nguồn cứ thế tràn về các bản làng Hữu Khuông. Nhiều thiết bị học tập của nhà trường đã bị hỏng, khiến hoạt động giảng dạy theo đó ngưng trệ trong mấy ngày.

Không để sự học của các em bị gián đoạn lâu, ngay sau khi lũ rút, các thầy cô nhà trường đã xắn tay ngay khắc phục hậu quả do mưa lũ để lại.

Trường PTDT Bán trú - THCS Hữu Khuông có 8 lớp với 197 em học sinh. Do nhà ở các bản xa xôi, địa hình bị chia cắt bởi lòng hồ thủy điện, nên hầu hết các em học sinh đều ở bán trú tại trường. Nhiều em phải mất cả buổi đi đường mới về tới nhà. Khó khăn luôn "bủa vây" sự học của các em.

Tận mắt thấy không khí học tập sôi nổi trong các lớp học nơi đây, ít ai nghĩ rằng các em học sinh đang phải hàng ngày vượt khó, theo đuổi con chữ. Em Vi Thị Tuyết Ngân, học sinh lớp 8A, hăng say giơ tay xung phong lên bục giảng để giải  bài toán do thầy Nguyễn Thế Anh đưa ra.

Để vào được xã Hữu Khuông phải mất gần 2 giờ đồng hồ lênh đênh trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Chỉ chưa đầy 2 phút sau, bài toán đã được em đưa ra lời giải phù hợp với đáp án của thầy giáo. Tiếng vỗ tay khích lệ của các bạn cùng lớp đồng loạt cất lên. Một giờ học thật ý nghĩa đối với Ngân và các bạn. Ngân nhà ở tận bản Sàn. Để đến được trường, Ngân phải mất hơn 5 giờ đồng hồ sử dụng đò, đi bộ.\

Nhà nghèo, trong khi lại là chị cả của 3 người em, nên Ngân hiểu được việc đến lớp, "nuôi" con chữ, sau này thoát nghèo có ý nghĩa đến nhường nào. Chẳng thế mà, ngay khi lũ dữ đi qua, em đã nằng nặc đòi bố mẹ đưa em trở lại trường. "Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi, để sau này làm cô giáo giảng bài cho các em học sinh nghèo, chú ạ!", Ngân nói với tôi trong niềm tin và hy vọng.

Chuyện gieo con chữ, "trồng người" ở vùng cao của các thầy cô đã khó, nay ở nơi "ốc đảo", thường xuyên bị mưa lũ rình rập như Hữu Khuông thì lại càng gặp trở ngại hơn. Ấy vậy mà, khi trò chuyện với chúng tôi, các thầy cô giáo "cắm bản" nơi đây không hề tỏ ra mệt mỏi.

Thậm chí, nhiều thầy cô giáo còn hồ hởi bảo rằng, sẽ gắn chặt với Hữu Khuông, với con chữ, sự nghiệp trồng người nơi đây. Cô giáo Lò Thị Hòe, giáo viên Trường Mầm non Hữu Khuông, nhà ở ngoài trung tâm huyện Tương Dương nhớ lại, lúc mới vào trong xã nhận công tác, cô thấy buồn lắm vì điện, sóng điện thoại không có. Địa hình thì bị chia cắt.

Nhưng lâu dần, cô đã quen với cuộc sống của bà con, với địa hình ở nơi đây. "Bây giờ và sau này cũng vậy, em luôn muốn gắn bó với bà con Hữu Khuông, hằng ngày, được lên lớp trông trẻ cho các gia đình lên nương, tăng gia sản xuất", cô Hòe nói.

Do địa hình bị chia cắt, nên các thầy cô giáo nơi "ốc đảo" Hữu Khuông đều sinh hoạt và ở tại nhà công vụ. Nói là nhà công vụ chứ thực chất chỉ là những gian phòng được lợp mái tạm bợ mà thôi.

3.Là người con của các bản làng Hữu Khuông, anh Lô Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã hiểu cuộc sống của bà con Khơ Mú, Thái và Mông trên địa bàn hơn bao giờ hết.

Anh chia sẻ, là xã đặc biệt khó khăn, dù thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, song do địa hình bị chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, đường ôtô chưa có; có 3/7 điểm bản chưa có điện lưới.

Một góc của "ốc đảo" Hữu Khuông.

Nhiều điểm bản nằm cách xa trung tâm xã đến 4-5 giờ đồng hồ đi đường, nên khó khăn vẫn luôn "bủa vây" cuộc sống của bà con xã Hữu Khuông. Tỷ lệ hộ nghèo theo đó chiếm trên 80%. Nhưng không vì thế, sự học của các em bị ảnh hưởng, dang dở.

Theo anh Chiến cho biết, toàn xã có 3 cấp trường, tỷ lệ học sinh đến trường đạt trên 98%. Con số này đã phần nào cho thấy tinh thần hiếu học của các em học sinh nơi "ốc đảo" cũng như nghị lực vượt khó, miệt mài gieo con chữ của các thầy cô giáo "cắm bản" nơi đây.

Rời Hữu Khuông khi bóng tối đang chực ập xuống lòng hồ thủy điện, tôi ấn tượng mãi giờ lên lớp, say sưa giảng bài của thầy Nguyễn Hữu Xuyên. Khó khăn đã nhường chỗ cho tình thầy trò, sự thăng hoa của con chữ nơi… "ốc đảo".

Trần Huy
.
.
.