Không có gì mà ầm ĩ cả

Mình thích thì mình làm thôi

Thứ Tư, 09/08/2017, 10:18
Cách đây chưa lâu, tại khu vực ngã tư Trường Chinh - Giải Phóng, Hà Nội, đã xảy ra vụ cháy xe máy một cách ngớ ngẩn, do chủ xe tự đốt xe mình.


Tổ CSGT phát hiện anh Q (30 tuổi, trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội) điều khiển xe máy mang BKS tỉnh Hải Dương, chở theo hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên đường. Tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra đối với anh này.

Q. không xuất trình được đăng ký và bằng lái xe, xe xếp hàng hóa cồng kềnh vượt quá giới hạn cho phép nên lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ phương tiện. Sau khi ký vào biên bản vi phạm giao thông, Q. bỏ đi.

Khoảng nửa giờ sau, khi xe tải chuyên dụng của lực lượng CSGT đến chở phương tiện vi phạm đi thì Q quay lại châm lửa đốt xe máy của mình. Ngọn lửa bùng lên dữ dội khiến việc dập lửa khá khó khăn, đồng thời gây chú ý đối với nhiều người qua đường khiến giao thông ùn tắc.

Q. khai lý do đốt xe là vì đã bị phạt quá nhiều. Số tiền phạt quá giá tiền xe máy. Người đốt nghĩ đơn giản, xe của mình thì mình thích thì đốt thôi. Nhưng điều này hoàn toàn không phải vấn đề cá nhân.

Minh họa của Tả Từ.

Việc hủy hoại phương tiện có thể gây hỏa hoạn lan rộng với hậu quả về người và của cải không thể lường hết. Bản chất việc châm lửa đốt xe mình là một thái độ thách thức, chống người thi hành công vụ. Đây là hiện tượng nhờn trước pháp luật cần báo động. Kỷ cương phép nước là chỗ dựa, đảm bảo công bằng cho mọi người. Không ai được phép đùa giỡn với kỷ cương.

Những vụ tương tự cũng không phải quá hiếm. Có những lý do giời ơi đất hỡi cũng tự châm lửa đốt xe.

Sự việc xảy ra tại khu vực Cầu Đen (thuộc địa bàn phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội). Một nam thanh niên đi cùng người bạn đến khu vực này, sau đó liên tục gọi điện thoại cho ai đó, có vẻ như  bạn gái anh ta, giục đến lấy chiếc xe máy LX. Hồi sau, dường như không thuyết phục được "đối tác" đến hiện trường, nam thanh niên gọi điện thoại đã châm lửa, đốt chiếc xe máy rồi bỏ đi. 

Ngẫu hứng kiểu này thật đáng sợ. Nhẹ thì đốt xe máy, nặng thì tự đốt nhà mình. Không chỉ tài sản của người đốt thành than mà nhà các nhà dân chắc gì đã yên trước lửa. 

Cần xác minh rõ động cơ của kẻ đốt xem có vấn đề tâm thần không. Nếu cần thì phải có biện pháp cách ly. Bị tâm thần là việc cá nhân, nhưng nếu ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng thì phải có biện pháp xử lý mạnh.

Cũng thời gian này, trạm thu phí ở Cai Lậy nhận được tiền phí theo cách "chơi khăm". Một số tài xế phản đối trạm thu phí đã nghĩ ra một cách "chơi khăm" rất "trẻ con". Đó là nhét vào toàn tiền lẻ 500 đồng vào chai nhựa rồi nộp khiến các cô thu phí đếm tiền tóe mồ hôi hột. 

Nhân viên phải cắt cổ chai, đổ tiền lẻ ra đất mà đếm. Tiền đã lẻ lại vo tròn nhăn nhúm nên với tốc độ đếm nhanh nhất thì một xe qua được cũng phải tốn 10 - 15 phút. Cãi lý thì chẳng có ai sai. Tiền chẵn hay lẻ thì vẫn là tiền cả.

Có thể có những điều khoản cần đấu tranh với trạm thu phí. Nhưng đó không phải lý do để người tham gia giao thông muốn "chơi khăm" quy định thế nào cũng được. Việc phản đối nhằm thỏa mãn sự bức xúc cá nhân gây hậu quả cản trở giao thông là hành vi đáng phê phán, không thể tha thứ. Sự đùa giỡn với an toàn với cộng đồng là "vị thành niên" về mặt trí tuệ. Người trưởng thành phải sử dụng những biện pháp mạnh mẽ nhưng phải thật đàng hoàng

Còn bạn. Bạn thích vui vẻ hay luôn bầm gan tím ruột khi nghĩ về nhau?

Lê Tâm
.
.
.