Mở cửa vào thế giới thông minh

Chủ Nhật, 09/06/2019, 11:37
“Ngôi nhà thông minh”, “thành phố thông minh” (tiếng Anh: smart home hay smart house, smart city) hiện đang là những cụm từ ta được nghe khá thường xuyên, không hiểu đó là một thứ mốt rồi sẽ nhanh chóng qua đi, hay là tương lai của chúng ta?

Những xu hướng công nghệ trên thị trường toàn cầu mà chúng ta đang chứng kiến ắt sẽ trở thành hiện thực, dù sớm dù muộn. Một công nghệ nằm trong xu hướng đó chính là Mạng hóa vạn vật, hay Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (tiếng Anh: Internet of Things, viết tắt: IoT) và thành phố thông minh!

Theo những cách đánh giá khác nhau thì trên thế giới, đến năm 2020, thị trường hệ thống thành phố thông minh sẽ đạt 400 tỷ USD, thị trường Mạng lưới thiết bị kết nối Internet – trên 500 tỷ, còn bản thân các thiết bị dân dụng kết nối với IoT chắc sẽ vượt quá 20 tỷ! Chính vì thế mà ở nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn, công ty đã bắt tay vào đầu tư ồ ạt vào IoT - họ hiểu: hoặc là phải kết nối ngay bây giờ, hoặc là chịu tụt hậu mãi mãi.

Ví dụ ở nước Nga, theo cuốn sách tổng hợp các thống kê Nền kinh tế số, đã có 80% dân số được kết nối Internet, nghĩa là đã có căn cứ để xây dựng thành phố thông minh. Đã có chương trình hành động “Nền kinh tế số cho Liên bang Nga” do Tổng thống phê duyệt, và ở cấp Chính phủ cũng đã hoạch định Dự báo phát triển khoa học – kỹ thuật – công nghệ Liên bang Nga đến năm 2030... Sự chú trọng của những nhân vật ban hành quyết định như thế chứng tỏ: IoT không phải là thứ mốt nhất thời.

Tuy nhiên, nắm bắt được xu hướng và dẫn đầu xu hướng là hai việc khác nhau. Hiện nay, những đồ dùng nào kết nối Internet đã có trong căn hộ của ta: thiết bị tích trữ điện năng kiểu như hãng Tesla của Mỹ đã sản xuất được; những thiết bị ổn nhiệt, đèn chiếu sáng có cảm biến biết điều chỉnh thông minh mỗi khi có người hay không có người – những đồ vật này chỉ một thời gian ngắn nữa chắc sẽ không còn gây ngạc nhiên.

Vậy cuộc đột phá sẽ diễn ra khi nào? Theo thống kê của một  nhà kiểm chứng xu hướng công nghệ toàn cầu, thì chỉ trong vòng 2-3 năm nữa, các thành phố thông minh trên thế giới sẽ đạt tới con số 600. Biết đâu đấy, vào một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta sẽ thức dậy trong một thực tế khác.

Nhưng vấn đề khá quan trọng lại nằm ở đây: Chúng ta hiểu công nghệ mới được đến đâu? Trong thời gian gần đây, người ta nói rất nhiều về triển vọng, nhưng lại quá ít về những mạo hiểm và hạn chế liên quan đến những công nghệ mới.

Về những mạo hiểm, chúng có những cá tính khác nhau. Không phải mọi người đều nhận thức được rằng ngay trước mắt ta, nền tảng xã hội đang thay đổi, ví dụ: sự phổ biến của công nghệ nhận diện con người, sự thao túng của các máy chụp, máy quay kỹ thuật số đang xóa nhòa quyền bất khả xâm phạm cuộc sống riêng tư. Vậy hệ thống thành phố thông minh có hay không cái quyền thu thập, lưu trữ thông tin về các dịch chuyển và các hoạt động của bạn? Vấn đề này hiện đang còn bỏ ngỏ.

Cũng phải lường trước trường hợp bọn hacker tấn công Mạng lưới thiết bị kết nối Internet. An ninh mạng bây giờ đã trở thành công việc hàng đầu trong danh mục những thách thức nghiêm trọng hơn cả.

Ví dụ: ngành mật mã - vốn được sử dụng cho việc phân tích dữ liệu - hiện nay lâm vào tình cảnh có thể bị vô hiệu hóa trước siêu máy tính lượng tử (Quantum computing): vì theo những đánh giá khác nhau, chỉ dăm năm tới, siêu máy tính lượng tử sẽ xuất hiện tại nhà những người sử dụng bình thường.

Một nguy cơ nữa như công nghệ “đám mây” chẳng hạn, nhiều người đã quen dùng, nhưng xin hãy hình dung: kẻ truy cập trái phép vào “đám mây” có thể gây đe dọa cả hàng loạt thành phố. Từ thế giới ảo của mình, hacker đột kích vào thế giới thể chất của chúng ta, gây rắc rối và có thể là khủng hoảng.

Ví dụ: chúng đột nhập bẻ gãy máy chủ của nhà máy thủy điện, mà việc này không chỉ đơn giản là ăn cắp dữ liệu, mà còn xâm nhập cả những mục tiêu hạ tầng cơ sở có ý nghĩa sống còn! Con người bình thường cũng bị dính đòn: giả thiết, kẻ trộm từ thế giới ảo có thể đột nhập bất kỳ một căn hộ nào và thay đổi các cài đặt của ngôi nhà thông minh – nhiệt độ, ánh sáng, thông gió... Như thế thì sẽ loạn.

Bây giờ đang là thời điểm bản lề: chỉ sau 10-15 năm nữa thôi, chúng ta sẽ sống trong thế giới thông minh. IoT và vô số thiết bị thông minh chắc chắn sẽ đi vào từng ngôi nhà, từng căn hộ, từng thành phố, nhưng điều quan trọng phải làm sao cho hiện thực đó đến sớm, chứ đừng muộn.

Đăng Bẩy
.
.
.