Mộ gió chờ người

Thứ Ba, 12/04/2016, 13:11
Bao mùa biển động qua đi, khu mộ gió làng chài An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) lúc vơi lúc đầy. Hàng trăm ngôi mộ không tên ẩn mình hiu quạnh trên đồi cát trắng, hướng mình ra biển. Thấp thoáng những bóng góa phụ ngồi thẫn thờ bên núm cát không người, nhẩm tính thời gian: "Đến mùa tu hú kêu thanh/ Cá chuồn đã mãn mà anh chưa về".


Người ra đi chờ mãi không về

Đàn ông đi biển không về, những ngôi mộ gió ở làng chài An Hải ngày một dày hơn. Mỗi mùa biển động, gió mạnh từ đại dương ào về, thổi cát bay trắng trời, phủ lấp những ngôi mộ gió. Bà Nguyễn Thị Gái lầm lũi ra vét cát, đắp lại mộ cho ngay ngắn. Ngót 10 năm nay, ngôi mộ gió ấy vẫn gọn ghẽ, vuông vắn mặc cho bao mùa giông bão tràn về. Năm ấy, ông Tươi đi biển cùng một đội tàu mười mấy người, tất cả họ đã trở về, riêng ông thì không.

Mộ gió ở Lý Sơn.

Nhân chứng kể lại, hôm ấy biển động, ông Tươi lặn xuống biển để tìm luồng cá, nhiệm vụ thường nhật mỗi chuyến ra khơi của ông. Mãi không thấy ông ngoi lên, bạn tàu nhảy xuống tìm kiếm không thấy. Tìm một ngày một đêm thì kiệt sức, họ tin rằng, ông Tươi đã nằm lại dưới đáy biển. Ngần ấy thời gian ông không ngoi lên thì chỉ có thánh thần mới còn sống thôi, con tàu ngậm ngùi mang theo nỗi mất mát vào bờ. Không ai đủ can đảm đi thông báo tin dữ cho vợ con ông Tươi, bà Gái biết thông qua lời xì xào từ bà con làng chài. 

Năm ấy, bà Gái vừa sinh đứa con gái được 2 tháng, hay tin chồng mất tích ngoài biển, bà bồng con chạy khắp làng chài An Hải tìm bạn tàu của chồng để hỏi cho ra nhẽ. Bà vừa khóc vừa túm áo từng người đay nghiến: "Tại sao? Tại sao ông ấy lại mất tích?". Nhìn nước mắt người góa phụ tuôn như mưa, lại nhìn đứa con no sữa vẫn ngủ ngon trên lưng người mẹ, không ai cầm lòng nổi. "Chúng tôi đã nỗ lực hết mức, đã dốc toàn lực kiếm tìm nhưng không thấy. Biển gọi anh ấy đi, phải chịu thôi" - Thuyền trưởng lấy hết can đảm nói ra những điều đó. Bà Gái quay đi, tóc tai rũ rượi, bà thả bước như một người điên, bà không về nhà mà ra thẳng nghĩa trang mộ gió, cào cát đắp thành một ngôi mộ cho chồng. 

Năm tháng trôi đi, nỗi đau dần nguôi, bà Gái đã chấp nhận sự thật mất chồng. Hằng năm, cứ đến ngày chồng mất tích, bà dắt hai đứa con ra mộ gió của cha, thắp hương thành kính. Bà nói với hai con: "Không biết cha chúng mày có biết mà về đây nghỉ ngơi không, hay cứ lang thang ngoài kia".

Bà Thới chống gậy đi thăm mộ con.

Khu nghĩa trang mộ gió hiện có vài chục ngôi mộ được đắp bằng cát, len lỏi giữa những luống hành tỏi xanh tươi. Khu vực này từ hàng chục năm nay được ngư dân An Hải chọn làm nơi thờ tự những người đi biển không về. Xác họ có thể đã tan vào lòng biển hay bị hà bá nuốt chửng nhưng người còn sống vẫn tin rằng, linh hồn họ sẽ quay trở về an nghỉ ở những ngôi mộ gió này. Qua thời gian và giông bão, nhiều ngôi mộ gió bị san phẳng, thay vào đó là mộ mới của người mất tích mới.  

Mộ gió, ngoài gói ghém nỗi đau còn là điểm tựa của người mẹ già Trần Thị Thới. Bà Thới tuổi ngoài 70, chiều nào cũng lụ khụ chống gậy ra mộ gió ngóng con. Bà có người con trai duy nhất đi biển không về. Hơn 10 năm rồi, ngôi mộ gió vẫn nằm cô lẻ giữa đồi cát trắng, mỗi mùa giỗ lại hứng những giọt nước mắt mặn hơn muối biển của mẹ già đổ xuống. Luống cát săn lại, hình hài ngôi mộ bị méo đi bởi mưa gió và vết chân của bà Thới.

Nhận được tin con trai mất tích, hai vợ chồng bà lặng lẽ ra hàng phi lao trước biển đắp mộ. Trong đêm, gió quật vào đảo mạnh quá, quật luôn ngôi mộ tan tành, cát bay lào xào. Bà Thới cho đó là điềm báo, có thể con trai bà vẫn còn sống nên ông trời không cho làm mộ. Nghĩ là vậy nhưng ông bà vẫn đắp, vẫn làm để gửi  núm cát ấy niềm tin mãnh liệt vào sự sống. Bao mùa bão ùa vào đảo, ngôi mộ gió của con trai bà Thới phải đắp lại nhiều lần mà chưa thấy người chết trở về. 

Chồng mất, bà Thới yếu đi nhiều, mộ gió con trai đã xanh cỏ, không còn được chau chuốt, vuốt nắn như ngày xưa nữa. Một mình bà sống hoang hoải trong căn nhà trước cầu cảng, bà sống bằng niềm tin và nỗi đau mất mát. Ngày nào không đi làm tỏi, bà xách bó nhang ra thăm mộ chồng, thủ thỉ với ông vài câu rồi lại thoăn thoắt tới thăm mộ con. 

Bà bấm đốt ngón tay nhẩm tính, nếu con trai còn sống thì bây giờ nó cũng gần 35 tuổi rồi. Ngày nó kiêu hãnh vươn khơi, chỉ mới ngoài 20 tuổi đời. Bà vẫn nhớ nụ cười của nó trước mũi tàu, tiếng nó dội vào sóng, bật lên bờ nghe đanh lại: "Má vô nhà nghỉ ngơi đi, ít bữa con sẽ về". Nhớ lại khoảnh khắc ấy, mặt bà Thới sáng lên, những nếp nhăn trên khóe mắt giãn ra. Bà cười, một mình với mộ gió.

Đau thương và mất mát là thứ luôn hiện hữu ở hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Nhưng ngư dân bao đời sống bám biển, họ yêu biển từ trong dòng máu. Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, biển chính là một phần xương thịt của cha ông họ.

Mong những phép màu

Mộ gió là nơi để người còn sống gửi gắm tâm linh, đôi khi là chút niềm tin, hy vọng vào một phép màu. Dân đảo Lý Sơn từng chứng kiến sự trở về như một phép màu của những ngư phủ đang nằm ở mộ gió. Đó là trường hợp của ngư phủ Trần Văn Ớt, anh Ớt được xác định đã mất tích ngoài biển vì lốc xoáy. Người thân đã làm mộ gió cho anh, đốt không biết bao nhiêu bó hương và khóc không biết bao nhiêu nước mắt. Đùng một cái, anh Ớt xuất hiện trên một chuyến tàu chở tỏi từ đất liền ra đảo Lý Sơn. Dân đảo ào ra ngắm xương thịt người chết trở về từ lòng biển. Anh Ớt gầy hơn một chút, nhưng tươi tỉnh và rắn rỏi.

Cảng cá Lý Sơn nhộn nhịp ngày tàu về.

Hôm ấy, tàu anh đang bủa lưới thì có một luồng gió cuốn nước ập vào tàu, sau đó, một vòng xoáy như chiếc chảo khổng lồ cuồn cuộn tiến tới chiếc tàu nhỏ bé nhanh như tia chớp. Không ai lường trước được sự cố để chuẩn bị, những con người nhỏ bé trong tích tắc bị nuốt gọn vào "lòng chảo", cuốn đi. Năm người sau đó được bạn tàu cứu, còn anh Ớt thì mất tích. Mộ gió của anh nằm hiu quạnh trên triền cát, chân nhang còn tươi mới, chén nước vẫn chưa cạn và nỗi đau còn âm ỉ, dai dẳng đeo bám người thân.

Anh Ớt kể, lúc bị lốc xoáy cuốn đi, anh nghĩ mình sẽ chết. Mở mắt ra thấy nổi bồng bềnh giữa biển, quần áo rách tả tơi, toàn thân đau đớn, mềm nhũn, không còn chút sức lực. Kinh nghiệm đi biển lâu năm, anh giữ cơ thể đứng để tránh làm mồi cho cá mập. Trôi thêm nửa ngày nữa, thấy có chấm nhỏ từ xa, đoán biết là tàu đánh cá, lấy hết sức lực, anh xua tay lên vẫy. Chiếc tàu lừng lững tiến lại, một người đàn ông nhảy xuống biển dìu anh lên tàu. Vừa lúc ấy, hai mắt anh nhắm nghiền rồi lịm đi. Tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm trong chiếc chăn ấm, xung quanh có năm bảy người ngồi canh, tự nhiên nước mắt anh ứa ra vì biết mình vẫn còn sống. 

Dù biết bất trắc và hiểm nguy nhưng những đoàn tàu vẫn sẵn sàng vươn khơi bám biển.

Đây là tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng, anh Ớt không ngờ mình lại trôi dạt xa như vậy. Anh Ớt bị gãy xương bả vai, giãn dây chằng gối và bị thương một số phần mềm khác. Người ta đưa anh về một làng chài dưới chân núi Hải Vân chữa trị. Dân làng chài sống bằng nghề đi biển, chủ yếu là đánh bắt gần bờ nên cuộc sống nghèo khó quanh năm. Bù lại, họ sống yêu thương nhau và sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ người hoạn nạn. Anh nhờ người gửi thông tin về cho gia đình ở Lý Sơn biết anh còn sống để yên tâm, nhưng không hiểu sao người nhà không nhận được nên đã lập mộ gió thờ anh.

Mẹ anh ôm chặt con trai vào lòng, bà khóc nhiều hơn ngày biết tin anh mất tích. Anh Ớt ra mộ gió của mình, đập bỏ bát hương và san phẳng núm cát từng làm quặn thắt cõi lòng bao nhiêu con người. Chứng kiến hành động của anh Ớt, nhiều góa phụ lại nhen nhóm niềm hy vọng. Biết đâu chồng mình, con mình cũng sẽ trở về, chỉ là lạc đâu đó ngoài đại dương thôi. Và họ vẫn cứ chờ đợi bên những ngôi mộ gió…

Lý Sơn, ngoài những ngôi mộ gió của ngư dân mất tích trên biển, còn có nhiều khu mộ gió chiêu hồn của những hùng binh Hoàng Sa đi mở cõi từ ba trăm năm trước. Họ ra đi và nằm lại vĩnh viễn ở biển trời Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc. Với người dân Lý Sơn, hình bóng của hùng binh Hoàng Sa năm xưa vẫn hiên ngang giữ đảo, ở một nơi nào đó. Tuy thân xác tan vào lòng biển, nhưng linh hồn của họ sẽ trở về với đất mẹ Lý Sơn.

Ngọc Thiện
.
.
.