Mô hình kinh doanh trung thực

Thứ Năm, 17/08/2017, 11:10
Gần đây, trên các mạng xã hội lan truyền tin tức về một cửa hàng ở Việt Nam đang kinh doanh theo mô hình kinh doanh trung thực, học tập từ Nhật Bản. Vậy, mô hình kinh doanh trung thực có khả thi về lợi nhuận?


“Đặc sản” của Nhật Bản

Trung thực được cho là một trong những tính cách phổ biến của người Nhật Bản hiện nay. Sự trung thực của người Nhật in đậm nét ở những “cửa hàng không người bán”.

Sau khi thu hoạch rau củ quả, những người nông dân Nhật Bản thường ít khi mang chúng đến chợ để ngồi bán, mà họ chỉ cần đóng gói sản phẩm, dán giá và bày bán ở các sạp ngay bên vệ đường rồi tiếp tục đi làm. Khách hàng sẽ tự chọn sản phẩm và cho tiền vào một lon đựng xu được đặt ở ngay quầy. Cuối ngày, chủ cửa hàng chỉ cần ra dọn hàng thừa và mang tiền về.

Những cửa hàng tự phục vụ này rất phổ biến và được yêu thích ở Nhật Bản. Mọi người đều cho rằng, các sản phẩm rau củ quả ở đây tươi ngon mà giá cả rẻ hơn nhiều so với trong siêu thị. Hơn nữa, cách mua bán cũng rất thuận tiện. Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí, nhân lực mà còn giúp khách hàng thoải mái.

Quầy hàng thực phẩm tự phục vụ tại Nhật Bản.

Không chỉ ở các vùng nông thôn. Tại các con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka... không nơi nào bạn phải gửi giỏ/túi xách. Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào. Người Nhật tự hào khẳng định động từ "ăn cắp vặt" gần như đã biến mất trong từ điển. Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5-10% khi biết bạn là khách nước ngoài.

Sự trung thực của người Nhật cũng được thấy rõ qua các tài xế taxi. Ở Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao? Các bác tài sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn: “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ!”.

Những mô hình phổ biến

Thật ra, không chỉ ở Nhật mà có rất nhiều mô hình kinh doanh ở phương Tây rất hay và hiệu quả, cũng dựa trên nền tảng là sự trung thực. Chẳng hạn, có nhiều mô hình cho thuê xe máy và xe hơi ngắn hạn, người thuê chỉ cần mở app (ứng dụng trên điện thoại), chọn địa điểm và tới đó lấy xe, cửa sẽ tự động mở. Nhân viên sẽ rất hạn chế vì nó yêu cầu con người tự tin tưởng nhau để hoạt động. Cả hai đều có lợi, người thuê xe không cần phải bỏ thời gian đậu xe hay thuê xe nguyên ngày, và chủ xe sẽ được chút tiền khi không dùng xe. Mô hình này sẽ không hiệu quả tại những xã hội thiếu sự trung thực, vì nguy cơ bị mất xe là rất cao.

Hay như mô hình cho chia sẻ phòng hoặc thuê nhà ngắn hạn. Nếu bạn có nhà và thường xuyên đi vắng thì có thể đăng lên cho thuê ngắn hạn. Cửa mở tự động hoặc gửi chìa khóa ở bưu điện. Người muốn thuê nhà tới mở cửa rồi khi ra đi sẽ tự dọn dẹp. Cả hai đều có lợi, người thuê được ở chỗ rẻ và người cho thuê được chút tiền. Mô hình này cũng không thể thực hiện được trong một xã hội gian dối.

Hoặc một cửa hàng tự chọn không có nhân viên tính tiền, chỉ có 1 - 2 nhân viên kho hàng để xếp đồ khi cần thiết. Khách tính tiền tự động bằng thẻ Visa/Master. Khách vào cửa hàng, chọn hàng rồi tự tính tiền bằng máy điện tử, tự bỏ vô bao rồi cà thẻ tính tiền. Cũng không có bảo vệ để ngăn chặn ăn cắp. Khách hàng được lợi vì mua hàng giá rẻ do không tốn tiền trả công cho nhân viên thu ngân. Cửa hàng được lợi vì quản lý hiệu quả và chi phí thấp hơn. Nhưng rất tiếc, điều này cần sự trung thực và không thể áp dụng được trong một xã hội ăn cắp vặt.

Chấp nhận mất mát để gieo niềm tin

Những mô hình kinh doanh trung thực rất tuyệt vời, vì thuận tiện cho cả đôi bên, người cung cấp và người hưởng dịch vụ. Nhưng rất tiếc, những mô hình đó dựa trên nền tảng đạo đức và sự trung thực của con người. Vậy nếu nền tảng đạo đức của xã hội chưa cao nhưng bạn muốn áp dụng mô hình kinh doanh trung thực thì sẽ ra sao?

Mới đây, tờ Business Inside đưa tin các chủ sở hữu của một công ty chia sẻ ô của Trung Quốc đã học được một bài học cay đắng. Chỉ vài tuần sau khi đưa ra 300 ngàn chiếc ô để cho thuê theo mô hình trung thực, Sharing E Umbrella tuyên bố hầu hết ô đã một đi không trở lại.

Báo cáo không nói chính xác bao nhiêu chiếc ô đã bị mất, nhưng người sáng lập Công ty Zhao Shuping nói rằng sẽ không vì thế mà chấm dứt kinh doanh.

Ông Zhao cho biết ông nảy ra ý tưởng kinh doanh chia sẻ ô sau khi xem chương trình chia sẻ xe đạp trên toàn quốc. Doanh nhân tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông nói ông "nghĩ rằng mọi thứ trên đường phố đều có thể được chia sẻ. Chúng tôi thực sự ấn tượng bởi mô hình chia sẻ xe đạp".

Mặc dù công ty đã mất khoảng 60 NDT (9 USD) cho mỗi chiếc ô bị mất, nhưng Zhao cho biết ông vẫn có kế hoạch mang 30 triệu chiếc ô để chia sẻ trên cả nước vào cuối năm nay. Công ty Zhao Shuping ra mắt vào tháng 4 vừa qua với số vốn đầu tư là 10 triệu NDT. Hiện công ty đã mở rộng mạng lưới khắp 11 thành phố của Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, Nam Kinh, Quảng Châu và Nam Xương.

Ông Zhao cho rằng trong một xã hội nhiễu nhương, ông vẫn muốn theo đuổi mô hình kinh doanh dựa vào tính trung thực của con người để “gieo niềm tin”.

Tại Việt Nam, cửa hàng của anh Đào Khánh Hiệp ở Hà Nội cũng để khách tự trả tiền. Anh Hiệp cho biết suốt 3 tháng mở cửa, cửa hàng chưa thu thiếu một đồng nào và chẳng hề bị mất bất cứ thứ gì. Mỗi buổi sáng, anh đến đây cung cấp hàng hóa và tối sẽ đến thu tiền, lau chùi quầy hàng. Mô hình bán hàng mới này khiến anh tiết kiệm tối đa chi phí. Với giá thuê mặt bằng là 5 triệu đồng, anh chỉ mất thêm 1,5 triệu đồng tiền điện, nước và không hề tốn tiền chi trả cho nhân viên, bảo vệ…

Cửa hàng tự phục vụ ở Hà Nội.

Xã hội cần tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho lòng tốt và sự trung thực được bộc lộ. Chúng ta vẫn nghe nhiều lời ca thán về tính trung thực của xã hội. Điều đó khiến con người đánh mất niềm tin vào người khác và đánh mất niềm tin vào xã hội.

Thực tế, con người luôn có phần lương thiện trong sâu thẳm tâm hồn chỉ chờ có cơ hội được bộc lộ. Miễn là chúng ta tin tưởng và tôn trọng người khác, chắc chắn họ sẽ thay đổi quan điểm và cư xử tốt đẹp. Bạn cũng đừng quên sức mạnh của sự lan tỏa và hiệu ứng số đông.

Minh Minh
.
.
.