Mô hình quán “cà phê rác” ở Ấn Độ

Thứ Sáu, 13/03/2020, 16:57
Một quán cà phê được gọi với cái tên “Cà phê rác” đang nhận được sự chú ý của đông đảo người dân trên khắp Ấn Độ. Phương châm hoạt động của quán là, “mang càng nhiều rác, càng nhận được nhiều đồ ăn”. Khi đến quán với một ki-lô-gam rác thải nhựa, khách hàng nhận được một bữa ăn nóng miễn phí.


Mô hình bảo vệ môi trường độc đáo

“Một lần, khi đang uống cà phê với bạn bè, tôi nhìn thấy một cậu bé nhặt nhựa từ thùng rác. Tôi đến gần và hỏi, tại sao lại nhặt rác thải nhựa và sẽ làm gì với rác thải đó. Cậu bé chỉ trả lời rất ngắn gọn: “để có được đồ ăn”. Tôi đã bị ám ảnh vì câu trả lời của cậu bé nhặt rác khiến không thể chợp mắt cả đêm. 

Ý tưởng chợt lóe lên trong đầu, tại sao không thành lập một “trung tâm thu nhận rác thải nhựa” hay một “quán cà phê rác”, Zeeshan Khan, một nhà bảo vệ môi trường, đồng thời là người sáng lập Garbage Café chia sẻ ý tưởng về quán cà phê độc đáo của mình.

Quán cà phê mở cửa vào tháng 10-2019 tại thành phố nhỏ Ambikapur, Ấn Độ. Vào thời điểm đó, theo dữ liệu của chính phủ, mỗi ngày Ấn Độ thải ra 57.320.188 pound chất thải nhựa. Các chất thải thường được đổ ra đường, cống rãnh và bãi rác.

“Nếu mang theo một kg nhựa, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một bữa ăn đầy đủ. Nếu chỉ mang theo nửa ki-lô-gam nhựa, bạn sẽ nhận được đồ ăn nhẹ”,  Zeeshan Khan nói. Hiện tại, Garbage Café chấp nhận tất cả các loại nhựa nhưng trong tương lai, quán sẽ tiến hành phân loại nhựa để thuận tiện cho công tác tái chế. Tất cả rác thải nhựa sẽ được đưa đến các trung tâm tái chế. Một phần doanh thu từ việc làm này được sử dụng để duy trì hoạt động của quán cà phê.

Garbage Café hiện được rất nhiều người Ấn Độ biết đến. Một số người có ý định mở quán cà phê theo mô hình này trong khu vực mình sinh sống. Thậm chí, mô hình “đổi rác lấy đồ ăn” còn được lan truyền rộng rãi trên thế giới. Một quán cà phê tương tự cũng đã được mở tại Milan, Italia.

“Nhiều người liên lạc với tôi và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ ý tưởng, những việc cần làm và không nên làm khi mở quán. Chúng tôi muốn ý tưởng này sẽ được nhân rộng trên toàn thế giới như một trong những giải pháp góp phần bảo vệ môi trường sống”, Zeeshan Khan nói thêm.

Được biết, ngoài ý tưởng này, Garbage Café cũng đang nỗ lực hoạt động để khuyến khích sản phẩm tái chế. Garbage Café ấp ủ triển khai dự án giảm thiểu việc sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày. Garbage Café kêu gọi mọi người quyên góp túi  nilon, sau đó sử dụng chất liệu tạo nên tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Ngoài ra, lợi nhuận thu được từ việc bán những sản phẩm tái chế cũng được sử dụng cho phúc lợi xã hội.

Ô nhiễm từ rác thải nhựa đang đe dọa nghiêm trọng môi trường sống trên toàn cầu.

Hướng tới mục tiêu loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào năm 2022

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, Ấn Độ đặt mục tiêu loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào năm 2022. Hoạt động của Garbage Café sẽ góp phần thực hiện mục tiêu này. Vào năm 2014, phong trào làm đẹp cảnh quan môi trường phát triển mạnh ở Ấn Độ. Việc làm đó đã góp phần giúp Ấn Độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Nhiệm vụ lớn tiếp theo của Ấn Độ sau khi đạt được mục tiêu xây dựng 100 triệu nhà vệ sinh là loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Ấn Độ đang tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để cùng chung tay thực hiện mục tiêu từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Zeeshan Khan cho rằng, không dễ đạt được mục tiêu loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào năm 2022. “Rào cản lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là nhận thức của người dân. Nhận thức của người dân thành thị về vấn đề rác thải nhựa khá tốt nhưng người dân ở vùng nông thôn chưa có nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Vì vậy, một trong những giải pháp mà chúng tôi phải tiến hành là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục.

Chúng tôi xây dựng “chiến binh nhựa” - những tuyên truyền viên tích cực về rác thải nhựa trong cộng đồng. Đầu tiên, chúng tôi đào tạo một số lượng người nhất định và sau đó, chính những người này sẽ tiếp tục huấn luyện cho nhóm tuyên truyền viên tiếp theo. Bằng cách làm này, cứ như vậy, qua thời gian, chúng tôi sẽ có được mạng lưới tuyên truyền viên bảo vệ môi trường rộng khắp trên cả nước”, Zeeshan nói. 

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.