Không có gì mà ầm ĩ cả

Mộc tồn, món ăn quốc cấm?

Thứ Tư, 26/09/2018, 20:53
Văn minh hay man rợ không mấy khi rành mạch. Tuy vậy, việc vận động, khuyến cáo không ăn thịt chó chưa bao giờ thể hiện được tính hiệu quả. Muốn hạn chế rõ rệt phải có các chế tài cấm và phạt phù hợp.


"Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ biết có hay không?". Nói thẳng không nhã nên cha ông ta nói tránh là món thịt cầy. Món thịt mèo thì gọi là “tiểu hổ” cho oai. 

Ở Kiến An (Hải Phòng) có nhà hàng đề biển "Chó đồng, mèo hoang" làm cho khách có cảm giác ăn thịt chó sói và mèo rừng thì đỡ áy náy. Tất nhiên chả ai tin có khái niệm chó đồng. Món thịt chó ăn sâu vào đời sống nhiều thế hệ mới rút ra được câu này. 

Theo góc nhìn của một số quốc gia khác thì ăn thịt chó là man rợ. Một số người Việt bắt đầu phản đối việc ăn thịt chó. Hà Nội khuyến cáo hạn chế ăn thịt chó với tầm nhìn tương lai là cấm hẳn. Cấm hẳn thì nạn trộm chó - đánh chết trộm chó cũng hết. Chả ai tin trộm chó tương lai chỉ ẵm chó về nhà để làm bạn.

Man rợ hay không cũng do góc nhìn. Nhiều nước châu Âu phản đối thịt chó thì ở Thụy Sĩ, có vùng Appenzell và St. Gallen nổi tiếng là có truyền thống ăn thịt chó và dùng mỡ của nó vào mục đích trị bệnh. Ở Bắc Cực và Nam Cực thì chó cũng là thực phẩm tốt.

Tìm hiểu bản đồ cường quốc thịt chó 5 châu thì nổi bật có Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Mexico, Indonesia, Lào, Campuchia, Bắc Cực, Nam Cực, hai bang ở Thụy Sĩ và vùng Nagaland ở Ấn Độ.

Minh họa: Tả Từ.

Giống như ta, Thái Lan cũng có cách gọi khác là "thịt thiên đường". Khi nghĩ nó là thực phẩm thì thèm, nghĩ là bạn tâm tình thì thấy tội lỗi. Trong phim hoạt hình Madagascar, sư tử Alex lúc đói nhìn bạn mình là hươu cao cổ, ngựa vằn chỉ thấy bạn mình biến thành miếng thịt tươi rói.

Trong lúc người Việt giao động tranh cãi về ăn thịt chó có man rợ không thì tình hình thế giới, man rợ vẫn duy trì đều đặn, có chiều sâu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đó là Nhật vẫn tiếp tục săn cá voi, loài cá thân thiện, tình cảm và đáng yêu. 

Trong lúc xứ ta đấu tranh ăn hay không ăn thì ở Đan Mạch, người ta dùng xuồng cao tốc và đội tàu lùa đàn cá voi về quần đảo Faroe và giết sạch đến nỗi nước biển ven bờ chuyển sang màu đỏ.Vì là truyền thống nên chính phủ không can thiệp. 

Cũng tương tự như vậy, xứ Canada người ta đập hàng loạt hải cẩu. 97% hải cẩu bị giết để lấy da. 83% hải cẩu bị lột da khi còn sống. Da hải cẩu biến thành áo khoác, túi xách, giày cho các quý bà văn minh. 

Văn minh hay man rợ không mấy khi rành mạch. Tuy vậy, việc vận động, khuyến cáo không ăn thịt chó chưa bao giờ thể hiện được tính hiệu quả. Muốn hạn chế rõ rệt phải có các chế tài cấm và phạt phù hợp. 

Việc khoanh vùng phục vụ món mộc tồn cũng có thể khả thi. Sau đó mới dùng tới sức ép của văn hóa. Việc này có thể thấy rõ ở các quốc gia cấm thuốc lá như Mỹ, Singapore chẳng hạn. 

Thứ nhất là thuốc lá rất đắt. Thứ hai là những anh nghiện rất khổ sở, khi muốn hút thuốc phải rời văn phòng hoặc quán cà phê để ra một khu trống ngoài trời, nơi đặt mấy cái thùng rác lớn. Ở đó chỉ có đội nghiện với nhau phun khói nghi ngút. Người qua đường nhìn họ với cái nhìn bất bình và thậm chí là kỳ thị ra mặt.

Hãy tưởng tượng, món thịt chó không được ăn tràn lan mà phải tập trung vào một số nơi nhất định. Món “quốc hồn” tiến dần về món “quốc cấm” thì tất nhiên giá của nó sẽ tăng lên. Lúc này những tín đồ thịt chó mới bị bao vây cô lập.

Còn bạn, bạn có ủng hộ tiếp tục chén món mộc tồn không?

Lê Tâm
.
.
.