Thư gửi chiều thứ Năm:

Một bản làng & Một quán bar

Thứ Sáu, 21/09/2012, 11:16
1. Chiều Sapa (Lào Cai) ưng ửng đỏ. Đường vào bản Tả Van - một trong những bản "hút" khách du lịch nhất Sapa có những thửa ruộng bậc thang vàng ươm. Ruộng nằm giữa thung lũng, được bao bọc bởi mây, núi và những con suối. Anh hướng dẫn viên du lịch liên tục hỏi khách: "Đẹp không mấy bác?". Chẳng cần đợi anh nói hết câu, những vị khách nổi tiếng là khó tính đã liên tục thốt lên: "Đẹp. Đẹp như một bức tranh".

Nhưng đường vào Tả Van không chỉ có cảnh. Còn có những bé gái người Mông với nước da đen sạm, chiếc váy hoa xòe sặc sỡ, và thú vị nhất, đáng yêu nhất là những chiếc vương miện được làm bằng lá, quấn chặt trên đầu. Hỏi ra mới biết mấy bé gái đang chơi trò "công chúa, hoàng hậu đi ngao du…" nên mới bước tới Tả Van - một bản của người Giáy. Nhìn mấy bé với nụ cười tươi rói, hồn nhiên, nhìn ruộng bậc thang hồn nhiên, nhà sàn hồn nhiên, lờ lững giữa mây trời Sa pa mà cái tâm hồn phố thị trong tôi bỗng cựa quậy như động đất.

 Phải rồi, sống ở phố bon chen chật hẹp, lao vào những cuộc mưu sinh ở giữa nơi "người khôn của khó", một phần hồn nhiên nào đó trong tôi bỗng chết dần, chết mòn từ lúc nào chẳng hay. Phải đến buổi chiều nay, buổi chiều hiếm hoi được ngắm hoàng hôn ở bản Tả Van, buổi chiều được sống với cảnh hồn nhiên - người hồn nhiên đúng nghĩa thì cái phần thẳm sâu ấy mới bất ngờ nhô lên, chọc thủng, thách thức cái tâm hồn phố thị.

2. Đang miên man chia sẻ với cô bạn cùng đi những suy nghĩ ấy thì cô chợt sững người, chỉ tay về phía trước: "Nhìn kìa ông ơi. Đúng là không thể nào tin được". Tôi nhìn theo và lập tức thấy đập vào mắt mình tấm biển "Bamboo Bar", cùng một loạt dòng chữ tiếng Anh khác quảng cáo đồ uống của quán bar này. Đi gần tới nơi, một cô gái người Kinh mặc váy ngắn, bôi son bự mặt từ tốn bước ra, mời cả đoàn vào bar cho… mát mẻ.

Ôi chao ôi, ở giữa vùng hồn nhiên đất trời lại bất ngờ, xuất hiện một quán bar đầy chất thị dân như vậy đấy. Nhìn quán bar mà  bất chợt nhớ tới "phố bar Hàng Buồm" vốn luôn xập xình, sôi động giữa lòng Hà Nội. Và chỉ cần nghĩ tới đấy thôi là biết bao xúc cảm thích thú về một bản Tả Van hồn nhiên bỗng chết cái sập, chết hoàn toàn, chết không ngóc đầu lên nổi.

Có lẽ vì không tìm được chỗ nào để xả mà tôi xả vào anh hướng dẫn viên: "Cái bar có từ bao giờ vậy? Mà ai cho nó xuất hiện ở một nơi rừng núi xinh đẹp, cách biệt hoàn toàn với "văn hóa đô thị" như thế này?".

Anh hướng dẫn viên cho biết khoảng 1 năm trở lại đây, một cô gái Kinh có chồng Tây bỗng nhiên lên đây thuê nhà mở bar. Mà bản Tả Van bây giờ Tây đến nhiều, ở lại nhiều, nên bar hoạt động được lắm. Hỏi tiếp: "Thế người dân tộc Giáy ở xung quanh bar, nghe tiếng nhạc náo động không khó chịu à?".

Anh bảo: "Người Giáy ở đây tiếp xúc với Tây du lịch hằng ngày, có gì mà khó chịu". Lại hỏi: "Khi cái bar xuất hiện, những nhà quản lý văn hóa của xã không có ý kiến gì sao?". Anh chàng cười khà khà: "Cái này thì anh phải lên xã, huyện mà hỏi chứ…".

3. Anh chàng nói chưa dứt câu thì từ trong bar, vài anh Tây lật khật bước ra với những nụ cười khó mà lý giải. Mấy anh cười vì thỏa mãn một cái gì đó? Hay là cười mỉa mai chúng ta - một đất nước vốn luôn quảng cáo là rất giàu có, uyên thâm về văn hóa nhưng lại sẵn lòng để cho một quán bar - sản phẩm điển hình của văn hóa phố thị ngang nhiên, sừng sững tồn tại bên những mái nhà sàn, giữa một bản làng mênh mang nắng gió Sapa?

Không! Có lẽ là tôi tự kỷ ám thị mà suy diễn vậy thôi. Chứ nếu đúng người ta nghĩ như vậy rồi cười mình như vậy thì xấu hổ lắm. Xấu hổ tới mức có lẽ sau vụ này không còn đủ can để trở lại Sapa.n

Sapa, ngày bản, tháng bar, năm ngượng ngùng

Phan Đăng
.
.
.