Một câu chuyện cổ tích về tình yêu

Thứ Hai, 14/03/2016, 14:18
Tôi không biết còn có ai khốn khổ như hoàn cảnh của anh không, nhưng cũng chính hoàn cảnh, số phận trớ trêu ấy đã cho anh một ý chí và nghị lực sống phi thường. Và, chỗ dựa cho cuộc đời anh chính là tình yêu đẹp như chuyện cổ tích của một người phụ nữ. 


Chị chấp nhận tất cả, hi sinh, thiệt thòi và cả miệng lưỡi của người đời để làm chỗ dựa vững chắc cho anh bước tiếp. Và hạnh phúc đã nở hoa...

Đòn đánh số phận

Những ngày đầu xuân, ngõ 121 Lê Thanh Nghị - Hà Nội - xóm chạy thận vẫn có người ra, người vào. Không ồn ã, tấp nập, không cờ hoa nhưng vẫn đủ thấy không khí xuân quanh quẩn đâu đây. Đã từ rất lâu, những cư dân trong xóm trọ này không còn khái niệm Tết đoàn viên.

Chị Phùng Thị Nghĩa và bé Mai Chiến Thắng.

Ngõ 121 hay ngõ Cột Cờ từ lâu đã được "xưng danh" xóm chạy thận. Đây là nơi sinh hoạt của những người mắc căn bệnh thận quái ác, lấy đi bao ước mơ, hạnh phúc, hoài bão của nhiều người, nhiều gia đình.

Sau nhiều cuộc điện thoại, nhiều lần lỡ hẹn, hôm nay tôi mới có cơ hội gặp anh Mai Anh Tuấn, 40 tuổi, ngụ tại Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội. Người được bà con trong xóm chạy thận bầu làm xóm trưởng. Anh có nụ cười hiền hậu, dáng người cao, nước da sạm đen vì nắng gió. Nhìn vẻ ngoài chẳng ai bảo anh mắc căn bệnh hiểm ác.

Thực tế lại khắc nghiệt, trẻ tuổi nhưng anh lại là người có "thâm niên" chạy thận lâu nhất trong cái xóm ngụ cư nghèo, mịt mờ này. Hai mươi năm là hơn 7.000 ngày anh ngược xuôi giành lấy sự sống từ lưỡi hái tử thần.

Ánh mắt nheo lại, nhìn xa xăm, anh kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, thăng trầm mà lặng lẽ. Hai mươi năm "sống chung với lũ", anh phải trải qua một quá khứ bi thương đầy nước mắt gắn liền với chữ "tết". Năm 1995, đang vui trong niềm vui đỗ đại học thì anh phát hiện mình bị suy thận.

Một năm sau đó, em trai anh lại bệnh. Bố anh bị đột quỵ phải nhập viện và được chẩn đoán suy thận cấp đúng vào đêm 30 Tết năm 2005. Điều đó đồng nghĩa gia đình anh bấy giờ gồm bố anh, anh và em trai, em rể - tất cả đều bị suy thận cấp.

Chưa hết bàng hoàng, mùng 6 Tết năm 2006, em trai của anh sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật đã qua đời. Nỗi đau này chưa qua, nỗi đau khác đã tới, năm 2011, vì tuổi cao sức yếu, bố anh đã mãi mãi ra đi.

Nhớ lại cái Tết chua xót với sự ra đi của bố và "bản án tử hình sớm" cho người em trai còn xanh tóc, nghĩ đến cảnh bây giờ chỉ còn lại mình, em rể cũng đang ngày đêm chạy thận, chạy cùng tử thần trong nỗi hoang mang lo sợ, anh Tuấn không kìm được nước mắt.

Từ đó tới nay, anh chưa có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Tết Bính Thân 2016, anh phải ở lại bệnh viện đến hết ngày mồng 1 Tết rồi lập tức trở về đón Tết với gia đình. Mồng 3 Tết lại tức tốc ra Hà Nội để lọc máu. "Đời bệnh nhân chạy thận sống không thể thiếu máy lọc", anh ngậm ngùi.

Đám cưới đơn sơ của anh chị diễn ra cách đây hơn chục năm.

Giọng kể hòa vào hai dòng nước mắt. 40 tuổi với 1/2 quãng đời sống ở bệnh viện nhưng chưa khi nào căn bệnh làm thui chột ý chí, hoài bão, khát vọng sống của anh. Suốt 20 năm nay, cứ đều đặn một tuần 3 lần anh phải vào viện chạy thận (lọc máu).

Mỗi lần chạy cũng mất từ 3-4 tiếng đồng hồ. Anh bảo, giai đoạn 1995-1999, lúc đó chưa có bảo hiểm hộ nghèo, mỗi lần vào viện phải mất 300 ngàn đồng. Tốn kém quá, có thời gian một tuần anh mới dám chạy một lần. Những hôm không chạy thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn.

Đến xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị vào buổi chiều giá lạnh, căn nhà 10m2 như chật hơn vì chứa đồ đạc của 3 người. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là một phòng nhỏ trên gác hai của căn nhà lụp xụp, nhếch nhác.

Cầu thang dẫn lên phòng anh cũng cheo leo, hoen rỉ. "Ở đây dù chật chội nhưng đông vui hơn ở nhà (Cổ Đô, Ba Vì) cô ạ. Ngôi nhà dưới quê giờ trống hoác, không một đồ gì giá trị".

Cũng đúng thôi, 20 năm, với 3 người sống vì bệnh viện là những ngày vật vã, kiệt quệ, đau đớn như cắt từng khúc ruột. Lúc thì bán tivi, trâu bò, khi thì bán ruộng nương... "Bán đến khi căn nhà trơ lại bốn bức tường". Thế rồi anh "chuyển khẩu" về đây.

Dù được bảo hiểm y tế hỗ trợ 95%, nhưng với bệnh nhân, gia đình phải gắn bó cả đời với bệnh viện như anh thì mức 5% chi trả cũng là một con số quá lớn. Chi phí mỗi tháng chữa bệnh ngót nghét triệu bạc, chưa tính tiền thuốc men.

Rồi chưa kể tiền nhà, điện nước, ăn uống và lo tiền cho con đi học. Để có thể trang trải cuộc sống gia đình, 20 năm qua, những lúc khỏe là anh lại đi làm. Anh làm trăm thứ nghề, bán nước, xe ôm, đánh giầy... Nhưng "làm được 1 ngày thì lại nghỉ 3 ngày" vì sức khỏe không cho phép.

 "Đã có lúc tôi muốn buông bỏ, mặc kệ số phận nhưng bà con trong xóm động viên, nghĩ đến vợ con, tôi lại tìm cho mình mục đích sống. Sống để nhìn đời, nhìn vợ, nhìn con trưởng thành từng ngày từng tháng". Và cùng giúp anh thực hiện cái "mục đích sống" ấy không ai khác chính là gia đình nhỏ và người vợ cùng quê, chị Phùng Thị Nghĩa, 39 tuổi.

"Tôi may mắn có gia đình bên cạnh làm chỗ dựa. Vợ tôi vất vả lắm, tôi biết cô ấy đã chịu thiệt thòi và hi sinh rất nhiều. Dù khó khăn, vất vả thế nào thì tôi vẫn quyết tâm chiến đấu với bệnh tật đến cùng" - anh nói và không quên đưa ánh mắt đầy yêu thương, cảm kích về phía vợ.

Điều kỳ diệu của tình yêu

"Nếu cho lựa chọn lại, tôi vẫn chọn lấy anh ấy. Được làm những gì mình thích cùng với người thương yêu không gì hạnh phúc hơn", chị bắt đầu câu chuyện tình yêu của mình như thế.

Chị học chung với anh từ hồi phổ thông, bạn bè quý mến nhau. Hồi đó, chị đã có người yêu, một người bình thường, khỏe mạnh. Còn anh đã thầm thương nhớ chị.

Trưởng xóm Mai Anh Tuấn trong một buổi từ thiện.

Lúc biết anh bị bệnh, chị vẫn thường xuyên ghé thăm, lo cơm nước, giúp anh thu dọn nhà cửa. Có lần, chị dẫn bạn trai đi cùng, anh tỏ ra không vui. Sau hôm đó, anh quyết định phải ngỏ lời yêu với chị "không thì muộn mất" - anh bảo. Không thư từ, không hoa, không nhẫn, anh cầu hôn chị: "Lấy anh nhé, anh sẽ có trách nhiệm với em". Chị bất ngờ ôm lấy anh, bật khóc gật đầu.

Đồng ý yêu và lấy anh, chị phải vượt qua sự phản đối từ gia đình, bỏ qua những ánh mắt, những lời dị nghị của mọi người. Khi biết chuyện, bố chị ngăn cản: "Bố đồng ý cho con giúp đỡ Tuấn, bạn bè những lúc hoạn nạn không nên bỏ nhau. Con có thể giúp cậu ấy (anh Tuấn) về kinh tế, còn yêu nhau, bố cấm tuyệt đối".

Biết bố vẫn còn thương con gái, nhiều lần chị ra sức thuyết phục: "Con yêu anh Tuấn, khổ bao nhiêu con cũng chịu được. Dù cuộc sống ngắn ngủi, nhưng con được sống với người mình yêu, được là chính mình".

Không khuyên bảo được con, bố chị bắt đầu cương quyết: "Nếu nhất quyết làm theo ý mình, con không phải là con của bố, không phải là con của gia đình này". Chị bất lực, quỳ gối xin lỗi bố mẹ rồi lựa chọn đi theo tiếng gọi của trái tim, bỏ lại những dị nghị "đến mức họ hàng nhìn thấy tôi quay mặt bỏ đi" - chị nửa thật, nửa đùa.

Năm 2002, đám cưới của anh chị diễn ra. Không có đại diện nhà gái, không váy trắng cô dâu, không hoa, không nhạc… Chỉ có họ hàng nhà trai và vài mâm cơm. Hôm cưới, chị tự may cho mình một chiếc áo dài, đến giờ chị vẫn giữ, thỉnh thoảng lôi ra mân mê, hoài niệm…

Lấy anh, chị trở thành trụ cột chính trong gia đình. Trước chị làm công nhân của Công ty May Chiến Thắng. Nhưng khi công ty giải thể, cuộc sống của gia đình trở nên khó khăn hơn. Hằng ngày, chị đi bán nước trong bệnh viện, rồi mở hàng nước ngoài cổng viện, rồi bán hàng rong kiếm lời... gặp việc gì ra tiền là chị làm. Không kể ngày đêm, nắng mưa, cứ có việc là đi. "Mình vất vả thêm một chút, cả nhà đỡ khó, cháu lại có sách đến trường" - chị tâm sự.

Lúc lấy anh, chị cũng không hi vọng mình được làm mẹ. Nên khi biết chị mang thai, anh chị đã... khóc vì quá đỗi vui mừng. Anh đem tin vui này ra "khoe" với bà con trong xóm, ai cũng mừng, cũng xuýt xoa. Tin anh có con lan rộng, mọi người vui cùng anh, xóm chạy thận cũng như có luồng sinh khí mới thổi vào, mong một ngày kia bừng sáng...

Chẳng biết còn ai khổ như chị? Có con đã là một kỳ tích, sinh con lại còn khổ trăm bề. Vượt cạn một mình, dù khổ, dù đau nhưng qua  ánh mắt hạnh phúc, đầy tự hào, chị nhớ lại: đêm 5-6-2003, anh Tuấn sốt cao phải vào Bệnh viện Nhiệt đới điều trị.

Tối chị vẫn vào chăm anh, trở về phòng nằm, gần 3h sáng thì vỡ ối phải tự vào viện. Ngày hôm sau, chờ mãi không thấy vợ mang cơm vào như thường lệ, anh Tuấn về nhà thì nhận tin từ bà chủ trọ: "Vợ cậu nhập viện sinh con đêm qua". Mọi đớn đau, mệt mỏi tiêu tan, anh lao vào viện. Nhìn hai mẹ con bình an trên giường, lúc ấy anh thấy mình là người hạnh phúc nhất trần gian.

Bế con trên tay, anh đặt tên bé là Mai Chiến Thắng. Anh bảo rằng mỗi lần gọi tên con là một lần nhắc anh chị phải sống vì con, phải chiến thắng căn bệnh, chống chọi với số phận nghiệt ngã, để sau này con biết rằng sự ra đời của con có giá trị như thế nào đối với cuộc đời bố mẹ.

Bé Thắng lớn lên trong vòng tay yêu thương của anh chị, của cả xóm nghèo. Ý thức được hoàn cảnh, trong suốt 6 năm đi học, em luôn đền đáp tình yêu thương của họ bằng những điểm 10, những  giấy khen học sinh giỏi...

Nói về vợ trong ánh mắt thương yêu, đầy trân trọng anh bảo, thương chị lắm, không có gì bù đắp được sự hi sinh của chị. Anh kể, chị đi họp lớp, bạn bè ai cũng váy áo lượt là, xe đẹp. Còn chị vẫn lóc cóc đạp xe với chiếc nón lá quen thuộc... Nghĩ mà tội.

Tôi bảo anh, tình yêu của anh chị y chang chuyện cổ tích tôi vẫn đọc, không có bà tiên, không có phép màu. Nhưng anh cười "Với tôi điều đó không quan trọng, phép màu của đời tôi chính là cô ấy". Nghe câu nói đó, chị cười, anh cũng cười. Vừa lúc đó giai điệu bài hát từ radio vang lên: "Thôi thì, ta bên nhau trong cơ hàn. Thôi thì, cầm tay nhau không khóc than. Chứa chan tình nghĩa, nước mắt đã khô cạn…".

Hoàng Hòa
.
.
.