Một chữ "đủ"

Thứ Ba, 11/04/2017, 14:47
Khi không có một ý tưởng sáng láng, hấp dẫn thì các chuyên gia soạn thảo diễn văn thường đưa vào bài một hệ thống câu chữ hào nhoáng đậm "mỹ phẩm" nhưng thực sự sáo rỗng.

Gần đây, Ziad Ahmed, một nam sinh trung học Mỹ được nhận vào Đại học Stanford với bài luận chỉ có đúng một câu duy nhất lặp đi lặp lại "BlackLivesMatter" (Cuộc sống của người da đen cũng đáng quan tâm) đã khiến nhiều người giật mình.

Một vấn đề có thể diễn tả nhiều lời hay ít lời thì vẫn chứa đủ thông điệp cần nói. Nói dài thì phải hấp dẫn, nhưng tiếc thay người nghe rất "keo kiệt" thời gian. Thông điệp đòi hỏi gì nhiều hơn một chữ "đủ"? Thế giới thông tin bắt buộc người truyền thông điệp không làm phiền tai người nghe.

Mọi cuộc phát động chung hiện nay đều có xu hướng thu gọn lại bằng một slogan (phương châm). Thí dụ như "tắt đèn, bật tương lai".

Những cụm từ sau này trở thành slogan đều được tìm kiếm trên những bài nói của nhân vật quan trọng. Ngày nay, các nguyên thủ quốc gia xuất hiện trong các sự kiện văn hóa, thể thao cũng biết nói ngắn gọn. Có Tổng thống chỉ nói một câu "Tôi tuyên bố sự kiện ABC bắt đầu". Họ biết rõ người nghe đang chờ mong một câu ngắn để hò reo.

Viết diễn văn cho Tổng thống Mỹ được coi là một nghề quan trọng và ẩn mình. Khái niệm này bắt đầu có từ thời G. Washington nhưng sau này mới được chính thức coi là một nghề.  Những bài diễn văn hấp dẫn của G. Washington thường do bạn ông, những chính trị gia tài năng viết.

Các soạn giả diễn văn thường không chỉ là những người thạo văn bản thông thường mà là những chuyên gia am hiểu nhiều lĩnh vực, tâm lý thính giả và có thể coi là một nhà văn.

Người chuyên soạn diễn văn cho cựu Tổng thống Obama sau khi từ giã nghề đã trở thành một tác giả kịch bản. Diễn văn ngắn thường là không dài về câu chữ nhưng quan trọng là hấp dẫn và không thừa.

Minh họa của Lê Tâm.

Diễn văn dài cho dù hay đến đâu không phải lúc nào cũng cần thiết, đôi khi còn là thảm họa. Vị tổng thống có diễn văn dài nhất trong lễ nhậm chức là Tổng thống thứ 9 Hoa Kỳ, William Henry Harrison,  dài tới 1 giờ 45 phút, cũng là tổng thống có nhiệm kỳ ngắn nhất, đúng một tháng. Hôm ấy trời tuyết lạnh, Harrison đã hăng hái đọc không nghỉ đến nỗi bị nhiễm lạnh và viêm phổi. Ông qua đời sau 31 ngày nhậm chức.

Thế kỷ 21, may mắn hơn ông, một người đàn ông Pháp quyết lập kỷ lục bằng bài diễn văn dài nhất thế giới. Ông L. Colet đã hoàn thành bài diễn văn dài nhất thế giới trong 124 giờ để được ghi vào kỷ lục Guiness. Chắc hẳn không có khán giả nào nghe đủ bởi khó ai có thể trụ tại chỗ 5 ngày, 4 đêm để tận hưởng "lời vàng ý ngọc". Các nhà truyền thông thì không ai dại gì soạn bài nói theo kiểu Colet tràng giang đại hải.

Thật lạ là ngày nay vẫn còn nhiều người đọc diễn văn quá dài.

Thông tin quá ít với số từ quá nhiều khiến bài nói không có cách nào khác là những câu chữ mơ hồ. Khi không có một ý tưởng sáng láng, hấp dẫn thì các chuyên gia soạn thảo diễn văn thường đưa vào bài một hệ thống câu chữ hào nhoáng đậm "mỹ phẩm" nhưng thực sự sáo rỗng.

Có thể không quá lời khi gọi loại văn bản này là xác chữ. Soạn giả rất đề phòng sự bắt bẻ và các vấn đề pháp lý nên thường dùng câu chữ mơ hồ nước đôi có sẵn trong văn mẫu.

Để soạn ra diễn văn kiểu này không cần là một tài năng mà chỉ cần là một thư ký có tinh thần "đề cao cảnh giác".

Thỉnh thoảng có vị lãnh đạo bỏ qua những tiền lệ câu chữ để nói những lời thẳng thắn thì được người nghe hết sức thấm thía. Câu chữ dù không hào nhoáng mà được khen ngợi, chuyền tải trên mạng internet chóng mặt. Lời thẳng dù có gai góc nhưng vẫn dễ nghe hơn các mỹ từ. Lời thẳng có sức mạnh thay đổi.

Còn bạn! Nếu bạn đang phát biểu mà thấy người nghe không xúc động, không vỗ tay thì hãy lập tức cắt ngắn lời mình đi. Tiếng vỗ tay sẽ vang lên.

Lê Tâm
.
.
.