Một chữ người nắn nót

Thứ Sáu, 31/01/2014, 08:00
Ngay dưới chân rừng Đông Căm, thuộc làng Hiếu Lễ, vẫn còn cả một bãi đá đen ngòm. Hòn nào cũng thô nhám, trơn ươn ướt như quang dầu. Bãi đá ấy may chưa bị dân làng đập hết đi để nung vôi bón ruộng, hoặc trộn với đất đồi Kéo Lồm dùng làm vữa xây nhà. Chúng đương lổn nhổn đứng ngồi như đang họp chợ. Cả một khoảnh đất rộng, lũ làng đá nằm ngoan tại đây hàng ty tỷ năm. Mùa hè chúng bốc lên mùi khăm khắm như cóc chết. Còn mùa đông, chúng khai khai chua loét như đá biết đái.

Sáu bảy chục năm về trước, chỗ này là nền nhà của chú Ao Pin. Gọi là nền cho nó đúng phong cách ăn nói văn hoa phóng đại, chứ thực ra, nó chỉ là mấy đống đá chồng xếp hình chân kiềng. Rồi người làng dựng cột bắc kèo lợp rơm làm thành một cái lều, gọi nhà cho sang. Tại đây từng có một gia đình sinh sống, có tới hai ba thế hệ nên cỏ cây, đất đá còn lưu giữ mùi người. Hình như mọi vật ở đây đang thở rất sâu và êm nhẹ. 

Gặp phải hôm ba mươi Tết, trời nhá nhem tối, lại lất phất mưa phùn, ai đi ngang qua đây cũng phải giật mình thon thót. Họ chợt thấy có bóng áo chàm màu xám bạc đang lẩn khuất. Như có người vật vờ, cắm cúi đi ra đi vào trong bụi cây lá vàng. Nhìn những ngọn cây gật gù rung rinh như lắc, ai cũng nghĩ chắc mẩm trong đấy có người. Nếu không, chỉ có ma trẻ con trêu đùa người lớn. Thỉnh thoảng họ còn nghe thấy tiếng ho khẹc khẹc, lẫn tiếng nhổ khạc phì. Cái tiếng ho dai như bễ lò rèn. Nó giống hệt các bậc cao niên rúng rắng lấy hơi khi biết lộc trời cho mình sắp cạn.

Hồi đấy, chỉ có một căn lều nhỏ vách nứa lợp rơm. Lều tách ra riêng biệt khỏi làng. Đó là lều của chú Ao Pin. Vào những ngày trong Tết, lều chú lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói tiếng cười, mùi rượu và khói thuốc. Người từ Pác Rao, từ Cảnh Tiên, từ Cao Thăng, từ Thông Huề, từ Pò Tấu… đến nhờ Ao Pin xem ngày tốt, giờ đẹp để khởi công đào móng, xây ngôi nhà mới, đón dâu vào cửa. Hoặc làm một đêm giải hạn, kỳ yên, hay ma nhét đầy tháng cháu cho đứa nội. Thậm chí, có người nhờ Ao Pin xem cái bụng lùm lùm con bé tóc đuôi gà mới mười hai tuổi. Xác định danh tính tác giả của bào thai là thằng cha dê xồm nào? 

Thắp xong mấy nén hương, chú lẩm bẩm cầu khấn các vị thánh tăng. Những bậc hiền nhân quân tử có nhãn thần chỉ dẫn mách giúp người trần mắt thịt. Liệu thân chủ cuả tôi có tìm thấy và lấy lại gia tài. Xác minh thật tường tận của cải nó chạy đi đằng nào... Phần lớn những việc như thế chỉ diễn ra trong nửa tiếng, bốn mươi phút, hoặc quá lắm hết già buổi sáng là có ngay kết quả. Tùy mức độ công việc nặng nhẹ, đơn giản hay phức tạp, khách tự nguyện trả công. Có khi chỉ chục phong bánh khảo gói giấy hồng điều. Một vài chai rượu cao trăn pha mật gấu. Năm phân, vài xèn thuốc phiện chưng cất cẩn thận, đóng thành bao như kẹo...

Ao Pin tuyệt đối không đòi hỏi thù lao với bất cứ ai. Và cũng chả bao giờ từ chối biếu xén. Bởi theo chú, đòi hỏi là tham. Không đáp ứng được là sân. Tham sân si là ba cái tính cực kỳ ô uế. Những người mắt sáng có chữ thánh hiền như chú cần phải tránh xa. Có như thế, lời nói của người làm thầy mo, thầy tào mới thiêng được, thánh thần mới phù hộ độ trì dài dài.

Gian giữa Ao Pin dành cho việc thờ tự. Ở đó kê một bộ bàn ghế trúc tự tạo dùng để tiếp khách. Hai gian bên chia ô làm buồng ngủ. Bên phải dành cho cánh đàn ông con trai. Gian bên trái dành cho thím và cô con gái đầu. Phía dưới nhà, chú đặt ba ông đầu rau dùng để thổi cơm, nấu cám lợn. Trên gác bếp, gia đình chú phơi phóng đủ các loại lương thực, thực phẩm. Mỗi thứ một dậu một cuôi. Cái nào cũng đựng đầy ngô thóc, khoai lang, khoai sọ, củ mài… Thứ nào cũng bám đầy khói đen như than, như củi khô. Đấy là kho lương thực nhì nhằng tàm tạm, đủ khẩu phần cho mấy miệng ăn qua năm đoạn tháng.

Tôi gọi Ao Pin bằng chú. Đấy là gọi theo thói phép xưng hô của người làng. chứ chẳng phải anh em họ hàng nội ngoại. Chú là dân ngụ cư. Dân ngụ cư đều tự nguyện nhận làm em. Đã làm đàn em thì xếp xuống hàng dưới cùng ở cái làng này.

Người dân tộc mừng Tết.

Lũ trẻ trâu chúng tôi từng nghe chú Ao Pin kể, chú là người gốc gác ở tận làng Khe Hoi, một bản toàn người Nùng Lòi, nơi giáp biên với Slình Slây, Trung Quốc. Gặp những năm đói kém, hạn hán hay lũ quét, lại trúng nạn giặc cờ vàng cờ đen, nạn thổ phỉ nổi lên cướp bóc. Năm này qua năm khác, không chịu nổi nữa, cả gia đình ông bà, cha mẹ quyết định bỏ nhà cửa ruộng vườn, kéo về đây xin chúa làng cho tị nạn.

Những người già làng kể, nhớ cái ngày họ chuyển bằng xe ngựa ma li đến đây, chú hãy còn ẵm ngửa. Kể từ đấy, mọi người trong nhà Ao Pin đều uống nước nguồn chảy ra từ mỏ Chang Nà. Đã mấy chục năm đi qua, bạc tóc đến hai đời rồi nên ai cũng nói đặc sệt giọng Tày người làng Hiếu Lễ. Chỉ những ngày lễ Tết, hay đi dự đám cưới xin, người ta mới thấy chú thím mặc áo người Nùng. Đó là kiểu áo chàm năm thân cổ lá sen, cài cúc bên nách tay phải, ống tay rộng và đắp lên một miếng vải khác màu. Nhưng tôi nhớ nhất những đôi dép hài xảo bện bằng mo tre. Đôi nào cũng vàng vàng nâu nâu, nhỏ nhắn, xinh xinh. Mỗi khi nhấc chân lên, đặt chân xuống, chúng phát ra tiếng kít két buồn buồn.

Ngày nay không còn ai dùng nó nữa. Dép hài xảo trở thành kỷ niệm một thời. Có lúc nào nhớ tới, tôi lại lờ mờ thấy chú Ao Pin giật lùi đi ra phía có ánh sáng. Chú chỉ thích dùng mông của mình đẩy cửa. Bởi theo chú, cái mông chứa nhiều thịt, phải cho nó chịu trận nóng lạnh trước nhất. Nếu trời quá lạnh, chú liền đi thẳng vào buồng, lùa thêm vài manh áo rách vào bên trong. Nếu trời quá nóng, chú mang nón và khăn bông dấp nước. Khi cánh cửa nan kêu kẹt lên một tiếng, nghĩa là ánh sáng chào con người.

Chú Ao Pin là con trai một nên ông bà nuông chiều chú từ nhỏ. Ông bà mời thầy đồ tận Nà Qua lên ở hẳn tại nhà để dạy chữ. Chú được làm quen với bút lông, thỏi mực tàu, nghiên mài mực, giấy hồng điều... từ năm lên sáu, bảy tuổi. Ông bà thân sinh đều xuất thân từ nông dân nghèo, chữ nhất bẻ đôi không biết. Nhưng họ lại hăng hái nhiệt tình tậu chữ cho con trai của mình. Muốn thay đổi số phận, không gì tốt hơn bằng chữ nằm trong sách. Để nhà cửa. Để đất đai. Để vàng bạc... Khi cần, chú sẵn sàng đem đổi lấy thuốc sái. Lại trở người thành trắng tay. Nhưng cái chữ nằm lỳ ở trong đầu, chẳng mất đi đâu mà sợ. 

Được cái chú Ao Pin học hành thông minh, sáng dạ. Học được chữ nào, chú lèn chặt vào bụng chữ đó. Càng lớn lên chú càng yêu chữ. Yêu chữ đến phát điên phát rồ. Không ngày nào chú không luyện tay cầm bút. Đang ăn chú cũng cầm đọc sách thánh hiền.

Năm nào cũng thế, cứ sáng mùng một Tết Nguyên đán, Ao Pin lại dán chữ đại tự dán lên ban thờ, dán câu đối lên cột nhà, dán chữ nghênh xuân trên cánh cửa. Chú còn đề thơ tặng cho cây hồng, cây đào, cây mận, cái cối đá, cái chày gỗ, cái chổi quét nhà... Khắp nơi khắp chốn quanh quanh nhà chú, một màu đỏ rực như có đám cưới của hoa hồng. Cái màu đỏ reo vui múa hát suốt cả tháng Giêng không hề nhạt. 

Một khoảnh rừng chỉ rộng bằng nửa bóng mây, sớm xuân nay bỗng sáng rực như điện. Chữ nào cũng được chú viết trên nền đỏ ớt, với những đường nét thanh thoát, bay bướm. Mỗi một con chữ ra đời như một làn khói. Khói này không phải sinh ra từ lửa. Khói này sinh ra từ một cái đầu. Khói tự mình vươn cao bằng người ta rồi khói nhích dần lên cao hơn. Cao hơn nữa, khói lẫn vào ngọn cây. Khói nối dài người đời lên tận trời biếc. Ao Pin bảo, sách dạy vạn vật hữu linh. Bất kể cái gì ở trên đời này đều có cuộc sống vật chất và linh hồn. Chẳng qua người không biết nghe muôn loài nói gì. Ngôn ngữ của nó chính là làn khói xanh. Nửa năm sáu tháng mới được một vài tiếng. Nhiều tiếng gom lại được một lời. Mỗi bài thơ Ao Pin viết dán lên đồ vật, đấy là lời tạ ơn muôn loài, muôn vật đã nuôi sống và cứu giúp con người.  

Tết nhất đang đặt chân lên cành mận, cành đào. Nhưng trong nhà Ao Pin chưa có gì bày biện. Thôi thì có một ít chữ mọn, bần nho xin dâng tặng các vị một chút lòng thành. Chữ thánh hiền treo nơi gia cảnh bần hàn, xem ra nghịch nhãn, nhưng không hề tương phản. Nhà rách, vách nát, áo ngắn, quần vá, nhưng chủ nhân lại đầy một bụng chữ. Chữ nào cũng lành lặn. Chữ nào cũng núc ních béo tròn. Những con chữ biết đưa tay ra cứu vớt đời người. Chữ dạy cho người ta biết cách ăn ở, đối xử với nhau sao cho đẹp lòng.

Nhớ lại mấy chục năm về trước, Ao Pin giảng giải cho lũ trẻ trâu chúng tôi thế nào là “Tứ hải giai huynh đệ”... Năm châu bốn biển đều là anh em ta. Người Tày, người Nùng, người Dao, người Mông, người Hoa, người Kinh, người Tây Ma Rốc, người Pháp… đều là Người. Đã là Người thì chỉ có thương yêu thôi. Bởi sinh ra một con người khó lắm. Khó như một hầm trăm gánh củi gỗ nghiến mới hòng được một gánh than đen để sưởi. Một vạn lần yêu mới được một hạt người. Làm ra con người khó hơn nhóm lửa trên mặt nước. Sao con người ngày nay lại có thể phản thùng nhau dễ dàng đến vậy. Sao có thể chém giết nhau, không ghê tay đến vậy?

Rồi có một lần, tôi nhìn thấy chú khai trong cuốn hộ khẩu: “Họ tên: Lường Ao Pin. Sinh năm… Nguyên quán… Trú quán… Dân tộc: NGƯỜI!”.

Chỉ một chữ Người, chú Ao Pin đã phải nín thở, vận bằng hết công lực, nắn nót viết thật đẹp

Y Phương
.
.
.