Một chuyện lặt vặt

Thứ Ba, 29/07/2014, 10:41

Anh thường vấp phải một vài chuyện lặt vặt, trong một đời sống lặt vặt cùng những cá nhân lặt vặt.

Lặt vặt, theo quan điểm của anh đó là những chuyện không đáng lưu tâm nhưng khiến mình cảm thấy phiền phức. Y như, khi vừa đến nơi hẹn thì phát hiện cái quần bị rách ở ngay mông. Y như, đang chuẩn bị được hôn thì mới nhớ mình mới vừa ăn quá nhiều hành tây. Y như, uống nửa ly cà phê, dùng xong một bát mì gói ở quán cà phê thì chợt nhận ra mình quên mang theo ví… Tất cả những thứ anh vừa ví dụ, đều lặt vặt cả.

Thế nhưng, càng vấp phải những thứ lặt vặt của cá nhân mình, anh lại càng nghiệm ra có những chuyện vô cùng nghiêm trọng nhưng những nhà quản lý tài ba của anh lại xem đó là chuyện lặt vặt.

Có cái công ty gì gì đó, thi công đường ống nước phục vụ sinh hoạt cho 70 nghìn hộ gia đình với gần 1 triệu dân ở Thủ đô, không hiểu thi công kiểu quái nào mà đoạn ống ấy đã vỡ đến lần thứ 9. Mỗi lần vỡ, là mỗi lần gần 1 triệu dân đói nước.

Vỡ lần thứ nhất, thì có thể xem là lặt vặt. Vỡ lần thứ hai, du di cũng có thể xem là lặt vặt. Vỡ lần thứ ba, cố lắm vẫn có thể xem là lặt vặt.. Nhưng đã vỡ đến lần thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín và có nguy cơ sẽ tiếp tục vỡ thì không thể nào xem là lặt vặt nữa.

Minh họa: Lê Tâm.

Gần một triệu dân khác rất nhiều với một trăm ngàn dân. Một trăm ngàn dân khác rất nhiều với mười ngàn dân. Mười ngàn dân khác rất nhiều với một ngàn dân. Một  ngàn dân khác rất nhiều với một trăm dân. Một trăm dân khác rất nhiều với mười dân. Mười dân khác rất nhiều với một dân.

Mà thậm chí, cho dù là chỉ một dân thì nhà quản lý cũng phải xem việc của dân là trọng, chứ nhẽ nào lại xem đó là chuyện lặt vặt?.

Ngân sách do dân đóng góp, không phải là chuyện lặt vặt. Nhà quản lý do dân bầu lên không phải là chuyện lặt vặt. Chế độ của nhà quản lý do dân chi trả, không phải là chuyện lặt vặt.

Chính vì vậy, một nhà quản lý tốt là nhà quản lý không được xem chuyện của dân là chuyện lặt vặt để nói những điều lặt vặt bằng kiểu tư duy lặt vặt.

Anh nói thiệt, trên thế gian này làm gì có chuyện sai lầm đến lần thứ 9 mà vẫn được tha thứ, vẫn được xem đó là chuyện lặt vặt. Vô tình cầm nhầm một món đồ, người ta gọi là vô ý. Nhưng nhiều lần vô tình cầm nhầm một món đồ, người ta gọi đó là kẻ cắp.

Cũng vậy thôi, ống nước vỡ một lần, được xem là sự cố. Còn ống nước vỡ đến 9 lần, thì phải xem đó là do làm ăn gian dối chứ. Mà gian dối thì phải điều tra xem ai cố tình gian dối để xử lý chứ.

Bọn trẻ đùa đùa giật nón của nhau còn phải ra Tòa, thì hà cớ gì ngốn hàng nghìn tỷ đồng của người dân rồi cho ra đời một thứ sản phẩm như lừa đảo nhưng vẫn được xem là chuyện lặt vặt.

Nhà quản lý không cần là đầy tớ của dân, cũng không cần phải vì dân mà phục vụ. Dẫu rằng, đó là những quy chuẩn cơ bản nhất của một nhà quản lý. Nhà quản lý chỉ cần có trách nhiệm với số tiền mà người dân đã bỏ ra để trả cho nhà quản lý thì đã phúc cho dân lắm rồi.

Anh nói thật, nhà quản lý kém nhưng lại luôn cố bảo vệ những thứ không minh bạch bất chấp ai cũng nhìn thấy sự vô minh ấy, thì cũng chỉ là một nhà quản lý lặt vặt thôi

Ngô Nguyệt Hữu
.
.
.