Một gia tộc ở xứ trà B’Lao

Thứ Tư, 11/02/2015, 08:00
“Sản phẩm trà Việt của nước mình hiện nay đã vượt ra lãnh thổ, hội nhập với thế giới rộng lớn. Bao đời nay thương trường là chiến trường, mà đã là chiến trường phải có kẻ thắng người thua. Đối với các nhà doanh nghiệp thua ngay trên sân nhà của mình mới là nỗi đau”, ông Lại Thế Cần, chủ doanh nghiệp trà Ôlong Tam Dương tâm sự với tôi, khi hai anh em song hành trong trang trại của ông theo triền đồi gió lộng.

Tôi biết ông Cần lần đầu tiên vào năm 2010 tại nông trại trà Ôlong của ông ở huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Ông Cần trên 50 tuổi với thân hình vạm vỡ cao lớn, da ngăm đen và tiếng nói vang như một võ tướng. Ông là con ruột của ông Cai Liêm, một trong những ông Cai đồn điền chè có tên tuổi vào đầu thập niên 40 của thế kỷ trước tại B’Lao xưa.

Thế hệ chè thứ nhất

Cao nguyên Lâm Viên, nơi người Pháp trồng chè trên diện rộng vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Điều ấy có nghĩa là nghề chè tại đây đã có bề dày 80 năm, trong đó ông Cai Liêm gần như trải nghiệm cả đời mình với cây chè tại vùng đất hoang sơ này.

Ông Cai Liêm tên đầy đủ là Lại Thế Liêm, sinh năm 1917 tại Nam Định, đi phu vào Nam năm 1939, về B’Lao làm việc tại trung tâm cây giống cho Pháp từ năm 1943. Ông Liêm không những thông thạo tiếng Pháp mà còn sử dụng tốt thổ ngữ K’Ho. Trong nghề nghiệp của mình, ông nhớ chính xác những con đường cắt rừng vào buôn, cũng như tính cách của các già làng theo từng bộ tộc.

Sau năm 1943 ông trực tiếp làm việc cho các đồn điền chè của Pháp tại BLao, được phân công làm Cai (đốc công) với nhiệm vụ mộ phu và hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho người bản xứ. Là người sống và làm việc có trách nhiệm nên được các chủ đồn điền Pháp tin cậy.

Năm 1946 khi nghe Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia Vệ Quốc Đoàn, trực tiếp lãnh đạo một đơn vị vũ trang tại B’Lao, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh bất ngờ làm thương vong cho quân Pháp ở địa phương.

Năm 1948, ông bị bắt và bị kết án tử hình nhưng nhờ mẹ ông, người đã làm hết sức mình để cứu con. Thông qua một vị linh mục, bà biết được viên khâm sứ Pháp sẽ đi kiểm tra B’Lao, nên bà đội đơn quỳ giữa đường ở Cầu Trắng (đường 28 tháng 3 hiện nay) chặn xe xin tha tội chết cho con. Cảm động trước tấm lòng của người mẹ thuộc địa, viên khâm sứ cho xe dừng lại trực tiếp xem đơn rồi phê duyệt tại chỗ chuyển ông Cai Liêm thành tù giam. Đến năm 1950, ông ra tù, trở lại nghề chè B’Lao “một tôm hai tép” cho đến ngày đất nước thống nhất.

Thế hệ chè B’Lao thứ hai và thứ ba

Ông Lại thế Cần sinh năm 1957 tại xứ chè, người yêu B’Lao đến kỳ lạ. Ông kể cho tôi nghe vanh vách từng sự kiện trên các con đường, từng đồi chè cũng như tính cách từng ông chủ đồn điền đã thành công và thất bại. Có thể nói, dải đất cao nguyên này, nơi đâu cũng đầy ắp kỷ niệm từ thời ông bà nội đến bố mẹ và tuổi thơ của ông. Mỗi lần đi qua con đường đẹp nhất của thành phố Bảo Lộc hiện nay, ông hình tượng bà nội ông đang quỳ đội đơn giữa đường, khi đi Lộc Thành ông mơ hồ nhìn thấy bố đang cưỡi ngựa vào buôn để thuê mướn nhân công, vào Lộc Nga lại nhìn thấy mẹ đang hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho cư dân bản địa… Đất và chè B’Lao đã trở thành máu thịt của ông.

Sau ngày đất nước thống nhất, 100ha đất trồng chè của gia tộc họ Lại chuyển sang sở hữu toàn dân, ông chuyển sang làm xà phòng mang tên B’Lao, rồi làm việc cho công ty lâm sản. Vào thời bao cấp, cho dù làm việc gì để kiếm sống, nhưng khi có dịp đi ngang đồi chè, ông vẫn đau đáu mong được trở về nghề của gia tộc mình như một khát vọng cháy bỏng đời người. Với ý chí vươn lên, ông vừa làm vừa học rồi tốt nghiệp đại học kinh tế chuẩn bị cho con đường đi lên bằng trí tuệ.

Sau năm 1990, tỉnh Lâm Đồng cho phép các tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư nghề chè. Hầu hết các doanh nghiệp như Nhật, Trung Quốc, Đài Loan đều chỉ thuê đất để xây dựng xưởng và trồng chè Ôlong trên đồi cao. Là dân trồng trà chuyên nghiệp, ông Cần luôn trăn trở tại sao các nhà đầu tư này chỉ quan tâm đến trà Ôlong trên vùng đất sỏi! Vậy việc chế biến và thị trường tiêu thụ khác với loại trà truyền thống của Việt Nam như thế nào?

Vào thời điểm đó chưa có Internet toàn cầu nên ông phải tự thân lặn lội tìm tư liệu về nghề trồng trà Ôlong trong và ngoài nước. Hiện nay trong nhà xưởng ở giữa rừng của ông có cả một thư viện đến vài ngàn đầu sách về nghề chè bằng tiếng Việt, Hoa, Anh và Pháp. Từ kiến thức của nhân loại về trà Ôlong, ông biết được đặc tính của loại chè này từ trồng đến chế biến và thị trường. Ông Cần tâm niệm muốn làm nghề gì phải trở thành chuyên gia về nghề đó.

Trà Ôlong xuất hiện tại Việt Nam từ sau cuối những năm 80 được trồng từ Mộc Châu, Hà Giang, Lào Cai… giống do người Đài Loan mang đến, nhưng tại Lâm Đồng loại trà này phát triển tốt và có vị rất đặc trưng đúng với nguồn gốc. Đây là loại trà chất lượng cao, hương vị tự nó tỏa ra sau khi ủ theo một lập trình kỹ thuật chứ không cần thêm phụ liệu. Hiện nay trà Ôlong ở Lâm Đồng đa số nằm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Là người xuất thân từ một gia tộc có bề dày về nghề chè, ông Cần trăn trở rồi quyết định chuyển sang trồng chè mới này. Dựa vào năng lực kinh tế và kiến thức nghề nghiệp hiện có, năm 2003 ông chọn xã Lộc Quảng nơi vùng đất đồi khô thoáng để trồng thực nghiệm 4ha. Ông tập hợp vài người có chút ít kinh nghiệm và sống chết với nghề vào làm việc. Đến năm 2005, Lâm Đồng đã sản xuất được giống trà Ôlong mới, đã chắp cánh cho ông phát triển mạnh hơn theo xu thế hàng Việt Nam chất lượng cao.

Để giữ uy tín mặt hàng của mình, ông Cần cùng với công nhân có mặt hằng ngày trên đồi chè, cả chủ và thợ đều mặc những bộ quần áo xanh mang tên Tam Dương lặng lẽ làm việc giữa đồi cao với những ước mơ lớn. Đến năm 2010, công ty của ông đã trồng được 50ha chè, đồng hành với các công ty trà Đài Loan và Trung Quốc tại Bảo Lâm. Và để quản lý đến sản phẩm cuối cùng của mình, năm 2011 ông Cần xây dựng khu nhà xưởng ngay tại nông trại chè của mình. Đó là một trong những nhà máy chè Ôlong tư nhân của người B’Lao đầu tiên trên quê hương mình bên cạnh những công ty  nước ngoài đã có bề dày với lượng khách hàng bền vững.

Trong tuần lễ văn hóa trà B’Lao cuối tháng 12/2014, tôi trở lại nông trại chè của ông. Lần này diễm phúc gặp được cả gia đình. Anh chị giới thiệu các con của mình là Lại Thế Cảnh, Lại Thị Quỳnh Giao, Lại Thế Quang, Lại Thế Phong. Trong đó có hai cháu tốt nghiệp cao đẳng hóa sinh và kinh tế, riêng cháu Quỳnh Giao được học thêm nghề trà tại Đài Loan, cháu Giao nói viết thông thạo tiếng Hoa và tiếng Anh.

Tôi hỏi chuyện cháu Cảnh là con trưởng dòng họ Lại trong lúc Cảnh đang hướng dẫn thao tác cho công nhân, được cháu cho biết: “Nghề trà của dòng họ nhà cháu đã sang thế hệ thứ ba, tính từ thời ông nội, bây giờ là nghề gia truyền. Anh em tụi cháu cố gắng giữ gìn và phát huy thêm. Thời buổi thông tin toàn cầu này thương trường còn quyết liệt hơn thời của ông và bố cháu”.

Lúc chia tay, ông Cần dẫn tôi đi thăm khu nhà ở của công nhân Công ty Tam Dương. Đó là những gian phòng nối liền với nhau thành từng dãy. Tại đây công nhân sử dụng không phải trả tiền kể cả điện nước và ăn uống hằng ngày. Ông cho biết: “Người làm công chỉ hết lòng với chủ khi cuộc sống ổn định, không phải chân trong chân ngoài. Với mức lương trung bình từ 3 triệu rưỡi trở lên, được bao ăn ở, người làm công có thể sống được”.

Khi được hỏi việc 70 container chè của Việt Nam xuất qua thị trường Đài Loan “bị treo” chưa được thông quan đợt vừa rồi, ông phân trần: “Tôi cũng lấy làm lạ, vì hầu hết thương nhân Đài Loan cũng làm trà tại đây và trên bản đồ vùng chất độc dioxin tại Việt Nam năm xưa không thấy ở Lâm Đồng, chắc có điều gì hiểu nhầm nhau thôi. Nhưng nay đã tốt rồi”. Ông cười ha hả.

Trần Đại
.
.
.