Không có gì mà ầm ĩ cả

Một hai ba Dzô!

Thứ Hai, 22/02/2016, 13:19
Số vụ đánh nhau trong dịp Tết Bính Thân nhiều hơn 6 lần so với số vụ tai nạn giao thông trong cùng thời gian...

Cứ nhìn con số thống kê mấy Tết gần đây thì rõ: Tết 2012 gần 4.000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, dịp Tết 2013 cả nước có hơn 4.700 trường hợp, Tết 2015 cả nước có 6.200 trường hợp và Tết 2016 cả nước có gần 5.000 trường hợp.

Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) “nóng” nhất mỗi dịp Tết đến. Trong những ngày Tết, trung bình BV phải tiếp nhận mổ cấp cứu từ 500-600 bệnh nhân/tuần. Số ca tai nạn giao thông vào BV Việt Đức cấp cứu chiếm 80% tổng số bệnh nhân tới khám trong ngày Tết. Rõ ràng, đây là một hiện tượng xã hội đáng lo ngại về hành vi ứng xử.

Một trong những nguyên nhân căn cốt là văn hóa, tập tục, thói quen. Toàn xã hội nốc rượu như một hình ảnh tiêu biểu cho đàn ông, coi uống rượu là một công việc và mọi quan hệ cũng đều đi qua đường rượu. Có quan hệ là có tất cả. Vì thế, khi có cơ hội là tổ chức sử dụng rượu.

Minh họa: Lê Tâm.

Mỗi khi có đoàn công tác đến đơn vị thì đội hình chuốc rượu được tập hợp. Những nhân viên có ngoại hình đẹp, các cán bộ đoàn thể đều có mặt để tiếp rượu không thiếu một ai. Chiến thuật xa luân chiến khiến đoàn công tác khó đứng vững. Sau đó là bắt tay hể hả.

Chén đầu tiên là chén chào bàn. Chén thứ hai là chén nhân dịp. Ôi dào, thiếu gì dịp. Chén thứ ba là chén chẳng mấy khi, chén thứ tư là chén uống vì món mới… Những chén không đếm được là những chén mà bợm nhậu chỉ biết nói, gạt tay nhau lặp đi lặp lại một câu “Anh chưa hiểu em”. Sau đó là một hai ba dzô!

Đã rót cho công bằng là phải “Cao bằng”. Sau đó sẽ cùng nhau “Bắc cạn” úp chén. Phần cuối mới là “Võ nhai”. Có anh uống không nổi bèn nghĩ ra kế nói dối là đang thời kỳ uống thuốc bắc nên phải kiêng. Bạn nhậu sẽ tuyên bố cứ uống vào là khỏi. Đừng tin bọn lang băm. Dân nhậu vẫn hát chế huyền thoại rượu: “Ai trên đời chẳng uống ruợu/ mà uống rượu là phải say/ Rượu mà uống không say không phải đi uống rượu/ không phải hay uống rượu/ rượu là rượu mà bia là bia/ Ai trên đời chẳng uống rượu/ mà uống rượu là phải say/ Rượu thì năm ba chai bia thì vài ba vại…”.

Thành tích uống thì vô tận: “Sông sâu còn có kẻ dò/ nào ai lấy thước đi đo độ cồn”.

“Một ly, nói chuyện đàng hoàng/ Hai ly, nói xóc, nói quàng, nói xiên/ Ba ly, nói ngả nói nghiêng/ Bốn ly, miệng lưỡi huyên thuyên nói xằng/ Năm ly, toàn nói lăng nhăng/ Sáu ly, khật khưỡng nói trăng nói trời/ Bảy ly, nói lẫn khóc cười/ Tám ly, nói lộn tiếng người, tiếng ma

Chín ly, nói lại nôn ra/ Mười ly, chẳng biết là ta nói gì…”.

Thế đấy.

Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Uống say, uống xỉn là điều tất nhiên
Say rồi cũng giống thằng điên…

Uống tới vượt ngưỡng. Lúc đó lời không còn là lời ta mà lời rượu, tay chân làm việc của rượu chứ không phải của ta. Tỉnh rượu là may. Nhiều trường hợp không bao giờ tỉnh nổi vì hết cơ hội. Tại sao số vụ ứng xử với nhau bằng cơ bắp tăng so với cùng kỳ năm ngoái? Chắc chắn có sự tham gia của ma men.

Còn bạn. Tết vừa rồi bạn có dzô trăm phần trăm không?

Lê Tâm
.
.
.