Một ngày làm người của chợ

Thứ Sáu, 20/11/2020, 08:47
Đứng bên này đất Thủy Nguyên – Hải Phòng, nhìn sang bên kia, cách sông Đá Bạc là Đông Triều – Quảng Ninh, nỗi nhớ quê trong tôi cuộn lên đến lạ...


Nếu giờ xuống phà Đụn, chỉ xình xịch mười phút cắt nước băng sông thôi là đã có mặt ở bờ bên kia. Thêm cuốc xe ôm ba mươi nghìn là về đến nhà, mở cổng ùa vào gọi bố gọi mẹ. Tiếng xích sắt loảng xoảng, con Vằn ùa ra sủa, thấy người quen tíu tít vẫy đuôi, dúi mõm vào tay. Con Vằn này là cháu chắt của con Vằn trước, con Vằn cụ kị tuần nào cũng chờ mẹ tôi khe khẽ mở cổng từ mờ sương, đạp xe qua phà bến Đụn đi mua “cá lợn” tuần vài bận.

Giờ đứng bên này sông Đá Bạc nhìn về, tôi nhớ mắt mẹ ngày ấy ngân ngấn nước…

Nhất đông chợ Giá…

Nước mắt mẹ như nước của những con sông nằm ấp nghiêng các chợ. Ở Thủy Nguyên chợ gắn với những bến sông tấp nập trên bến dưới thuyền, nào sông Giá, sông Bạch Đằng, sông Cấm… Người Thủy Nguyên hôm nay trong câu chuyện rảnh rỗi bên chén nước chè vẫn nhắc đến nhiều cái tên như chợ Đá Bia, chợ Giá, chợ Sưa, chợ Đồn, chợ Tổng, chợ Tỉnh, chợ Si, chợ Phục, chợ Triều… với nhiều nỗi bồi hồi, xen lẫn tự hào và tiếc nuối. Bởi một lẽ rằng có chợ còn chợ mất, chợ hóa to chợ thành nhỏ, chợ chuyển đổi các mặt hàng kinh doanh cho phù hợp với thời đại công nghiệp mới. Nhưng dù thế nào dấu vết, kí ức chợ vẫn còn nguyên vẹn không một sớm một chiều mà phai được.

Từ phà Đụn, tạm gác lại dự định băng sông về quê, tôi được bác Lê Xuân Lựa, người nghiên cứu văn hóa dân gian của huyện đưa đi “tìm chợ”. Tôi muốn nói đến “tìm chợ” bởi vì chợ họp theo phiên, không dễ gì đến mà gặp được. Như hôm nay, ra đến chợ Giá thấy vắng lặng, bến sông những thân bèo xanh mướt xô dập nhấp nhô theo sóng.

Hóa ra tôi đi lệch phiên mất vài ngày, nay mùng 9 âm, phải hai ngày nữa chợ mới đến phiên. Giờ tần ngần đứng dưới gốc đa ven chợ, chỗ xưa kia người thầy bói mù nào đó từng đứng mời mọi người xem một quẻ lấy may, chỗ mấy bà Mán Mường mang thứ thuốc lá lẩu từ rừng của mình ra ngồi bệt xuống bán, chỗ ngồi nghỉ chân của chị hàng xén răng đen mơ mộng – tôi cố tưởng tượng lại cảnh sầm uất xưa kia. Lúc theo nhịp mồng 1, mồng 6, 11, 16, 21, 26 lịch ta thuyền buôn từ Trà Cổ, Vân Đồn mang theo vải vóc, gốm sứ, đồ trang sức, nguyên liệu thuốc Bắc… từ miền biên viễn về; người Phả Lại, Đông Triều xuôi dòng mang theo thóc gạo, khoai sắn đến bán từng dãy dài trong chợ; người Cát Hải, Hà Nam ngược dòng mang về tôm cá; người Bắc Giang, Nam Sách mang theo gỗ, tre nứa xếp vào các kho tạm ven chợ.

Chợ cau ở làng Lý Nhân, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Chưa thể hết được, còn sề, giành, thúng, nong, nia, mẹt, giần, sàng, gầu gai, gầu sòng… ngất nghểu ở Chính Mỹ đến chen vào tìm chỗ đậu chân; cau ở làng Nhân Lý sang vào những ngày mùng 1 và 16 chưa kịp vào giữa chợ đã bị các bà các cô xô lấy giành giật, ai cũng cố nhoai tìm cho bằng được đôi ba quả xanh tròn đều, còn tóc để mua về thắp hương gia tiên tiền tổ, hàng cau những ngày này bán kèm thêm cả lá trầu; hàng thân cày thô cùng bắp khoẳm theo chân từng tốp thợ từ thôn Phúc Liệt dừng lại cạnh bước chân người đi chợ tứ phương tất tả đổ về, họ bình thản vấn một điếu thuốc hút, ngực trần phồng nở óng ánh mồ hôi, say sưa ngắm nhìn háo hức cái đông đúc ồn ào sau những ngày dài luồn rừng, băng núi bên mạn Uông Bí tìm gỗ trở về; vài chiếc thuyền nan ở làng Tuy Lạc dong sang đậu ở bến sông tìm người mua ngay trao sào; hàng bán thào, một dụng cụ hình ống tròn dùng để bắt tôm tép nhỏ nằm khép nép bên hàng bánh chưng, bánh giầy, bánh tày, bánh cạp… ở làng Thường Sơn tíu tít người mua, ít thì dăm, nhiều thì đôi ba chục cái…

Nhưng chợ quê còn là nơi những người đàn bà có chục trứng gà, đôi con vịt, đàn chó con, vài mớ rau trồng trong vườn, nải chuối cắt trên cây từ sáng sớm, mớ tép giỏ cua chồng con vừa kiếm được… đến để hưởng cái không khí bán đi mua về. Họ bán cái mình làm được để mua vài lạng thịt, ít mỡ về rán lấy tóp cho gia đình cải thiện; rồi chút kim chỉ may quần áo; vài cái bánh chưng bánh rán về cho đàn con ngóng đợi ở nhà; nếu còn dư, nghìn năm họa hoằn có một họ sẽ ăn một bát bánh đa, bún riêu, bánh đúc giữa chợ. Chợ là thế giới ngóng đợi của đàn bà và trẻ con.

Người hướng dẫn viên nhiệt thành của tôi, bác Lựa, vẫn nhớ như in những năm sáu mươi của thế kỉ trước vẫn bó chổi ráng, đợi phiên, dậy tờ mờ đất đi hơn năm cây số gánh sang chợ Giá bán. Cây ráng để làm chổi chặt ngoài ruộng về, tuốt lá, phơi khô buộc lại bằng dây mây. Chổi ráng để quét nền đất rất tốt, ngày ấy làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, nhưng rốt cũng chẳng có nhiều để mà bán. Mỗi lần đi chợ xêm xêm mười, mười hai cái đã là xôm.

Một chổi bán được hai hào, mười chổi hai mươi hào, ăn quệt thòm thèm bát bánh đa ba hào còn mười bảy hào gem ghém về đưa mẹ. Thứ bánh đa hồi ấy ăn là bánh đa bẻ làm từ hạt gạo lúa nhậng trồng ở nước lợ, năm một vụ, rơi vào vụ mùa. Hạt thóc của giống lúa này to dài, có râu nhọn hoắt cỡ nửa phân trên đỉnh, gặt không cẩn thận chảy máu tay ngay. Rồi còn lúa ri hạt đỏ nữa cũng để làm bánh đa. Bánh đa gọi là bánh đa đỏ nhưng cũng chỉ nâu nâu thôi. Hai giống lúa kia giờ chẳng còn, cũng như cây ráng làm chổi, giờ có còn sân đất đâu…

Những nếp nhăn nhíu lại rồi giãn ra khi bác Lựa vừa kể cho tôi chuyện ngày xửa ngày xưa của mình, vừa quanh quất tìm nơi lúc bé thường đặt chổi ráng bán. Bảo thêm, chỗ khoảng nhà lợp tôn kia xưa chẳng có, chỉ có ít mái lá, kho tạm xung quanh, chợ không quy định chỗ ngồi cụ thể, ai đến sớm ngồi trong, ai đến sau ngồi ngoài, cứ theo trật tự chẳng tranh giành. Mà chợ xưa rộng lắm, không có hàng rào sắt quây quanh như giờ, ăn sâu cả cây số vào trong làng, ăn sang cả bên đền Giá, kéo về phía núi. Mãi đến những năm bảy mươi, khi sông Giá đắp đập, ngăn dòng chảy thành hồ Đà Nẵng để giữ nguồn nước ngọt thì chợ Giá mới dần mất đi vị trí vốn có trong lịch sử của mình.

Đọc trong mắt tôi sự nghi ngờ, bác dẫn sang bên đền chỉ vào bức phù điêu dài khắc ở bên trái từ cổng vào bảo đây mới chỉ miêu tả được một phần cảnh chợ Giá ngày xưa, những mặt hàng buôn bán truyền thống vẫn chưa được khắc họa đầy đủ. Dù biết không tái hiện hết được cảnh xưa, nhưng tôi vẫn choáng ngợp với khung cảnh trên bến dưới thuyền sầm uất, vài chiếc thuyền buồm cánh dơi có thể chạy ngược nước ngược gió đỗ xa xa như sẵn sàng ăn hàng xuất bến, thuyền nan nêm chặt khúc sông quanh chợ, người đi chợ áo nâu sòng, nón quai thao, nón lá thư thái vui vẻ chọn hàng, nó thật đúng với những miêu tả trong sách Đại Nam nhất thống chí rằng: “Chợ Mỹ Giang của huyện Thủy Đường là một chợ lớn, là một trung tâm buôn bán lớn nhất trong huyện và khu vực lân cận”.

Thấy hai bác cháu tôi vào đền, cụ bà Đỗ Thị Hòa, sinh năm 1937, nhà ở gần đền, những khi rỗi rãi vẫn qua lại quét tước bảo hai bác cháu vào  thắp hương cho “ngài”, “ngài” ở đây là bà Phổ Thị Huyền – người có công âm phù giúp vua Lý Nhân Tông đánh thắng giặc Nguyễn Ngao. Khi nghe tôi ngỏ ý hỏi về chuyện chợ Giá ngày xưa, cụ Hòa vẫn còn mang máng nhớ bài ca dao cũ: “Chợ Giá một tháng sáu phiên/ Trên bến dưới thuyền vui lạ lùng thay/ Kẻ mua người bán đông tây/ Người thì chợ búa người thì bán buôn/ Các hàng trong chợ vô biên/ Thuyền hơn trăm chiếc đậu bên bến chờ…”. Khi cố gạn thêm ít câu cụ lòng vòng đọc lại từ đầu, bảo trí nhớ của mình dạo này kém quá. Đến đây tôi không cố hỏi thêm nữa, từ những gì còn lưu được trong trí nhớ cụ đến giờ cũng đủ cho thấy chợ Giá xưa xứng với danh xưng nhất đông chợ Giá…

Một vòng chợ Tổng…

Từ chợ Giá, bác Lê Xuân Lựa đưa tôi trở ra chợ Tổng – Lưu Kiếm. Chợ nằm trên một bãi đất rộng bằng phẳng gần quốc lộ 10, xung quanh là khu dân cư đông đúc. Tôi chợt nhớ học giả người Pháp tên P.Gourou khi miêu tả về các chợ ở xứ Đông Dương đã nhận xét: “Ở châu thổ có nhiều chợ được phân bố đều khắp. Trong đại bộ phận trường hợp, những chợ đó không nằm trong làng mà ở ngay giữa đồng bên cạnh một con đường lớn, ở ngã tư mấy con đường đất nhỏ được nối liền với nhiều làng”.

Ông còn tinh tế nhận ra việc các chợ đặt giữa làng bởi người nông dân rất nghi ngại người lạ, không muốn người đó vượt qua bờ rào thiêng liêng xâm nhập vào làng. Cùng với P.Gourou, có một học giả Pháp danh tiếng khác cũng có những khảo tả chuyên sâu về chợ là C.Robequain: “Những mái tranh hẹp và xiêu vẹo, thường thấp để tiết kiệm vật liệu đến nỗi người ta tưởng là nhà của những người lùn trên những đám đất bằng. Đây là những chiếc lều giống hệt nhau của chợ người Việt mà người ta thấy hàng chục mẫu trong đồng bằng, chúng chỉ khác nhau về kích cỡ mà thôi”.

Chợ Tổng ngày nay cũng như tất cả chợ ở miền Thủy Nguyên này đã khác nhiều so với miêu tả của những nhà địa lý nhân văn người Pháp khi xưa. Những mái nhà tranh xiêu vẹo thay bằng mái tôn; chợ không còn nằm trên những bãi đất trống giữa đồng mà nằm giữa phố, cửa nhà xung quanh, thậm chí chờm vào, dự phần thành một phần của chợ; còn vấn đề người lạ không được đặt ra bởi đường đi nối lại dễ dàng từ huyện này sang huyện khác, thậm chí từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng chỉ vài tiếng đồng hồ, người mua có thể là bất cứ ai; hàng hóa có thể từ các chợ Thủy Nguyên đi Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc… ngay trong ngày và ngược lại.

Được biết, chợ Tổng xưa là chợ của tổng Trúc Động. Tổng này vốn có nhiều chợ: chợ Rộc, chợ Thụ, chợ chiều bến Dề, trong đó chợ Tổng là lớn nhất. Hàng quán trong chợ nổi bật với các mặt hàng thủy sản từ nước ngọt, nước lợ đến nước mặn. Cạnh đó là các hàng như hàng ăn, quần áo, giày dép, hoa quả, sành sứ - nhựa, điện tử, thuốc tây, thuốc bắc… mà bất cứ chợ nào cũng có.

Thủy sản nước ngọt ấn tượng nhất phải kể đến những con cá trắm nặng cả hai ba chục cân to như con quái vật trong phim kinh dị nằm ngoi ngóp thở trong thùng tôn quây kín sục bọt. Ở đây không chỉ có một vài con, cả chợ, tôi nhẩm tính phải đến vài chục con trắm to thế. Người bán xả cá ra thành nhiều khúc tròn lẳn, người mua thích đầu đuôi thân thế nào cũng được. Kể chi li hơn nữa thì chia ra cá sông, cá đồng; cá đồng có rô, giếc, chuối, trê, ngạo, rói, chép, vược, ngạnh, mại; cá sông cũng đa dạng không kém với vược, bớp, lác, định, nhệch, chai, ong, đối, bơn, lành canh, úc,… Nước lợ là những con cá đối đuôn đuỗn xếp bằng trên tấm bạt xi măng hay tấm xốp trắng. Nước mặn có mực ống mực lá, cá thu, cá đuối, tôm hùm bông, cua ghẹ, sứa, hà, vạng, móng tay… Điểm vào một vài thau ốc núi mình dẹt, dẹp, vỏ xoắn nhiều vòng lạ mắt. Các sản phẩm chế biến từ thủy sản có cá mực tôm khô, chả cá chả mực, mắm cá mắm mực, mắm rươi, mắm cáy…

Tôi háo hức đi vòng quanh những thau chậu đựng, chạm vào đuôi con cá đuối, túm râu con tôm hùm đang ngoi trong chậu nhấc lên, đưa tay vào miệng con trắm tìm răng thích thú. May thay, những người đàn bà chợ Tổng khi biết tôi đi tìm ngôi chợ kí ức xưa trong tâm tưởng đã đại xá hết những phiền toái tôi đã gây ra. Họ còn tư vấn nhiệt tình với từng loại thủy sản làm món gì ngon, nấu nướng trong thời gian bao nhiêu, uống với rượu hay bia thì hợp. Những người đàn bà có tên đấy mà tuồng như vô danh ăn to nói lớn làm nên hồn cốt của chợ Thủy Nguyên tự bao đời. Ngôn ngữ họ nói là ngôn ngữ đời sống thường nhật đang diễn ra, không văn vẻ vào thẳng vấn đề: “hà mười hai, tôm hai mốt, chả mực ba tư, ghẹ bốn mươi…”, “thế không bán được, lấy vào hai mươi rồi, tìm cả chợ xem có cá nào tươi thế không, giá thế chịu, đây ngả nón tiễn vong, sáng ra đã ám quẻ…”.

Chợ không giấu giếm gì, phơi bày tất cả trước mắt, vì thế chăng mà người ta dễ bỏ qua việc nghiên cứu, tìm hiểu nó. Vào một ngôi chợ bất kì, muốn hiểu tất tần tật về nó hãy ngồi với những người đàn bà bán cá tôm và hoa quả. Để họ tin hãy chân thành, vì đàn bà chợ quan sát, đánh giá mặt hàng mình bán, khách mua qua lại nhiều nên nhìn người rất giỏi.

Những cô Liên, cô Tâm, cô Tám, bà Nga, bà Vấn… đeo khẩu trang kể chuyện cho tôi nghe đây cũng là những cô Liên, cô Tâm, cô Tám… ở các chợ khác nơi Thủy Nguyên này, sau họ là gia đình chồng con, mặt hàng họ bán hôm nay là cá mai có thể là rau giá, bánh trái, đồ chơi trẻ em…; chỗ ngồi sáng nay ở chợ Tổng chiều hoặc sáng mai đã ở chợ Phướn, chợ Núi Đèo, chợ Phả Lễ, chợ Chùa… chưa biết chừng. Bởi thế đời sống nội tại chợ không ngừng biến đổi theo bước chân người buôn bán. Khuôn mặt chợ - đồng thời là khuôn mặt giao thương kinh tế của cả một vùng đất. Qua khuôn mặt chợ Tổng tôi thấy được phần nào sự phát triển kinh tế của Thủy Nguyên, từ những tầng đáy sâu nhất của nó.

Mê mải chợ Núi Đèo…

Từ chợ Tổng quay ngược lại trung tâm huyện, tôi được bác Lựa đưa đến chợ Núi Đèo. So với chợ Giá, chợ Tổng, chợ Lâm, chợ Trịnh, chợ Phả Lễ, chợ Thanh Lãng… có tuổi đời hàng trăm năm, gắn với lịch sử hình thành vùng đất Thủy Nguyên thì chợ Núi Đèo (hay còn được gọi Trung tâm thương mại Thủy Nguyên) mới được hình thành cách đây vài chục năm. Nhưng nếu nhìn vào tuổi chợ để vội đánh giá về quy mô là một sai lầm.

Tôi biết qua cẩm nang du lịch chợ Núi Đèo là một trong năm chợ khi khám phá Hải Phòng nhất định phải ghé. (Bốn chợ còn lại là chợ Cát Bi, chợ Hàng, chợ Đổ, chợ Cố Đạo). Chợ chuyên về giày dép, quần áo, vải vóc, là thiên đường của những người ưa mua sắm, làm đẹp. Khi đã thoải chân, hoa mắt trong các ki ốt quần áo xanh đỏ, khách có thể ra ngoài ăn chơi bún đậu mắm tôm cùng các loại ốc đủ món từ luộc đến xào, sốt phô mai, nướng muối ớt…

Hải sản ở chợ Núi Đèo, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Thế mạnh về giày dép, quần áo nhưng bên cạnh ấy điểm nhấn của chợ cũng là những mặt hàng thủy sản khá đa dạng. Cá tôm đủ ba vùng nước: ngọt, lợ, mặn, có phần chọn lọc, tươi ngon hơn chợ Tổng. Cũng chính độ phong phú về thủy sản ở các chợ quyết định văn hóa ẩm thực sáng tạo, dồi dào của vùng đất Thủy Nguyên. Bác Lựa, người có nhiều năm nghiên cứu, khảo sát các làng nghề truyền thống, văn hóa dân gian – trong đó có văn hóa ẩm thực vùng đất nhiều trầm tích lịch sử này cho biết chỉ riêng con cà ra (một số vùng gọi là cua lông) làm vụng cũng được vài món như luộc, om, nấu canh chua, nấu rau muống, nấu miến... Đặc biệt cà ra về mùa tháng chín, tháng mười, rươi nổi, cà ra no mồi chắc nịch béo ngậy, chỉ đôi ba con cũng đủ bữa canh ngọt thanh không cần mì chính. Sang hà có hà nấu riêu, hà nấu bí đao, hà nấu bột, hà rán, hà nướng… Cá các loại thì kho, nấu canh,hấp, rán, nướng… không tính vì vùng nào cũng có.

Ngon, độc đáo nhất phải kể đến cách nấu kiểu thuyền chài. Cá tươi to nhỏ theo mớ bắt dưới sông lên đánh vảy, mổ bụng, bỏ hết nội tạng, cắt khúc ướp mắm. Trong lúc đợi mắm ngấm thì bắc nồi nước lên bếp, thả quả lậu mọc dại ven sông vào, đun kĩ, chín rục dằm ra cho chua, bỏ bã đi. Đun sôi nước lại, thả cá vào, thêm chút ớt tươi bẻ hai bẻ ba, áng chừng cá chín thả thìa là bắc ra. Cá ăn ngay trong nồi, thêm đôi chén rượu trắng, thi thoảng xì xoạp húp chút nước nóng bỏng lưỡi thì chẳng còn gì thú bằng.

Còn muốn độc đáo, đến Thủy Nguyên phải tìm ăn con lư. Con lư họ sên, lưng màu xám, bụng màu trắng. Chúng sống ven bãi sông, dưới các gốc cây ẩm ướt. Trời đang nắng mà có trận mưa rào, mưa xong, nắng lên, lư bò đầy ra bãi. Người ta truyền nhau ngày tám tháng tư lư đi ăn hội, người dân xách giỏ đi bắt rất nhiều. Con lư thoạt nhìn có vẻ bẩn vì lưng có mụn xù xì. Nhưng đã ăn quen thì thành nghiện, như người miền biển nghiện nước mắm chắt, người miền Nam nghiện sầu riêng vậy. Một thời lư là thực phẩm bổ sung chất đạm cho lũ trẻ mục đồng thiếu đói ven sông.

Vào mỗi buổi sáng, khi thả trâu xong chúng xuống sông bắt lư làm sạch, xiên que, lên nhóm lửa nướng ăn. Cách làm lư đơn giản, chỉ cần dùng lá ngái vò sạch nhớt, đến khi mình lư trắng ra thì thôi. Rồi dùng dao mổ lưng bỏ ruột, rửa sạch để ráo. Về chế biến thì lư có thể nấu canh mùng tơi, không thì nấu củ chuối hột, quả chuối xanh cũng rất đưa cơm. Ở thôn Pháp Cổ, xã Lại Xuân đến giờ người ta vẫn truyền nhau câu chuyện của bà Cốc về một ông Tây thời Pháp thuộc. Ông ta xuống làng chơi thấy dân ăn con lư thì ngạc nhiên, sợ hãi, nhưng khi được mời, rón rén ăn thử thấy ngon, yêu cầu thông ngôn bảo bà con bắt thêm, hướng dẫn cách làm để về thưởng thức với bà đầm ở phủ.

“Trông sợ thế mà… Trông sợ thế mà…”.

Bác Lựa cam đoan ông Tây xưa khi ăn lư chắc chắn phải nói câu ấy.

Kể thêm về món ăn, thực vật cũng có một món rất đặc biệt là quản hàn (một loại rêu đá) ăn sống. Sau trận mưa rào trên những hốc đá quản hàn phát triển rất nhanh, mọc thành chùm như mộc nhĩ, màu xanh, thân mềm. Người dân hái về rửa sạch, vẩy ráo nước, ăn chấm với mắm cáy pha chút chanh ớt…

Nghe mãi về món ăn cái bụng háu đói của tôi kêu òn ọt biểu tình. Hai bác cháu vào quán giữa chợ gọi hai bát bún cá tươi. Thật lạ, từ mấy quán bún trong chợ Tổng đến quán bún trong chợ Núi Đèo tôi không thấy người ta bán cá rán. Ở nơi khác bún cá thường là cá tươi và cá rán, nhưng ở đây chỉ có cá tươi mà thôi. Hỏi, chủ quán bảo: “Từ lúc mở quán đến giờ người ăn đa số gọi cá tươi. Có một thời gian cũng làm thêm cá rán nhưng chẳng mấy người chọn. Hỏi khách bảo cá tươi ăn ngọt hơn”. Đặc điểm ẩm thực này phần nào nói lên tính cách của người Thủy Nguyên: hào sảng, chân thật, không ưa màu mè hoa lá.

Ảo thuật chợ cau Lý Nhân…

Cơn mưa cuối chiều không báo trước sầm sập đổ xuống Thủy Nguyên, mưa dai dẳng khó chịu, thứ mưa chạm đất nổi lều phều bọt to bọt nhỏ. Mưa thế này thường phải vài ba ngày mới tạnh, chiều nay theo lịch tôi đi chợ cau Lý Nhân. Ngồi chơi ở trung tâm văn hóa huyện mà lòng thấp thỏm không yên, cuối cùng vẫn quyết đi. Hành trang được trang bị thêm ngoài máy ảnh, ghi âm, bút sổ là hai chiếc áo mưa giấy mua ở quán tạp hóa ven đường. Người tài xế nhiệt thành vẫn là bác Lê Xuân Lựa.

Tôi gọi ảo thuật chợ cau Lý Nhân bởi ban ngày chợ là chợ dân sinh; chạng vạng tối như có người gõ cây đũa thần, chợ thoắt biến đổi, cau buồng to buồng nhỏ kĩu kịt trên những chiếc xe máy được lắp thêm giá chở hàng đổ về. Người đến sớm bày hàng xong ra quán ăn ven chợ ăn cơm, uống nước tự nhiên không cần trông coi. Vì theo luật bất thành văn đúng 19h15, Ban quản lý chợ tắt điện, các giao dịch khi này mới bắt đầu, đến 22h30 được thắp sáng trở lại. Nên ai đi chợ cau cũng trang bị cho mình chiếc đèn pin để bấm soi hàng. Lệ này đã có từ xưa nhằm tránh việc tranh mua cau, cũng để tạo sự công bằng, người đến trước kẻ đến sau đều có thể mua được cho mình những buồng cau ưng ý. Thời điểm tồn tại của chợ là vào trung tuần tháng chín năm nay đến tháng năm năm sau, đúng vào mùa thu hoạch, họp đủ tất cả các buổi tối trong tháng không kể mưa gió.

Anh Phạm Văn Phú nhà cách chợ hơn hai mươi cây số đến từ sớm, bày hàng, xong đốt thuốc ngồi đợi giờ khắc tắt điện. Khi được hỏi anh cho biết đã có hơn ba mươi năm gắn bó với nghề lái cau. Thường các lái sẽ đặt tiền cho chủ vườn năm một lần, giá bình quân năm trăm nghìn một cây. Mỗi cây thường có bốn, năm buồng, to đến đâu lái xé đến đấy. Như anh Phú xấp xỉ sáu mươi đây mà trèo thoăn thoắt, một mạch từ gốc đến ngọn không cần dây, chẳng chòng chành rung rinh gì. Anh còn nói vui cái nghề này giàu không giàu hẳn, nghèo không nghèo quá, yên tâm lúc nào cũng có tiền tiêu.

Tôi tin anh bởi biết cau chợ đêm không bao giờ ế, ngày nào hết ngày ấy. Cau đẹp nhiều râu lắm chẽ để bán buồng cho sính lễ cưới hỏi, lễ tế thần, lễ mừng thọ, tang ma… Giá cả nhiều biến động, bình thường như hôm nay cau đẹp chỉ sáu, bảy trăm một buồng. Đến mùa cưới, tết một buồng có khi lên đến vài ba triệu chưa biết chừng. Còn lại cau xấu để bán cân sấy khô xuất khẩu làm kẹo, giá trung bình từ hai lăm đến ba mươi nghìn một cân. Qua anh Nguyễn Văn Đức, trưởng ban quản lí chợ, tôi biết giao dịch bình thường của chợ vào những tháng cao điểm có thể lên đến vài ba tỉ. Nay gặp đêm mưa, lại sau rằm vài ngày nên số lượng người đi chợ có ít hơn. Chứ bình thường hơn ba nghìn mét vuông của chợ bạt ngàn cau, nhìn từ cuối chợ lên đầu chợ có thể gọi “cánh đồng cau” không ngoa. Xe tải từ các tỉnh nối đuôi rầm rập đến nuốt trọn những núi cau vào bụng chở đi.

Những thương lái nhỏ hơn như chị Đinh Nhi, bán quán ăn ở hông chợ, tranh thủ mua cau gửi xe đi các bạn hàng, các khách có nhu cầu ở Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn… Việc bán hàng thời đại 4.0 thông qua zalo, facebook nên rất nhàn, nhanh, tiện lợi. Khách mua cau tỉnh xa bắn tiền đặt cọc vào tài khoản, khi nhận cau thì thanh toán nốt số tiền còn lại cho nhà xe. Nhà xe trừ tiền vận chuyển, còn tiền hàng gửi chị chuyến sau.

Chợ cau có được sự nhộn nhịp ngày nay đầu tiên phải kể đến chất lượng của cau Thủy Nguyên: ăn ngọt, nhiều cùi, thắm vôi đượm trầu, một miếng say ngay. Thứ nữa là sự vào cuộc của chính quyền, Ban quản lý chợ, quyết tâm đưa chợ từ hông quốc lộ 352, bán mua ngay dưới lòng đường cản trở giao thông về đây. Phục hồi phương thức mua bán đặc biệt cổ truyền không chợ nào có trên đất Bắc.

Một ngày hành trình của tôi kết thúc qua bốn chợ. Giờ tôi đã có hình dung cơ bản về “chợ bên kia” bến Đụn gồm những chợ nào, bán gì, lịch sử ra sao, dù chưa hết, nhưng cũng xin để lại đôi chút dư âm cho những chuyến hành trình tiếp theo về vùng đất Thủy Nguyên. Trong câu chuyện cuối cùng trước khi chia tay bác Lựa thổ lộ cách đây hơn chục năm từng mua đất bên Tràng Lương – Đông Triều trồng vải. Được vài năm nhớ quay quắt những ngôi chợ đầy ắp thủy sản, sực nức mùi tanh của cá của mắm, lại bán tất ngược về…

Đinh Phương
.
.
.