Mốt quảng cáo bằng tiếng nước ngoài

Thứ Hai, 15/10/2018, 07:41
Chưa bao giờ, việc lạm dụng tiếng nước ngoài, với những thuật ngữ, từ ngữ mĩ miều bị lạm dụng nhiều như hiện nay. Từ các đô thị lớn đến những thị trấn nhỏ. Từ các biển quảng cáo đến logo tại các tòa nhà, khu đô thị, rồi đến cả tên các công ty, trường học, quá cà phê… người ta thấy những biển hiệu thuần Việt ngày càng bị lép vế, thay vào đó thậm chí là sự kệch cỡm làm giảm sút vị thế của tiếng Việt.


Loạn tiếng nước ngoài trên những tấm biển quảng cáo

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hay Nha Trang, Quy Nhơn… tình trạng loạn biển quảng cáo tiếng nước ngoài đang ở mức báo động, khó kiểm soát. Ví dụ như công ty thì có Công ty Công nghệ sáng tạo Kaizen Innotek, Công ty TNHH Imagine Desire… quán cà phê thì có 4You, Seven, Newstyle… Khu đô thị thì có EcoPark, GreenPark, GenMack, Riverside villa, Garden Riverside Villas; Royal city, Mandarin Garden…

Cần nhiều biện pháp bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Đi dọc các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, sẽ chứng kiến hàng nghìn kiểu mẫu quảng cáo, biển hiệu của từ loại trà thuốc, quần áo, giầy dép đến quán hàng ăn uống. Với vô số các biển hiệu bằng tiếng Anh, hoặc nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh, như: Royaltea, Lelly Luxury, Beauty and Spa, Hồng Quế  Plaza... 

Ở nhiều tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội như Hàng Bông, Nhà Thờ, Hàng Trống, trung tâm quận Hoàn Kiếm, các nhà hàng, khách sạn chủ yếu trưng biển tiếng Anh mà không có dòng chữ tiếng Việt nào. Lý giải điều này, chủ cửa hàng cho rằng để tiện cho người nước ngoài tìm và còn là chạy theo trào lưu "trông cho nó sang".

Nhiều chuyên gia văn hóa chỉ ra, đó là sự đua đòi trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, người ta phải tìm mọi cách để cửa hàng và sản phẩm của mình trở nên nổi bật, vừa đáng sử dụng, đáng nhớ, vừa màu mè đa sắc. Trước hết, chưa nói đến yếu tố thẩm mỹ, văn minh đô thị, các biển hiệu đập vào mắt người đi qua, tạo ấn tượng về thị giác. 

Bởi vậy nhiều sản phẩm được ưa dùng cũng chỉ vì tạo được ấn tượng vừa bằng thị giác, vừa bằng những cái tên. Theo TS Trần Văn Sáng, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), việc hội nhập quốc tế không thể không xảy ra tình trạng giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ. Hiện tượng biển hiệu được ghi bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung... cũng là điều dễ hiểu. Nhưng việc lạm dụng tiếng nước ngoài trên các biển hiệu như hiện nay quả đáng báo động.

Khó khăn trong chấn chỉnh

Còn nhớ thời gian chưa lâu, dư luận hoang mang khi chứng kiến nhiều biển hiệu tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) vì sự tràn lan và không có bất kỳ chữ tiếng Việt nào trên bảng quảng cáo gọi là chú thích, giải thích. Người ta không biết ở những khu phố đó là của người Nga, người Trung Quốc hay là của người Việt Nam. Cục Văn hóa cơ sở ký công văn số 19 gửi Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa về việc "chấn chỉnh biển hiệu của tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thành phố Nha Trang". 

Công văn này xuất phát từ chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL về việc kiểm tra nội dung biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng tiếng nước ngoài không có chữ tiếng Việt tại thành phố Nha Trang gây bức xúc dư luận".

Tại Hà Nội, đầu năm 2016 UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội. Theo nội dung quy chế, việc viết, đặt biển hiệu của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại trụ sở của họ sẽ không phải xin phép, tuy nhiên phải đảm bảo kích thước như quy định trong quy chế mới được ban hành.

Chỉ một năm sau, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo; trong đó có yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo chấn chỉnh việc trình bày bằng chữ viết tiếng nước ngoài trên bảng quảng cáo, biển hiệu của các tổ chức, cá nhân... Trên thực tế, việc chấn chỉnh này đang gặp khó khăn do những khoảng trống trong quy định của pháp luật và việc kiểm tra, xử lý chưa chặt chẽ. Nhiều địa phương còn lơ là.

Việc chỉ đạo, vào cuộc đã diễn ra, song rõ ràng những tồn tại của nó đã không được giải quyết. Chuyện chữ nước ngoài tràn lan trên các con phố thuần Việt với sự nhếch nhác trong quản lý trật tự xây dựng đô thị đã không được làm rốt ráo ngay cả trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Chúng ta đã không thật sự lưu tâm đến việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, mà lệ thuộc vào việc "làm màu" để thu hút phát triển kinh tế. Chính tư duy ấy đã ảnh hưởng đến ngôn ngữ của giới trẻ cũng như nền nếp văn hóa của các em, bởi giờ đây, hằng ngày trong giao tiếp, các em đã chêm vào rất nhiều từ tiếng Anh. Khiến cho câu chuyện như có những hạt sạn. 

Thêm nữa, cùng với những ý tưởng cải cách tiếng Việt, đang gây tranh cãi trong dư luận cũng đã khiến cho nhiều bạn trẻ "chế" tiếng Việt rồi tung lên mạng xã hội, càng làm méo mó dòng ngôn ngữ đã được phát triển trong nhiều năm, trở thành quốc ngữ.

Liên quan đến vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng nên chấn chỉnh lại việc viết biển hiệu, biển quảng cáo. Cứ để tình trạng ngôn ngữ sính ngoại, việc giao tiếp của trẻ em cũng sính ngoại thì đúng là tự hạ thấp tầm quan trọng của tiếng Việt.

Đã đến lúc chính mỗi con người chúng ta phải tìm cách bảo tồn và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, quan trọng như là gìn giữ hồn cốt văn hóa của dân tộc.

Duy Minh
.
.
.