Một số đơn vị chống bạo hành phụ nữ trên thế giới

Thứ Năm, 09/08/2018, 14:53
Cảnh sát Panama quyết định thành lập đơn vị đặc nhiệm có nhiệm vụ phòng chống bạo hành phụ nữ trên toàn quốc, cũng như tham gia hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân trong những vụ án liên quan tới bạo hành phái yếu.


Dư luận đã có phản ứng khác nhau sau khi cảnh sát Panama quyết định thành lập đơn vị đặc nhiệm có nhiệm vụ phòng chống bạo hành phụ nữ trên toàn quốc, cũng như tham gia hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân trong những vụ án liên quan tới bạo hành phái yếu. 

Ngày 2-8, Phó Giám đốc Cảnh sát quốc gia Panama Jacinto Gomez cho biết, đơn vị đặc nhiệm mới được thành lập có 200 nhân viên và đó là một trong những nỗ lực mới nhất của chính phủ nước này nhằm bảo vệ phụ nữ trước nạn bạo hành đang có chiều hướng gia tăng. 

Được biết, những cảnh sát tham gia đơn vị mới thành lập được đào tạo chuyên biệt trong 2 năm, có nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn và xóa bỏ các hành động bạo lực với phụ nữ, giúp thực hiện một cách hiệu quả các cuộc điều tra những vụ án liên quan tới bạo hành phái yếu. 

Theo số liệu thống kê của cảnh sát, từ năm 2015 đến nay đã xảy ra hơn 63.000 vụ bạo lực, trong đó nạn nhân đa phần là nữ giới. Cũng trong thời gian kể trên, cảnh sát Panama ghi nhận 72 trường hợp phụ nữ bị sát hại, và 37 chị em bị mưu sát. 

Ngoài ra, những người tham gia hỗ trợ nạn nhân trong các vụ bạo hành thường xuyên bị đe dọa gây ảnh hưởng tới tâm lý và cuộc sống của họ.

Cảnh sát Panama.

Hơn 1 tháng trước (1-7), tờ The Beijing News cho biết, lực lượng đặc nhiệm có biệt danh "đội săn sói" đã bắt được 118 nghi phạm quấy rối tình dục trên các chuyến tàu điện ngầm ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc kể từ khi đơn vị này được thành lập hồi tháng 6-2017. 

Theo khảo sát do tờ China Youth Daily thực hiện hồi mùa hè năm 2017, có 53% số phụ nữ được hỏi cho biết, bản thân hoặc bạn bè của họ từng bị sờ soạng khi đi tàu, đặc biệt trong các giờ cao điểm. 

Để giải quyết vấn nạn kể trên, Công an Bắc Kinh đã thành lập biệt đội chuyên trừng trị "yêu râu xanh". Thành viên của "đội săn sói" mặc thường phục để tiếp cận đối tượng tình nghi và quay clip khi chúng tấn công nạn nhân để làm bằng chứng. 

Tính từ tháng 5 đến nay, đã có hơn 30 "dê xồm" đã bị phạt vì hành vi quấy rối. Nhưng theo tờ The Beijing News, mặc dù tính đến nay đã có hơn 20 "đội săn sói" được thành lập, nhưng nhiều phụ nữ vẫn phàn nàn trước nạn quấn rối tình dục tại nơi công cộng.

Khi làm Tổng thống Brazil, ông Luiz Inacio Lula da Silva từng phê chuẩn Luật Gia đình và Bạo hành trong gia đình (còn gọi là Luật Maria da Penha, tên một phụ nữ trở nên tàn phế do bị chồng đánh đập), theo đó tăng gấp 3 lần hình phạt so với trước đây đối với những kẻ có thói quen hành hạ vợ. 

Luật cũng thành lập những tòa án đặc biệt xét xử các vụ án bạo hành trong gia đình ở tất cả các bang. Đồng thời quy định, các cơ quan y tế liên hệ với cảnh sát ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân nữ bị đánh đập, cưỡng hiếp hoặc bị tổn thương về tâm lý. 

Một trong những nguyên nhân khiến ông Luiz Inacio Lula da Silva phê chuẩn Luật Gia đình và Bạo hành trong gia đình bởi trung bình mỗi ngày ở Brazil có 10 phụ nữ chết vì bạo hành trong giai đoạn 1997-2007. 

Thông tin này dẫn từ nghiên cứu được công bố hôm 11-7-2010, theo đó có 41.532 phụ nữ bị sát hại từ 1997 đến 2007. Và để giải quyết vấn nạn này, Chính phủ Brazil đã thành lập đơn vị cảnh sát đặc biệt có tên DEAM (Delegacias da mulher) ở các bang, chuyên xử lý những vụ phạm pháp đối với phụ nữ. Bộ trưởng Bộ Phụ nữ khi đó là bà Nilcea Freire cho biết, hầu hết phụ nữ là nạn nhân của những người đàn ông quen biết.

Cảnh sát nữ tuần tra nơi công cộng.
Dư luận quan tâm tới quyết định thành lập lực lượng nữ cảnh sát tuần tra của chính quyền thành phố Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan, ở khu vực Tây Bắc Ấn Độ. Bởi đây là nơi việc bảo vệ phụ nữ trước vấn nạn bạo lực tình dục và quấy rối khá nhức nhối. 

"Chỉ cần một cuộc điện thoại hoặc tin nhắn trên WhatsApp. Chúng tôi sẽ có mặt ngay lập tức. Danh tính của bạn không bị tiết lộ nên đừng ngần ngại tố cáo. Nếu ai gọi điện quấy nhiễu hoặc gây rắc rối cho bạn, hãy cho chúng tôi biết. Đừng tự mình giải quyết", nữ cảnh sát Kamal Shekhawat, người đứng đầu đội đặc nhiệm Jaipur cho biết. 

Đơn vị nữ cảnh sát ở Jaipur là đội đặc nhiệm thứ 2 được thành lập tại bang Rajasthan bởi trước đó đơn vị đầu tiên được hình thành ở thành phố Udaipur. 

Theo giới truyền thông, những thành viên của đội đặc nhiệm chống bạo lực tình dục và quấy rối phụ nữ đều được huấn luyện võ thuật cùng các buổi bồi dưỡng luật về bảo vệ phụ nữ. 

Theo giới truyền thông, vì chỉ có 7% phụ nữ trong lực lượng cảnh sát Ấn Độ, nên sự xuất hiện của những nữ cảnh sát kể trên cho thấy cách nhìn mới của chính quyền trước vấn nạn bạo hành phái yếu - quyết không khoan nhượng đối với tội ác nhằm vào phụ nữ.  

Nhiệm Bình
.
.
.