Không có gì mà ầm ĩ cả

Một sự nhịn là chín sự lành

Thứ Năm, 31/01/2019, 20:57
Sắp đón xuân mà tai nạn giao thông lại nặng nề. Như ở Bình Dương, một xe container tông 20 xe máy dừng đèn đỏ.

Chiếc xe tải không lựa làn xe tải mà chọn làn xe máy. Lý do cần làm rõ. Các kết luận ban đầu cho thấy tài xế dương tính với ma túy.

Trên phố Ngọc Khánh, Hà Nội, một chiếc xe Ford 7 chỗ lao với tốc độ điên loạn đâm 1 cụ bà đi bộ và chỉ dừng lại khi đâm vào một ôtô khác. Ở Tam Kỳ , Quảng Nam, một xe 7 chỗ lao lên vỉa hè tông gãy cây sữa và 2 mẹ con đứng chờ xe bus. Tốc độ không hề nhỏ thì mới có thể tác động mạnh như vậy. Thực tế cho thấy, đỗ xe đúng luật và đứng trên vỉa hè cũng không còn an toàn nữa.

Chất kích thích đồ uống có cồn là những nguyên nhân được xem xét. Đã nổ ra một cuộc tranh luận bao nhiêu phần trăm tài xế xe tải sử dụng ma túy để tránh buồn ngủ khi lái xe. Nên chăng tổ chức xét nghiệm chất kích thích cho tài xế ngay trước và sau từng chuyến xe? Các trận bóng đá trên thế giới đã thực hiện điều tương tự để giảm thiểu các nguy cơ bất công và đảm bảo an toàn cho con người.

Vụ khác, một đoàn người đi viếng nghĩa trang bị một xe tải đâm hàng loạt tại quốc lộ 5. Khi xem cái cầu dân sinh cho người qua đường lại thấy cầu thang dẫn đưa người đi bộ vào lòng quốc lộ. Như vậy cái chết đã được báo trước, chỉ là vấn đề thời gian. Những người có trách nhiệm tư vấn, duyệt kế hoạch, thiết kế, thi công có bộ não ra sao thì khoa học khó giải thích nổi.

Minh họa Tả Từ.

Lại có vụ một gia đình lao ôtô xuống sông Hoài. Chỉ một cháu bé thoát chết bơi vào bờ. Thông tin ban đầu có dấu hiệu tự tử. Trước khi lao xuống sông đã có cuộc cãi nhau của hai vợ chồng.

Một vụ cãi nhau với vợ khác ở Vinh, nam thanh niên lái xe lùi với tốc độ cao đâm vào một cụ bà.

Ở Mỹ còn có vụ cãi nhau với vợ xong, người chồng đã lái máy bay cỡ nhỏ của mình lao thẳng vào chính ngôi nhà mình. Với những vụ thế này, nguyên nhân gây tai nạn không phải là chất kích thích mà là tâm lý. Cãi nhau với vợ cũng gây thảm họa không kém gì ngáo đá. 

Nên chăng phải coi cãi nhau với vợ là một hành vi uy hiếp an toàn giao thông. Tương tự như luật "Cấm bay" thì có thể soạn luật "Cấm đi". Và trước đó nên có luật "Cấm cãi". Các bác sĩ tâm lý cần tăng thêm số lượng để đảm bảo cho một xã hội an toàn.

Để đỡ căng thẳng thì nên kể một câu chuyện vui.

Chồng đọc báo quay ra gọi vợ: "Em làm cho anh món trứng tráng". Vợ vui vẻ đặt chảo lên bếp, đập trứng.

Chồng bỏ tờ báo ra đứng bên cạnh nói: "Em nhớ khuấy trứng đều, cho vừa đủ mắm muối". Vợ bảo: "Anh yên tâm". Chồng tiếp: "Cho dầu vào, vừa đủ nóng thì mới được rót trứng. Đừng có sớm quá". Một lát, chồng tiếp: "Bây giờ nghiêng bên phải... nghiêng trái... xoay tròn... Chưa được đâu... lại nghiêng bên phải... nghiêng trái... xoay tròn... đừng vội quá. Lại nghiêng bên phải... nghiêng trái... xoay tròn... 

Vợ nổi điên: "Anh có im đi được một lúc không. Có mỗi cái việc tráng trứng mà cứ lải nhãi mãi, ai mà chịu được". Chồng điềm đạm: "Đấy nhé. Anh cho em biết cảm giác khó chịu thế nào khi anh cầm lái ôtô mà em ngồi bên cạnh cứ luôn mồm dạy dỗ phải lái thế này thế kia; rẽ đi, nhanh lên, chậm thôi, bấm còi đi nhé nhé".

Bài học rút ra là nếu cần họp rút kinh nghiệm thì chỉ làm khi cả hai vợ chồng không cầm lái. Nhịn dùng chất kích thích và nhịn cãi đều mang lại sự tốt đẹp cho xã hội. Một sự nhịn là chín sự lành.

Còn bạn. Đã bao giờ bạn đủ khả năng nhịn vợ cho đến lúc vào nhà chưa?

Lê Tâm
.
.
.