Một thú vui dân gian cần được giữ gìn

Thứ Tư, 01/02/2017, 07:31
Đá gà (còn gọi là chọi gà) là một thú vui dân gian có từ lâu đời được nhiều người rất ưa chuộng, không chỉở vùng nông thôn mà còn ở những đô thị phồn hoa, náo nhiệt.

Trước đây, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, ở nhiều miền quê vẫn thường tổ chức lễ hội đá gà để những người "mê gà" được thỏa niềm đam mê với những trận "thư hùng" của các chú gà chọi. Tuy vậy, đáng buồn là giờ đây từ một thú chơi giải trí mang màu sắc văn hóa dân gian, đá gà ở nhiều nơi đã bị "biến tướng" thành tệ nạn cờ bạc với nhiều hệ lụy.

Từ một trò chơi dân gian mang tính giải trí…

Không biết thú chơi đá gà có từ bao giờ và ai là người đã khởi xướng trò chơi này, nhưng có thể nói rằng từ xa xưa cha ông ta đã biết đưa những chú gà gần gũi với cuộc sống người dân nơi thôn dã ra thi thố để tìm sự thoải mái, giải trí sau những ngày lao động nặng nhọc, giảm bớt ưu tư, phiền muộn.

Việc quấn cựa sắt để đá độ ăn tiền đã làm cho thú vui chọi gà bị biến tướng.

Thú chơi đá gà thu hút được đông đảo người tham gia, từ nông thôn đến thành thị, từ người già đến trẻ nhỏ, không phân biệt giàu nghèo… Từ đó, đá gà gắn bó với đời sống của người dân Việt qua lịch sử ngàn đời, dần ăn sâu vào tư tưởng và trở thành một nét trong văn hóa truyền thống của người Việt. Nó không chỉ là một trò chơi dân gian thú vị mà còn là một môn thể thao rèn luyện ý chí, tinh thần chiến đấu, gắn kết cộng đồng lại với nhau.

Nhưng, thú chơi nào cũng lắm công phu, chăm nuôi và luyện gà đá là một thứ nghệ thuật kỳ công… Nếu hỏi chuyện các bậc "tiền bối" hay những người rành nghề, họ sẽ nói vanh vách về nhiều khía cạnh của thú chơi này.

Có tận mắt chứng kiến cách người ta chọn gà giống rồi nuôi dưỡng, luyện tập và nhất là chăm sóc nó để nó trở thành một chú "chiến kê" dũng mãnh thì mới thấy được sự kỳ công của thú chơi này.

Có thời gian dài, tôi ở gần nhà một người rất đam mê nuôi gà đá tên Hóa (Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Hình ảnh người đàn ông ngoài 40 tuổi luôn gần gũi, o bế con gà đá dáng oai vệ, da đỏ au khiến tôi đặc biệt chú ý.

Thực ra ông chỉ nuôi từ hai đến ba con gà đá nhưng công sức ông bỏ ra cho chúng nếu nói không ngoa còn hơn chăm sóc cho con cái của ông. Ông tỉa từng cái lông cho chúng, đồ ăn đồ uống của chúng luôn được ông chăm chút tỉ mẩn, rồi ông đi mua cát về rải xuống đất nơi đặt bội nhốt gà, ông bảo rằng để luyện cho móng của chúng sắc bén.

Ngày nào cũng như ngày nào, tôi luôn thích thú quan sát cách ông chăm sóc gà một cách đầy nâng niu, chăm chút, nhất là cách "tắm rửa" cho những chú chiến kê của ông. Nói là tắm rửa chứ kỳ thực ông dùng nước uống vào miệng rồi phun vào đầu, vào cổ vào thân con gà, rồi nào là giã nước nghệ pha rượu quét lên đầu, cổ gà…

Những lần sau mỗi trận đấu xổ (đá thử, đá dợt), ông còn ngậm miệng mình vào miệng con gà để hút hết chất đờm của gà ra. Quả thật những lúc đó, tôi có cảm giác rùng mình. Nhưng sau đó nghĩ lại mới nghiệm ra rằng khi người ta đam mê, yêu mến cái gì đó thì có lẽ họ không còn biết "sợ" là gì nữa…

Nói về việc chăm sóc, huấn luyện gà đá, ông Nguyễn Thanh Tùng (45 tuổi, ở xã An Phú, huyện Củ Chi), một người cực mê gà đá, cho biết nuôi gà đá đã khó, uốn nắn từng miếng võ, huấn luyện gà thành chiến binh dũng mãnh càng khó hơn. Từ gà con để huấn luyện thành gà đá không chỉ ngày một, ngày hai mà đòi hỏi người chơi phải có lòng đam mê, kiên trì và tốn cả tiền của nữa.

"Muốn có một con gà đá coi được phải mất khá nhiều công đoạn. Đại loại, đầu tiên là khâu chọn giống, đúng như câu nói dân gian mà ta vẫn thường nghe "chó giống cha, gà giống mẹ", phải chọn những chú gà có dáng tốt, tính hiếu chiến, có các thế võ độc và phải lỳ đòn. Sau đó là các tiêu chuẩn khác như: mắt sáng, mỏ, cựa cứng...

Có thể nói, nuôi gà đá không chỉ là thú chơi mà còn là niềm đam mê cực độ.

…Trở thành tệ nạn cờ bạc biến tướng

Mấy năm gần đây, tại một số tỉnh thành phía Nam, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các "lò" nuôi gà đá xuất hiện đều khắp. Có thể thấy nổi lên khá rầm rộ ở Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), Đức Hòa (Long An), Gò Công (Tiền Giang), Ô Môn (Cần Thơ), Chợ Lách (Bến Tre), Châu Đốc (An Giang), Cao Lãnh (Đồng Tháp)... Thực ra đây đều là những nơi có nuôi gà đá truyền thống từ xưa.

Đơn cử như Chợ Lách, hầu như ai cũng biết đây là địa phương cung cấp gà đá có tiếng, bởi nơi đây được mệnh danh "thiên hạ đệ nhất gà". Thường thì mỗi con gà đá mà nông dân Bến Tre nuôi có giá gấp từ 5 đến 10 lần gà thương phẩm. Cá biệt có con khi đã thắng được 1-2 độ thì giá trị đội lên 15-20 triệu đồng.

Đá gà từng là một thú chơi giải trí mang màu sắc văn hóa dân gian.

Hiện tại, nhiều nông dân ở đây cho biết ngoài việc làm nông, hay kinh doanh cây giống và hoa kiểng, họ đã dùng thời giờ nhàn rỗi để nuôi gà đá. Điều đáng nói, gà đá không chỉ bán cho người chơi ở trong nước mà còn bán ra cả thị trường nước ngoài, nhiều nhất là Campuchia, để phục vụ trò chơi giải trí trong các trường gà. Đa số người nuôi gà đá hiện nay đều cho biết họ có thu nhập cao từ công việc này…

Dù vậy, có một thực tế rằng pháp luật cấm đá gà ăn tiền nhưng không cấm người nuôi gà đá. Và cũng từ đây, từ một thú chơi giải trí mang màu sắc văn hóa dân gian, đá gà ở không ít địa phương giờ đây đã trở thành tệ nạn cờ bạc gây mất trật tự trị an, kéo theo đó là nhiều hệ lụy khác. Không ít con bạc mê đá gà, cá cược thua độ lâm vào cảnh nợ nần, xào xáo gia đình, trộm cắp, cướp giật để có tiền cá độ rồi vướng vào vòng lao lý.

Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ rằng cách chơi đá gà mỗi thời mỗi khác, càng ngày càng phai nhạt đi cái tinh hoa, lý thú của một trò chơi dân gian. Nếu những thập niên trước đây, người xưa đá gà có phân hiệp đấu, cho gà nghỉ giải lao vô nước, vỗ hen đàng hoàng.

Trường gà có dựng mê bồ, có sân ngồi coi, giống như coi thi đấu võ đài thật sự. Một độ gà đá cả buổi, bởi vì gà đá cựa thật (cựa nhọn, cựa chốt), chủ yếu để người xem thưởng thức các đòn đánh đẹp của gà.

Còn bây giờ, do máu ăn thua sát phạt nhau, người ta dùng cựa sắt 5-7 phân, mỗi độ có khi chỉ vài phút là xong, chưa kể nhiều người còn dùng các chiêu trò khác như cho gà uống thuốc kích thích, cấy chất độc vào gà… Đá kiểu này hoàn toàn chỉ mang tính cờ bạc.

Cùng ý kiến này, anh Tân "gà" - chủ một lò cung cấp gà đá tại chân cầu Rạch Miễu thuộc địa phận tỉnh Bến Tre cũng cho rằng: "Đá gà là một loại hình giải trí tao nhã. Nuôi, luyện gà đá là một thứ nghệ thuật kỳ công. Các tiền nhân nhiều đời phải kỳ công nghiên cứu mới có được bản kê kinh dưỡng, luyện gà.

Đó là thứ văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn. Mượn chuyện đá gà để cờ bạc là do lòng tham, tính xấu của người chơi chứ không phải do con gà. Tuy nuôi gà đá nhưng tôi khẳng định chắc chắn rằng, cha tôi và tôi chưa từng một lần dùng gà để cờ bạc".

Ánh Xuân
.
.
.