Mùa Vu lan, bồng bềnh trong cõi mơ hồ

Thứ Năm, 04/10/2012, 10:39
Những ngày này bỗng nhớ mẹ… Vì mình cũng đi một chặng đường gần như lúc mẹ buông tất cả để nghỉ ngơi cùng chồng con. Vì cũng tới tuổi hay ngoái lại hoài cổ như mẹ...

Mẹ sinh ra giữa một làng hoa cổ, có từ thời Lý. Trong gia phả ghi lại, thế kỷ 17 cụ tổ vâng lệnh vua đi từ Thanh Hóa ra kinh thành Thăng Long để nhậm chức quan gì đó không rõ vì gia phả cũ đã mất thời tao loạn. Thủa chân ướt chân ráo tới kinh thành, cụ tổ lập nghiệp ở Nhân Chính. Về sau rời đến Nam Đồng. Tới Khán Xuân thì đã được truyền đến 9 đời. Thế kỷ 19, người Pháp lấy khu đất trang trại của cụ huyện và cả làng Khán Xuân (Bách Thảo bây giờ) để xây Phủ Toàn quyền nên cụ đành đem cả đại gia đình vào làng Ngọc Hà lập nghiệp.

Cụ vừa làm quan, vừa sống bằng nghề trồng hoa, phát canh thu tô. Có đất, có nghề nên gia đình cụ gần như sống theo kiểu tự cung tự cấp. Thóc gạo nhận từ nông dân cấy rẽ. Tự trồng rau, trồng chè, vối để dùng quanh năm. Đàn bà, con gái dù là con nhà giàu nhưng vẫn phải lao động cùng gia nhân như hái hoa, trồng rau, tự may vá quần áo mặc…Tức là quá nửa đêm dậy hái hoa để sáng ra đưa đi bán ở quầy hàng cạnh Bờ Hồ. Ngày trước ông ngoại có một bác người làm cắm hoa đẹp nổi tiếng. Nếu người khác cắm thì các madam Pháp chỉ trả 5 xu, riêng bác thì họ trả đến 5 đồng. Mẹ theo bác này học cắm hoa nên hàng ngày sau giờ học hay lên quầy bán hoa trên phố Tràng Tiền giúp việc.

Chợ Đồng Xuân ngày xưa đẹp là vậy...

Ngọc Hà, quê ngoại của mình đấy. Theo sử sách ghi lại thì vùng đất này có cư dân từ thời các vua Hùng. Người ta đã đào được di chỉ như rìu đá ở Quần Ngựa, rìu đồng ở Cống Vị. Còn nghề trồng hoa ở Ngọc Hà, Hữu Tiệp đã có từ thời Lý, Trần. Trong sử sách còn ghi lại, năm 1526, Trần Châu đóng quân ở Hoàng Hoa Thị (chợ hoa vàng). Có thể chợ Ngọc Hà ngày nay là dấu vết của Hoàng Hoa Thị ngày xưa chăng? Và thời đó dân làng hoa trồng nhiều cúc vàng nên có tên là Hoàng Hoa Thị?

Cuối thế kỷ 19 thì hai làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp có tên chung là Trại Hàng Hoa. Hoa Ngọc Hà cung cấp cho những người sành chơi đất kinh kỳ. Sau năm 54, dân Ngọc Hà, Hữu Tiệp thiếu đất còn đi mua, thuê đất ở Nghĩa Đô, An Phú, Mai Dịch để trồng hoa đấy…Hoa Ngọc Hà nức tiếng kinh kỳ và thân quen với người dân Hà thành như hơi thở. Lễ, Tết, ma chay, cưới hỏi, cúng lễ, người ta đổ xô lên Ngọc Hà mua hoa. Những ngày áp Tết, người ta đổ xô lên Ngọc Hà ngắm và mua hoa. Và khi ấy mình hay được phân công dẫn đưa khách đi vãn cảnh…Kí ức đó giờ vẫn sống động trong tâm hồn mình với những vườn hoa lộng lẫy đẹp mê hồn. Cả làng hoa rực rỡ sắc màu và được ướp đủ hương hoa các loại…

“Ngày rằm đi chợ mua hoa.
Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua”.

Và:

“Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát
Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa
Hỡi người gánh nước tưới hoa
Có cho ai được vào ra chốn này”

Trước lúc mình sang Nga học, mẹ đau khổ bảo mình: “Con vẫn mắc nợ làng hoa mình vì con chưa viết gì về sự tiêu vong của nó”. Món nợ đó giờ mình chưa trả được. Phần vì những người biết chuyện ngày xửa, ngày xưa đã lên cõi trời, người ở lại tản tác khắp nơi…Làng hoa giờ còn mấy ai là dân gốc? Họ bán đất bỏ xứ mà đi. Làng hoa giờ thành ngõ bê tông chật chội, xấu xí. Kết quả của quá trình đô thị hóa xô bồ, bát nháo. Làng hoa cổ đã biến mất không dấu vết…Nỗi đau của những người Ngọc Hà đã mất, đã xa quê vẫn còn nguyên đó…

Cột cờ vẫn không mấy thay đổi.

Lại nói chuỵện về gia đình ông ngoại. Cụ huyện cho học chữ nhưng cấm cháu gái học đàn vì sợ hư thân. Cấm đeo trang sức trên người vì gần những thứ xa xỉ lòng người dễ sinh tham lam, hư hỏng. Đàn bà ham xa xỉ, phù phiếm mất đi cái sang. Mẹ cả đời không biết đến cái nhẫn vàng. Một phần khi lập thân, thời của mẹ quá nghèo để có tiền mua vàng. Phần nữa mẹ hoàn toàn không màng những thứ đó. Lúc còn bé, mẹ không kể gì nhiều cho chị em mình nghe chuyện các cụ dạy dỗ mẹ như thế nào, nhưng cứ âm thầm gieo vào chị em mình những gì thành tâm tính của mẹ…Đến giờ dù đã có thể mua cho mình vài đồ trang sức, nhưng không hiểu sao mình không thích những thứ đó một cách rất tự nhiên…Lạ thế!

Còn nhớ ngày bé khóc lên khóc xuống mỗi khi bị mẹ “hành”. Nào là con gái phải gọn gàng. Không được cười ngoác miệng, nói to. Ăn uống phải ngậm miệng, chớ có nhai tóp tép. Khi đi đứng phải từ tốn, chậm rãi, không được bước chân mạnh, hai tay tung tẩy. Pha ly nước chanh cho khách mà còn để tép và hạt chanh rơi trong ly thì đem vào nhà trong làm lại.

Bữa cơm mời khách dù chỉ rau luộc, cà muối nhưng đĩa rau phải xanh, những ngọn rau gắp vào đĩa cấm xô xệch, vung vãi…Nhiều lần đã bê mâm cơm ra mời khách mình lại phải bê vào để sắp đặt cho mẹ vừa ý. Vừa ấm ức, vừa bực bội mà vẫn phải làm đúng những gì mẹ đề nghị. Lúc bé chưa biết thì phải ngồi cạnh để xem người lớn làm cỗ như thế nào. Cả cái cách thái miếng su hào nấu bóng khác với miếng su hào xào cần tây cũng không được sai quấy…Còn nhớ chị gái mình đã bị mẹ “lên lớp” về cái tội ngủ trưa tốc áo hở bụng khi 16 tuổi đến bật khóc.

Căn nhà chật chội nhét đủ bốn con cả trai lẫn gái cùng hai bố mẹ nên mẹ không đồng ý cho con gái mặc áo ba lỗ ở nhà. Mẹ bảo nhà có hai đàn ông, dù là bố và anh trai thì cũng phải ý tứ…Thôi thì cơ man là những qui định bất thành văn phải tuân thủ. Dù có khó chịu, bực bội thì vẫn phải làm đúng. Mãi thì những qui định ấy ngấm vào người thành nết ăn ở của con cháu sau này…Mẹ thích con gái dịu dàng, tinh tế, ý nhị, kín đáo, đằm thắm, nhỏ nhẹ…Toàn những thứ khó khó là với mình…Thôi thì không cố được 100% thì cũng phải quá nửa để mẹ vui, hài lòng.

Không hiểu sao mình nhớ nhất bàn trà của cha mẹ. Mẹ hay ngồi đó uống trà và thưởng hoa. Bố trồng mấy chậu địa lan Mạc lan, Trần mộng, thủy tiên và mỗi lần đơm bông lại bê đặt hiên nhà để có thể ngắm nhìn và thưởng mùi ngan ngát của nó lan tỏa đến bên ấm trà bốc khói. Bố được thừa hưởng cái thú chơi hoa, cây cảnh từ ông ngoại vốn là người sành chơi hoa, nhất là hoa thủy tiên.

Thời xưa, ông ngoại tham gia hội chơi hoa thủy tiên. Khá nhiều hội hoa thời đó của các cụ: hội hoa đỗ quyên, hội hoa địa lan…Ông ngoại mình tỉa củ thủy tiên khéo đến nỗi thủy tiên của ông bao giờ cũng đơm hoa đúng giao thừa. Khi nhỏ mẹ là con út được ông ngoại cưng chiều nên hay cho cùng ngồi uống trà, thưởng hoa vào buổi tà dương để nói chuỵện nhà, đọc thơ. Nếp thưởng trà đó mẹ duy trì cho đến khi lìa đời. Mẹ lên cơn nhồi máu cơ tim ngay bên bàn trà.

Mấy chục năm bố mẹ pha trà, uống trà và đọc thơ cho nhau nghe quanh cái bàn trà cũ kĩ ấy. Đôi lúc có thêm bạn thơ quí mến nhau tìm đến, xúm quanh bàn trà đọc thơ cho nhau nghe. Mẹ yêu thơ Đường và có giọng đọc nghe buồn bã rất mê hoặc. Bố có lúc đùa bảo mẹ đừng đọc thơ vì giọng mẹ buồn lắm mà ông lại thích vui vẻ. Anh chị em mình lớn lên trong tiếng ru, đọc thơ của mẹ. Mẹ bảo, cuộc sống có thể thiếu nhiều thứ, nhưng không thể thiếu sách và thơ. Tủ sách là tài sản duy nhất mẹ viết trong di chúc để lại cho mình ngoài gian nhà thừa kế của ông ngọai. Bên bàn trà mẹ đọc sách mỗi ngày và suy ngẫm về đạo làm người, về cuộc đời.

Cầu Long Biên như nhịp tim của người Hà Nội...

Không biết mẹ ngộ ra điều gì khi ấy, chỉ biết sau này mẹ viết trong di chúc dặn các con qua lời của V.A Xukhômlinxki: “Chỉ người nào biết yêu thương mới trở thành rộng rãi. Phải hiểu rõ chân lí này, cái chủ yếu nhất mà những của cải trên xứ sở chúng ta không thể sánh nổi đó là sự giàu có về tinh thần, trí tuệ, kiến thức, sự thông minh, tài năng, sáng tạo, tình bạn và tình yêu chung thủy với con người. Hãy học để có được sự giàu có ấy. Bí quyết của sự rộng rãi chân chính là ở chỗ đó. Tính keo kiệt làm cho con người nghèo đi, trở thành ích kỉ và vụ lợi. Của cải tồn tại để phục vụ con người chứ không phải nô dịch con người”. Mẹ còn dặn các con dạy các cháu của mẹ sau này là phải hết lòng với người thân, bạn bè, những người có hoàn cảnh không may mắn, không được làm điều gì ác với bất cứ ai, không tham lam, ích kỉ, không tự thương xót bản thân mình một cách quá đáng, đặc biệt phải tránh xa thói vong ân bội nghĩa…

Một buổi sáng đầu tháng 8 âm lịch năm 1993, bố pha trà để uống cùng mẹ như mọi ngày. Mẹ thấy vui vì sức khoẻ đang khá hơn và muốn đi thăm vài người bạn lâu nay không gặp. Bố hứa sẽ đưa mẹ đi tất cả nơi nào mẹ muốn. Hết tuần trà mẹ kêu đau ngực. Bố đưa mẹ vào giường nằm nghỉ để tiếp một người khách vừa đến chơi. Chừng hơn mười phút sau bố vào thì mẹ đã ra đi. Lặng lẽ, thanh thản, bình yên…

Mẹ mất, bố còn lại một mình, độc ẩm vào những buổi sáng, tối thêm mười bốn năm nữa…Nhưng hàng tháng, vào một ngày nhất định trong tuần, có chừng hơn mười người bạn thơ đến nhà chơi và làm thành tao đàn quanh bàn trà…Những gương mặt già thơ thới an trú trong cõi tĩnh lặng của thi nhân, thi ca, của trà và hoa, không vướng bận chuyện thế sự, những khó khăn, khổ sở mà nhiều người vẫn đang phải đèo bòng. Bố đọc lại những vần thơ ngày trước mẹ hay đọc. Giọng bố không ngân nga như mẹ, nhưng bao giờ cũng có một câu bình hóm hỉnh kèm theo để bạn bè cùng vui cười…

Sau khi mẹ ra đi, mấy chậu địa lan cũng đi theo…Còn lại vài chậu bố cố công chăm bẵm. Mấy năm cuối đời, thấy sức yếu không thể chu đáo với người tri kỉ, bố gọi người tin cậy đến để bàn giao chứ không bán dù là loại cây đắt tiền. Bố không giao cho các con vì không ai yêu hoa, không ai đủ lòng tin ở bố là biết chăm sóc “người bạn” khó tính ấy như bố. Bố tìm nơi gửi gắm địa lan trước khi làm cuộc viễn du xa lắc mà không còn vướng bận gì…Cũng chỉ sau cuộc điện thoại ngắn ngủi hẹn một người quen sẽ lên chơi, bố gục xuống, không đau đớn, khổ sở…Bố đã vụt bay lên ngoạn mục trong tiếng cười hài hước vốn có…Ấm trà sáng đó cũng đã được bố dùng hết một mình.

Mẹ có một nuối tiếc chưa làm được là muốn vào chùa ở mấy năm cuối đời nhưng không thành hiện thực…Và mẹ biết cách biến bàn trà thành một góc nhỏ như nơi cửa Phật để hàng ngày tu tâm, tích đức…Tâm nguyện của mẹ là mong các con cháu hãy cố lưu giữ, tạo dựng một bàn trà như thế ở trong mỗi nhà…Ô, hóa ra gia đạo, nếp nhà được hình thành từ những điều nhỏ nhặt dường như mơ hồ ấy…

(Kỉ niệm ngày được mẹ sinh thành)

Thạch Hãn
.
.
.