Mùa Xuân ở thung lũng Đá Voi

Thứ Sáu, 16/02/2018, 07:35
Thung lũng đá voi, trên khắp các lối đi đều nghe rõ âm thanh của đàn đá. Thoảng trong tiếng đàn mạnh mẽ và dữ dội ấy là giai điệu tình yêu miên man bất tận…


Rượu cần ngày xuân

Trong căn nhà sàn nấp mình dưới những rặng tre bên dòng sông Krông Ana huyền bí (thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), ông Boan lấy xâu thịt trâu gác bếp, đen nhánh bồ hóng và vò rượu cay nồng hương nếp ra đãi khách.

Ông cho biết, từ bây giờ (đầu tháng 12 âm lịch) cho tới Tết chỉ có đi chơi lễ hội và uống rượu thôi. Cuộc vui kéo dài đến hết tháng 2 (âm lịch) mới thôi. Đó chính là cách họ tạ ơn thần linh đã đánh bại “con ma” nghèo đói, giúp dân làng có thóc đầy bồ, rượu đầy vò. Người Mnông có niềm tin vào các vị “thần”…

Ông Boan là một trong những người già có uy tín ở thung lũng đá voi. Ông tự cho mình trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mỗi người dân trong buôn. Để làm được điều đó, ông phải là người ngay thẳng, công tâm, khi có kẻ xấu bên ngoài gây hấn làm cho dân oan ức, tổn hại thì ông và các già làng sẵn sàng đứng ra bênh vực, bảo vệ hoặc xử phạt xứng đáng.

Vui cùng lễ hội của người dân địa phương.

Nhấp cạn chén rượu, ông Boan giải thích: “Người Mnông chúng tôi có tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái rất cao. Luật tục quy định các thành viên trong cộng đồng phải giúp đỡ nhau trong sản xuất nương rẫy, làm nhà cửa, chia sẻ trong gian khó, hoạn nạn.

Khi tổ chức lễ hội, cúng kiếng thường mời nhau đến ăn uống. Săn được chim, thú, đánh bắt được tôm cá nhiều đều phải phân chia theo bình quân đầu người trong buôn để cho bà con, anh em cùng hưởng. Chính vì thế mà ngày Tết ở đây nhà nào cũng có thịt heo ăn, có rượu uống”.

Hơn 60 tuổi đời, dù cả năm quăng quật trên những cánh đồng cằn cỗi, nhặt nhạnh từng hạt ngô, hạt lúa chờ đến ngày Tết, gia đình ông Boan cũng chỉ tích lũy được vò rượu và miếng thịt trâu đãi khách, riêng khoản rượu thì không bao giờ hết. Ông Boan khề khà, cười rung đùi: “Rượu mà hết thì còn gì ngày xuân. Đó là nước uống của “Yàng” ban tặng cho con người”.

Ông Boan cho biết, những dịp lễ Tết, vò rượu chính là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Vì thế, trong quá trình lao động sản xuất cũng như khi sử dụng, làm rượu cần, đồng bào Mnông luôn tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiêng kỵ như không làm men rượu vào mùa xoài trổ bông, lúa làm đồng, phụ nữ có thai hay đang trong giai đoạn kiêng cữ thì không được đến gần, không gây vỡ ché, không làm gãy cần… Bản thân người làm rượu cần phải “sạch sẽ” thì rượu mới ngon và không có lỗi với... “thần linh”.

Trong các vụ mùa của năm, bà con luôn để dành những hạt gạo nếp than ngon nhất, những bắp ngô thật đẹp và hạt kê chuẩn nhất làm nguyên liệu. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó chưa đủ, mà công đoạn quan trọng nhất là tạo men.

Để có chất men mang đặc sản rượu cần bản Mnông thì phải lên rừng tìm lá về ủ. Ông Boan chìa bàn tay xù xì, nhăn nhúm, chai cứng của mình ra khoe đầy tự hào: “Bàn tay xấu xí vậy thôi nhưng biết tạo ra hương rượu cần thơm nức nở đấy”.

Vì vậy, mỗi giọt rượu ngấm vào bờ môi, tan chảy xuống miệng chính là mồ hôi mặn đắng chất chứa sự lam lũ, nhẫn nại tích lũy cả năm trời của những người nông dân nơi đây.

Đàn đá tình yêu

Ngay sau màn uống rượu cần là đến màn diễn tấu đàn đá không thể thiếu của người Mnông trong dịp xuân về. Ông Boan khệ nệ vào trong buồng ôm ra một thanh đá nặng trịch, thủ thỉ tiết lộ: “Món này chỉ có lễ lớn hoặc Tết về chúng tao mới chơi nên phải giấu tận trong gầm giường”.

Nói rồi, ông Boan lấy một thanh đá nhỏ gõ tưng tưng vào mình đá. Âm thanh của đá phát ra vô cùng thú vị ở các vị trí khác nhau. Nó làm lòng người rộn ràng, chỉ muốn đứng phắt dậy nhảy múa. Ông Boan cho biết, người Mnông có nhiều loại nhạc cụ khác nhau được chế tác từ tre, nứa, quả bầu… nhưng sớm nhất có thể kể đến “goong lú”, tức là cồng đá, đàn đá.

Chiếc cồng đá nhà ông Boan là báu vật gia truyền do ông nội để lại, có niên đại hàng trăm năm. Lúc đầu chỉ là thanh đá thô kệch, xù xì qua nhiều lần biểu diễn, giờ nó bóng bẩy, thon gọn hơn. Trong dịp lễ hội của buôn, ông Boan mang cồng đá của mình ra góp nhạc để tạo thành một bộ đàn đá gồm 6 thanh, tương ứng với các âm sắc của bộ chiêng Mnông.

Giữa thiên nhiên bao la, tiếng đàn đá réo rắt, vui nhộn thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ tinh thần buổi ban sơ của đồng bào Mnông. Nói về đàn đá thì không ai am tường bằng bà Khoăn. Cuộc đời của bà Khoăn và cả tình yêu của bà nữa, luôn nặng nợ với đá.

Đàn đá là âm thanh quen thuộc mỗi khi xuân về.

Thuở con gái, bà Khoăn là một nghệ sĩ chơi đàn đá ở Bản Đôn. Bà từng được chọn ra Hà Nội biểu diễn đàn đá, nhưng ngày ấy bà mắc phải căn bệnh oái oăm nên bỏ lỡ cơ hội. Những dịp lễ Tết, bà Khoăn ôm đá đi khắp nơi biểu diễn, âm thanh của đá chính là tiếng lòng của người chơi thẩm thấu vào, không ai có thể điều khiển được.

Tiếng đàn mùa xuân của bà Khoăn lúc nào cũng vui nhộn, tươi trẻ đầy sức sống, gợi cho người nghe niềm tin yêu vào cuộc đời. Nhưng đến một ngày, cô gái Khoăn phải lòng chàng trai Điểu Nai. Do núi sông cách trở nên bị cha mẹ phản đối không cho “bắt chồng”, chiều nào, Khoăn cũng trèo lên mình đá voi đánh đàn rồi thủ thỉ tâm sự.

Những người già ở Yang Tao (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) kể lại, ở thung lũng này ngày xưa xuất hiện hai hòn đá khổng lồ, hình thù giống như hai chú voi. Hai hòn đá voi nằm án ngữ trên trục đường chính vào các buôn làng của huyện Lắk được cho là đá cha và đá mẹ.

Ẩn trong mình đá là câu chuyện tình yêu ngọt ngào của trai gái trong buôn. Cho đến nay, tất cả vẫn chỉ là lời sấm truyền bằng miệng, nhưng đồng bào Mnông ở đây luôn có một niềm tin mãnh liệt vào sự “thấu cảm” của “thần” đá.  

Buồn đời, đau tình, Khoăn trút hết nỗi lòng của mình với mong muốn đá voi sẽ hiểu và phù hộ để bà bắt được người yêu Điểu Nai. Thấy con gái mê muội trong tình yêu, không chịu lên nương lao động, cha mẹ Khoăn mời thầy mo về cúng đuổi “con ma” ám trong người đi.

Nhưng càng cúng thì Khoăn càng nhớ Điểu Nai. Không thể chịu nổi, Khoăn quyết tâm một mình đi bắt chồng. Đó là một ngày đông rét mướt, khi những ché rượu cần đã ăm ắp chuẩn bị cho lễ hội đón xuân thì Khoăn và người yêu dắt tay nhau ra “thần đá” trao lời thề.

Đôi trẻ cầu mong sớm được ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, sinh con đàn cháu đống. Sau đó họ tiếp tục dẫn nhau đến đá voi cha, cách đó khoảng 5 cây số để nhờ “đá cha” bảo vệ và che chở cho tình yêu của họ vượt qua mọi sóng gió trong cuộc đời, vững bền mãi mãi.

Sau này các đôi trai gái hẹn hò nhau đều leo lên mình đá khắc trái tim bằng máu lên đá để thề thốt. Còn vợ chồng bà Khoăn, dù đã gần 70 mùa xuân trôi qua, họ luôn giữ thói quen leo lên mình đá mỗi dịp Tết, để nghe giai điệu ngọt ngào của tình yêu.

Ngọc Thiện
.
.
.