Mùa cà phê kết trái

Thứ Tư, 06/05/2015, 20:00
Ở Tây Nguyên cứ vào đầu năm, hoa cà phê chuyển sang kết trái. Vào lúc giao thời ấy bà con đứng ngồi không yên, nếu thời gian này nắng nóng kéo dài dẫn đến suối, hồ khô cạn, nước ngầm bị tắt là đồng nghĩa báo hiệu một viễn cảnh ảm đạm. Lúc ấy nét mặt con người trở nên lầm lì, vì ở Tây Nguyên cà phê là nguồn thu nhập chính của đại đa số người dân.

Mỗi lần đi vào các khu vườn rừng cà phê, tôi thường ghé quán nước tại ngã ba, ngã tư, ngồi một mình để nghe dân làm vườn “chém gió”. Năm nào cà phê được mùa, rủng rỉnh vài triệu trong túi, anh em ngồi nổ như pháo Bình Đà, năm nào đầu năm khô hạn kéo dài cộng thêm mưa đá, gương mặt người nào cũng trông như “đưa đám”. Họ ngồi ủ rũ nhìn trời mây rồi chặc lưỡi chửi thề.

Tháng tư năm nay được mùa chửi đổng. Vì chỉ mới qua tết mà giếng, hồ cạn trơ đáy, lá cà phê héo dần từng ngày đang thời kỳ kết trái. Dân cà phê quán lúc đầu chửi trời, rồi chuyển sang chửi người phá rừng, chửi mấy ông ngăn dòng chảy làm thủy điện làm tắt hết nước ngầm. Sau đó chuyển sang chửi trận mưa đá vào lúc 16h30 ngày 29 tháng 3 làm quả mới đậu cành, rơi rụng tan tác.

Ở Tây Nguyên, tại các vùng sâu vùng xa, ai muốn biết nơi ấy giàu hay nghèo hãy ra chợ quê xem các mặt hàng, xem người đi chợ mua gì, họ ăn mặc ra sao. Ai muốn biết chuyện dưới đất (hạ tầng cơ sở) hãy kiên nhẫn ngồi quán cà phê nghe họ “giao ban”. Dân chợ búa và dân cà phê quán như thấu kính phân kỳ, có nghĩa là hôm qua họ nhận được tin giựt gân gì đó, sáng mai ra chỗ đông người xả cho hết mới chịu về trong niềm kiêu hãnh.

Những bữa nhậu “trời ơi”

Trên đường qua Đăk Nông ven các vườn cà phê theo tỉnh lộ 725, phải qua một khu rừng nguyên sinh dài gần 20 cây số. Khi đến giữa đèo, gặp một nhóm người đứng ngồi bán mật ong, treo bảng “Mật mới bắt, giá 450 ngàn một lít”. Tôi dừng lại làm quen, vì cảm thấy cảnh buôn bán vừa quen vừa lạ. Quen vì hình ảnh từng bánh ấu trùng (con non) lót trên lá rừng, có hàng trăm con ong thợ bay luẩn quẩn bên thùng mật. Lạ là vì các người bán mật ong rừng mặc quần áo đẹp, nói giọng chanh chua, bên cạnh 4 thanh niên ngồi nhậu bằng mồi lòng heo.

Việc bán mật ong tôi từng gặp ở giữa rừng từ Đạ Hoai, Bù Gia Mập, Đăk Min, Cư Jut.. thường là dân tiều phu mặt mũi lấm tấm vỏ cây, áo quần bê bết tỏa ra mùi hăng hắc và cách nói chuyện buồn buồn. Để xác định mật thiệt-giả, tôi xin phép nếm thử bằng cách dùng ngón tay chấm mút. Rõ ràng là loại mật pha, trong đó mật thiệt 50%, pha dung dịch đường đậm đặc 50%, nên tôi chỉ chào xã giao rồi lên xe đi tiếp. Ngay lập tức bị hai thanh niên trong nhóm chặn lại, nét mặt hằm hằm: “Thử mật mà không mua à!”.

Ở giữa rừng một mình nên cố tránh va chạm, tôi quay sang cầu cứu một phụ nữ son phấn to béo: “Thật tình tôi cũng muốn mua một lít ong rừng về làm thuốc, nhưng trong túi chỉ còn 215 ngàn không đủ tiền, chắc xin hẹn hôm khác”, người phụ nữ nháy mắt. Nhóm thanh niên bắt tôi phải uống 1 ly rượu mới được phép đi. Một trong 4 người hất hàm hỏi “Sao! Ông nếm thấy đúng mật không!” “Mật thơm lắm, còn ong rừng bay xung quanh mà” Tôi trả lời. Cả nhóm phá lên cười, một người chép miệng:  “Không biết phi vụ này có đủ tiền tưới cà phê không!”

Buôn bán thời nay, mật pha lại quay đầu về rừng hoang để xếp hàng với mật ong nguyên chất. Những kịch bản này khối nơi thành công, vì khách hàng nghĩ rằng mình được mua mật ngay tại rừng, có cảnh đàn ong bay lượn, có bánh sáp vàng ươm đang lót trên lá cây còn thơm mùi mật.

Khi vào các khu vườn cà phê ghé thăm người quen, gặp tiếp cảnh ăn nhậu đông đủ anh em kinh - thượng. Vì đã gặp nhau nhiều lần nên vui vẻ: “Trời! Cà phê héo queo ngoài vườn mà mấy cha rung đùi ngồi nhậu, có vẻ yêu đời quá! Tôi mà được cử tri bầu làm Trời, cũng không cho mưa xuống vườn của mấy thằng cha ăn nhậu này”. “Đi đâu lạc vô đây! Ngồi xuống làm ly, tụi này kể cho ông nghe những bữa nhậu tháng tư đau khổ, năm nào cũng rứa, ông tha hồ mà viết.

Khi rượu vào lời ra, anh em cho biết: “Qua mùa bông cà phê thâm đen là kết trái. Hàng năm, mùa này có hai kiểu nhậu dành cho dân làm vườn không có giếng, hồ, xa sông, xa suối: Kiểu thứ nhất, ngày mai thuê máy bơm tưới nước, chủ máy yêu cầu cho ứng tiền nhậu trước để lấy sức ngày mai kéo dây, kéo cả cây số à nha! Kiểu thứ hai: Khi thấy trời có mây vần vũ chắc là sắp mưa, nên lấy tiền thuê máy tưới đem ra ăn nhậu. Ông thấy chưa, kiểu nào cũng nhậu được nhưng chỉ vào mùa ra bông, đậu trái thôi nghe cha! Qua mùa này mà nhậu “mát trời ông địa”, sẽ bị mấy bà sư tử cái nhe nanh thở hồng hộc đấy bố ạ!”.

Dân cà phê tại đây khác với Di Linh. Đối với những vườn xa nước, trong năm họ có kế hoạch đối phó bằng cách hùn tiền dẫn nguồn nước từ xa về. Tuy nhiên không phải xã nào cũng làm thế. Cách đây hai ngày, hai ông chủ vườn ở Tam Bố, Gia Hiệp chạy xe máy lên đèo K’Rong Pa gặp trận mưa tại thị trấn D’Ran lâm bầm: “Đúng là Trời không công bằng, tại vùng cà phê đang kết trái không chịu mưa, còn ở đây toàn là cây hồng lại mưa. Cà phê trên mình đang đứng rũ lá, nếu nắng nóng kéo dài hết tháng tư là chết chắc”.

Nhìn những bữa nhậu “Trời ơi” chờ mưa, chờ nước hoặc đi bán mật ong pha trộn với đường kiếm tiền tưới cà phê, tôi bỗng nghĩ đến những vườn trồng cây lấy quả của Israel (Do Thái) nằm trên vùng đất hoang mạc khô cằn ven bờ Địa Trung Hải, nước vẫn được con người chủ động chuyển về cho rỉ giọt quanh năm. Nơi đó người nông dân vắt trí tuệ để lao động, còn ở đây ngồi nhậu chờ trời mưa. Cách làm nông đưa khoa học kỹ thuật vào từng hecta của hai quốc gia, khác nhau một trời một vực.

Người Việt thích làm nông nghiệp như Do Thái, còn họ thích được có đất đai trù phú như nước mình. Vấn đề là từ sách vở chuyển sang trải nghiệm, áp dụng những thành công đây đó, đang còn ở đâu xa lắc. Hàng chục các giáo sư, tiến sĩ đang bận đi công tác nước ngoài, hàng trăm kỹ sư, hàng ngàn trung cấp nông nghiệp ra trường hàng năm đang bận việc “chém gió” với mớ lý thuyết màu xám bên cạnh cây trồng đang ngắc ngoải từng ngày!

Con suối bị bức tử

Ở vùng cà phê, chè cuối cùng ở Nam Tây Nguyên, có một con suối lớn cung cấp nước cho 600 hecta đất vườn. Hiện nay vùng cà phê ăn theo con suối này đang có nguy cơ đậu trái không đều. Tuy suối đủ nước nhưng không sử dụng được, bởi do một nhóm người bức tử.

Đang ngồi nghe chuyện con suối đau thương tại nhà người bạn ở góc rừng. Anh Phiên, cựu chiến binh xốc áo tôi đứng dậy với nét mặt tức tối: “Ông đi với tôi, xem con suối bị các đại gia chung tay giết chết, trăm nghe không bằng mắt thấy, dân viết lách mà chỉ ngồi hóng chuyện như ông thằng đếch nào chả làm được”.

Phiên bắt tôi ngồi lên xe máy đa quốc gia phóng như bay rồi dừng lại trên chiếc cầu dân sinh. Trước mặt chúng tôi là dòng nước vàng sậm gần như đậm đặc đang oằn mình bò trên mặt đất. Hai bên mép suối đầy loại bùn mới, các cây ma dương đang phát triển tươi xanh “Đấy ông thấy! Một số nhà khai thác cát mỏ, chỉ biết lợi nhuận của mình mà quên đi những người xung quanh, họ đã không những hủy hoại môi trường mà còn nhuộm màu tang thương cho con suối vô tội. Việc ấy, đồng nghĩa đã phủ lên bi kịch và bất hạnh cho cả ngàn con người sống ven bờ.”

Suối Đại Lào ở phía nam thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 30km phát nguyên từ đầu đèo B’Lao và buôn Bờ Su mang Ly. Khoảng 15 năm trước, mật độ dân cư vùng này thưa thớt còn rừng da beo. Vào mùa mưa, cường lưu của con suối như vũ bão đã làm ngập úng các vùng thấp trong diện rộng. Vào thời cao điểm ấy, chính quyền địa phương đã không ít lần điều quân đội, công an, thuyền cứu nạn mang theo mì ăn liền để cứu đói và giúp dân di tản. Đến mùa khô, suối không bao giờ cạn, dòng nước trong vắt chảy rì rầm mát rượi có thể nhìn thấy đá cuội loang loáng dưới đáy. Đã bao năm qua, con suối này là vật cứu tinh cho người và hàng trăm hecta đất trà cà phê ven bờ. Bây giờ chỉ còn là hoài niệm!

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, Ông Sơn cựu trưởng thôn cho biết: “Việc ô nhiễm môi trường và nguy cơ thu hẹp dòng chảy đã và đang đe dọa cuộc sống thường ngày của bà con là có thật. Hàng năm vào thời điểm ra tết, các giếng sử dụng nước ngầm khô kiệt bà con phải ra suối gánh về sử dụng. Nay phải dùng xe máy vào đầu nguồn suối Kiền chở nước.

Đành rằng khai thác cát là phục vụ dân sinh, tuy nhiên phải đạt được ba lợi ích: lợi ích doanh nghiệp, lợi ích nhà nước và lợi ích cộng đồng. Hai lợi ích trước mình không được biết, còn lợi ích thứ ba kết quả bà con sống theo ven suối từ Đại Lào đến Lộc Châu, Lộc Thành, Lộc Nam, lâm vào cảnh bi đát. Nguồn nước bùn đặc quánh của suối hiện nay không thể tưới cà phê, trà, nhất là thời điểm cà phê ra hoa kết trái. Nhiều hộ dân sử dụng nước bùn này tưới cà phê đã bó gốc chết, hàng loạt ao cá sử dụng nước suối vô ra bây giờ bỏ hoang.

Anh tính! Vào mùa cao điểm có khoảng 20 xe tải vận chuyển cát đi nơi khác trong 1 ngày, mỗi xe 12 tấn, tổng số cát thành phẩm là 240 tấn. Theo chất lượng mỏ cát ở đây là 50/50, có nghĩa là muốn được 1 khối cát thành phẩm phải rửa trôi 1 khối đất bùn. Điều đó có nghĩa là vào thời điểm ấy, hàng ngày thải lượng bùn ra suối là 240 tấn. Con số trên không những gây ô nhiễm nguồn nước mà còn làm nông dòng suối, vào mùa nắng như hiện nay cỏ dại và cây ma dương mọc lên muốn tắt dòng chảy.

Tôi là đại biểu hội đồng nhân dân xã đã phản ánh lên trên, sau đó các bộ phận chức năng xuống kiểm tra nhưng rồi vẫn thế. Các ông chủ mỗi ngày mỗi mập ra còn dân làm vườn khốn đốn, trời thì xa còn bùn thì gần. Tôi bảo đảm cứ như thế này chừng hai chục năm sau không còn suối nữa. Hàng ngàn mẫu cà phê, trà chỉ sống bằng giếng nước ngầm mà đã là giếng thì không bao giờ vĩnh cửu.” Ông chém gió như phụ họa thêm lời phát biểu của mình.

Nhìn con suối oằn mình chảy với thương tích đầy mình, tôi bỗng nhớ đến đầu thế kỷ thứ 20 tại nơi đây có 3 bộ tộc người Mạ sống với núi rừng. Các già làng thời ấy quản lý buôn làng theo luật tục. Ai chặt cây lớn sẽ bị phạt một trâu, ai làm vấy bẩn dòng nước sẽ bị phạt hai trâu, mục đích để giữ trong sạch nguồn nước cho các bộ tộc ở hạ nguồn như Sapung, Tà Ngầu.

Đến bây giờ con người hiện đại hơn, văn minh hơn, chữ nghĩa đầy mình nhưng đến khi nhà có heo, chó, gà chết mang ra vứt xuống suối, rác rưởi trong nhà kể cả mùng mền gối rách cũng mang ra vứt không một chút đắn đo. Mà không ít nhà riêng những con người này treo đầy bằng khen giấy khen, con cháu tốt nghiệp trường này trường nọ. Chả lẽ nền văn minh bây giờ lại thua kém các bộ tộc Mạ, Kờ Ho hàng trăm năm trước.

Tôi bỗng nghĩ, nếu như người thi hành luật bảo vệ môi trường vì lý do này, lý do khác không xử lý ngăn chặn, hãy thông báo hình ảnh phạt trâu như người Kờ Ho, Mạ hoặc như Singapore đánh roi một thiếu niên Mỹ vì can tội vứt rác để cho mọi người biết mình là ai và cách thể hiện văn hóa đến mức nào.

Sống chung với mùa khô hạn

Ở Việt Nam mình, khi Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, người trí thức nặng lòng với cây lúa ở Nam Bộ đưa ra chủ thuyết sống chung với lũ. Đến nay không ít người sử dụng thuật ngữ này. Ví dụ sống chung với rác, với ruồi, với người chết… thì ở Tây Nguyên việc sống chung với mùa khô hạn đã và đang diễn ra từ bao năm nay.

Tuần rồi, khi đứng trên cầu Đạ Đờn ranh giới giữa Đăk Nông và Lâm Đồng gặp hai vợ chồng đi xe máy đang trên đường từ huyện EaH’Leo, Đăk Lăk về. Là dân cà phê nên hỏi: “Anh ơi! Bên Buôn Mê có mưa chưa ạ!”  “Mưa gì, từ tháng 9 đến giờ chưa có hột nào, bà con mặt méo như mo cau” Họ trả lời bốp chát. “Thế bà con làm gì để cứu cà phê”, tôi hỏi tiếp. “Làm gì! Họ cũng đã làm hết cách, như đào giếng ngay dưới đáy hồ để lấy nước nhưng cũng không có. Ngay cả con sông Krông Năng còn trơ đáy ra. Chắc cũng phải sống chung với mùa khô hạn quá.”

Lâm Đồng là tỉnh chiếm số lượng cà phê xuất khẩu khá lớn của Tây Nguyên, toàn tỉnh hiện có 217 hồ chứa, 86 đập dâng. Hiện nay mực nước các hồ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Các hồ vừa và nhỏ đã xuống mức nước chết hoặc cạn kiệt. Còn sông Đồng Nai, đoạn chảy qua tỉnh Lâm Đồng, nước đã xuống thấp đến nỗi ba trạm bơm điện trên đoạn sông này phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Đối với huyện Di Linh, toàn huyện có gần 42 ngàn ha cà phê nhưng chỉ có 48 công trình thủy lợi, chỉ đảm bảo nước cho khoảng 7 ngàn ha cây trồng các loại. Trước tình hình ấy, những năm qua người dân Di Linh đã chủ động đào 4.000 ao hồ tích nước, hơn 900 giếng khoan để tận dụng nguồn nước ngầm tưới cho cây cà phê và một số cây trồng khác. Thế nhưng, trong đợt tưới thứ hai, nguồn nước chỉ đáp ứng được khoảng 66% diện tích cà phê toàn huyện.

Theo số liệu gửi Bộ NN&PTNT, đến nay 5 tỉnh Tây Nguyên đã có trên 4.500ha lúa bị hạn, trong đó trên 1.200ha mất trắng, trên 1.000ha hoa màu thiếu nước. Đặc biệt, diện tích cây cà phê đang thời kỳ ra hoa kết trái bị hạn nặng khoảng 4.200ha. Bộ đã đề nghị Thủ tướng hỗ trợ nguồn kinh phí nạo vét kênh mương, tiền điện, dầu... phục vụ chống hạn, lãnh đạo các tỉnh cũng đã cử đoàn công tác về các địa phương kiểm tra.

Trên đường đi tìm hiểu về phương cách sống chung với hạn, tôi đến xã Sơn Điền và Gia Bắc thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Di Linh, được anh K’Pộp cho biết: “Hiện tại bà con ở thôn Lang Bang, Ka Liêng bây giờ giếng không còn một giọt nước, vì các ao hồ tự đào đã khô kiệt kể cả các khe suối cũng cạn luôn. Người dân tự đào giếng sâu thêm ở lòng hồ để lấy nước nhưng cũng chẳng được bao nhiêu ông ơi!” Giải pháp sống chung với hạn lúc này là phải chắp nối nhiều máy bơm theo bậc thang kéo dài đường ống để vượt đồi ,vượt đường mới mong cứu được cây trồng.

Anh Tuấn một người làm vườn đang kéo ống nước cho biết thêm: “Ở đây cũng có suối còn nước. Bà con kéo cả chục máy đến, ngày đêm máy nổ vang trời cũng vui. Khổ nhất là kéo ống phải kéo quanh co như các con đường đèo. Hàng ngày mang vác xệ cả vai, về nhà ăn cơm không nổi”. Tôi mò theo ống nhựa với đường kính 10cm chạy ngoằn ngoèo như rắn bò được 300m phải bỏ cuộc vì càng lên cao càng khó đi.

Chị Hiền tranh thủ trời khô hạn làm cỏ cà phê, buồn rầu nói: “Ông thấy vườn cà của tôi đứng lá rồi, trái non ra đầy nhưng không đủ nước chúng sẽ từ từ rụng thôi!”, chị chỉ một cành cà phê trái chi chít như hạt tấm xanh mướt mà đau lòng. Chị trải lòng: “Đêm qua trời mới mưa, nhưng mưa như “nước đái thằn lằn” ăn thua gì cũng chỉ như nắng lửa mưa dầu càng nguy hiểm thêm. “Chị chép miệng thở dài.

* * *

Càng đi sâu vào các vườn chè, cà phê đang mùa kết trái càng nghe được nhiều nỗi lo về nước. Ở Tây Nguyên, một số vùng năm nào cũng thế, cứ đến mùa khô, ngoài ao hồ sông suối cạn kiệt còn một số nơi giếng cũng không còn nước để sinh hoạt phải đi mua từng can. Tôi nhớ lời chị Hiền trải lòng một cách ngán ngẩm: “Hàng ngày, tôi phải mua 5 can. Nước sau khi rửa mặt dồn lại để dành tưới cây. Nước rửa rau, vo gạo đem cho gia súc uống. Không có nước cực khổ lắm. Giờ biết kêu ai, nhà nước cũng không cứu nổi đâu, trời làm mà.”

Ba giờ chiều, rời khỏi các khu vườn đang khát, mây đen từ đâu kéo về vần vũ. Tuy nhiên, VTV1 thông báo: Mùa hạn năm nay ở Tây Nguyên sẽ kéo dài đến nửa tháng 5. Dù nắng hay mưa gì, mùa này trong các vườn cà phê heo hút kia vẫn có tiếng cụng ly, tiếng chém gió... Không biết đến bao giờ mới chấm dứt những bữa nhậu “Trời ơi!”.

Ký sự: Như Long
.
.
.