Mùa cà phê ra hoa

Thứ Tư, 26/03/2014, 10:56
Vào cuối năm, sau mùa hái trái. Người làm vườn tiếp tục công đoạn: tỉa cành, dọn gốc chừa lại những thân cây mạnh khỏe. Vì thế chỉ sau vài tuần cây nào cũng nở hoa kết trái, cả khu rừng cà phê trắng như bông, tôi mừng cho sự giàu có đi lên của quê mình. Nếu như vào đầu tháng 11 từng chùm cà phê đeo bám quanh cành đỏ rực thì đến tháng một tây lịch cà phê khoác trên mình chiếc áo trắng mới với nền xanh của lá non phủ lên màu đất đỏ Bazan khô khốc.

Vào những ngày sau Tết, bà con ở đồng bằng còn dư âm của lễ hội đình đám. Trong lúc ấy, người làm vườn ở Tây Nguyên tất bật lao vào việc tưới tiêu cho vụ cà phê ra hoa năm mới. Năm nào hoa nở đều năm đó được mùa, năm nào đầu năm mưa lớn cộng với gió lốc hay nắng nóng kéo dài gương mặt người làm vườn ở Tây Nguyên trở nên héo hắt. Mùa hoa cà phê nở không chỉ đẹp, thơm mà còn ẩn chứa một tiềm lực kinh tế. Mỗi buổi sáng, ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ… hàng chục ngàn người ngồi bên ly cà phê Việt thơm lừng, nhưng không phải ai cũng biết người trồng cà phê vào những ngày này đang “đứng ngồi” về nỗi lo mưa nắng.

* * *

Ra Tết năm nay tôi theo một người bạn về Buôn Mê thăm quê của anh. Chúng tôi khởi hành từ Bình Phước theo đường 14, con đường chính ở phía Tây Tổ quốc xuyên qua kinh đô cà phê Tây Nguyên. Dọc quốc lộ vào thời điểm này, hoa cà phê nở bạt ngàn từ các vùng đất bằng, triền đồi, thung lũng. Nơi nào có cà phê nơi đó là rừng hoa trắng rập rờn tỏa mùi hương dịu dàng dưới ánh nắng vàng hanh.

Trên đường từ Đắk Mil đến Buôn Mê, chúng tôi cố đi chậm hoặc dừng xe lại để có cơ hội ngắm nhìn mùa cà phê ra hoa bằng hình ảnh thật. Có lúc gửi xe, đi dạo trên những con đường đất đỏ trò chuyện với bà con hoặc đứng lặng lẽ quan sát đàn ong bay vù vù trên những đài hoa rồi hình tượng những vật thể lao động chính danh cần cù nhẫn nại. Đi trong vườn với không gian tĩnh lặng, cộng với hương thơm từ đất trời mang lại cho ta một cảm giác bình yên. Mùa cà phê ra hoa ở cao nguyên là mùa của gió, của ong bướm, của những đôi trai gái hò hẹn trên nương rẫy. Nơi đây còn những câu từ bình dị, thật lòng của con người nguyên chất.

Ở Tây Nguyên, lớp trẻ miệt vườn thường lấy mốc mùa vụ cà phê để xác định thời gian. Một cô gái Êđê ở huyện Cư Jut thẹn thùng che mặt nói với tôi rằng; “Chúng cháu thương nhau từ mùa cà phê ra bông năm ngoái mà!”. Trên đường đi chúng tôi còn thấy những nụ cười hiền lành của những cặp đôi vợ chồng Kinh - Êđê chở con đi trên xe máy mang gùi chạy như bay trong các đường mòn nương rẫy.

Vào cuối năm, sau mùa hái trái. Người làm vườn tiếp tục công đoạn: tỉa cành, dọn gốc chừa lại những thân cây mạnh khỏe. Vì thế chỉ sau vài tuần cây nào cũng nở hoa kết trái, cả khu rừng cà phê trắng như bông, tôi mừng cho sự giàu có đi lên của quê mình. Nếu như vào đầu tháng 11 từng chùm cà phê đeo bám quanh cành đỏ rực thì đến tháng một tây lịch cà phê khoác trên mình chiếc áo trắng mới với nền xanh của lá non phủ lên màu đất đỏ Bazan khô khốc.

Tây Nguyên miền đất kỳ bí. Mùa xuân ở đây là mùa nóng, nóng rân rân, rìn rịn mồi hôi trên mặt người, còn ở dưới chân, mặt đất nức nẻ có nơi biến thành đất bột hong hong. Ở xứ sở này, ngày hôm qua có thể không giống ngày hôm nay. Chỉ trong một đêm, chúng tôi nghỉ lại một nhà người quen, cả mấy hecta còn đang màu xanh thế mà sáng hôm sau trở nên trắng toát một màu. Vào thời điểm chuyển sang đại hàn hoặc lập xuân chỉ cần một cơn mưa nhỏ hay tưới vài dòng nước mát là tất cả mầm sống theo cành đều bung ra hoa trắng tỏa ra mùi hương hòa quyện với đất trời. Hương cà phê nhẹ nhàng mộng mị làm lay lắt lòng người. Ở thành phố, những đại gia tiền tỉ cũng khó có thể sở hữu mùi thơm mang hồn của đất này. Anh bạn của tôi đã từng du học ở Liên Xô, cứ mỗi lần về Buôn Mê quê mình nhìn mùa cà phê ra hoa lại nhớ đến rừng táo ở Ucraina. Anh đập vai tôi thì thầm: “Không hiểu vì sao mùa tuyết ở xứ người, mình cảm nhận một cách vô hồn, không giống như màu trắng hoa cà phê ấm áp ở ta. Có lẽ con người ta chỉ có một quê hương, chỉ có một người mẹ ông ạ! Ở Nga tôi cũng có một mẹ nuôi, thỉnh thoảng mẹ con đi dạo trong vườn táo của bà nhưng có điều gì đó không nằm trong tiềm thức mà chỉ đơn thuần là kỷ niệm. Chính vì thế năm nào tôi cũng về nhà, nơi đó có hoa cà phê gắn liền với ký ức tuổi thơ và hình ảnh người mẹ hiền tần tảo của tôi”.

Mùa hoa cà phê ở Tây Nguyên không chỉ là mùa yêu đương của những cuộc tình chân đất mà còn là mùa ăn theo của ong bướm và của những cư dân tìm mật. Chúng tôi ghé nhà một người nuôi ong lấy mật từ hoa cà phê ở huyện Krông Pak, tỉnh Đắk Lắk. Ông chủ nhà cho biết mật ong lấy từ hoa cao su, hoa nhãn, hoa tràm… khác với hoa cà phê. Nếu lấy từ loại hoa này, giọt mật đặc sánh và màu mật cũng vàng hơn, đậm đà như màu hổ phách. Ông cũng giải thích nếu trung bình một con ong hoạt động trong cự ly bán kính 5 cây số, thì diện tích rừng cà phê ở đây rộng gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Những người nuôi ong gia đình tại Krông Pak mỗi năm có thể thu hoạch được 1,5 tấn mật, riêng trong mùa hoa cà phê đã đạt được gần một nửa. Ở Tây Nguyên, nhiều chủ ong chuyên sống bằng nghề nuôi ong lấy mật từ cà phê trong số đó có người không có mẫu cà phê nào.

Chủ nhật tuần rồi, ngày 24 tháng Giêng, tôi đến thăm nhà anh Phạm Ngọc Nam, một chủ vườn cà phê ở huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng vào đúng lúc gia đình anh đang mở tiệc ăn Tết với tiếng cười vui rộn rã. Anh Nam vui vẻ cho biết: “Dân nhà vườn bây giờ mới ăn Tết thật sự vì được một trận mưa quá đã ngày hôm qua. Tháng trước hoa cà phê nở nhưng trời nắng gắt như thế bụng dạ nào mà ăn Tết! Mình sống bằng nghề làm vườn mà lúc cà phê ra hoa thiếu nước thì chỉ có chết, từ Tết đến giờ có được hạt mưa nào đâu. Vào những ngày này chỉ một cơn mưa kéo dài 20 phút đã cứu người làm vườn đến 5 triệu đồng tiền bơm nước. Nhưng phải mưa đúng vụ, nếu sáng nay cà phê ra hoa mà gặp một trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy coi như cả năm mo (đói) luôn, vì bông rụng hết chưa kịp đậu trái”.

Trong đời mình, bạn đã đến Tây Nguyên lần nào chưa! Nếu chưa bạn hãy cố đến vùng đất yên bình này ít nhất hai lần trong đời bạn nhé! Lần thứ nhất vào dịp đầu năm bạn sẽ được nhìn thấy cả rừng hoa, với mùi hương thoang thoảng quanh mình. Dưới bầu trời trong xanh, màu hoa trắng của loài cây kinh tế ở miền sơn cước nổi lên như tấm thảm trời trải dài trên các triền đồi, nhà vườn nhà rẫy của vùng đất bazan. Lần thứ hai vào tháng 11, cả sơn nguyên cà phê chuyển sang màu đỏ bầm, đó là mùa cà phê chín, rộ trên thân cành trĩu hạt. Lúc ấy hàng ngàn con người trải bạt dưới gốc cà phê dùng tay tuốt hột rơi lộp độp trên nền tấm nhựa, râm ran tiếng cười nói gọi nhau, đến chiều các loại xe công nông vận chuyển về nhà. Chỉ vài ngày ủ hột, các nhà vườn  đưa vào máy tuốt vỏ tươi để trở thành cà phê nhân. Cà phê được phơi đầy ắp sân nhà thậm chí phơi theo các con đường nhỏ trong thôn. Người dân gốc Tây Nguyên bây giờ giàu có, nhà xây nền gạch bông, vào ngày Tết rượu cần gần như vắng bóng thay vào đó là hàng chục thùng bia chất cao cả mét. Các thanh niên MNông - Êđê - Bana… ra đường đi xe máy, điện thoại di động cầm tay với mùi nước hoa thơm phức. Tỉ phú từ các buôn làng đã xuất hiện hàng chục năm nay từ loại cây trồng này.

Tuy nhiên để có hạt cà phê nằm gọn trong kho nhà không phải như bài toán cộng. Người làm vườn một nắng hai sương từ trồng, phân, thuốc, chăm sóc, làm bồn, tưới tiêu… cuối cùng trừ chi phí cũng mất đi 50% tổng doanh thu. Ngay tại Di Linh tôi hỏi anh KPrẻoh, dân tộc K’ho về số lượng cà phê năm nay, anh trả lời như thấu kính phân kỳ: “Có 6 tấn chớ mấy!” Thế được bao nhiêu tiền, tôi hỏi tiếp: “Về nhà hỏi vợ đã, giá cả nhảy tưng tưng ai mà nhớ được!”. Anh cười tỉnh queo như hoa cà phê đến mùa lại nở.

Người làm vườn của xứ mình là thế! Cả năm đau đáu vụ mùa, có khi dẫn cả nhà vào rẫy ở cả 10 ngày đợi hái hết cà phê mới về lại nhưng giá vẫn trông chờ vào thị trường.

 * * *

Cứ mỗi lần đi theo bà con lên rẫy, ăn ngủ lại, cùng hái cà phê với họ, tôi lại nhận ra nhận thức mới. Cà phê hoa trắng nhưng giọt cà phê đen, hương cà phê thơm ngọt ngào mà vị đắng. Cũng giống như con người vinh quang và cay đắng luôn song hành với nhau. Ai đã trải qua một thời vật vã mới biết quý giá trị và công sức lao động. Đồng tiền từ lao động chính danh bao giờ cũng mang hình ảnh thật. Những nhà vườn chân đất không ai dám dùng mồ hôi nước mắt để ăn chơi một cách vô bổ. Trong các gia đình có nền tảng văn hóa, bố mẹ bao giờ cũng dạy con cái về giá trị lao động và nhân phẩm. Và ai đó trong xã hội thành đạt không phải đôi bàn tay và bộ óc của mình cũng sẽ tồn tại nhất thời. Suy cho cùng, di sản của dòng tộc để lại không phải bằng tiền. Theo như nhà xã hội học Sofocies: “Trong một gia đình, không có gì làm con cái vui bằng danh dự của người cha, và cũng không có gì làm người cha vui hơn từ thành quả của con cái”

Trần Đại - Nghiêm Truật
.
.
.